TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ ba, 28/01/2025

Chính sách kinh tế vĩ mô ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19: kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam

15:39 18/10/2021
Logo header Nghiên cứu này phân tích hệ thống các chính sách tài khóa và tiền tệ đã đem lại thành công bước đầu ở 15 quốc gia có khả năng chống chịu tốt với các ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 theo xếp hạng của Ngân hàng Đầu tư châu Âu.

Tóm tắt: Nghiên cứu này phân tích hệ thống các chính sách tài khóa và tiền tệ đã đem lại thành công bước đầu ở 15 quốc gia có khả năng chống chịu tốt với các ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 theo xếp hạng của Ngân hàng Đầu tư châu Âu. Song song đó, phân tích bối cảnh thực tế tại Việt Nam. Từ kết quả nghiên cứu bài học kinh nghiệm các nước và thực tiễn Việt Nam, một số hàm ý chính sách cho Việt Nam đã được đề xuất để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Về chính sách tài khóa, Chính phủ nên giải ngân chi tiêu công tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án ứng dụng công nghệ cao và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường; hỗ trợ chi phí chăm sóc sức khỏe cho trẻ em; miễn hoặc giảm kinh phí công đoàn; miễn giảm thuế cho các ngành vận tải, hàng không và du lịch. Về chính sách tiền tệ, Chính phủ có thể nới lỏng thêm các yêu cầu về quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại (NHTM); đẩy mạnh cho vay trong các lĩnh vực như bất động sản, nhà ở; đẩy nhanh việc triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử và phát triển FinTech.

Từ khóa: Chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, đại dịch COVID-19

1. Bối cảnh chính sách của các nước

Về tình hình tăng trưởng kinh tế, 15 quốc gia và vùng lãnh thổ kể trên đều rơi vào vùng trũng của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại trong năm 2008, rồi sụt giảm mạnh trong năm 2009, thậm chí ½ các nước trên có tốc độ tăng trưởng âm. Từ năm 2010 trở đi, kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, đến 2019, các nước dường như rơi vào vòng xoáy của chu kỳ suy thoái kinh tế 10 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đều giảm xuống so với năm trước. Trừ Australia, Indonesia và New Zealand có tăng trưởng kinh tế không thay đổi quá nhiều (lần lượt xoay quanh mức 2 - 3%, 5 - 6% và 2 - 4%), còn lại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác đều bị dao động mạnh qua thời gian. Điều đó phần nào phản ánh rằng các quốc gia trong nhóm nước ít chịu tổn thương bởi dịch bệnh COVID-19 không hẳn là có tiềm lực kinh tế hoàn toàn vững mạnh, hoặc tốc độ tăng trưởng dương để có đủ khả năng vượt qua được khủng hoảng do COVID-19.

Hơn nữa, các quốc gia và vùng lãnh thổ này còn có số ca nhiễm virus Coronarất lớn. Trong đó, Nga có số ca nhiễm tăng cao kỷ lục, từ 2.337 ca cuối tháng 3/2020, đến cuối tháng 2/2021 đã ghi nhận 4.198.400 ca, gấp 1.796 lần. Các nước khác như Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Hồng Kông, Paraguay, Uruguay, Botswana tính đến 28/2/2021 đều dưới 200.000 ca. Số người nhiễm virus ở 7 nước còn lại trải rộng từ gần 400.000 đến hơn 2 triệu ca.

Đại dịch COVID-19 lan tràn nhanh chóng cộng với tình hình tăng trưởng không mấy khả quan ở năm 2019 đã ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế của các quốc gia này. Tuy nhiên, tốc độ áp dụng các biện pháp chống lại dịch bệnh có sự khác nhau trên thế giới. Là nơi đầu tiên phát hiện ra virus, các nước châu Á cũng là nước đi đầu thực hiện các biện pháp ngăn chặn. Sau thời gian hoài nghi trước virus Corona, đến giữa tháng 3/2020, các khu vực khác trên thế giới đồng loạt chống lại dịch bệnh.

Song song với việc ngăn chặn dịch bệnh, các quốc gia cũng tiến hành một loạt các đề xuất để nền kinh tế thích nghi với tình hình mới. Đến đầu tháng 6 năm 2020, hầu hết các quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp đóng cửa và có những điều chỉnh chính sách sát sao hơn cho nền kinh tế vĩ mô. Như vậy, hầu hết 15 quốc gia trên không phải là nước có tình huống đặc biệt về kinh tế hay dịch bệnh, nhưng sự quyết liệt và kịp thời trong cách phản ứng đã giúp họ có thể chống chịu với dịch bệnh, giảm thiểu những tổn thất cho nền kinh tế xã hội.

