TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 18/04/2024

Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước – Công cụ quan trọng để phòng, chống tham nhũng

20:56 05/03/2020
Logo header Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019 cơ quan điều tra đã khởi tố mới 214 vụ, 487 bị can tham nhũng; thiệt hại trên 1.028 tỷ đồng và 22.069 m2 đất; thu hồi 615.06 tỷ đồng và 11.867 m2 đất; kê biên trên 795 tỷ đồng. Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 217 vụ, 653 bị can. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 344 vụ, 849 bị cáo (tăng 31 vụ so với năm 2018); đã xét xử sơ thẩm 240 vụ, 517 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Có 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân.Năm 2019, quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước được thể hiện một cách rõ ràng, nhất quán khi hàng loạt cán bộ cấp cao bị kỷ luật, truy tố về tội tham nhũng.

Quyết tâm này được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quán triệt ngay trong phiên họp thứ 15 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức đầu tháng 1/2019 “chống tham nhũng với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Công tác phòng, chống tham nhũng đã trở thành xu thế, phong trào.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định quyết tâm chống tham nhũng

Trong công cuộc phòng chống tham nhũng thì Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan Nhà nước biện pháp quan trọng đầu tiên để ngăn ngừa tham nhũng. Công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước.  Đây cũng là yếu tố giúp cho công chức Nhà nước có ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách, công vụ của mình theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định. “Công khai và minh bạch là những chìa khoá then chốt nhằm bảo đảm đấu tranh chống tham nhũng thành công”. Để góp phần thúc đẩy, nâng cao nhận thức về công khai, minh bạch, và trách nhiệm giải trình Tạp chí Tri thức Xanh biên tập và trích đăng những bài tham luận của hội thảo “Công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước ở Việt Nam : những vấn đề lý luận và thực tiễn” Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa”, thuộc chương trình KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia do Viện Khoa học Môi trường và Xã hội làm chủ trì.

Lý luật bản vẽ công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị Nhà nước và phòng chống, tham nhũng

Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là các thành tố cơ bản của quản trị Nhà nước tốt và phòng, chống tham nhũng trong quản trị Nhà nước. Bài viết này làm rõ các khái niệm, vị trí, vai trò và các điều kiện bảo đảm cho công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng cũng như gợi mở một số điều kiện để đảm bảo cho quá trình thực thi công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị Nhà nước.

I. Khái niệm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng 

Công khai (Openness) trong quản lý Nhà nước theo nghĩa ban đầu là công bố thông tin của Nhà nước. Theo Từ điển Tiếng Việt, công khai là “không giấu diếm, bí mật mà cho mọi người cùng biết”. Theo cách hiểu này, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định: “Công khai là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị công bố, cung cấp thông tin chính thức về văn bản, hoạt động hoặc về nôi dung nhất định”. Trong khoa học pháp lý Việt Nam, công khai về cơ bản cũng được hiểu ở khía cạnh này: “Trong hoạt động của bộ máy Nhà nước, công khai nghĩa là mọi hoạt động của Nhà nước phải được công bố hoặc phổ biến, truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm cho mọi người dân có thể tiếp cận được các quyết định của Nhà nước một cách dễ dàng”. Tuy vậy, nội hàm của công khai trong quản trị ngày càng mở rộng, không chỉ là sự mở về thông tin, mà còn là sự mở cho phép sự tham gia của công dân. Ý tưởng xây dựng một chính phủ mở (Open Government)  dựa trên sự công khai thông tin và cho phép người dân tham gia vào quản trị Nhà nước. Công khai trong mô hình này dựa trên các đặc điểm của quản trị Nhà nước, đó là: minh bạch, có thể tiếp cận và đáp ứng.  Theo đó, minh bạch là một nôi dung của công khai trong mô hình Chính phủ mở.

