Cần có một dòng phim nghệ thuật
Hiện nay, phim truyền hình Việt Nam rất phát triển. Số lượng phim ra đời hàng năm ở tất cả các đài truyền hình trên cả nước phải tới vài trăm bộ. Đó là điều đáng mừng, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân. Việc Đài Truyền hình Việt Nam ưu tiên thời lượng phát sóng cho phim truyền hình nội là cần thiết. Để đáp ứng chỉ tiêu số lượng phim phát sóng hàng năm, các đài truyền hình phải cho ra đời tác phẩm bằng mọi cách. Điều đó đã dẫn đến việc tạo nên những bộ phim dễ dãi, nội dung tư tưởng nông cạn, hời hợt, chất lượng thẩm mĩ thấp khiến người xem ít có cảm tình cũng là điều dễ hiểu, khó tránh. Loại trừ một tỷ lệ còn khiêm tốn những phim truyền hình có chất lượng, được công chúng ưa thích thì nhìn chung, tỷ lệ lớn hơn là những phim thuộc hàng “thường thường bậc trung” hoặc vô thưởng vô phạt, phim “lành” nhưng không “mạnh” tuy cũng chuyển tải được ý đồ của các tác giả về một số khía cạnh tư tưởng nào đó. Nói chung, kể chuyện bằng hình ảnh là chính. Người xem có trình độ văn hóa thấp cũng dễ dàng hiểu ngay được phim nói gì, đoán biết được kết cục ra sao. Có thể nói việc biểu hiện nội dung cốt truyện khá “thật thà”. Rất hiếm thấy những tìm tòi, sáng tạo, những thủ pháp độc đáo gây ấn tượng thú vị. Xem xong phim, rất ít khi khán giả bị ám ảnh, day dứt bởi nội dung đặt ra trong phim. Nếu thuần túy chỉ để giải trí cũng chưa đạt được vì người ta ít nhiều dị ứng, thấy kém hào hứng khi phải “thưởng thức” những phim nhạt nhẽo, vô bổ. Với những phim này, cảm giác chính là tiếc thời gian, tiếc cho sự tổn hại về năng lực cảm thụ thẩm mĩ.
Tuy nhiên, những phim truyền hình hiện nay vẫn có thể tiếp tục phát triển, để đáp ứng số đông người xem đại trà với mặt bằng dân trí chưa cao. Bên cạnh đó, cần đáp ứng một đối tượng khán giả khác - số này càng ngày càng nhiều hơn là điều đáng mừng - ấy là những người xem khó tính, có trình độ hiểu biết cao. Họ luôn có “gu” thẩm mĩ sành, không vừa ý với những giá trị tầm thường. Chính nhờ đối tượng công chúng này mà văn học nghệ thuật mới có thể phát triển về chất lượng và việc ra đời dòng phim nghệ thuật là rất cần thiết để thỏa mãn nhu cầu chính đáng rất đáng được trân trọng của họ. Vậy như thế nào được coi là phim nghệ thuật, khác với những phim truyền hình ra đời đại trà hiện nay? Đó là những bộ phim giàu yếu tố văn học, đậm tính nhân văn, với mọi sự phối hợp công phu, chọn lọc (âm nhạc, thiết kế, diễn xuất của diễn viên, quay phim…). Những phim loại này nên là một tập hoặc vài, ba tập. Nhân vật không cần nhiều, bối cảnh cần thu hẹp để giảm thiểu kinh phí. Lời thoại cần được tiết chế mà chủ yếu là biểu hiện nội tâm qua hành động, qua diễn xuất của diễn viên với việc biểu cảm đặc biệt của đôi mắt (tình trạng phổ biến của phim truyền hình Việt Nam hiện nay là đối thoại quá nhiều, dường như biểu hiện nội dung phim chủ yếu qua lời thoại). Đến đây, hẳn nhiều nhà làm phim truyền hình sẽ lên tiếng: “Phim truyền hình khác với phim nhựa. Những điều các vị nói là của phim nhựa bên điện ảnh. Người ta có kinh phí gấp nhiều lần với cách làm riêng nên sẽ đạt được, còn phim truyền hình của chúng tôi có đặc thù, tính chất riêng. Không nên lẫn lộn giữa hai thứ ngôn ngữ”. Vâng! Có thể là như thế. Nhưng xin hãy đứng ở góc độ người xem (ngoại đạo) để nhìn nhận vấn đề: Làm sao người ta có thể phân biệt điện ảnh và truyền hình, phim nhựa và phim video? Và cũng làm sao phân biệt phim do đài truyền hình và phim do các hãng phim truyện nhựa (điện ảnh) sản xuất chiếu trên ti-vi, nếu không đọc nhãn hiệu đơn vị? Cứ theo quan niệm như hiện nay thì vô hình chung, mặc nhiên đã coi chỉ phim nhựa (điện ảnh) mới cần đầu tư để tạo nên giá trị nghệ thuật, còn phim truyền hình thì không cần (?). Có lẽ điều này đã giải thích tình trạng chất lượng yếu kém của nhiều phim truyền hình hiện nay như đã nói.
Dẫu sao cũng không thể phủ nhận một thực tế: Tuy không nhiều nhưng đã từng có những phim truyền hình hay, đạt chất lượng nghệ thuật, khiến người xem ưa thích hơn hẳn nhiều phim nhựa (điện ảnh) - những phim mà chỉ chiếu may lắm được một lần rồi vĩnh viễn cất vào kho. Vậy thì bản thân thể loại đâu có “tội”? Thể loại không tự nó tước bỏ giá trị hoặc độc quyền nghệ thuật, mà là quan niệm và tài năng của con người. Phim truyền hình không thể lép vế so với phim nhựa, nếu không nói ưu thế phục vụ còn hơn do có số lượng công chúng thưởng thức đông gấp nhiều lần.
Trong một xã hội phát triển, các tầng lớp công chúng ngày càng phong phú về trình độ, sở thích, “khẩu vị”. Đó là một quy luật tự nhiên. Văn nghệ cần phải đáp ứng họ, không nên chỉ “ưu tiên” riêng một đối tượng nào. Không thể chỉ vì phục vụ số đông người mà bỏ quên một số lượng người xem (không ít) luôn muốn thưởng thức những giá trị nghệ thuật cao. Đó mới đích thực là một công chúng thưởng thức lý tưởng. Việc ra đời một dòng phim truyền hình nghệ thuật đang bàn chính là xuất phát từ điều đó.
Nguyễn Đình San
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 57-21
Tin tức liên quan
- FAMINUTS HOUSE - THẾ GIỚI CHẠY BỘ CÓ MẶT TẠI KHU ĐÔ THỊ SALA (01:50 09/05/2024)
- Trường Đại học International American cấp bằng Tiến sĩ danh dự cho NTK Quỳnh Paris. (01:53 01/05/2024)
- TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA CỦA PHỤ NỮ, NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ HÒA NHẬP XÃ HỘI TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP LĨNH VỰC LOGISTICS (09:23 01/04/2024)
- “Sài Gòn Chill” đánh dấu sự hợp tác giữa MC Thi Thảo và Nhạc sĩ Đỗ Hoàng Linh (12:40 14/03/2024)
- Nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quyết liệt thực hiện công tác tư pháp năm 2024 (09:20 26/12/2023)