TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ ba, 07/05/2024

Chất lượng trí thức

17:51 04/06/2020
Logo header Dư luận xã hội đang cho rằng hiện nay, đội ngũ trí thức cần được xem xét lại một cách nghiêm túc bởi thực trạng này còn nhiều bất cập so với đòi hỏi của xã hội. Nhiều nhà khoa học tâm huyết đã truy tìm nguyên nhân: Đó là do cách dạy và học ở hệ đại học của nước ta “có vấn đề”. Đó là sự xa rời thực tế, sự cứng nhắc của một hệ thống giáo dục đã nhiều năm không được cải cách, thay đổi, hoàn thiện, phù hợp với thực tế.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Do nhiều năm nay mở và trực tiếp dạy một lớp học đặc biệt mang tên Nghệ thuật phô diễn nên tôi có dịp được tiếp xúc với nhiều người có bằng cấp cao, vì họ đã đến dự lớp học này. Đây là một lớp giúp cho người học cách nói năng lưu loát, trôi chảy, có thể lôi cuốn người nghe và luôn thấy tự tin, tự chủ, luôn chủ động trước mọi đối tượng dẫu họ có hơn mình về mọi phương diện (tuổi tác, học vấn, đẳng cấp, chức vụ, địa vị…). Tiếng là một lớp học, có người hướng dẫn (thầy), người tiếp thu (trò), nhưng quan hệ giữa chúng tôi bình đẳng. Và cách dạy, học không chỉ là đơn phương áp đặt mà luôn có trao đổi hai chiều. Tôi luôn coi người học là bạn, thậm chí là thày nếu lĩnh vực họ hoạt động, tôi cần tìm hiểu. Từ xác định đó, quan hệ giữa chúng tôi rất thân tình, cởi mở. Và cũng vì vậy mà các học trò đã bộc lộ hết mình khi tiếp xúc với tôi.

Thật đáng ngạc nhiên khi nhiều thạc sĩ, tiến sĩ có những lỗ hổng kiến thức không thể ngờ. Một Tiến sĩ (TS) tâm lý học không biết mấy chữ “hào khí Đông A” từ đâu mà có. Một TS xã hội học không rõ mấy tên tuổi Đề Thám, Nguyễn Thiện Thuật xuất hiện trong giai đoạn nào của lịch sử. Người này có lần hỏi tôi: “Có phải Lý Tự Trọng là nhân vật từng bóp nát quả cam trong tay do căm thù giặc không?” Những năm về trước, các bộ môn như Triết học, Tâm lý học, Văn học, Ngôn ngữ học, Lịch sử học… nằm trong lĩnh vực khoa học xã hội là rõ rồi. Nhưng về sau, có một bộ môn riêng gọi là xã hội học xuất hiện và rồi gắn với nó là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ xã hội học ra đời. Đó là gì vậy? Không lẽ lại là một môn chùm lên mọi ngành khoa học như đã nói? Không, 3 tiếng xã hội học đã hẹp hơn rất nhiều và vì vậy mà mấy học vị của bộ môn này mới phát lộ ra những hạn chế. Tôi có quen một người vừa mấy năm trước còn là giảng viên non yếu tại một trường bồi dưỡng nghiệp vụ của một đoàn thể. Anh ta nói năng ấp úng, lên lớp bị học viên kêu nhiều. Bỗng nhiên, trường này nâng lên đại học, rồi anh ta đi học cao học, trở thành thạc sĩ và nay là tiến sĩ. Tiến sĩ gì? Tiến sĩ xã hội học, kèm theo là chiếc ghế chủ nhiệm khoa. Khả năng diễn đạt, nói năng trên lớp vẫn như cũ. Sinh viên rất ngán ông thày này lên lớp. Nhờ có cái học vị TS xã hội học, anh ta có tự tin hơn nhưng không vì thế mà những tiết dạy thêm sức thuyết phục. Tôi không rõ anh ta dạy những gì trên lớp nhưng mọi kiến thức sơ đẳng về văn học, lịch sử, đều rất lơ mơ - những điều lẽ ra một học sinh tốt nghiệp phổ thông cũng phải biết, ví dụ như không phân biệt được Hịch tướng sĩ và Bình ngô đại cáo (tác giả, hoàn cảnh ra đời, bối cảnh lịch sử, thể loại). Ngay 4 chữ “Bình ngô đại cáo” anh ta cũng không hiểu được đó là bài cáo sau khi đã dẹp (bình) được giặc Minh (Ngô).