Minh bạch (Transparency) không có một định nghĩa chung được hiểu thống nhất. Thay vào đó, có nhiều cách tiếp cận nhấn mạnh các khía cạnh, nội dung khác nhau của nó. Theo từ điển Tiếng Việt, minh bạch là “sáng rõ, rành mạch”. Theo nghĩa này, minh bạch tức là đưa điều gì đó ra ánh sáng để làm cho nó sáng rõ, rành mạch, có thể hiểu. Trong quản trị, khái niệm này được chú ý bởi các tổ chức phi chính phủ và liên quốc gia từ đầu những năm 1990. Sự ra đời của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) và các hoạt động của nó đã giúp định hình khái niệm này và nâng cao nhận thức về nó trong công chúng và giới khoa học. Tổ chức Minh bạch Quốc tế được thành lập với mục tiêu góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng thông qua các hoạt động đánh giá tác động và hậu quả của tham nhũng đối với công dân, đưa ra các báo cáo tình hình ở các quốc gia, từ đó đề xuất các thay đổi chính sách các cấp nhằm đấu tranh, phòng chống tham nhũng. Như vậy, ý tưởng ban đầu của “minh bạch” gắn liền với vấn đề phòng, chống tham nhũng. Các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ sau này ngày càng quan tâm đến bảo đảm sự minh bạch thông qua công khai, tự do thông tin, sự tham gia của người dân, trách nhiệm giải trình, chống xung đột lợi ích như là các điều kiện để phòng, chống tham nhũng.

 Minh bạch tiếp tục được các nhà nghiên cứu giải thích, mở rộng và phát triển coi nó không chỉ là một phương phức phòng, chống tham nhũng, mà còn là phương tiện khuyến khích chính phủ mở, nâng cao trách nhiệm giải trình và coi minh bạch như là một giá trị cần phải đưa vào các chính sách, pháp luật. Finel and Lord (1999) đưa ra một khái niệm rất đầy đủ về minh bạch như sau: “Minh bạch bao gồm các cấu trúc pháp lý, chính trị và thể chế làm cho thông tin các hoạt động nội tại của một chính phủ và xã hội công khai với các chủ thể bên trong cũng như bên ngoài hệ thống chính trị trong nước. Minh bạch được thúc đẩy bởi bất kỳ cơ chế nào bảo đảm sự công khai thông tin, tự do báo chí, chính phủ mở, đối thoại công chúng, hoặc sự tồn tại của các tổ chức phi chính phủ đóng vai trò công khai hóa các thông tin khách quan về chính phủ” . Michell (1998) cho rằng minh bạch thiết lập nhu cầu về thông tin, khả năng của công dân trong việc có được thông tin, và sự cung cấp và công bố thông tin bởi chính phủ và các tổ chức phi chính phủ. 

Lúc đầu, nghiên cứu về minh bạch gắn với các quan hệ quốc tế, hoạt động của các tổ chức phi lợi nhuận. Sau đó, minh bạch được chú trọng như là một giải pháp cho quản trị Nhà nước, đặc biệt trong việc quá trình xây dựng chính sách công. Một trong những nghiên cứu đầu tiên về minh bạch trong quản trị Nhà nước được thực hiện vào năm 2000, do một nhóm các nhà khoa học và thực tiễn tiến hành, có tên gọi là “Minh bạch trong Chính sách công: Anh Quốc và Hoa Kỳ” – một nghiên cứu so sánh mức độ minh bạch trong các chính sách công ở Anh Quốc và Hoa Kỳ. Bằng việc gắn minh bạch với quá trình xây dựng chính sách, các nghiên cứu về minh bạch chuyển từ ý tưởng phòng, chống tham nhũng sang một phương thức quản trị quá trình xây dựng và ban hành chính sách. Tiếp theo, nhiều vấn đề về minh bạch trong quản trị Nhà nước được nghiên cứu, từ xây dựng cho đến thực thi chính sách, như minh bạch trong sử dụng ngân sách và tài sản công, minh bạch trong chính trị và hành chính. Minh bạch được chú ý ở khía cạnh công khai về thông tin trong quản trị Nhà nước. Ở khía cạnh này, các nghiên cứu về minh bạch trong quản trị Nhà nước đã bổ sung một khía cạnh mới khi đặt vấn đề “minh bạch” trong mối quan hệ đối lập với “sự bí mật” so với cách tiếp cận lúc đầu chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh “tham nhũng”.  

PGS.TS. Đặng Minh Tuấn (Còn nữa)

Bình luận: 0