TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
chủ nhật, 24/11/2024

Chăm lo cho thế hệ tương lai

15:02 04/06/2020
Logo header Bắc Mê là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 53 km, được chính thức thành lập vào năm 1984. Sau hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay huyện Bắc Mê có 12 xã và 1 thị trấn với 139 thôn, tổ dân phố. Huyện có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, với trên 50.000 dân. Trong đó đông nhất là đồng bào dân tộc Dao (37,0%), Tày (35,0%), H’Mông (21,2%) và các dân tộc ít người khác.

Đây thực sự là sự động viên đầy ý nghĩa đối với nhà trường và các em học sinh

Dân cư ở đây có nguồn thu nhập chủ yếu từ trồng trọt, trong đó trồng lúa, ngô chiếm vị trí hàng đầu. Trong những năm gần đây, mặc dù còn nhiều khó khăn, song cùng với những chính sách hỗ trợ, đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Bắc Mê đã và đang từng bước khoác lên mình một diện mạo mới, phấn đấu trở thành một trong những huyện động lực của tỉnh Hà Giang. Trong 13 đơn vị hành chính của huyện thì thị trấn Yên Phú là trung tâm kinh tế - chính trị. Yên Phú là một thị trấn nhỏ nhưng quan trọng của huyện và có khoảng 7.000 dân đang sinh sống. Trong những năm qua, nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, lãnh đạo tỉnh Hà Giang, huyện Bắc Mê đã luôn chú trọng và triển khai nhiều chương trình, chính sạch hướng đến con em đồng bào dân tộc ít người. Trong đó công tác giáo dục là một trong những công tác được quan tâm đặc biệt. Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) Bắc Mê là một ngôi trường dành cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số được đặt tại thị trấn Yên Phú. Ngôi trường hiện có 250 học sinh hầu hết đều là người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Mông), ở 13 xã vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Phiêng Luông, Đường Âm, Đường Hồng… Chính vì vậy, việc tiếp thu kiến thức của học sinh còn hạn chế do mặt bằng kiến thức của học sinh không đồng đều, phong tục tập quán còn cổ hủ, lạc hậu, hầu hết các em đều ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, là con hộ nghèo của huyện. Cùng với đó là đa số cha mẹ thiếu quan tâm đến việc học của các em, thường phó mặc cho nhà trường, thầy cô. Ngoài ra còn vô vàn khó khăn như nguồn nước sạch do đợi dịch vụ môi trường cung cấp song trong những ngày mưa bão thường hay mất nước nên việc tổ chức sinh hoạt nội trú cho các em gặp không ít khó khăn, hệ thống máy tính của phòng tin học đã được lắp đặt hơn 10 năm nên tính năng sử dụng, hiệu quả hoạt động kém hiệu quả. Nhưng nhờ có những sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo ngành và chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội, trường PTTHNT Bắc Mê không ngừng ngày một nâng cao chất lượng dạy và học. 

Đồng chí Sùng Đạ Hùng - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Hà Giang thăm hỏitặng quà các em học sinh tại Trường PTDTNT Bắc Mê.

Với mong muốn góp phần giúp đỡ công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục và kết nối yêu thương, cùng nhau mang đến niềm vui cho các em học sinh nhà trường, vào ngày 31/5/2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Hà Giang, đã tổ chức thăm và tặng quà nhà trường và các em học sinh nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6 tại trường PTDTNT Bắc Mê. Với thông điệp sẻ chia “Chung tay tiếp sức đưa học sinh đến trường” Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh và các đơn vị tài trợ như Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Keypharco, nhóm Thiện nguyện Hạt Ấm, Công ty TNHH MTV thực phẩm và nước giải khát Nam Việt, CLB Thiện Tâm Hà Nội đã tặng trường PTDTNT Bắc Mê một số đồ dùng thiết yếu như: tivi, máy tính xách tay, gạo, nước súc miệng kháng khuẩn, nước ngọt, bánh kẹo…. Đón nhận tình cảm của đoàn, đồng chí Nguyễn Thu Hằng Bí thư chi bộ - Hiệu trưởng Trường PTDTNT Bắc Mê xúc động, cảm ơn những tấm lòng nhân ái đã giúp các em học sinh nơi đây có thêm động lực trong học tập. Nét vui tươi, phấn khởi thể hiện rõ trên những khuôn mặt ngây thơ của các em khi nhận được sự chia sẻ yêu thương từ “Những trái tim tình nguyện”. Đây thực sự là những món quà ý nghĩa không chỉ đối với các em học sinh của nhà trường mà còn là nguồn động viên, khích lệ các em vượt khó, vươn lên trong học tập. Đồng thời là nguồn động viên to lớn tới đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường trong công tác chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, hướng tới xây dựng con người mới, phát triển toàn diện, những mầm non của địa phương và đất nước.

Tiến Thành

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 13 - 20

Bình luận: 0