Câu chuyện về sự “ô nhiễm môi trường văn hóa”
Phải chăng những biến đổi của “môi trường” này chưa gây xúc động đối với những người cầm bút? Hay ít người cầm bút còn chưa hiểu hết giá trị của lĩnh vực “môi trường” này và chưa nhận thấy một điều rằng báo chí chính là một trong những kênh có thể chuyển tải và có tác động rất lớn đến việc chung tay bảo vệ “môi trường văn hóa”?
Với những trăn trở, từ góc nhìn, đến sự mày mò tìm hiểu biện chứng lý giải nguyên nhân, nguy cơ sinh thái để tăng cường trách nhiệm và đạo đức nhân loại đối với tự nhiên, xã hội… Tình cờ tôi đã nghe được câu chuyện của Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA), Nhà báo Vũ Nhật Thăng với Nhạc sĩ, Nhà văn Nguyễn Đình San (đồng thời là Tiến sỹ tâm lý học, tác giả của hơn 10 cuốn sách bàn về giới tính, tình yêu, hôn nhân, chủ yếu dành cho giới trẻ. Ông còn là một chuyên gia tâm lý, tư vấn tình cảm trên nhiều tờ báo và hệ thống điện thoại) về câu chuyện văn hóa.
Vẫn biết, bất kể ai, thể chế nào cũng không thể “cưỡng bức văn hóa” được. Nhưng câu chuyện giữa nhà báo và nhà văn luận đàm về câu chuyện văn hóa đã cho tôi thấy rõ nhiều vấn đề liên quan đến một “môi trường văn hóa” hiện nay như đang bị “ô nhiễm” và cần phải có cách phòng, chống, đẩy lùi và ngăn chặn. Phóng viên Tri thức Xanh xin mạn phép đăng đoạn tâm sự mà tôi “trộm nghe thấy” về một lĩnh vực được nhiều người quan tâm - Đó là lĩnh vực “Môi trường văn hoá”:
NSNA, Nhà báo Vũ Nhật Thăng (VNT): Là nhạc sĩ, bên cạnh việc sáng tác âm nhạc, Anh còn viết nhiều sách về tâm lý học dành cho giới trẻ. Hẳn là Anh phải rất quan tâm đến họ. Vậy theo Anh, tuổi trẻ ngày hôm nay có gì khác với các thế hệ trước, ví như thế hệ các Anh?
Tiến sĩ Nguyễn Đình San (NĐS): Rất nhiều điểm khác, đương nhiên. Mặt hay, tích cực rất nhiều, nhưng những điểm dở cũng không phải là ít. Điểm nổi bật nhất của tuổi trẻ hôm nay là rất thông minh, nhạy cảm với thời đại, nắm bắt rất nhanh những tiến bộ của khoa học, công nghệ hiện đại. Chỉ lấy ví dụ như trong lĩnh vực tin học, tôi để ý thấy thế hệ 9x giỏi hơn 8x... Càng lùi về trước (nhiều tuổi) khả năng dùng máy tính càng hạn chế. Tất nhiên nói vậy là trên tổng thể, còn cũng có những trường hợp cụ thể không nằm trong quy luật này. Còn điều dở cũng bộc lộ khá rõ: Cuộc sống thiên về thực dụng, ít quan tâm đến lịch sử, truyền thống dân tộc, đất nước, coi nhẹ những giá trị tinh thần. Vì vậy mà dường như sự ích kỷ đã chen lấn thay vì những lý tưởng lớn lao, vị tha là những toan tính cho bản thân.
NB. VNT: Vâng. Nhiều người cũng thấy rõ điều đó. Theo Anh, đâu là nguyên nhân?
