TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 29/03/2024

Cà phê dạo lên ngôi

14:17 14/05/2020
Logo header Người Hà Nội đã không còn lạ gì với những “gánh cà phê” hàng ngày rong ruổi trên phố. Chất lượng ngon, giá rẻ, chuỗi cà phê dạo ngày nào đã dần trở thành một thói quen khó bỏ của nhiều người. Nhất là sau đợt nghỉ giãn cách xã hội thì cà phê dạo đã lên ngôi.

Cà phê dạo chỉ đơn giản là chiếc xe đạp, thùng xốp và những ly cà phê đậm đà khó quên

Cà phê dạo 10.000 đồng ở Hà Nội thực chất chỉ là hình ảnh một người chở thùng xốp sau yên xe máy hoặc xe đạp, dạo qua các tuyến phố. Bên trong thùng đựng đá và cà phê đặc pha sẵn đóng trong những vỏ chai nhựa, mấy hộp sữa đặc, dụng cụ đánh cà phê và chồng cốc nhựa sử dụng một lần. Người uống cà phê dạo cũng đủ thành phần, từ người buôn bán, khách du lịch đến dân văn phòng… Cách thức kinh doanh đơn giản nhưng nhờ chất lượng đồ uống ngon, giá rẻ, phục vụ tận nơi, loại cà phê này nhanh chóng được khách thủ đô ủng hộ. 

Để có được ngày hôm nay, đã trải qua không ít đắng cay trong suốt 20 năm theo nghề bán rong này, Trần Hữu Thời sinh năm 1974 tại Nghĩa Hưng, Nghĩa Thái, Nam Định trong gia đình làm ruộng, nghèo khó mà hiện là ông chủ cà phê dạo nổi tiếng chia sẻ: “Do muốn thoát nghèo, năm 20 tuổi, tôi ra Hà Nội học làm tào phớ, bán hàng rong nhưng không đủ sống. Năm 1998, theo phong trào vào Tây Nguyên lập nghiệp, tôi rủ anh họ cùng hùn vốn, vay mượn thêm họ hàng được 350 triệu đồng mua 5 ha đất trồng cà phê ở Đắk Lắk với hy vọng đổi đời. Ai ngờ, sau 3 năm trồng cà phê, từ năm thứ 4 mới bắt đầu thu hoạch được. Cả năm chỉ trông vào một vụ mà đúng vụ thì cà phê lại mất giá. Lời lãi chẳng thấy đâu, chỉ thấy lỗ. Sau 9 năm bám trụ với đất Tây Nguyên nhưng không có thu nhập, tôi đành chia việc chăm sóc vườn cây cà phê 5 ha cho anh họ rồi vào TP.HCM bán cà phê dạo với giá 5.000 - 7.000 đồng/ly. Tại TP.HCM, dù mỗi ngày bán được hàng chục lít cà phê - mức cao nhất mà những người bán dạo đạt được - anh vẫn nản do lãi thu về cũng không được bao nhiêu, bởi loại đồ uống này quá phổ biến. Do đó, anh quyết định chuyển ra Hà Nội”. 

Bắt đầu triển khai vào năm 2006, anh Thời là người bán cà phê dạo đầu tiên ở Hà Nội. Thời gian đầu, để tiếp thị, anh đi mời uống miễn phí tới khách hàng trong khu phố cổ. Không những không uống, khách Hà Nội còn chê cà phê anh bán là hàng rẻ tiền. “Ngày ấy, người dân nghĩ cà phê chỉ bán trong các cửa hàng sang trọng hoặc hàng giải khát trên mặt phố. Lần đầu thấy loại đồ uống này bán rong, giá lại chỉ 10.000 đồng/ly nên chê hàng của tôi”, anh kể. Tuy nhiên, anh cứ rót cà phê bỏ đó. Quả nhiên, sau tuần đầu tiên mời cà phê miễn phí, anh đã có lượng khách hàng đầu tiên và số lượng hàng bán ra tăng lên nhanh chóng. Ý định về thương hiệu được nảy ra khi một lần nghe khách quen chia sẻ “khi đi du lịch xa lại nhớ cà phê của Thời”. Từ đó, anh in tên lên trên thùng xốp kèm số điện thoại để khách hàng dễ dàng liên lạc mỗi khi thèm loại đồ uống này. Vậy là thương hiệu cà phê mang tên anh ra đời. 

Tới nay, chuỗi cà phê dạo của anh đã có 40 người tham gia bán, đều có thu nhập ít nhất 10 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày, một người bán được 7 - 10 lít cà phê, tương ứng với hơn 1.200 ly. Thi thoảng khách quen nhớ anh chủ hàng rong, gọi điện hỏi thăm anh, anh lại phóng xe cà phê điện tới pha cho khách. Mỗi ngày, các nhân viên của café Thời phải pha ít nhất 200 lít cà phê vào sáng sớm và chiều tối rồi đóng chai 1,5 lít cho 40 người mang đi bán khắp Hà Nội. Cà phê được pha bằng những phin lớn, mỗi phin cho ra 1,5 lít cà phê/ lượt, mỗi lượt pha như vậy là 600g bột cà phê được pha chế theo công thức riêng giá 200.000 đồng/kg. Cà phê được sơ chế tại vườn của gia đình ở Tây Nguyên và chuyển ra Hà Nội. 

Ông chủ Thời chia sẻ, yếu tố sống còn trong công việc của mình là luôn giữ nguyên chất lượng cà phê, quyết không vì lợi nhuận trước mắt mà cho ra những ly đồ uống pha tạp, nhạt nhẽo. Nhờ khai thác thành công thị trường Hà Nội, hiện 5 ha vườn cà phê tại Tây Nguyên của gia đình anh đã có nơi tiêu thụ hết.  

