TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
chủ nhật, 24/11/2024

Các hoạt động xúc tiến thương mại giúp nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp

17:57 15/10/2020
Logo header Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn với năng suất và chất lượng ngày càng cao. Để thúc đẩy sự phát triển này thời gian qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (One Commune One Product - OCOP) đã tạo ra bước tiến mới, mang tính “bước ngoặt” trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch ở các địa phương. Điều này sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, giá trị cao, bền vững và từng bước hội nhập thay đổi diện mạo vùng quê Việt Nam.

Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đều được kiểm soát chặt chẽ về quy trình nuôi trồng, sản xuất và chế biến

Là một quốc gia nằm trọn trong vùng khí hậu nhiệt đới, Việt Nam là một nước có điều kiện  khí hậu, thiên nhiên ưu đãi, đất đai ở nước ta cũng rất đa dạng và có độ phì nhiêu cao. Từ những thuận lợi này về tự nhiên và khí hậu đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp cho từng vùng trong cả nước. Tận dụng những thuận lợi từ thiên nhiên đem lại với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam. Ngay từ đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn (OCOP) 2018 - 2020 . Trên quan điểm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng. OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị của từng sản phẩm đồng thời cũng là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Với định hướng phát triển ngành nông nghiệp, nhóm các sản phẩm OCOP có tiềm năng rất lớn nhất, vì nước ta có nhiều vùng khí hậu, địa lý khác nhau và mỗi vùng miền lại có dư địa phát triển các sản phẩm đặc sản chủ lực truyền thống của vùng miền đó. Đặc biệt, khi OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổ chức triển khai đã đáp ứng được đúng nhu cầu của nhiều địa phương, nhất là vùng khó khăn. Sau 2 năm thực hiện, OCOP đã thực sự đi vào cuộc sống, được cả hệ thống chính trị, nhất là người dân nông thôn và những chủ thể hưởng ứng. Tính đến nay, 100% các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đồng loạt phê duyệt đề án, trong đó có 40 địa phương đã triển khai phân hạng và đánh giá sản phẩm OCOP. Chỉ tính riêng với địa bàn Thủ đô, theo Ban Chỉ đạo chương trình thành phố cho biết, thời gian qua, khi chương trình được triển khai trên địa bàn thành phố đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2019, thành phố đã đánh giá, phân hạng tổng số 301 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 207 sản phẩm 4 sao, 88 sản phẩm 3 sao. Đồng thời, trong thời gian qua, trên toàn quốc rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực đã được triển khai với sự ủng hộ nhiệt thành từ các doanh nghiệp, tổ chức, và cá nhân tham gia lĩnh vực nông nghiệp. 

Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đều được kiểm soát chặt chẽ về quy trình nuôi trồng, sản xuất và chế biến

Mới nhất, vào ngày 08/10/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã phối hợp cùng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền gắn với văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng tại đường Vũ Tuấn Chiêu, Tây Hồ, Hà Nội. Chương trình năm nay là nơi hội tụ của 150 gian hàng sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền của các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh bạn trong cả nước. Các đơn vị về tham gia chương trình năm nay đã mang tới rất nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đặc sắc với mong muốn đưa đến cho người dân Thủ đô nói riêng và người tiêu dùng cả nước nói chung có cái nhìn tốt đẹp hơn về các sản phẩm của mình. Đại diện Công ty cổ phần Go Fresh Việt Nam anh Lương Mạnh Thắng cho biết: “Đến với chương trình năm nay, Go Fresh mang đến sản phẩm OCOP là trứng gà và các sản phẩm từ Gà Mía được nuôi bằng thảo dược. Giống gà tại hệ thống trang tại Saschi của Go Fresh là giống Gà Mía thuần có nguồn gốc từ làng cổ Đường Lâm. Được công ty lựa chọn, nhân giống và phát triển có sức đề kháng tốt nhất với dịch bệnh bằng những loại thảo dược tự nhiên như chùm ngây, đinh lăng, hoài sơn,...được trộn trong thức ăn và nước uống cho gà từ đó trong suốt quá trình chăn nuôi hoàn toàn không phải sử dụng kháng sinh tổng hợp. Kết hợp với quy trình chăn nuôi tiên tiến đã giúp nâng cao chất lượng trứng và thịt từ gà, đem lại một sản phẩm chứa nhiều vitamin và các khoáng chất: Protein, Lipit, B1, A, E, C, Sắt, Photpho, Canxi...rất tốt cho người tiêu dùng”.  

Những chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm như đã diễn ra vừa qua cần được triển khai mạnh mẽ và đa dạng hơn nữa. 

Bên cạnh hoạt động trưng bày và quảng bá sản phẩm, các hoạt động văn hoá nghệ thuật đặc trưng của các tỉnh đồng bằng sông Hồng như hát ca trù, hát xẩm, cụ đồ viết thư pháp, làng nghề nặn tò he, trải nghiệm làng nghề Bát Tràng… cũng sẽ được thực hiện trong thời gian diễn ra sự kiện. Một điều dễ nhận thấy rằng Chương trình không chỉ là nơi kết nối giao thương các sản phẩm OCOP. Thông qua đây, các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiềm năng sẽ có cơ hội tiếp cận các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online… để người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP. Theo đại diện Công ty Cổ phần sữa Ba Vì: “Qua hội chợ các sản phẩm đạt tiêu chuẩn sẽ được quảng bá, đưa đến tận tay người tiêu dùng. Tại thị trường Việt Nam, hầu hết các sản phẩm trong đó có sữa chua Ba Vì và các sản phẩm từ Công ty Cổ phần sữa Ba Vì được người tiêu dùng đánh giá rất tốt. Để có thể phát triển ra các thị trường khó tính hơn nữa, cũng rất mong ban tổ chức sẽ là những người đứng ra kết nối với các Sở Công Thương, cơ quan chức trách nước bạn, đặc biệt là Trung Quốc vì đây là một thị trường tiêu thụ sản phẩm rất lớn từ đó có thể đem các sản phẩm OCOP của nước ta đi dự các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm”.

Trong giai đoạn tới việc ứng dụng công nghệ số, kỹ thuật số sẽ là các giải pháp trọng tâm cho việc nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP. Điều này thực sự cần thiết nhưng triển khai ứng dụng làm sao để các công nghệ này không chỉ hỗ trợ trong công tác quản lý Nhà nước, mà phải là một nội hàm, giá trị gia tăng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cần phải được tính toán một cách phù hợp nhất. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường hỗ trợ mở thêm nhiều kênh tiêu thụ, kết nối cung - cầu, đẩy mạnh hơn nữa kênh tiêu dùng hiện đại, thông qua hệ thống thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông để không chỉ các chủ thể, cơ quan quản lý nhà nước hiểu biết về OCOP mà cả người tiêu dùng cũng có thể tiếp cận được chương trình.

Đức Đông

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 32 - 20

Bình luận: 0