TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 24/04/2024

Bộ TN&MT chỉ đạo gấp việc chậm trễ lập danh mục hồ, ao không được san lấp.

14:56 12/05/2022
Logo header Trước tình trạng nhiều địa phương “chưa sát sao” trong việc lập, công bố danh mục ao hồ, đầm phá không được san lấp gây lên nhiều sự việc tranh cãi, Bộ TN&MT đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc thực hiện.

Người dân phản đối việc san, lấp hồ tự nhiên tại quận Long Biên (ảnh: TTXVN)

Thực trạng sau gần 10 năm triển khai
Mới đây, gần 100 hộ dân ở phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên treo băng rôn phản đối, gửi kiến nghị lên các cấp chính quyền về việc không triển khai san, lấp 1,2 ha hồ tự nhiên làm đất ở. Vụ việc thêm một lần nữa cho thấy sự chậm trễ trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các quy định của Pháp luật về tài nguyên nước gây ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội. Người dân không muốn mặt nước tự nhiên, hồ cảnh quan bị san, lấp và thay vào đó là những khối bê tông.
Theo thống kê, từ năm 1995 đến 2016, diện tích hồ trên địa bàn Hà Nội từ 2100ha giảm xuống còn 1165ha, mất gần một nửa. Đến nay con số này vẫn đang có chiều hướng thu hẹp. Hồ được coi là lá phổi xanh, giúp điều tiết khí hậu, tạo cảnh quan, hỗ trợ cho hệ thống thoát nước ở khu vực nhất là mỗi khi mưa to. Không  những thế, hồ còn là một trong những nét đặc trưng của từng vùng đất, mang giá trị lịch sử-văn hóa. 
Lấp hồ thì nhanh, đào hồ thì chậm: dự án xây dựng 25 Công viên hồ điều hoà của TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020 đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tác động của việc đô thị hoá khiến diện tích ao, hồ bị thu hẹp rất nhiều. Nguyên nhân là do việc buông lỏng quản lý, chưa sát sao trong việc tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền. Luật tài nguyên nước năm 2012 tại khoản 7 Điều 6 quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước trong phạm vi địa phương. Bộ TN&MT có trách nhiệm công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp nằm trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Đại diện bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến nay mới chỉ có 30/36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp. Cụ thể là các tỉnh Bắc Kạn, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Nam, Sơn La, Điện Biên, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Kon Tum, Hà Giang, Trà Vinh, Gia Lai, An Giang, Lào Cai, Hậu Giang, Bắc Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Cao Bằng, Tiền Giang, Đắk Nông, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Sóc Trăng với hơn 4.480 hồ, ao, đầm, phá theo quy định của luật.
Ngoài ra, thống kê cho thấy cả nước mới chỉ có 42/63 tỉnh, thành phố đã công bố danh mục nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ và chỉ có 12/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh. Đáng chú ý có những tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh… vẫn chưa ban hành danh mục.
 


Hồ Đại Lải tỉnh Vĩnh Phúc đang bị nhiều doanh nghiệp san lấp, lấn chiếm làm du lịch (ảnh: PL)

Hiện nay, vấn đề đảm bảo an ninh, tài nguyên nước đang được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, tuy nhiên ở một số địa phương, công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được quan tâm, chú trọng và đặc biệt là trong quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh. Thực trạng san, lấp hồ ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài việc gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa dẫn đến việc các nguồn nước ngày càng bị suy thoái, cạn kiệt, giảm khả năng cấp nước cho dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, gia tăng tình trạng ngập, úng, giảm khả năng trữ nước mưa... ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng,…
Bộ TN&MT: cần quan tâm, chú trọng hơn và khẩn trương thực hiện 
Tình trạng nhiều hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, ô nhiễm môi trường xung quanh, giảm hiệu quả trong việc tiêu thoát nước, phòng, chống ngập lụt trong mùa mưa và gây mất an toàn trong việc cung cấp nước cho sinh hoạt, cho các mục đích sử dụng nước thiết yếu trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước trong mùa khô.
Trước đó, ngày 10 tháng 6 năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 3129/BTNMT – TNN gửi UBND tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các Sở, ban ngành khẩn trương rà soát, lập danh mục hồ, sao, đầm, phá không được san lấp để duyệt, công bố.
Mới đây, ngày 24/3, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã ký văn bản số 1493/BTNMT-TNN gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; danh mục nguồn nước nội tỉnh và danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ phục vụ công tác lập quy hoạch cấp tỉnh. Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, thực hiện, tuân thủ các quy định về quản lý tài nguyên nước và phải có trách nhiệm trong việc điều phối giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. 
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sớm phê duyệt, ban hành các danh mục nêu trên nhằm tuân thủ các quy định về quản lý tài nguyên nước, trách nhiệm điều phối giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước. Bên cạnh đó là cơ sở quan trọng trong việc tổ chức, lập Quy hoạch vùng, tỉnh, đặc biệt liên quan đến phần đất có mặt nước, đất hành lang sông hồ để bảo vệ nguồn nước, đất có hồ ao thuộc danh mục cấm san lấp và phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy định của pháp luật về Quy hoạch

Tố Nga

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 160 - 04/2022

Bình luận: 0