TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ ba, 19/03/2024

Chương trình cải cách môi trường kinh doanh việt nam: góc nhìn từ doanh nghiệp

22:42 29/07/2021
Logo header Cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp là một trong những trọng tâm chính sách của Chính phủ trong thời gian qua. Liên tục trong bảy năm qua, mỗi năm Chính phủ đã ban hành một Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng nhìn lại những kết quả trong công cuộc cải cách môi trường kinh doanh của nước ta trong những năm qua.

Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) thông qua Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Chương trình Aus4Reform), VCCI đã thực hiện Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp (báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2020 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ). Báo cáo phản ánh các hoạt động của các cơ quan nhà nước liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh trong thời gian qua và sự hài lòng của các doanh nghiệp đối với các hoạt động đó.

Nhìn chung, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vẫn được tiếp tục thực hiện, bất chấp bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và giai đoạn này trùng với thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ. Lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất (lần lượt là 72,5% và 65,9% doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt), và xếp cuối cùng là lĩnh vực phá sản (44,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hoặc rất tốt). Tuy nhiên, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước, và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược: các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao (thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm. Đáng chú ý, cùng liên quan đến tài chính doanh nghiệp, trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều. Xét theo địa phương, các chỉ số vẫn thể hiện tích cực hơn so với năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại.

Các chỉ số đo lường

Về khởi sự kinh doanh và đăng ký thành lập doanh nghiệp

Về chất lượng thủ tục đăng ký doanh nghiệp, nhìn chung các chỉ số (Thủ tục tại bộ phận Một cửa được niêm yết công khai; Hướng dẫn thủ tục rõ ràng, đầy đủ; Cán bộ am hiểu chuyên môn; Cán bộ nhiệt tình, thân thiện) đều tăng điểm. Tuy nhiên, nhóm các tỉnh có điểm thấp nhất lại ghi nhận việc giảm điểm mạnh ở chỉ số về thủ tục tại bộ phận Một cửa được niêm yết công khai và chỉ số cán bộ nhiệt tình, thân thiện.

Về hình thức thực hiện, năm 2020 chứng kiến sự gia tăng việc sử dụng các biện pháp làm thủ tục hành chính (TTHC) không tiếp xúc như bưu điện và trực tuyến (có địa phương lên đến 92%). Tuy nhiên, khả năng hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin ở địa phương chưa đáp ứng được (trung bình có 36,67% doanh nghiệp hài lòng; tỉnh cao nhất cũng chỉ có 40%, tỉnh thấp nhất hơn 3%).

Nộp thuế và bảo hiểm xã hội

Thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội có sự tiến bộ đáng ghi nhận trong năm 2020. Tuy vậy, trung bình vẫn có 22% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện TTHC lĩnh vực thuế như đề nghị miễn, giảm thuế (với 23% doanh nghiệp gặp phải), hoàn thuế (18%), quyết toán thuế (17%)…

Biểu đồ 1: Đánh giá của doanh nghiệp về việc cải thiện chỉ số nộp thuế theo Nghị quyết 02 từ năm 2017 đến 2020

Hoạt động thanh kiểm tra thuế trong năm 2020 giảm so với năm 2019, có thể nhờ Covid-19 làm giảm thời gian thanh kiểm tra trực tiếp kết hợp với việc ngành thuế thực hiện điều chỉnh kế hoạch thanh kiểm tra để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp phải thương lượng với cơ quan thuế vẫn chưa có xu hướng được cải thiện theo thời gian và đặc biệt tăng mạnh lên 52,8% từ mức 47,1% của năm 2019, phản ánh tình trạng các quy định thuế còn khó hiểu, thiếu thống nhất về cách hiểu giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp. Các vấn đề về nộp bảo hiểm xã hội năm 2020 không có nhiều sự thay đổi so với năm 2019. Một số khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp phải khi thực hiện TTHC trong lĩnh vực này là thủ tục chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (với 18% doanh nghiệp gặp phải), điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội (15%), đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội (15%), thủ tục hưởng chế độ ốm đau (15%), thủ tục hưởng chế độ thai sản (13%), đăng ký bảo hiểm xã hội (11%).

