TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 22/11/2024

Cần đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn vấn nạn bắt cóc trẻ em

18:13 03/09/2020
Logo header Thời gian gần đây tình trạng bắt cóc trẻ em đã xảy ra tại nhiều địa phương, những đối tượng bắt cóc trẻ em đã dùng các thủ đoạn tinh vi, táo tợn để thực hiện dã tâm gây nhiều hệ lụy cho xã hội và làm tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tâm lý, sức khỏe và tính mạng của trẻ em, gây đau khổ cho nhiều gia đình và hoang mang trong cộng đồng. Trước thực trạng này, hơn bao giờ hết mỗi người dân chúng ta cần phải đề cao cảnh giác, phát hiện và có biện pháp thông tin để phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền ngăn chặn, phanh phui và xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi bắt cóc trẻ em.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Các vụ bắt cóc trẻ em có tần suất ngày càng nhiều hơn, với nhiều cách thức, thủ đoạn táo tợn, nhiều vụ việc xảy ra chứng tỏ thủ phạm có nghiên cứu, tính toán kỹ. Một ví dụ như vụ việc ngày 01/11/2011, chị Trần Thị Thơm (trú tại huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội), bé trai vừa tròn 3 ngày tuổi đã bị đối tượng Nguyễn Thị Lệ (SN 1982, quê Bắc Giang) bắt cóc. Trước đó Lệ đã lên kế hoạch, đóng giả làm nhân viên y tế, nói với chị Thơm đưa cháu đi xét nghiệm. Sau đó Lệ đưa thẳng cháu bé về nhà ở Bắc Giang. Sau khi bị bắt, ngày 9/4/2012, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Thị Lệ 4 năm tù về tội chiếm đoạt trẻ em... Tiếp theo, ngày 8/01/2014, chị Nguyễn Thị Minh Tâm sinh con tại bệnh viện Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, được chồng đi theo chăm sóc. Đối tượng Nguyễn Thị Bích Trâm (25 tuổi) với ý định bắt cóc bé sơ sinh đem bán, đã vào phòng nói dối là người nhà bệnh nhân. Khi chồng chị Tâm ra ngoài mua cơm, thị Trâm đã bế trộm bé trai bỏ trốn. Ngày 13/01/2014, Trâm đã bị Công an quận 7 bắt giữ, qua đó lần ra manh mối đường dây mua bán trẻ em ở các bệnh viện phía Nam. Một vụ việc khác là vào tháng 5/2016, Công an huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã bắt giữ Quang Thị Loan (SN 1983, ở Tương Dương, Nghệ An) cùng 3 đồng phạm. Các đối tượng này đã bắt cóc bé gái Moong Thị Tân Mão, sinh năm 2011 và đưa cháu lên Móng Cái, Quảng Ninh để bán cho một người Trung Quốc. Lực lượng công an cũng giải cứu thành công và bàn giao cháu an toàn cho gia đình… Tiếp đó, ngày 7/11/2015, cháu Vũ Văn Tuấn, 3 tuổi (con anh Vũ Văn Tụ và chị Nguyễn Thị Thơm, phố Tây Trà, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đang ngồi trước cửa nhà chơi thì một nam thanh niên đi xe máy tới, nhanh chóng bế cháu lên xe phóng đi, sau khi để lại một mảnh giấy có ghi số điện thoại và nội dung yêu cầu gia đình chuẩn bị sẵn 20 triệu đồng để chuộc cháu. Được gia đình báo cáo vụ việc, Công an thành phố Hà Nội đã điều tra, bắt giữ đối tượng Lương Tiến Trung (24 tuổi, trú tại phường Trần Phú, quận Hoàng Mai), là người bắt cóc cháu bé, có quan hệ họ hàng với gia đình nạn nhân… Vụ tiếp theo là ngày 21/7/2016, cháu Nguyễn Văn Khang, 2 tuổi, (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) bị các đối tượng Nguyễn Văn Toản, sinh năm 1983 và Tăng Văn Chung, sinh năm 1991, cùng quê huyện Hậu Lộc, bắt cóc và đưa cháu bé về nhà Toản giấu nhằm mục đích tống tiền để mua ma túy. Sau đó được tin báo, lực lượng chức năng đã điều tra, phát hiện và bắt giữ các đối tượng, đồng thời giải cứu, đưa cháu bé về bàn giao cho gia đình...