Đã là người mang học vị cao nhất (TS) trong lĩnh vực xã hội học thì mọi kiến thức sơ đẳng của bất cứ bộ môn nào nằm trong lĩnh vực này đều phải am tường, hiểu biết đến nơi, đến chốn. Không thể nghĩ chỉ TS lịch sử mới hiểu về Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi; TS văn học mới nắm vững Hịch tướng sĩ và Bình Ngô đại cáo. Và như vậy, đương nhiên, một thạc sĩ, tiến sĩ về dân tộc học, tâm lý học, cũng phải biết rõ về văn học dân gian, vì đó là dân tộc mình, là đời sống tâm lý, tinh thần ông cha mình. Một cô thạc sĩ tâm lý học không biết rất nhiều câu thành ngữ như “đắm đò, giặt mẹt”, “tát nước theo mưa”, “đánh trống qua cửa nhà sấm”. Thậm chí, một thạc sĩ xã hội học hỏi tôi: “Trăm voi không được bát nước xáo” nghĩa là gì? Chữ “xáo” trong câu này có nghĩa gì? Viết x hay s? 
Một lần, tôi hỏi một thạc sĩ văn học, đang theo đuổi việc học lên tiến sĩ: văn hóa và văn học khác nhau thế nào? Vì sao có 2 từ khác nhau: Văn hóa (Culture), Văn học (l’hiterature)? Bạn cũng nói được là văn hóa rộng hơn văn học. Nhưng đã không thể nói được từng khái niệm cụ thể - nghĩa là rất lơ mơ về 2 khái niệm này. Tôi hỏi một thạc sĩ văn học khác: văn học và nghệ thuật có gì chung, có gì khác biệt? Báo nào cũng có những trang nói về các thứ văn thơ, ca nhạc, phim ảnh, sân khấu, thời trang…v.v. Vậy dùng từ Văn hóa - nghệ thuật hay từ Văn học - nghệ thuật? Từ nào chuẩn xác hơn? Bạn đã ấp úng, không trả lời được. Một TS mỹ học rất tự tin, thậm chí là tự phụ về học vị của mình khi được hỏi về ngôn ngữ từng loại hình nghệ thuật đã nói được: hội họa là màu sắc, đường nét; văn thơ là ngôn từ, chữ nghĩa. Nhưng âm nhạc, sân khấu, điện ảnh là gì thì đã nói lung tung, sai bét.

Sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên nếu biết rõ con đường để đạt được những tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ ấy như thế nào. Người viết bài này không muốn nói đến những chuyện tiêu cực, khuất tất đằng sau những tấm bằng danh giá đó như: chạy bằng, mua bằng, đút lót, hối lộ, “lập lờ đánh lận con đen” để có mà dư luận xã hội đã từng lên án. Tuy nhiên, không phải mọi tấm bằng đều có được bằng cách như thế. Sự thực cũng đã có nhiều người học hành nghiêm túc, đàng hoàng, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được.Vấn đề tôi muốn nói ở chỗ những tiêu chí, yêu cầu đối với việc học hành, thi cử để đạt được các học vị thạc sĩ, tiến sĩ rất cần được xem xét lại, đề cao hơn, không thể hạ thấp đến mức dễ dãi như hiện nay, từ nội dung chương trình học tập, lựa chọn đề tài làm luận án, đến việc cắt cử người hướng dẫn, người phản biện và cuối cùng là Hội đồng chấm luận án, xét duyệt cho đỗ. Một cô diễn viên kịch nói theo học cao học lý luận ở trường đại học Sân khấu điện ảnh. Người ta gợi ý cô hãy làm luận văn về một tác giả chẳng có được vở kịch nào được công chúng rộng rãi biết đến. Rất may là cuối cùng cô đã lựa chọn đề tài khác. Nhưng ông thầy hướng dẫn luận án của cô cũng chưa phải là một tên tuổi có sức thuyết phục trong lĩnh vực sân khấu. Lựa chọn đề tài, rồi thầy như vậy, làm sao mong học trò có chất lượng? Bản thân các đương sự không có tội. Họ không muốn đạt được bằng cấp, học vị một cách dễ dãi để xã hội coi thường và không có hiệu quả, uy tín trong hoạt động nghề nghiệp. Nhưng đó là do cơ chế, hệ thống đào tạo làm nên bằng cấp. Những người có trách nhiệm trong lĩnh vực này nghĩ gì khi sự thật, nước ngoài người ta không công nhận bằng cấp ở nước ta? Bất cứ ai có nhãn hiệu bằng cấp, học hàm, học vị ở nước ta mà ra nước ngoài - đặc biệt là những nước tiên tiến trên thế giới - làm gì đó cần phải xuất trình, người ta đều yêu cầu sát hạch lại, coi như không để ý đến bằng cấp đó. Thiết nghĩ điều này là quá đủ để chúng ta phải xem xét lại cách đào tạo gắn với việc cấp bằng cho đội ngũ trí thức trên đại học.

Trước đây, có TS và Phó TS. Bỗng một ngày kia, sau một đêm, mọi Phó TS được bỏ chữ phó để trở thành TS. Vậy nên mới có từ tiến sĩ khoa học để giành cho những người có bằng tiến sĩ cũ, còn PTS trở thành TS thì không gọi là TS Khoa học. Kể cũng nực cười, là TS lại không phải là TS khoa học thì là TS gì, nghiên cứu gi nếu không phải là nghiên cứu khoa học?

Giờ đây, phút này, số lượng người có bằng cấp cao nhiều vô kể. Rất nhiều người, bên cạnh chức giám đốc, nhà quản lý còn thêm ThS, TS, PGS, GS đầy danh giá. Nhưng sức thuyết phục thực sự đến đâu? Họ đóng góp được những gì thiết thực cho nền khoa học nước nhà thì hình như chưa có cơ quan, tổ chức nào làm một cuộc tổng điều tra để biết rõ thực, hư. Ngày xưa, có những tên tuổi uyên bác lừng lẫy đầy sức thuyết phục trong mọi lĩnh vực không hề có bất cứ học hàm, học vị gì. Từ giáo sư (professeur) chỉ để nói người làm nghề dạy học (thầy), chứ không mang nghĩa học hàm giáo sư (được phong) như ngày nay.

Đôi ý nghĩ chỉ khiêm nhường như một sự đánh động, cảnh báo về thực trạng trí thức hiện nay. Cứ nói dân trí nước ta còn thấp. Có lẽ điều đó đã liên quan nhiều đến sự thấp kém của những tấm bằng trong giới trí thức. Trí thức, kẻ sĩ mà trình độ hiểu biết thực sự chưa cao, chưa đúng với yêu cầu, chuẩn mực thì làm sao có thể mong dân trí nâng cao? Những vấn đề và thực trạng nêu trên cũng đang là trăn trở của những người làm khoa học của Viện Khoa học Môi trường và Xã hội, bởi thực sự những chức danh của học vị cần phải được xác định đúng với trình độ. Có như thế đội ngũ nhân sĩ, trí thức mới thực sự là nguyên khí quốc gia.

TS. Nguyễn Đình San

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 13 - 20

Bình luận: 0