Giấy phép xây dựng và các giấy phép liên quan

Các TTHC liên quan đến xây dựng, dù được cải thiện trong thời gian qua, vẫn chưa thực sự dễ dàng với doanh nghiệp. Các thủ tục khó khăn nhất gồm đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quyết định chủ trương đầu tư…

Biểu đồ 2: Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi làm các TTHC có liên quan đến xây dựng

Vấn đề cấp phép xây dựng được doanh nghiệp đánh giá giảm điểm trong năm 2020 so với năm 2019, dù vẫn cao hơn so với năm 2017 và 2018. Điều này cho thấy tốc độ cải cách trong lĩnh vực này cần được duy trì và đẩy mạnh hơn  nữa.

Tiếp cận vốn tín dụng

Tiếp cận tín dụng là một trong các lĩnh vực giảm điểm trong năm 2020 khi tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện chỉ là 54,4%, thấp hơn mức 59,5% của năm 2019.

Dù đã có nhiều biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc tiếp cận, hấp thụ được các khoản vay ưu đãi do điều kiện vay vốn không dễ dàng.

Đăng ký bất động sản và quản lý đất đai

Chỉ số này hầu như không có sự thay đổi điểm số qua nhiều năm thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02. Mức độ cải thiện lĩnh vực đăng ký tài sản năm 2020 giảm điểm đôi chút so năm 2019, từ mức 60.7% xuống còn 60,2%.

Biểu đồ 3: Đánh giá về mức độ chuyển biến lĩnh vực đăng ký tài sản từ 2017 đến 2020

Việc thực hiện thủ tục về đất đai vẫn còn nhiều khó khăn và chưa được chú trọng cải thiện thực tế trong năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp không gặp khó khăn về thủ tục đất đai trong 2 năm qua giảm từ 39% năm 2019 xuống 29% năm 2020. Các khó khăn có thể kể đến là cán bộ không hướng dẫn đầy đủ, chi tiết (với 18% doanh nghiệp gặp phải), việc xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian (16%) và quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ không đúng quy định (12%).

Việc cung cấp thông tin về đất đai được cải thiện trong năm 2020 so với năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng thông tin về đất đai không được cung cấp một cách thuận lợi, nhanh chóng đã giảm từ mức 32,65% năm 2019 xuống còn 30,19% năm 2020.

Cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp

Lĩnh vực thực thi hợp đồng và phá sản doanh nghiệp có sự tăng điểm trong năm 2020, đặc biệt là vấn đề phá sản doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất đáng ghi nhận khi chỉ số phá sản luôn là lĩnh vực bị đánh giá thấp nhất tại Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02.

Biểu đồ 4: Đánh giá về mức độ chuyển biến trong lĩnh vực thực thi hợp đồng từ 2017 đến 2020

Biểu đồ 5: Đánh giá về mức độ chuyển biến trong lĩnh vực phá sản doanh nghiệp từ 2017 đến 2020

Chỉ số hạ tầng và tiếp cận điện năng

Nhìn chung, chất lượng một số hạ tầng cơ bản của Việt Nam đã có sự cải thiện liên tục trong nhiều năm qua. Năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về hạ tầng khu công nghiệp và đường sá có xu hướng tăng.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhu cầu sử dụng các dịch vụ có sự thay đổi. Dịch vụ viễn thông và internet có sự gia tăng về nhu cầu sử dụng, nhưng hạ tầng chưa đáp ứng được nên đánh giá chất lượng từ phía doanh nghiệp có phần sụt giảm. Ngược lại, nhu cầu về hạ tầng đường xá giảm do giãn cách xã hội, có thể dẫn đến việc tăng điểm đánh giá về chất lượng lĩnh vực này. Thời gian đường sá không lưu thông được cũng giảm, từ 10 ngày (năm 2014) xuống chỉ còn 2,74 ngày (năm 2020). Điểm chính sách đáng chú ý là chỉ số tiếp cận điện năng lại giảm điểm trong năm 2020, trong khi nhu cầu điện năng không tăng mạnh như trước, thậm chí có ngành còn giảm.