TS. NĐS: Thông minh, năng động, cập nhật thời cuộc là thế mạnh của tuổi trẻ hôm nay. Sở dĩ có được điều này là do thời nay mở cửa, mọi tiến bộ của khoa học tiên tiến, hiện đại toàn cầu đã ùa vào nước ta, các bạn trẻ có rất nhiều điều kiện để tiếp cận. Và cuộc sống cũng bắt buộc phải như thế. Khi tuyển dụng, đâu đâu cũng yêu cầu trình độ ngoại ngữ và tin học, ngoài khả năng chuyên môn. Vậy nên các bạn phải lao vào học, trau dồi kỹ năng. Đời sống hôm nay gắn với mọi tiện nghi từ phương tiện đi lại đến chiếc điện thoại, máy tính xách tay, chỗ ở và mọi đồ dùng khác, không thể thiếu thốn, sơ sài. Thời chúng tôi có chiếc xe đạp đã là tốt, may mắn lắm. Bây giờ giới trẻ chuộng xe máy tay ga phân khối lớn, không ít bạn sắm ô tô. Phòng ở phải khép kín và có điều hoà nhiệt độ. Muốn vậy phải có nhiều tiền. Thế là các bạn đổ xô kiếm tiền. Chưa bao giờ đồng tiền cần thiết cho con người nói chung và giới trẻ nói riêng như ngày nay. Từ đặc điểm này mà môi trường văn hoá, tinh thần phát sinh lắm vấn đề.
NB. VNT: Ý Anh muốn nói môi trường này đang không được trong lành, thuần khiết?
TS. NĐS: Đó là một sự thật. Nhưng điều tôi muốn nói ở khía cạnh khác. Hiện nay chúng ta dường như chỉ chú trọng nhiều đến ô nhiễm môi trường thiên nhiên như khí thải, rác thải, các chất độc hại, nước bẩn, khói bụi, tiếng ồn.... mà xao nhãng tình trạng ô nhiễm trong lĩnh vực văn hoá, tinh thần. Ô nhiễm thiên nhiên sẽ huỷ diệt phần xác, còn ô nhiễm xã hội, tinh thần sẽ huỷ diệt phần hồn của con người, mà con người với đúng nghĩa phải có cả hai phần đó. Nếu chỉ có phần xác mà thiếu phần hồn, con người chẳng khác gì loài động vật khác. Xã hội càng phát triển, con người càng văn minh. Từ văn minh dùng ở đây tức là phần hồn, phần trí tuệ và tư tưởng.
NB. VNT: Vâng! Tôi cũng có quan điểm là “con người” thì có hai phần. Phần “con” thường đảm bảo vấn đề ăn, ở, mặc; còn phần “người” thì thể hiện tâm hồn, lý trí! Anh có thể nói rõ, cụ thể hơn về tình trạng “ô nhiễm môi trường văn hoá, xã hội” hiện nay?
TS. NĐS: Trước hết, xin được trở lại nghĩa của từ “ô nhiễm”. Ai cũng hiểu đó là sự vẩn đục, có nhiều yếu tố độc hại, làm mất đi sự trong lành, thanh khiết. Vâng, hiện nay có nhiều dấu hiệu cho thấy những giá trị về truyền thống đạo lý mang đậm yếu tố nhân văn của ông cha ta đang bị xâm hại, xuống cấp. Rõ nhất là mối quan hệ giữa con người với nhau bị băng hoại. So với chúng tôi (tuổi trẻ ở thời chiến tranh chống Mỹ - PV), và thế hệ ông bà (tuổi trẻ thời chống Pháp - PV), ngày hôm nay người ta cư xử với nhau ít thấy có những nghĩa cử gây xúc động lòng người. Nhẹ là thờ ơ, bàng quan với người khác, với mọi thứ xung quanh; nặng là đụng độ, xung đột, chửi tục và bạo lực.
NB. VNT: Đúng là trên thực tế có hiện tượng tội phạm gia tăng, chẳng những về số lượng các vụ việc mà còn táo tợn về hành vi. Là nhà tâm lý học, Anh có nghiên cứu và cắt nghĩa những vấn đề được cho là nguyên nhân?