2. Chính sách kinh tế vĩ mô

2.1. Chính sách tài khóa

Các quốc gia trong mẫu đều đề xuất các khoản chi lớn nhằm hỗ trợ hệ thống y tế đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu của bài này muốn tập trung vào các giải pháp nhằm phục hồi nền kinh tế nên sẽ không phân tích về chính sách tài khóa cho y tế.

 

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhiều nơi phải tiến hành giãn cách hoặc cách ly xã hội; hoạt động vận tải, vận chuyển bị đình trệ; tạm dừng các cơ sở kinh doanh các dịch vụ không thiết yếu; hạn chế nhập cảnh… Rất nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, một số chỉ còn hoạt động cầm chừng, doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn; thất nghiệp tràn lan, thu nhập thấp, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Chẳng hạn, ở Australia - một nền kinh tế khá ổn định trong giai đoạn trước dịch bệnh - chỉ tính đến tháng 3/2020, nhu cầu tiêu thụ nội địa đã giảm 82%, thiếu hụt 59% lao động. Tương tự, ở Indonesia, với ca nhiễm đầu tiên vào tháng 3/2020, mức tăng trưởng kinh tế đã giảm mạnh từ 5,02% năm 2019 xuống còn 3% trong quý I, sau đó giảm tiếp 5,3% ở quý II và 3,5% ở quý III, đưa mức tăng trưởng lũy kế chỉ còn -2% sau 9 tháng đầu năm 2020. Tiêu dùng tư nhân, đầu tư và xuất khẩu cũng giảm mạnh (Habir và Wardana, 2020). Tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia này lên đến 17%, 56% nam giới và 57% phụ nữ mất việc làm (UNESCO, 2020). Do vậy, các nước đều đề xuất chính sách nhằm phục hồi khu vực kinh doanh, cụ thể là hỗ trợ tài chính cho các công ty nhằm duy trì hoạt động và tạo việc làm cho người lao động, với mức chi từ 0,5 - 5% GDP mỗi quốc gia. Cũng cùng mục đích trên, có 13/15 nước đã thực hiện việc miễn, giảm hoặc hoãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Đây là một chính sách hỗ trợ rất cần thiết để doanh nghiệp giữ lại được nhiều lợi nhuận hơn để tái đầu tư, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; còn người lao động có thể gia tăng thu nhập nhằm trang trải cho các nhu cầu trong cuộc sống, từ đó kích cầu tiêu dùng cho nền kinh tế. Một số nước lại đẩy nhanh thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng để góp phần tạo thêm nguồn thu cho doanh nghiệp; hoặc tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội. Song song đó, các biện pháp hỗ trợ bằng tiền mặt, lương thực, thực phẩm cho cá nhân, hộ gia đình, người lao động và người thất nghiệp cũng được hơn ¾ các quốc gia trong nhóm thực hiện. Đây là khoản chi trực tiếp đến các cá nhân, bên cạnh khoản chi gián tiếp cho người lao động thông qua thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp và tạo việc làm như đã đề cập ở trên. Một số đối tượng dễ bị tổn thương trong dịch bệnh như người già, trẻ em… cũng được đưa vào chính sách tài khóa của nhiều quốc gia; chẳng hạn Peru đã dành đến 2% GDP cho nhóm này. Ngoài ra, trẻ em được quan tâm hơn khi có gói hỗ trợ đặc biệt cho hệ thống nhà trẻ (ở Hàn Quốc), hoặc hỗ trợ chi phí chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em (Australia). Trong thời gian này, nhiều nước đã đề xuất chính sách hỗ trợ cho hệ thống giáo dục, đào tạo và dạy nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ quá trình tái kiến thiết nền kinh tế. Ngoài ra, một số chính sách khác cũng được các quốc gia tích cực triển khai như: Hỗ trợ cho các dự án phát triển công nghệ cao và sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường; Chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển R&D; Hỗ trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; Chi ngân sách để cung cấp vốn cho các ngân hàng, tổ chức tài chính phi ngân hàng thông qua các khoản cho vay, hợp đồng REPO, hợp đồng Swap để đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế với lãi suất thấp, thời hạn dài và dung lượng vốn lớn hơn so với thông thường. Đặc biệt, yêu cầu giãn cách xã hội đã gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến ngành du lịch và ngành liên quan là hàng không - một trong các ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế. Do đó, ngoài những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp kể trên, chính phủ một số quốc gia còn đưa ra chính sách đặc biệt để giúp du lịch và hàng không vượt qua khủng hoảng.

Ngoài ra, một số quốc gia còn áp dụng các chính sách đặc biệt, trong đó tập trung vào việc tạo nguồn thu ngân sách để có kinh phí giải ngân cho chính sách tài khóa. Đó là chính sách Bán cổ phần được sở hữu bởi nhà nước để tạo quỹ hỗ trợ chống dịch (Iran); Đẩy nhanh các hoạt động đấu thầu các dự án thuộc chi tiêu công nhằm giải ngân nhanh chóng ngân sách chính phủ (Mexico); Phát hành trái phiếu chính phủ để vay vốn (Paraguay).