Kiểm tra chuyên ngành và kết nối cổng thông tin một cửa quốc gia

Kiểm tra chuyên ngành là một trong số ít lĩnh vực có sự cải thiện mạnh trong năm 2020, và cũng là lĩnh vực chứng kiến sự cải thiện liên tục trong nhiều năm qua.

Biểu đồ 6: Đánh giá về mức độ chuyển biến lĩnh vực XNK từ 2017 đến 2020

Cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh

Số liệu khảo sát cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có xu hướng tăng lên 52% năm 2019 và 59% năm 2020. Điều này chứng tỏ đang có sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh sang cả các ngành nghề cần điều kiện, mà một phần nguyên nhân có thể do việc xin các giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đã trở nên dễ dàng hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh tiếp tục có xu hướng giảm xuống còn 32%. Tuy nhiên, dư địa cải cách trong lĩnh vực này còn rất lớn với sự tồn tại của các điều kiện không minh bạch, định tính, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Biểu đồ 7: Tỷ lệ doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh có điều kiện

Ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Việc thúc đẩy thanh toán điện tử và dịch vụ công cấp độ 4 nhìn chung vẫn còn rất chậm, một số đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, nhưng một số lại khá hình thức. Số lượng các dịch vụ công cấp độ 4 có tăng, nhưng nhiều bộ ngành vẫn chưa thực hiện được yêu cầu về tỷ lệ ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4. Số lượng nộp hồ sơ thực tế qua hình thức này không nhiều. Nếu có, hồ sơ ở một số bộ lại tập trung chủ yếu vào một hoặc một vài thủ tục đơn giản, như thủ tục báo cáo hành khách của Bộ Giao thông vận tải.

Việc thành lập Cổng Dịch vụ công quốc gia là một bước chuyển mạnh mẽ trong năm 2020, giúp kết nối và giám sát các cổng dịch vụ công của các bộ, ngành và địa phương. Đơn vị có nhiều hồ sơ thực hiện qua cổng này nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam với gần 600 nghìn hồ sơ. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trên 1.000 hồ sơ nộp qua Cổng quốc gia.

Tuy nhiên, việc thực hiện TTHC qua môi trường điện tử còn gặp một số tình trạng sau:

- Có tình trạng doanh nghiệp đã nộp hồ sơ trực tuyến thành công nhưng không được giải quyết, mà thay vào đó được hướng dẫn nộp hồ sơ giấy;

- Việc thanh toán trực tuyến với lệ phí vẫn chưa được thực hiện với nhiều thủ tục ở các bộ, ngành. Hoặc có tình trạng website thanh toán bị lỗi, không thể truy cập hoặc không thể thanh toán được mà không rõ lý do;

- Các cổng dịch vụ công trực tuyến thường gặp lỗi mà không rõ lý do vì sao,

- Việc trả kết quả phụ thuộc quá nhiều vào bản giấy (bản cứng có chữ ký và dấu).

Thông qua các con số trên có thể thấy môi trường kinh doanh đã trở nên an toàn hơn giữa các thành phần kinh tế, thủ tục hành chính đã được cải thiện, chi phí không chính thức có chiều hướng giảm... Tuy nhiên, những thách thức với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 5 năm tới sẽ khó khăn hơn so với những gì đã làm được. Muốn khắc phục được những thách thức đó cần có những cải cách thực sự đột phá, thay vì chỉ cải biên, cải biến, cải tiến, cải thiện.

Huyền Vũ
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 72 - 21

Bình luận: 0