Còn một số trường hợp trẻ em bị bắt cóc chưa tìm và giải cứu được. Ví dụ vụ việc cháu Lương Thế Vương, sinh năm 2012, ở xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt, mất tích ngày 21/6/2015, gia đình cháu đã đi khắp nơi nhưng vẫn chưa tìm kiếm được con. Hoặc như trường hợp hai cháu Nguyễn Thị Trang, sinh năm 2007 và Tạ Thu Trang, sinh năm 2006, là chị em họ, cùng ở xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, ngày 14/5/2016, cả hai xin gia đình cho đến nhà bà ngoại chơi, rồi từ đó đến nay vẫn chưa về. Một trường hợp khác là vào ngày 22/7/2016, cháu Nguyễn Minh Châu, 4 tuổi, con gái chị Dương Thị Lân (thường trú phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) ở nhà cùng bà ngoại. Bà chỉ đi khoảng 5 phút mua cháo cho cháu, nhưng khi về đến nơi thì không thấy cháu đâu, chỉ còn lại đôi dép của cháu trước cửa nhà... 

Gần đây nhất, dư luận xã hội lại dậy sóng về vụ việc cháu bé Nguyễn Cao Gia Bảo, 2 tuổi, trú tại thành phố Bắc Ninh, trong khi đi chơi với bố tại công viên, đã bị đối tượng Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, quê Cao Bằng) bắt cóc đưa về Tuyên Quang. Sau khi bị bắt, tuy đối tượng biện minh rằng bắt cóc cháu bé về nuôi để nối lại tình cảm với chồng cũ, nhưng rất nhiều người vẫn nghi vấn và cho rằng rất có thể đối tượng bắt cóc cháu bé để bán sang Trung Quốc...

Thủ đoạn phạm tội ngày càng thêm phức tạp, ngang nhiên và táo tợn, tinh vi. 

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực, thủ đoạn phạm tội bắt cóc của các đối tượng đang ngày càng thêm phức tạp, ngang nhiên và táo tợn, tinh vi hơn. Để đạt được mục đích, trong trường hợp bắt cóc trẻ sơ sinh, nhiều đối tượng đã đóng vai y tá, bác sỹ trong các bệnh viện, hoặc giả danh là người nhà bệnh nhân, người đi chăm người ốm để lân la làm quen, chờ thời cơ bắt cóc trẻ. Còn trong trường hợp muốn bắt cóc trẻ là học sinh tiểu học, trẻ học mẫu giáo, chúng có thể giả danh người nhà của trẻ, hoặc người quen, thậm chí là người lái taxi, xe ôm, người được bố mẹ trẻ nhờ đón, để lừa các cô giáo, người trông trẻ tại các cơ sở mẫu giáo, rồi nhanh chóng đưa các cháu đi...

Cạnh đó, các đối tượng bắt cóc có thể “chớp thời cơ”, bắt cóc luôn các cháu, khi bắt gặp đang chơi một mình ngoài đường, hoặc ngay cả khi đi cùng bố mẹ ra nơi công cộng (siêu thị, trường học, khu vui chơi giải trí) nhưng chạy xa khỏi bố mẹ, hoặc bố mẹ sao nhãng không để ý đến con. Lúc đó các đối tượng bắt cóc sẽ tìm cách tiếp cận, rồi dụ dỗ các cháu qua cách nói chuyện, cho ăn bánh kẹo, cho đồ chơi ... và lợi dụng sự ngây thơ của các cháu để đưa các cháu đi. Thậm chí, nhiều đối tượng vì bị thúc bách về tiền (như nợ nần, nghiện hút...) sẵn sàng bắt cóc chính con, em, cháu, con bạn bè của mình để tống tiền gia đình, họ hàng, người thân; trong trường hợp này, gia đình nạn nhân khó có thể nghi ngờ thủ phạm lại chính là người nhà, người thân của mình, và việc tìm kiếm lại càng trở nên khó khăn hơn...

