“Chặt chém” về đêm
“Chặt chém khi ăn”
Những quán ăn đêm ở Hà Nội thì đi đâu cũng có, nếu muốn vừa được ăn vừa được nói chuyện rôm rả thoải mái thì phải ở những quán nướng, lẩu, ốc,… Những người thu nhập trung bình và sinh viên thì thường chọn những quán ăn vỉa hè, “lộ thiên” vì nghĩ giá của quán sẽ rẻ hơn là trong những nhà hàng sang trọng, và có thể ăn uống tự nhiên hơn. Những bàn ăn san sát nhau, phục vụ đi lại liên tục, tiếng cười nói và gọi món không ngớt là cảnh chung của những quán nhậu vỉa hè.
Tiền ăn thường được “cam pu chia” cho tất cả những người ăn, một bữa nhậu bình dân của thanh niên thường chia đầu người mỗi người khoảng hai đến ba trăm nghìn. Nhưng khi ăn xong thì có người há hốc mồm vì cái hóa đơn. “Tôi với 4 người bạn đi ăn món nướng lụi ở một quán nướng đông khách trên đường Lê Đức Thọ kéo dài, nghe nhiều người nói quán này rất “ngon, bổ, rẻ”. Sau khi xem menu, chúng tôi gọi 6 món nướng và 3 chai rượu trắng. Một đĩa mực 6 con thôi giá cũng hơi đắt thật, nhưng chúng tôi vẫn yên tâm ăn. Tôi cứ đinh ninh rằng khi thanh toán thì mỗi người hết khoảng 150 nghìn đồng. Nhưng khi nhận được hóa đơn, tôi không tin vào mắt mình, chúng tôi đã ăn hết gần 3 triệu! Tôi không nghĩ rằng những thứ gọi thêm như rau, than, đồ chấm họ cũng tính tiền vào đấy, thậm chí còn tính rất đắt” - Một sinh viên thật thà tâm sự.
Trong hầu hết những quán nhậu, những món đi kèm có khi còn đắt hơn món chính, 1 đĩa rau sống có thể có giá vài chục nghìn, 1 khay hoa quả nhỏ có khi đến cả trăm nghìn. Và ở một số quán, còn có dịch vụ “mời rượu”, những cô gái chân dài thướt tha bưng những chai rượu đến từng bàn và quảng cáo về chất lượng của rượu và mời khách nếm thử, nếu thấy ưng thì mua cả chai. Nhưng nếu khách không mua, tiền “nếm” vẫn được tính vào hóa đơn, nếu mua thì tất nhiên giá chai rượu ấy không phải là rẻ. Ốc, bún đậu, nầm nướng,… là những món mà những người đi nhậu đêm thường chọn, một phần vì giá cả vừa phải, một phần vì những món này rất hợp để uống rượu, và thích hợp để ăn tập thể. Sinh viên, người mới đi làm có thể hàng tháng, hàng tuần tổ chức một buổi đi ăn như vậy, và không ít người sau khi thanh toán là cảm thấy hối hận vì đã ăn ở quán ấy, hối hận vì không tìm hiểu kỹ về giá cả trước khi gọi món.
“Hét giá khi hát”
Sau khi ăn nhậu xong sẽ là “tăng hai”, hát karaoke.
Những quán hát thường có 2 loại phòng, phòng thường và phòng VIP, những người bình thường tất nhiên sẽ chọn phòng thường. Có những quán có niêm yết giá phòng thường là từ 150 đến 300 nghìn đồng/tiếng hát, phòng VIP giá sẽ cao hơn gấp đôi hoặc hơn. Sự chênh lệch giữa hai loại phòng này nằm ở chất lượng màn hình, loa, mic và diện tích phòng. Các quán karaoke thường có một điểm chung là “kiếm chác” từ những thứ mà khách gọi thêm như đồ uống, thức ăn và dịch vụ đi kèm, nên thường không cho khách tự mang đồ ăn đồ uống vào phòng hát, mà phải mua ở quán. Biết vậy, nhưng thường khi đi hát ít ai hỏi giá trước, chính vì thế nên khi có hóa đơn họ thường không tin vào mắt mình.
Anh Quân, một người mới đi làm chia sẻ: “Một hôm tôi với đám bạn ăn xong rồi rủ nhau đi hát, vì không kịp chọn địa điểm nên chúng tôi “tạt” vào một quá Karaoke ở Cầu Giấy, chỉ nhớ lúc mới vào thấy bên ngoài quán có biển “Khuyến mại 50%/ giờ hát”. Chúng tôi hát hơn 2 tiếng. Khi thanh toán thì số tiền mà chúng tôi phải trả là 1 triệu rưỡi, trong đó 2 đĩa hoa quả mỗi đĩa 200 nghìn đồng, 1 két bia Hà Nội là 500 nghìn, thế nên ở đây 400 nghìn/giờ hát, đắt hơn những quán bình dân rất nhiều, trong khi ở đây còn rao là giảm nửa giá, hoa quả và bia thì đắt gấp đôi ở ngoài!”. Bạn Huyền, sinh viên cho biết: “Mỗi lần đi hát, vì biết đồ ăn đồ uống trong quán karaoke rất đắt nên mỗi khi đi hát em thường giấu hoa quả và nước uống trong ba lô mang vào, và chỉ gọi vài chai bia”.
Nhiều người, sau một đêm đã “nướng” hết nửa tháng lương, sinh viên thì sau đó có khi phải ăn mì tôm cả tháng. Nhưng đấy không phải là chủ ý của họ, họ cũng không cố ý ăn chơi “tới bến”. Họ đã vướng vào “bẫy” của những chủ quán ăn, quán hát mà không biết. Có rất nhiều chiêu trò mà những chủ quán dùng để kiếm chác từ những người tiền chỉ đủ sống. Họ biết ăn và chơi là nhu cầu của hầu hết những người trẻ, và những người trẻ thường “hết mình” và thiếu tỉnh táo.
Trước khi đi ăn uống, nếu được hãy chọn một quán quen, không thì cũng là quán mà nhiều người đã từng ăn giới thiệu cho. Một mẹo nhỏ là hãy chọn một quán mới khai trương, vì những quán mới giá sẽ rất rẻ để hút khách tới quán. Khi đi hát không nên chọn quán quá sang trọng vì như thế chắc chắn sẽ dẫn đến phung phí thậm chí tiền mất tật mang. Hãy nhớ hỏi chủ quán giá cả cụ thể trước khi bước chân vào quán. Đối với thanh niên, nhu cầu ăn, chơi là chính đáng, nhưng hãy biết ăn và chơi sao cho thoải mái nhất, quan trọng là sau cuộc chơi không ai cảm thấy hối hận.
Nguyễn Hân
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 20 - 20
Tin tức liên quan
- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc tổ chức thành công Đại hội Công đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (02:41 03/03/2023)
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 (09:07 13/10/2022)
- ĐẠI HỘI HỘI DOANH NGHIỆP BẾN LỨC KHÓA I, NHIỆM KỲ 2022 - 2027 (05:20 07/08/2022)
- GIẢI PHÁP “TRẺ HÓA” VỚI DẦU GỘI PHỦ BẠC KANAVAL (03:23 04/07/2022)
- Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư (06:44 04/07/2022)