Cần thay đổi “lối mòn” sản xuất, chế biến gỗ để thế mạnh được tận dụng
Hoạt động nghiền dăm gỗ của một công ty tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa
“Lối mòn” sản xuất, chế biến gỗ đang dần đánh mất giá trị sản phẩm.
Mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2019 cho biết: diện tích đất có rừng tính đến ngày 31/12/2019 là 14.609.220 ha, trong đó, rừng tự nhiên là 10.292.434 ha, rừng trồng là 4.316.786 ha. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc là 13.864.223 ha, tỷ lệ che phủ là 41,89 %. Nắm bắt được tiềm năng từ cây gỗ, nhiều tổ chức, cá nhân mạnh dạn góp vốn đầu tư sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước cũng như việc xuất khẩu đi nước ngoài, đặc biệt là dăm gỗ. Chỉ sau hơn chục năm sản xuất và xuất khẩu dăm gỗ, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu dăm lớn nhất thế giới.
Được biết, dăm gỗ là sản phẩm được tạo ra sau quá trình nghiền, ép những cây gỗ, khúc gỗ to bằng những máy nghiền có công suất lớn. Những máy nghiền công nghiệp có công suất lớn này có thể nghiền được từ 10 đến 20 tấn/giờ. Hiện nay, lượng gỗ dăm sản xuất tại nước ta chủ yếu xuất khẩu đi các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, và một số nước Châu Âu nhằm phục vụ nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm gỗ sau dăm như bột giấy, chế biến đồ gỗ nội thất…và làm nguyên liệu đốt.
Ngay từ năm 2011, Australia - một nhà cung cấp dăm gỗ lớn nhất trên thế giới trong gần 20 năm đã phải nhường vị trí này cho Việt Nam. Xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam đã thiết lập kỷ lục với 5,4 triệu tấn, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu mặt hàng này lớn nhất thế giới với các lô hàng chiếm khoảng 20% lượng giao dịch trên toàn cầu. Hiện nay, sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đã có mặt ở trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu khối ASEAN, đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 5 thế giới. Ngành chế biến lâm sản đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên sau nhiều năm phát triển sản xuất, thì đến nay lượng lớn các sản phẩm từ gỗ xuất khẩu của nước ta vẫn chỉ xoay quanh việc tăng các cơ sở sản xuất, xuất khẩu dăm gỗ chứ chưa thật sự tập trung vào phát triển những sản phẩm sau dăm gỗ, mặc dù những sản phẩm gỗ sau dăm đem lại giá trị cao hơn nhiều lần so với việc xuất khẩu dăm gỗ. Việc gia tăng mạnh mẽ số lượng các đồn điền gỗ cứng và các cơ sở chế biến dăm mảnh ở Việt Nam được cho là do việc mở rộng công suất bột giấy tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo các hộ nông dân trồng rừng, việc thiếu vốn đã khiến họ phải khai thác cây gỗ sớm, băm ra để lấy gỗ dăm xuất khẩu thay vì trồng thêm vài năm để lấy gỗ xẻ có giá trị cao hơn gấp nhiều lần.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay các nhà máy giấy trong nước, đặc biệt là các cơ sở sản xuất giấy đang phải nhập khẩu nguyên liệu bột giấy với giá cao gấp 9 đến 10 lần giá dăm xuất đi. Trong khi giá xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam sang các nước chỉ vào khoảng 110 đến 120 USD/tấn thì giá nhập khẩu lại ở mức trung bình từ 900 đến 1.000 USD/tấn. Có thể thấy rằng, sản xuất và xuất khẩu gỗ dăm không chỉ làm thất thoát tài nguyên gỗ quốc gia mà còn khiến cho nhiều công ty trong nước thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nguyên liệu để sản xuất, buộc nhiều nhà sản xuất và cung ứng sản phẩm gỗ sau dăm phải nhập khẩu với giá cao gây tổn thất lớn về kinh tế.
Phát triển sản phẫm từ gỗ - Bước đi cấp bách.