Làm thế nào để có thể ngăn chặn, phòng chống loại tội phạm này

Theo Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì thông thường, các đối tượng bắt cóc chủ yếu nhằm các mục đích sau: Tống tiền, buôn bán trẻ em (chiếm đoạt tài sản) và có thể có cả nguyên nhân nhằm trả thù cá nhân, trong đó mục đích chiếm đoạt tài sản là chủ yếu. Để đạt được mục đích về chiếm đoạt tài sản, chúng sẽ sử dụng các phương thức như liên lạc với người thân của trẻ để yêu cầu chuyển tiền; móc nối với đường dây buôn bán người để bán ra nước ngoài lấy tiền; thậm chí sát hại trẻ lấy bộ phận cơ thể bán... Đây đều là những hành vi vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn gây tổn hại về tinh thần, về sức khỏe và tính mạng cho nạn nhân cũng như gia đình và những người thân thích của họ. Nếu phạm tội loại này, đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134); Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120).

Để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bị bắt cóc, cần có sự quan tâm, chăm sóc và bảo vệ của gia đình, nhà trường, cộng đồng và của cả xã hội. Trong đó vai trò của gia đình, nhà trường là đặc biệt quan trọng. Một trong những biện pháp hiệu quả trước hết, đó là giáo dục, rèn luyện cách ứng xử, cùng các kỹ năng cần thiết nhằm đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc. Ví dụ: dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình. Dạy cho trẻ biết cách tránh tiếp xúc, gần gũi với người lạ, không đi theo người lạ, không được nhận bất cứ đồ vật (bánh kẹo, đồ chơi…) của người lạ. Dạy trẻ cách nhận biết một số đối tượng có thể tin cậy và nhờ vả gồm các thầy cô giáo, hoặc các chú công an, bảo vệ (dễ nhận ra vì họ mặc đồng phục)... để nhờ giúp đỡ, thông báo về gia đình nếu có điều kiện trong khi bị bắt cóc. Đồng thời, trong điều kiện thông tin rộng mở như hiện nay, cần dạy trẻ không được đăng công khai những thông tin cá nhân hoặc gia đình của mình lên trên mạng. Không làm quen với người lạ trên mạng... ngay cả bản thân người lớn cũng tuyệt đối không đưa lên mạng xã hội những thông tin cá nhân của trẻ, địa chỉ cụ thể nơi con học, vì qua đó bọn tội phạm có thể phát hiện và phát sinh âm mưu bắt cóc trẻ.

Trong trường hợp trẻ bị bắt cóc, cha mẹ cần ngay lập tức thông báo và hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng, tuyệt đối không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng phá án để bảo đảm an toàn tính mạng cho trẻ. Trong bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bắt cóc, vai trò của các cơ quan chức năng cũng vô cùng quan trọng. Trong đó lực lượng công an, cần chủ động phối hợp, làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc diễn biến, tình hình hoạt động của tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, kịp thời phát hiện các băng nhóm tội phạm chuyên bắt cóc, tống tiền để ngăn chặn và đấu tranh kịp thời. Lực lượng công an cũng cần thường xuyên phối hợp với báo chí, chính quyền địa phương, nhà trường, các cơ quan, đoàn thể... thông báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm bắt cóc trẻ em để tuyên truyền, hướng dẫn cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giáo viên, cán bộ nhà trường, phụ huynh học sinh nắm được. Từ đó, kịp thời phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn bắt cóc trẻ em tại khu dân cư hay trường học. Đồng thời hướng dẫn cho đông đảo nhân dân cách phòng tránh, ngăn ngừa và đấu tranh chống loại tội phạm này. Cạnh đó, các cơ quan pháp luật cần nhanh chóng điều tra, xác minh, khởi tố và xét xử kịp thời, có những bản án thật nghiêm khắc, đúng người đúng tội, đủ sức răn đe với loại tội phạm bắt cóc trẻ em hiện nay.

Đào Nguyên Lan

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 26 - 20

Bình luận: 0