TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 21/11/2024

Ca Trù - “ Đặc sản” văn hóa dân gian trong lòng phố cổ Hà Nội

20:36 25/06/2020
Logo header Năm 1991 Câu lạc bộ Ca Trù Hà Nội (CLB) được thành lập do nghệ sỹ Lê Thị Bạch Vân cùng một số thành viên sáng lập, lãnh đạo dẫn dắt CLB phát triển, duy trì cho đến ngày nay, đó là các nghệ sỹ, nghệ nhân gạo cội của làng Ca trù Hà Nội: Nguyễn Thị Phúc, Phạm Thị Mùi, Nguyễn Thị Sinh, Đỗ Thị Khuê. Phó Thị Kim Đức, Chu Văn Du, Phó Đình Kỳ, Đinh Thất Ban...

Qua gần 20 năm tồn tại xây dựng, CLB đã trải qua bao khó khăn thăng trầm nhưng vẫn ngày càng phát triển và tới nay, số hội viên đã lên tới hơn 200 người, chưa kể lượng “Fan” và “Big Fan” hâm mộ - Đông đảo hùng hậu nhất trong số tất cả các CLB Ca trù trong cả nước.

Khách quốc tế giao lưu với NS Minh Trang
 
Khách quốc tế chụp ảnh lưu niệm với các NS CLB Ca trù HN

Những lớp hội viên cũ hay còn gọi là lớp gạo cội, những ca nương kép đàn nổi tiếng tuổi nay đã cao, tuy không thường xuyên tham gia đàn hát được nữa nhưng vẫn quan tâm đến sự tồn tại và phát triển của CLB, luôn sát cánh cùng nghệ sỹ ưu tú Lê Thị Bạch Vân đào tạo dẫn dắt lớp ca nương, kép đàn trẻ trưởng thành. Nhiều nghệ sỹ, giảng viên Học viện âm nhạc Hà Nội có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ say mê nghệ thuật Ca Trù đến tham gia huấn luyện và trực tiếp biểu diễn. Nhiều vị khách quốc tế, các nhà hảo tâm, khán giả và đông đảo công chúng Hà Nội say mê Ca Trù luôn ủng hộ CLB Ca trù Hà Nội cả về vật chất lẫn tinh thần. Vì thế rất đều đặn mỗi tuần 3 buổi vào các tối thứ Tư, thứ Sáu và Chủ nhật, tại đình Kim Ngân số 42 phố Hàng Bạc lại sáng đèn như bừng lên luồng sinh khí đón chào du khách và những người hâm mộ Ca trù đến xem các nghệ sỹ là hội viên CLB biểu diễn. Thường sau mỗi đêm biểu diễn, các khán giả là khách du lịch quốc tế đến thăm Hà Nội, người nước ngoài đến làm ăn sinh sống định cư tại Viêt Nam, khán giả thủ đô yêu mến Ca Trù đều nấn ná chưa muốn về ngay. Họ chờ được gặp gỡ giao lưu với các nghệ sỹ để bầy tỏ lòng ngưỡng mộ và tìm hiểu thêm về loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo mang đậm bản sắc của dân tộc Việt. Khách và chủ lúc chia tay, các bạn quốc tế thường đến bắt tay chúc mừng các nghệ sỹ và thốt lên: “Rất hay, rất... rất ấn tượng, rất độc đáo và còn rất... rất nhiều nữa. Chúng tôi sẽ có dịp trở lại. Cám ơn các nghệ sỹ Việt Nam”! Tất nhiên sau đó các bạn còn đòi phải chụp bằng được vài “pô” ảnh để ghi lại những khoảnh khắc đầy ấn tượng và kỷ niệm và khó phai với các nghệ sỹ... Có thể nói không ngoa rằng “Phở” và các món ăn “quà đường phố” Hà Nội là “đặc sản” về ẩm thực đối với khách quốc tế trong khu phố cổ. Còn Ca Trù Hà Nội lại chính là “đặc sản” Văn hóa dân gian truyền thống của người Việt trong lòng phố cổ Hà Nội.

Khách quốc tế giao lưu với NS Quỳnh Ngọc

Khách quốc tế trao đổi về nghệ thuật với các NS trong CLB
 
NSUT Bạch Vân Chủ nhiệm CLB Ca trù Hà Nội

Tuy nhiên, do đa số các đêm diễn chủ yếu phục vụ khách quốc tế cho nên tiếng là CLB Ca Trù nhưng CLB không thể biểu diễn thuần nhất về Ca Trù do rào cản về ngôn ngữ. Đối với loại hình nghệ thuật Ca Trù, ngoài phần âm nhạc thì cái hay, cái hồn cốt của Ca Trù còn là lời thơ, là ngôn ngữ trong mỗi bài hát do nghệ sỹ biểu diễn, mà chỉ có là người Việt thì mới hiểu, cảm nhận và thẩm thấu hết được cái hay, cái tinh túy của Ca trù. Người “Tây”, họ không thể hiểu cái hay của lời bài hát, cái sâu lắng lãng mạn của các bài thơ, sự sâu xa, khúc triết mà thâm thúy của các bài phú, bài nói... Họ chỉ nghe và thưởng thức buổi biểu diễn qua âm thanh, giai điệu, tiết tấu của âm nhạc, cách hát và diễn xướng của ca nương, kép đàn và phần trình diễn của vũ công... Vì thế CLB phải soạn chương trình biểu diễn các tiết mục Ca trù đan xen lồng ghép với các tiết mục thuộc loại hình nghệ thuật khác. Theo đó kết hợp phần trình diễn và giới thiệu các nhạc cụ dân tộc độc đáo để chương trình thêm đa dạng, phong phú hơn, tránh sự đơn điệu nhàm chán, phù hợp với nhu cầu của khách quốc tế. Dẫu biết rằng làm như thế là chưa đáp ứng được mục đích và tiêu chí của CLB, song CLB đã phải linh hoạt trong phương thức hoạt động, trước mắt đành phải làm vậy. 

NSUT, Ca nương Bạch Vân (giữa), NS Quỳnh Ngọc (trái) và NS Minh Trang 
 
NSUT, Ca nương Bạch Vân với bài "Hồng hồng tuyết tuyết"

Đa dạng hóa hình thức biểu diễn, lấy ngắn nuôi dài, có kinh phí mới duy trì hoạt động lâu dài nhằm đạt được cái đích cuối cùng của mình - Đó cũng chính là nỗi lo và trăn trở của Chủ nhiệm CLB, NSƯT Bạch Vân và các nghệ sỹ, nghệ nhân yêu mến tâm huyết với nghề, với nghệ thuật Ca Trù. Câu lạc bộ Ca Trù Hà Nội - điểm sáng trong việc duy trì bảo tồn bản sắc dân tộc, bảo vệ di sản văn hóa Việt rất cần sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, các cơ quan chức năng ngành văn hóa để CLB có điều kiện phát triển, phục vụ tốt khách quốc tế và công chúng mến mộ nghệ thuật Ca Trù và cũng là góp phần trong sự phát triển ngành công nghiệp không khói - ngành Du lịch của thủ đô Hà Nội.

Cao Phong

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 16 - 20

Bình luận: 0