Chính quyền đô thị - làn gió mới cho người dân Thủ Đô
Ở nước ta hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh, mạnh mẽ, hệ thống đô thị phát triển và ngày càng được mở rộng, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Quá trình này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản lý và đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của CQĐT khác với nông thôn. Tổ chức CQĐT phải có tính tập trung cao, ít khâu trung gian, bảo đảm tính thông suốt. Hoạt động CQĐT phải hiệu lực, hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Đến nay, CQĐT có thể hiểu là một dạng cụ thể của chính quyền địa phương, được tổ chức phù hợp với các đặc điểm của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các điều kiện tự nhiên của đô thị, nhằm quản lý đô thị hiệu quả cao và mang đầy đủ đặc điểm cơ bản của chính quyền địa phương. CQĐT vừa thể hiện các vấn đề chung của chính quyền địa phương về bản chất, vị trí, vai trò, chức năng đại diện của Nhân dân và các mối quan hệ giữa chính quyền các cấp theo quy định của pháp luật, vừa thể hiện các yêu cầu đặc thù riêng của phương thức tổ chức, quản lý và phát triển đô thị.
Thành phố Hà Nội hiện nay với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp và nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước - Việc triển khai Đề án thí điểm quản lý theo mô hình CQĐT cho Hà Nội chính là một cú hích cho mục tiêu ấy. Ngày 19/4/2019 Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Văn bản số 46-KL/TW kết luận của Bộ Chính trị về đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Bộ Chính trị đánh giá cao Thành ủy Hà Nội đã xây dựng, trình Bộ Chính trị “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” theo định hướng của Trung ương. Đề án được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học; tiếp thu được đa dạng ý kiến của nhiều cơ quan, các nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân. Đề án đã đề xuất nhiều nội dung đổi mới về cơ chế và phương thức hoạt động của CQĐT và thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Bộ Chính trị cơ bản đồng ý với nội dung của Đề án. Thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường ở các quận và thị xã Sơn Tây; Ủy ban nhân dân phường do Ủy ban nhân dân quận và thị xã thành lập; cán bộ, công chức cấp phường do Quận ủy, Thị ủy và Ủy ban nhân dân quận, thị xã tuyển dụng và bổ nhiệm. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 32/2021/NĐ-CP quy hoạch chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết trên của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội. Với những quy định chi tiết của Nghị định đã làm rõ hơn những định hướng đã được đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, quy định rõ về chế độ làm việc, trách nhiệm, quyền hạn của UBND phường, Chủ tịch UBND phường và các vấn đề liên quan đến thực hiện, sẽ là cơ sở để UBND phường cũng như quận, thành phố triển khai, vận hành mô hình hành chính mới. Một số nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND phường thì nay là thẩm quyền và nhiệm vụ của HĐND quận, thị xã. Sự phối kết hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ giữa UBND quận, thị xã với UBND phường sẽ chặt chẽ hơn, tạo ra sự đồng bộ trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương, phù hợp với yêu cầu xây dựng đô thị thông minh. Đặc biệt, việc phân cấp cho địa phương cũng làm tăng thêm tính chủ động, sáng tạo, phục vụ Nhân dân tốt hơn. Đây là công việc thực sự cấp thiết, thể hiện được trách nhiệm, tránh việc đẩy, xin ý kiến khiến mọi việc chậm chạp, không giải quyết thỏa đáng.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12 tháng 4 năm 2021 để triển khai thực hiện Nghị định này. Về nội dung căn bản mô hình CQĐT tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định, trong quá trình soạn thảo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, ban soạn thảo ghi nhận thành phố Hà Nội, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thành phố đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến bổ ích, trí tuệ, làm nên những điểm ưu việt của Nghị định về xây dựng chính quyền đô thị tại Hà Nội. Việc tổ chức chính quyền đô thị để hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị ở Hà Nội. Cụ thể là cần quản lý theo ngành, lĩnh vực, theo địa bàn thống nhất, tập trung, xuyên; phát huy hiệu quả việc công tác giám sát của các đoàn thể, MTTQ các cấp... Ngoài ra khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội là đã thống nhất được về chế độ công vụ, công chức giữa UBND quận và UBND phường. Biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng. “Khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị, chúng ta tạo được nền tảng để phục vụ cho cải cách công vụ trong thời gian tới” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.
Cụ thể, cơ cấu của UBND phường gồm: Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường, Trưởng Công an phường, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự... trong cơ cấu tổ chức của UBND phường cũng là sự tiến bộ, vượt qua trở ngại về tư duy cũ. Một trong những quan điểm quan trọng để tổ chức chính quyền đô thị ở Thủ đô là UBND phường được xác định là cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn, hoạt động theo nguyên tắc chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; gắn với cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính. Chủ tịch phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường theo quy chế làm việc của UBND phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung, dân chủ và tuân thủ quy định của pháp luật. Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, một điểm rất mới chỉ có Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh được thực hiện, để giảm tải công việc và giải quyết nhanh, phục vụ người dân nhanh nhất, đó là, tại Nghị định 32/2021/NĐ-CP quy định, Chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu đối với chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản theo quy định của pháp luật. Một trong những điểm ưu việt của Nghị định số 32/2021/NĐ-CP là quy định: “Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người. Số bình quân này được tính trên tổng số phường của một quận, thị xã. Bên cạnh đó là quy định phân cấp: Chủ tịch UBND quận, thị xã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức làm việc tại UBND phường”. Theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, đây là một sáng kiến của TP. Hà Nội đề xuất và rất phù hợp với đặc điểm đô thị. Nhiều ý kiến nhận định rằng: Việc thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị sẽ thổi làn gió mới, tinh thần mới, người dân sẽ được nâng cao chất lượng phục vụ từ CQĐT. Đồng thời, ngoài sự vào cuộc giám sát chặt chẽ hơn của Hội đồng nhân dân cấp trên, theo Nghị định mới này, hàng năm ít nhất hai lần trước kỳ họp thường kỳ của HĐND quận, thị xã, Chủ tịch UBND phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân ở phường về những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của công dân. Đây chính là cơ sở để các cơ quan Nhà nước lắng nghe người dân, tạo điều kiện để chính quyền vận hành thể hiện sự công bộc, lấy hiệu quả nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là thước đo hiệu quả.
Tiến Đạt
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 66 - 21
Tin tức liên quan
- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc tổ chức thành công Đại hội Công đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (02:41 03/03/2023)
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 (09:07 13/10/2022)
- ĐẠI HỘI HỘI DOANH NGHIỆP BẾN LỨC KHÓA I, NHIỆM KỲ 2022 - 2027 (05:20 07/08/2022)
- GIẢI PHÁP “TRẺ HÓA” VỚI DẦU GỘI PHỦ BẠC KANAVAL (03:23 04/07/2022)
- Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư (06:44 04/07/2022)