2.2. Chính sách tiền tệ

Nguồn: Tổng hợp từ IMF (2021)

Ngoài việc triển khai nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ đắc lực cho công cuộc phục hồi kinh tế, Chính phủ của 15 quốc gia trong mẫu nghiên cứu cũng đưa ra nhiều biện pháp cấp bách trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ các bộ phận của kinh tế gia tăng khả năng chống chọi, vượt qua các thách thức từ những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 tạo ra.

Ở bước đi đầu tiên, các quốc gia thực hiện những giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng thanh khoản cho nền kinh tế, nới rộng tối đa dung lượng các nguồn vốn, từ đó tạo dư địa để hỗ trợ vốn tốt cho các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, giúp các khoản vay diễn ra nhanh chóng và đi kèm nhiều ưu đãi như: lãi suất thấp, các khoản nợ đến hạn được cơ cấu lại, gia hạn thời hạn trả nợ, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các thành phần kinh tế có thể tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất. Các giải pháp tiêu biểu có thể kể đến như: Giảm lãi suất cơ bản, lãi suất cho vay qua đêm;

Yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay (các doanh nghiệp đi vay có thể nhận được sự bảo lãnh từ chính phủ); Tăng cường thực hiện các hợp đồng REPO, SWAP; Thực hiện mua Trái phiếu chính phủ; Mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp; Hỗ trợ các ngân hàng về nguồn vốn, giúp các ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn trả nợ cho khách hàng, không thu lãi phạt quá hạn.

Bên cạnh đó, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã ban hành và hướng dẫn thực hiện nhiều quy định nhằm hạ thấp hoăc điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về quản trị rủi ro trong hoạt động tín dụng nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng tối đa hỗ trợ cho ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính khác thuận lợi trong việc cấp vốn cho nền kinh tế, cụ thể như các chính sách: Giảm tỷ lệ dự trữ băt buộc, tỷ lệ vốn đệm; Giảm tỷ lệ an toàn vốn CAR; Tạo cơ chế đặc thù nhằm mở rộng danh sách tài sản thế chấp nợ vay tại ngân hàng trung ương cho ngân hàng thương mại (trái phiếu công ty, cổ phiếu); Nâng hạn mức cho vay trên tài sản thể chấp và nới lỏng các quy định về quản trị rủi ro khác.

Cuối cùng, Chính phủ đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán gián tiếp và phát triển Fintech, từ đó giúp hạn chế tiếp xúc giữa người với người ngăn dịch bệnh lây lan trong khi đó vẫn đảm bảo hoạt động thanh toán thông suốt.

Như vậy có thể thấy, về cơ bản các quốc gia được phân tích đã sử dụng nhiều giải pháp trong chính sách tiền tệ có các nội dung tương đối giống nhau, tuy nhiên một vài quốc gia như Boswana, Israel và Hàn Quốc có đưa ra các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ đặc biệt cho các ngành ưu tiên hoặc mũi nhọn như: Cho vay ưu đãi đặc biệt lĩnh vực bất động sản và phương tiện vận tải (Boswana; Israel); Xây dựng chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp xuất khẩu và các ngành đặc thù: hàng không, giao hàng, ô tô, chế tạo máy, năng lượng điện, thông tin liên lạc (Hàn Quốc). Israel và Hàn Quốc là hai quốc gia đưa ra khá nhiều chính sách sáng tạo và độc đáo trong chính sách tiền tệ như: Cho phép các ngân hàng tính điểm xếp hạng tín dụng cho khách hàng bằng thu nhập trước khủng hoảng (tỷ lệ khả năng chi trả), Cho phép các NHTM nâng cao hạn mức thấu chi trên tài khoản cho khách hàng; Tối đa hóa hiệu quả từ các hợp đồng REPO, SWAP (Israel); mở rộng các hoạt động trên thị trường mở (OMO), đa dạng hóa hàng hóa, đối tượng tham gia OMO và giảm yêu cầu đối với các thang đo trong quản trị rủi ro ngân hàng (Hàn Quốc). Đây sẽ là những gợi ý chính sách đáng lưu tâm cho các nhà điều hành điều hành chính sách tiền tệ tại các quốc gia trên thế giới nói chung và NHNN Việt Nam nói riêng trong công cuộc thực thi chính sách tiền tệ giúp nền kinh tế vượt qua tình hình khó khăn do COVID-19 gây ra hiện nay.