Mô hình cà phê dạo xuống phố

Cà phê dạo đang trở nên quen thuộc với người dân Hà Nội và là một trong những trào lưu bán hàng thu hút ngày càng nhiều người tham gia nhờ vốn đầu tư nhỏ, lãi lớn và thu nhập ổn định. Cũng từ đó, ngày một có nhiều hơn các ông chủ “gánh café dạo” và mỗi người, mỗi ly cà phê của họ lại phục vụ những đối tượng thưởng thức khác nhau, với nhiều hương vị đậm đà khác nhau. 

Mỗi cốc cà phê dạo có giá 10.000đ, được người bán pha chế ngay tại chỗ

Bán cà phê dạo được 5 năm, dọc các tuyến phố Hàng Mã, Lương Văn Can, Đồng Xuân, chị Phương mỗi ngày bán hết 3kg cà phê, tương đương khoảng 200 cốc. Thời gian đầu còn sử dụng xe đạp, nhưng khi lượng khách hàng quen đã quá lớn, chị phải chuyển sang xe kéo để tiện cho việc đi lại, chở và pha chế cà phê. “Tất cả cà phê đều do tự tay chị rang, xay, cùng với một số công thức đặc biệt để có thể tạo ra hương vị riêng, nhiều khách quen mỗi ngày vẫn mua và uống vài bận. Bữa nào không đi bán được, khách lại gọi giục nên phải pha từ nhà và nhờ người chuyển đến” - chị Phương chia sẻ.

Tuy nhìn có vẻ đơn giản, nhưng với mỗi “gánh cafe” thế này, thu nhập hàng tháng có thể giúp người bán đủ mưu sinh và nuôi gia đình.

Đi bán cà phê dạo nhưng theo chia sẻ của những người làm nghề như chị Phương (Hà Nội), anh Tâm, anh Khánh (Nghĩa Hưng, Nam Định), nếu đầu tư xe điện, anh em trong hội bán hàng biết chia cung đường, tạo được những mối khách hàng quen thì công việc này sẽ không vất vả và khó khăn như nhiều người tưởng. Theo chia sẻ của anh Khánh, một nông dân từ Nam Định ra Hà Nội bán cà phê được 2 năm nay, anh chỉ bán quanh khu phố cổ ra tới Hồ Gươm nhưng nhờ cà phê ngon, có khách mua buôn mua lẻ định kỳ nên thu nhập ổn định. Khoản tiền lãi hàng tháng được anh gửi một nửa về phụ giúp gia đình ở quê, nửa còn lại anh chi trả phí sinh hoạt tại thủ đô. Vũ Đoàn (sinh viên năm ba Đại học Bách Khoa), một trong những chàng trai bán cà phê dạo Roam cho biết: “Tranh thủ thời gian và để có thêm thu nhập trang trải đời sống sinh viên, Đoàn đăng ký làm nhân viên bán. Công việc cũng nhẹ nhàng, mỗi sáng đạp xe đến cửa hàng ở đường Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân) lấy một bình cà phê đã pha sẵn, một bình đá, đường và cốc tách rồi chở đi rao”. Phương tiện “hành nghề” cũng khá giản dị gồm một chiếc xe đạp, một thùng hàng in logo café và số điện thoại rao hàng miễn phí. Đoàn cho biết, trung bình mỗi ngày bán được khoảng 30 cốc cà phê, có ngày cao nhất lên tới 60 cốc. Nhiều khách uống quen cũng thường gọi mang đến tận nơi, chủ yếu là nhân viên công sở, chủ cửa hàng và kể cả giao hàng tận nơi giá cũng không thay đổi, chỉ 10.000 đồng. Đoàn kể, trước Tết đạp xe trong tiết trời mùa đông lạnh buốt mà nhiều khi cũng toát mồ hôi, nhưng nghĩ thấy vui vì đã mang một cách thức mới, thay đổi thói quen uống cà phê của người Hà Nội. Anh bật mí, cà phê tuy là pha sẵn nhưng là cà phê sạch, được nhập từ Sơn La và Buôn Mê Thuột. Cứ bán hết một bình cà phê, Đoàn lại đạp xe về cửa hàng lấy thêm vì cà phê để lâu sẽ nguội và có vị chua, không đảm bảo độ thơm ngon cho khách thưởng thức.

“Tôi là giáo già, về hưu, đi bán cà phê không đặt nặng thu nhập mà chỉ để tiếp xúc mọi người, rèn luyện sức khỏe, độ dẻo dai. Có đi bán hàng mới thấy dân phố chợ cũng tươi vui, tình cảm chứ không chao chát, ghê gớm như ấn tượng ban đầu. Cà phê dạo cũng như nhiều món ngon khác của Hà Nội, phải ngon thì mới giữ khách được lâu dài. Bán một món ngon, không chỉ có thu nhập mà còn có thêm niềm vui”, bác Nguyễn Hưng, một giáo viên về hưu rồi mưu sinh bằng nghề bán cà phê dạo chia sẻ.
Mỗi người đến với nghề “cà phê dạo” theo một cách khác nhau. Người thì lo cho cuộc sống mưu sinh, người thì làm vì sở thích với món thức uống tinh tế này, nhưng tất cả họ đều có một điểm chung, đều yêu nghề, yêu cái cách xê dịch và cái sở thích uống cà phê kiểu xê dịch đang dần thịnh của không ít người Hà Nội này.

Nghĩa Huy

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 10 - 20

Bình luận: 0