TS. NĐS: Ta cần có sự nhìn nhận công bằng và khách quan như sau: Dân số tăng lên gấp bội thì đương nhiên tội phạm cũng phải nhiều hơn. Sau ngày hoà bình thống nhất đất nước, dân số nước ta là 50 triệu người, đến nay đã trên 90 triệu, tăng gần gấp đôi. Nhưng điều khiến chúng ta băn khoăn là mức độ tội phạm. Tôi nhớ năm 1977, có vụ tên Phạm Đăng Hùng vào một nhà ở phố Phạm Đình Hồ (HN) hiếp rồi giết một cô gái đã gây chấn động dư luận trong một thời gian dài. Hồi ấy, người ta thấy vụ này quá khủng khiếp, táo tợn vì trước đó chưa có đến mức độ như vậy. Nhưng ngày nay, một vụ như thế này sẽ chẳng thấm gì với việc con giết cha rồi chặt từng khúc cho vào bao tải đem vứt; cô gái là sinh viên đại học (học khá, xinh đẹp) cứa cổ người tình trên xe ô tô...v..v. Tôi cho rằng tội phạm ngày nay gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ bất nhân của hành vi có căn nguyên sâu xa từ xã hội, trong đó sự thiếu công bằng xã hội, hành vi tham nhũng quá đáng của một bộ phận quan chức nhà nước đã khiến những người sống thiếu lý trí trở nên bất mãn, cảm thấy cuộc sống bế tắc, mình luôn bị thiệt thòi nên phát sinh tâm lý bất cần đời, sẵn sàng gây tội ác vì không còn niềm tin vào bất cứ điều gì. Họ tìm đến ma tuý, cờ bạc và mọi sinh hoạt tiêu cực khác. Khi không có tiền để thỏa mãn, đã tìm mọi cách kiếm tiền bất kể là gì, nên đã phạm tội. Lại trở lại vấn đề tiền như tôi đã nói: Ngày nay, nhiều người hám tiền đến mức quên tất cả.
NB. VNT: Anh viết nhiều sách bàn về tình yêu, hôn nhân. Vậy Anh thấy vấn đề “ô nhiễm về môi trường xã hội” có ảnh hưởng gì đến tình yêu của tuổi trẻ hôm nay?
TS. NĐS: Ảnh hưởng rất rõ đấy! Và chẳng cứ gì tuổi trẻ, cả những người đã qua thời thanh xuân bước vào tình yêu hoặc tái hôn cũng bị “ô nhiễm”. Tôi được vài Trung tâm môi giới tình yêu, hôn nhân mời làm cố vấn. Tôi để ý thấy hầu như cô gái nào tìm “đối tượng” cũng đặt ra yêu cầu để Trung tâm tìm giúp: có thu nhập cao, có nhà. Có cô còn nói rõ: Làm kinh doanh thì càng tốt. Như vậy, yếu tố rung động trái tim, đồng cảm về tâm hồn hầu như bị bỏ qua để thay thế bằng những tiêu chuẩn rất thực dụng.
NB. VNT: Thì những điều kiện hấp dẫn về vật chất như thế sẽ khiến trái tim họ rung động?! (cười)… Chuyện này em cũng từng thấm nên hiểu sơ sơ…
TS. NĐS: Có lẽ đúng là như vậy. Có thể nói tình yêu nam nữ thời nay là một cũng có thể coi là một trong những lĩnh vực bị “ô nhiễm” khá nhiều. Thời chúng tôi, yêu nhau rất lãng mạn. Chỉ đến với nhau khi trái tim rung động. Không thiếu cô gái khăng khăng đòi lấy người đàn ông nghèo khó nhưng cô ta ngưỡng mộ, yêu say đắm, trong khi bố mẹ ép lấy kẻ giàu có, thế lực. Tình yêu ngày xưa không có nhà nghỉ, quán karaoke, không có xe máy, ô tô, nhà hàng đặc sản, mà chỉ có trăng, sao, vườn hoa, xe đạp, rạp chiếu bóng.., nhưng lãng mạn chứa chan tình người hơn bây giờ nhiều. Nghèo mà gắn bó, bền chặt. Toà án rất ít phải xử những vụ ly hôn. Còn ngày nay, người ta lấy nhau và bỏ nhau đều rất nhanh chóng, dễ dàng. Một môi trường tinh thần như thế rõ là đang bị ô nhiễm.
NB. VNT: Vậy theo Anh, những người ngày hôm nay có quan niệm thực dụng về tình yêu là đáng phê phán hay không?