3. Một số kết quả của chính sách

So với tốc độ tăng trưởng kinh tế đa dạng của năm 2019, con số này ở 7 tháng đầu năm 2020 của cả 15 nước đều mang giá trị âm. Kết thúc quý III năm 2020, với các biện pháp nới lỏng phong tỏa cùng chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, tình hình kinh tế đã có nhiều nét khả quan. Dù mức độ khác nhau nhưng 8/15 nước có tốc độ tăng trưởng quay đầu, từ 1,2% - 24,1%. Trừ Iran và Romania chưa có số liệu thống kê cuối quý III, cả 5 nước còn lại tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn âm nhưng đã giảm đi khá nhiều so với thời gian trước đó. Thậm chí, ở quý VI, con số này của Australia là 3,1%; đồng thời, tiêu dùng của các hộ gia đình tăng 4,3%, đầu tư tư nhân tăng 3,9% nhờ vào các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ mạnh mẽ. Nền kinh tế New Zealand cũng phục hồi 14,0% trong quý III năm 2020, sau khi giảm 12,2% trong giai đoạn trước đó và so với kỳ vọng của thị trường là tăng trưởng 14,1%. Đây là lần tăng đầu tiên trong cả năm 2020. Ngành dịch vụ phục hồi mạnh 11,1%, sau khi giảm 9,8% trong quý II, là kết quả của sự gia tăng vận tải, bưu chính và kho bãi (16% so với -39%), thương mại bán lẻ và lưu trú (42,8% so với -22,6%), thương mại bán buôn (19,2% so với -13,1%). Ngoài ra, ngành sản xuất phục hồi 17,2% (so với -11,3%), xây dựng 52,4% (so với -26,5%).

Ở châu Á, Indonesia và Hàn Quốc cũng quay lại với tốc độ tăng trưởng kinh tế dương, xấp xỉ năm 2019. Đây là những minh chứng rõ rệt cho những chính sách giúp nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau đợt bùng phát dịch COVID-19.

4. Một số hàm ý chính sách cho việt nam

Trước hết, các chính sách đang thực hiện vẫn phải tiếp tục triển khai. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế cộng với việc tham khảo chính sách của 15 nước trong mẫu nghiên cứu, hàm ý cho từng chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam được đề xuất như sau:

Về chính sách tài khóa

Đẩy mạnh chi tiêu công theo hướng tăng tỷ trọng cho các dự án đầu tư phát triển, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia và dự án có tính liên vùng, cụ thể như: các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc – Nam,… và các dự án ứng dụng công nghệ cao và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó góp phần kết nối các địa phương, kích thích tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Điều quan trọng là phải đảm bảo tính hiệu quả của các khoản chi này, công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Đây cũng là giải pháp tài khóa mà Mexico đã áp dụng. Về phía chi thường xuyên, cần cắt giảm để tập trung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển và hỗ trợ chống dịch.

Ngoài ra có thể đưa ra thêm các chính sách đặc thù như hỗ chi phí chăm sóc sức khỏe cho trẻ em; miễn hoặc giảm kinh phí công đoàn, mở rộng đối tượng miễn giảm; ban hành nhiều chính sách về việc tiếp nhận các khoản vốn ưu đãi đặc biệt từ ngân sách chính phủ cũng như được giảm thuế hoặc miễn thuế trong một khoảng thời gian cho các ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 như vận tải, hàng không và du lịch. Cần lưu ý tránh hiện tượng tranh thủ chính sách đặc thù để trục lợi.

Về chính sách tiền tệ

NHNN có thể xem xét nới lỏng thêm các yêu cầu về quản trị rủi ro tín dụng tại các NHTM như: giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ an toàn vốn CAR giúp các NHTM có thêm nguồn vốn hoạt động; hướng dẫn các NHTM tính điểm xếp hạng tín dụng cho khách hàng bằng thu nhập trước khủng hoảng (trong tính tỷ lệ khả năng chi trả) tạo thuận lợi hơn trong công tác giải ngân.

NHNN tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM đẩy mạnh cho vay trong các lĩnh vực như bất động sản, nhà ở có thể bằng cách ưu đãi lãi suất cho cán bộ, công nhân viên hoặc các thành phầnlao động chứng minh được thu nhập ổn định trong thời gian dài, vì thị trường bất động sản chính là một trong những thị trường có khả năng thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh.

Cuối cùng, NHNN cần yêu cầu các NHTM đẩy nhanh việc triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử và phát triển FinTech nhằm tận dụng được các ưu điểm của các dịch vụ này trong đó quan trọng nhất đó là hạn chế tiếp xúc xã hội cũng như đảm bảo hệ thống thanh toán diễn ra nhanh chóng, thuận lợi từ đó hỗ trợ đắc lực cho các lĩnh vực kinh tế khác.

ThS. Nguyễn Tiến Dũng - ThS. Lê Việt An

 Khoa Tài chính - Ngân hàng và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Quy Nhơn

 Bài viết được tổng hợp tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021”

Bình luận: 0