Nhận thấy được lợi ích mang lại từ việc sản xuất gỗ vào giữa năm 2013, “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp” đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt với mục tiêu cụ thể nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng giúp tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm 4 đến 4,5%, từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Tiếp theo đó vào cuối năm 2014, Bộ NN&PTNT cũng đã ra Quyết định số 5115/QĐ-BNN-TCLN về việc phê duyệt phương án quản lý sản xuất dăm gỗ giai đoạn 2014-2020.
Theo đó, việc phát triển ngành lâm nghiệp được chia làm 02 giai đoạn cụ thể, Giai đoạn 2014-2015 và Giai đoạn 2016-2020. Ở giai đoạn phát triển thứ nhất, sử dụng không quá 70% sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng để sản xuất dăm gỗ, tăng giá trị gia tăng trên 01m3 nguyên liệu gỗ khoảng 14% so với năm 2013. Giai đoạn sau, sử dụng không quá 40% sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng để sản xuất dăm gỗ. Tập trung phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ. Tăng giá trị gia tăng trên 01m3 nguyên liệu gỗ khoảng 54% so với năm 2013. Cùng với đó, việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả các cơ sở sản xuất dăm gỗ cũng được chia theo từng vùng. Đối với các vùng Tây Bắc bộ, Đồng bằng Sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, tạm dừng phê duyệt dự án xây dựng mới cơ sở sản xuất dăm gỗ. Khuyến khích các cơ sở sản xuất dăm gỗ hiện có đầu tư chế biến sau dăm, nếu không thực hiện được thì phải ngừng sản xuất. Đối với các vùng Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ hạn chế phê duyệt đầu tư mới cơ sở sản xuất dăm gỗ, chỉ xem xét trong trường hợp những dự án có đầu tư chế biến sau dăm gỗ ở giai đoạn từ năm 2016-2020, nhưng phải có sự chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các sản phẩm từ gỗ được bầy bán đem lại gia trị kinh tế cao.
Cùng với lộ trình phát triển, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cũng được Chính phủ kịp thời ban hành. Tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch năm 2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Ông Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá cao thành tựu mà ngành Lâm nghiệp đạt được, với giá trị xuất khẩu năm 2019 của ngành lâm nghiệp đạt 11,2 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 10,5 tỷ USD. Ngành Lâm nghiệp là 1 trong 3 ngành có giá trị đạt trên 10 tỷ USD. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC(Forest Stewardship Council) tăng từ 134.980 ha năm 2015 lên 250.061 ha năm 2019. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng tập trung tăng lên đạt 16 triệu m3, tăng 4,8%, đáp ứng trên 80% nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ (trước năm 2010 chỉ đáp ứng được 20%).
Như vậy, là một nước có tiềm năng lớn về lâm nghiệp, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ tiến tới sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ thay cho xuất khẩu dăm gỗ để nhận lại sản phẩm sau dăm với giá thành cao là điều hết sức cần thiết. Việc đó không chỉ đem lại công ăn việc làm cho nhiều người, xuất khẩu các sản phẩm gỗ cũng đem lại nguồn lợi kinh tế lớn tránh được việc “chảy máu tài nguyên”. Thiết nghĩ, Chính phủ và các công ty sản xuất, xuất khẩu gỗ cần nghiêm túc nhìn lại, tập trung nhiều hơn nữa cho sự phát triển của ngành gỗ nước nhà.
Đức Đông
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 10 - 20
Tin tức liên quan
- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc tổ chức thành công Đại hội Công đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (02:41 03/03/2023)
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 (09:07 13/10/2022)
- ĐẠI HỘI HỘI DOANH NGHIỆP BẾN LỨC KHÓA I, NHIỆM KỲ 2022 - 2027 (05:20 07/08/2022)
- GIẢI PHÁP “TRẺ HÓA” VỚI DẦU GỘI PHỦ BẠC KANAVAL (03:23 04/07/2022)
- Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư (06:44 04/07/2022)