TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 01/05/2024

Cần có biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng

17:18 27/05/2021
Logo header Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đâu đâu cũng thấy công trường xây dựng với những chiếc cần cẩu tháp dài hàng chục mét thường xuyên vươn ra khỏi khuôn viên công trường, quét nửa vòng tròn để cẩu nguyên vật liệu mà không có bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào.

Khảo sát một vòng các công trình xây dựng, chúng tôi chứng kiến một công trình xây dựng trên địa bàn quận Hoàng Mai có một cẩu tháp chiều dài hơn 40 mét thi thoảng quay một vòng qua đường con đường trong khu đô thị vào giờ tan tầm, trông rất nguy hiểm. Nhìn dòng phương tiện giao thông tấp nập dưới cẩu tháp, nhiều người thấy lo ngại nếu xảy ra sơ suất nhỏ trong quá trình vận hành thì hậu quả thật khôn lường. Anh Nguyễn Văn Hồng ở KĐT Kim Văn Kim Lũ, Đại Kim, quận Hoàng Mai cho biết, ngay sát tòa nhà anh có một công trình đang xây dựng, có chiếc cẩu tháp trông rất đáng sợ, bởi lẽ, phần đối trọng của cần cẩu luôn quay ra đường, tôi sáng ra đi làm và tối đi làm về luôn đi qua đây những ở đây không có một biển báo nào và cũng không có người hướng dẫn hay là có biển báo cho các phương tiện và người đi đường biết hoạt động của cẩu tháp.

Cần cẩu tháp vươn ra ngoài đường khu vực quận Hoàng Mai gây nên sự sợ hãi cho người dân

Theo tổng kết trong năm 2020 trên cả nước có khoảng 8.376 vụ tai nạn lao động, số người chết là 966 người và 1.897 người bị thương nặng, Hà Nội tuy là địa phương có số vụ tai nạn đứng thứ 5 nhưng là là địa phương đứng thứ 2 trên cả nước số người thương vong. Rất nhiều lần xảy ra các vụ tai nạn trong quá trình thi công xây dựng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tuy nhiên, vẫn chưa có biện pháp gì để cải thiện tình trạng này. Phần lớn, công nhân ngành xây dựng là lao động thời vụ và lao động tự do, nhiều người chưa qua đào tạo nên không có kỹ năng nghề nghiệp bài bản, do đó ý thức bảo hộ lao động chưa cao, ít khi quan tâm an toàn lao động. Trong khi đó, một số nhà thầu phụ hoặc đơn vị thi công lại sử dụng các thiết bị, máy móc cũ không đạt yêu cầu, không có người giám sát cảnh báo an toàn đúng chuyên môn..., vì vậy khi triển khai công việc thường không đúng quy trình. Theo thông tư 04/2017/TT-BXD, của Bộ Xây dựng quy định về quản lý an toàn lao động (ATLĐ) trong thi công xây dựng công trình, nhà thầu phải chịu trách nhiệm chính trong quá trình thi công xây dựng. Cụ thể, trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về ATLĐ, kế hoạch này được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường; tổ chức bộ phận quản lý ATLĐ theo quy định và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về ATLĐ đối với phần việc do mình thực hiện; nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm kiểm tra công tác quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng; tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất ATLĐ cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình; dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố gây mất ATLĐ…

Trước tình trạng mất an toàn trong lao động trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã có nhiều văn bản yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm theo thẩm quyền. Việc vận hành, sử dụng cẩu tháp bắt buộc phải tuân thủ theo các quy định của Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 13/4/2012 của UBND thành phố Hà Nội về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định quản lý sử dụng, vận hành cần trục tháp trong thi công xây dựng. Cụ thể, đối với các trường hợp vùng hoạt động của cần trục tháp vượt ra khỏi phạm vi công trường, có nguy cơ ảnh hưởng tới giao thông đi lại của người dân và công trình lân cận thì chỉ cho phép cần trục tháp đó hoạt động trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, và phải bảo đảm đầy đủ hệ thống cảnh báo, cảnh giới, người hướng dẫn an toàn giao thông theo quy định. Tuy nhiên, đây lại là lỗi thường gặp nhất đối với các cẩu tháp tại nhiều công trình xây dựng.

Thời gian tới, cùng việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người lao động, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn lao động tại các đơn vị, công trường xây dựng. Đồng thời xử phạt nghiêm minh những nhà thầu, đơn vị tắc trách trong việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng.

Lê Dũng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 63 - 21

Bình luận: 0