COP15 - Cơ hội có tính lịch sử để phục hồi đa dạng sinh học, bảo vệ sao la và bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta
Đã từng một thời, khoảng hơn 20 năm về trước, Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) in dấu chân mình khắp ngóc ngách của núi rừng Trường Sơn. Những lần gặp mặt hoặc nhìn thấy dấu vết của chúng, đối với người dân địa phương không hề hiếm hoi. Nhưng giờ đây, ước tính chỉ còn khoảng 50 cá thể sao la ngoài tự nhiên.
Lần cuối cùng chúng ta nhìn thấy sao la ngoài tự nhiên là năm 2013, thông qua một bức ảnh chụp từ hệ thống máy bẫy ảnh của WWF và đối tác. Câu chuyện của sao la là trường hợp điển hình cho việc mất mát đa dạng sinh học của Việt Nam. Sinh cảnh sống bị suy giảm chất lượng hoặc bị thu hẹp, mắc bẫy của thợ săn, biến đổi khí hậu, khai thác gỗ bất hợp pháp, các hoạt động phát triển không bền vững….là những nguyên nhân đẩy sao la và rất nhiều loài thú khác vào tình trạng hiện nay.
Thế giới cũng mất đi 68% quần thể các loài hoang dã có xương sống trong vòng 50 năm qua. Các nhà khoa học cho rằng chúng ta đang ở giữa cuộc đại tuyệt chủng loài lần thứ 6 và tiếc thay, đây lại là đợt đại tuyệt chủng do con người gây ra.
Cách đây hơn 1 thập kỷ, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã đưa ra cam kết phục hồi đa dạng sinh học với 20 mục tiêu (Mục tiêu AICHI) đầy tham vọng. Nhưng sau 10 năm, khi đánh giá lại việc thực hiện các mục tiêu này, chúng ta đã thất bại. Có rất ít mục tiêu đã đạt được.
Trong khi đó, những khu rừng, đầm lầy, đất than bùn, đồng cỏ và lớp băng vĩnh cửu ở vùng lãnh nguyên, rừng ngập mặn, cỏ biển và các dạng sinh vật biển trong đại dương - những bể trung hòa các–bon khổng lồ giúp hấp thụ đến 280 (GtC) Giga tấn các-bon trên tổng số 550 (GtC) mà loài người đã thải ra - vẫn tiếp tục bị mất đi hoặc suy thoái nghiêm trọng.
COP15 là một Hội nghị mang tính lịch sử để các nhà lãnh đạo trên thế giới đưa ra những cam kết mạnh mẽ để chặn đứng sự suy thoái đa dạng sinh học vào năm 2030 và tiến tới phục hồi hoàn toàn Thiên nhiên vào năm 2050. Tuy nhiên, để có thể đạt được những cam kết đề ra của các chính phủ, rất cần sự góp sức tất cả mọi thành phần trong xã hội từ doanh nghiệp, tổ chức tới các cá nhân.
Thông qua chiến dịch “Giữ lại Dấu chân Sao la", WWF-Việt Nam và Google hy vọng có thể truyền cảm hứng hành động cho công chúng để trong thời gian tới, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hành động tích cực hơn cho thiên nhiên.
Chiến dịch Giữ lại dấu chân Sao la
Chiến dịch “Giữ lại Dấu chân Sao la" do WWF-Việt Nam và Google thực hiện nhằm kêu gọi sự chú ý của công chúng tới Sao la - một biểu tượng của đa dạng sinh học Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Chiến dịch được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, thực hiện vào tháng 7, giới thiệu với công chúng về sao la và tầm quan trọng của chúng đối với đa dạng sinh học qua mô hình Sao la AR 3D trên Google tìm kiếm khả dụng trên thiết bị di động, khiến sao la trở nên gần gũi hơn với người xem trên toàn thế giới.
Ở giai đoạn 2, chiến dịch muốn hướng công chúng tới mất mát đa dạng sinh học - hiện đang diễn ra với tốc độ chưa từng có - đồng thời nhấn mạnh vai trò của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới. Hình ảnh của Sao la AR trong giai đoạn 1 sẽ được tái hiện qua game tương tác với người chơi, qua đó, mỗi cá nhân có thể tự trả lời được câu hỏi: là một cá nhân, họ có thể làm gì để bảo vệ sao la, bảo vệ các loài hoang dã và phục hồi đa dạng sinh học.
Hưởng ứng lời kêu gọi của WWF-Việt Nam, Savills Việt Nam và AEONMALL Việt Nam đã gửi gắm thông điệp đầy ý nghĩa này đến với đông đảo cư dân và khách hàng của mình, góp phần vào sứ mệnh toàn cầu vì đa dạng sinh học.
Giai đoạn này của chiến dịch cũng nhận được sự đồng hành của Hoa hậu H’Hen Niê, Hoa hậu Khánh Vân, Siêu mẫu Minh Tú, MC Liêu Hà Trinh, Beauty blogger Chloe Nguyễn, Blogger An Phương để lan tỏa thông điệp đến với đông đảo công chúng.
Nguồn: WWF