TS. NĐS: Thực ra, họ chẳng có lỗi gì. Hoàn cảnh xã hội tạo nên họ mà thôi. Họ cũng có trái tim chứ! Cũng phân biệt được mọi hay, dở, xấu, đẹp, phải, trái chứ! Nhưng trào lưu hôm nay là vươn tới sự sung mãn về phương tiện, vật chất. Cái gì cũng cần đến tiền. Tôi chỉ lấy ví dụ: Thời chúng tôi nuôi con nhỏ đi học đâu có phải đóng quá nhiều khoản tiền và học thêm tràn lan như bây giờ. Ngày nay, cô gái dẫu trong lòng có yêu một chàng trai nào đó, nhưng chàng quá nghèo thì cũng buộc phải ôm nỗi buồn mà “bai bai” để lấy một người khác khá giả, mới mong bảo đảm cuộc sống. Thật dễ hiểu.
NB. VNT: Vậy chốt lại, làm sao chống được sự “ô nhiễm về môi trường văn hóa”, thưa Anh?
TS. NĐS: Muốn chống, phải quyết tâm, kiên trì, và trước hết là tất thảy mọi người phải thấy hết được sự nguy hại của tình trạng “ô nhiễm” này. Tôi xin nhắc lại là tuy đề cập đến nhiều điều như đã nói, nhưng bức tranh toàn cảnh của xã hội ta vẫn sáng vì vẫn còn nhiều tấm gương tốt, nghĩa cử đẹp. Nhất là tôi đang được ngồi đàm đạo với một nhà báo, một nghệ sĩ như anh, trách nhiệm của những người làm báo hơn bao giờ hết là cần nhân rộng, tìm mọi cách kích thích để cái tốt được lan tỏa. Cái tốt mà nhiều thì sẽ lấn át cái xấu, cái tiêu cực. Song song đó là sự trừng trị thật đích đáng, nặng hơn đối với mọi tội phạm, cái xấu, cái ác.
NB. VNT: Ôi! Chỉ là câu chuyện luận bàn về văn hóa xã hội mà Anh đã “Chốt hạ, quy trách nhiệm” cho em khiến em lại phải trăn trở về lĩnh vực “ô nhiễm” này thì trong tương lai, dứt khoát em sẽ lôi Anh vào cuộc để góp phần phòng, chống, đẩy lùi và ngăn chặn sự “ô nhiễm môi trường văn hóa”… Nhất định là Anh không thể thiếu trách nhiệm được đâu nhé.
Là một người cầm bút đã nhiều năm, mặc dù rất trăn trở với lĩnh vực môi trường nói chung và môi trường văn hóa xã hội nói riêng, thậm chí có nhiều khi đặt bút viết mà chẳng viết nổi một từ… có khi thao thao suy nghĩ để viết thì bị ngắt mạch bởi những tác động khác… và câu chuyện giữa nhà báo Nhật Thăng và nhà văn Nguyễn Đình San như “cởi nút” cho tôi về một cách nhìn, và có thể là hẳn một đề tài để gìn giữ sao cho môi trường văn hóa xã hội không còn bị “ô nhiễm”. Xin thầm cảm ơn cuộc trò chuyện sâu sắc và xin “mang câu chuyện” của hai ông dành cho bạn đọc Tri thức Xanh.
Xuân Linh
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 19 - 20
Tin tức liên quan
- FAMINUTS HOUSE - THẾ GIỚI CHẠY BỘ CÓ MẶT TẠI KHU ĐÔ THỊ SALA (01:50 09/05/2024)
- Trường Đại học International American cấp bằng Tiến sĩ danh dự cho NTK Quỳnh Paris. (01:53 01/05/2024)
- TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA CỦA PHỤ NỮ, NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ HÒA NHẬP XÃ HỘI TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP LĨNH VỰC LOGISTICS (09:23 01/04/2024)
- “Sài Gòn Chill” đánh dấu sự hợp tác giữa MC Thi Thảo và Nhạc sĩ Đỗ Hoàng Linh (12:40 14/03/2024)
- Nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quyết liệt thực hiện công tác tư pháp năm 2024 (09:20 26/12/2023)