TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 26/04/2024

Cần tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển

16:17 09/04/2020
Logo header Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 khiến công việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên toàn quốc rơi vào tình trạng bất ổn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh. Đây được coi là hành động tiếp sức kịp thời từ Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nghề mộc mỹ nghệ dân dụng đang có hướng phát triển mạnh, nhưng do thiếu mặt bằng sản xuất nên còn nhiều bất cập trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường

Với tinh thần chỉ đạo hành động, Chỉ thị 11/CT-TTg quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và các Ban chỉ đạo địa phương phòng chống dịch Covid-19; Tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm đang bùng phát, lan rộng ở nhiều quốc gia như hiện nay; có các phương án, giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với mọi tình huống, không để bị bất ngờ. Đồng thời thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra theo Kết luận của Trung ương và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Tập trung đánh giá, phân tích những hạn chế, bất cập của nền kinh tế từng ngành, lĩnh vực và khu vực doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn, có sức đề kháng và khả năng thích ứng với các biến động từ bên ngoài và bên trong, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ mới, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước.

Làng nghề mộc mỹ nghệ ở xã Yên Ninh

Những giải pháp cụ thể được người đứng đầu Chính phủ đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng, doanh nghiệp đó là: Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại và thanh toán điện tử; Rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp; Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu; Khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; Tập trung xử lý vướng mắc về lao động; Đẩy mạnh thông tin, truyền thông. Theo đó các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung quán triệt, khẩn trương có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị; làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân về các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 theo tinh thần của Chỉ thị; tuyệt đối tránh xin cho, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xử lý những vướng mắc phát sinh, định kỳ hàng tháng báo cáo tình hình thực hiện, đề xuất giải pháp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ…

Đối với ngành nông nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lan rộng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, ảnh hướng lớn đến ngành nông nghiệp này. Bộ NN&PTNT đánh giá cao những cố gắng của các hiệp hội, ngành hàng cùng với cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản với quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, khát vọng phấn đấu thúc đẩy ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản phát triển nhanh, bền vững. Trong thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 có diễn biến khó đoán định, cho nên Bộ đề nghị Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát huy tâm – tài – trí, tìm cơ hội trong nguy nan, đồng thời xem đây là lúc nhận biết rõ hơn những phần yếu kém để tiếp tục tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị điều kiện tốt nhất để bù vào những thiệt hại do thời gian bị gián đoạn ngay sau khi dịch bệnh kết thúc. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị: Trước mắt, các doanh nghiệp cần kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố - nơi doanh nghiệp đóng trên địa bàn về những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và đề xuất giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn nhằm duy trì sản xuất, ổn định doanh nghiệp, đồng thời giải quyết đời sống của người lao động. Vận động, động viên tinh thần tương trợ giữa doanh nghiệp và người lao động, cùng với quan tâm, đãi ngộ phù hợp với người lao động để vượt qua khó khăn trước mắt với mong muốn “không để ai lại phía sau”.

Chia sẻ những khó khăn hiện tại với phóng viên Tri Thức Xanh, chủ một doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất gỗ tại khu công nghiệp An Xá, thành phố Nam Định cho biết: “diễn biến của dịch bệnh Covid-19 khiến cho thị trường lâm sản vốn đã khó khăn từ mấy năm trước, nay lại càng trở nên bấp bênh. Sự lưu thông hàng hóa gần như tê liệt, công nhân không có việc, trong khi đó doanh nghiệp vẫn phải gồng mình để chi trả lãi do vay vốn ngân hàng, đó là còn chưa kể đến những khoản thuế, phí khác”; Chủ doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ Huế Lan, thuộc huyện Ý Yên lại nêu ý kiến: “Tuy nước ta có nhiều nguồn nguyên liệu quý, có thể cung cấp cho sản xuất tại các làng nghề nhưng lại thiếu các quy hoạch cụ thể và phù hợp. Công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm của làng nghề chưa mạnh, quy mô nhỏ theo hướng “mạnh ai nấy làm”, chưa có chiến lược quảng bá chung cho các sản phẩm làng nghề khiến doanh nghiệp phải tự mình đi tìm đầu ra cho sản phẩm khá chật vật. Bên cạnh đó thì việc sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ dân dụng đang có xu hướng phát triển tốt bởi những năm gần đây mặt hàng này đã chiếm được ưu thế trong thị trường, nhưng về điều kiện mở rộng sản xuất tại các làng nghề vẫn còn hạn chế bởi mặt bằng để sản xuất thủ công theo quy trình dây chuyền còn thiếu nên doanh nghiệp chỉ mới phát triển ở mức độ tạo công ăn việc làm cho thợ và người lao động chứ chưa dám đầu tư, mở rộng”.

Trong lần gặp mặt đoàn đại biểu Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cuối năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ có cơ chế thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đại diện Hiệp hội cho rằng cần phân loại doanh nghiệp để doanh nghiệp vừa có chính sách riêng, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có chính sách hỗ trợ riêng. Một số dịch vụ công của các bộ, ngành nên chuyển cho các hiệp hội thực hiện. Một số bất cập, vướng mắc thời gian qua, cũng như một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được triển khai hay triển khai không hiệu quả, lãnh đạo Hiệp hội cho rằng cần tiến hành tổng kết các chương trình, chính sách sau 2 năm triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để có điều chỉnh phù hợp hơn, sát với thực tế, tạo động lực cho doanh nghiệp…

Ghi nhận ý kiến của Hiệp hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng sự phát triển lành mạnh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua, với tốc độ nhanh, đặc biệt là những đóng góp cho sự phát triển đất nước, điều đáng mừng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khát vọng phát triển mạnh mẽ để xây dựng đất nước, đồng thời có mong muốn đổi mới hơn nữa về cơ chế, chính sách của Nhà nước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, bởi đây là một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đóng góp cho Chính phủ trong công cuộc cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, xây dựng môi trường văn hóa, quan tâm đến an sinh xã hội. Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập hợp, trình Chính phủ để cùng các bộ, ngành giải quyết, tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển.

Hiền Anh – Nguyễn Hân

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 05 - 20

Bình luận: 0