TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 21/11/2024

Cùng suy ngẫm

17:40 07/05/2020
Logo header Thuở bé, tôi vẫn thường ngồi trên chiếc chõng tre sau hè nghe cha tôi kể chuyện đi đánh giặc, sống, ăn, ở cùng bà con dân tộc và ước mơ sau khi hòa bình lập lại về một ngôi nhà chung - nơi tụ họp những con người lưng đeo gùi, chân đạp núi… chẳng hiểu mô tê răng rứa gì nhưng tôi vẫn “mắt chữ o, mồm chữ a” lắng nghe. Lớn lên một chút tôi mới thấm thía những câu chuyện cha kể và cũng ngấm dần những ước mơ đó của ông.

Tái hiện Lễ hội đua bò Bảy Núi tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Thời gian trôi, tôi đã trưởng thành và hành trang bước vào nghề phóng viên như mang niềm mơ ước của cha đi qua những vùng miền nơi bà con dân tộc sinh sống. Tôi đã từng say sưa trong điệu múa xòe của núi rừng Tây Bắc, từng đắm mình trong tiếng cồng chiêng của bà con dân tộc Tây Nguyên, từng mải mê ngắm nhìn những tuyệt phẩm gốm làng Bàu Trúc hay thả hồn với tiếng khèn, tiếng sáo khoan thai của đồng bào Chăm… Có đi, có đến mới cảm nhận được hồn dân tộc, cảm nhận được nền văn hóa ngàn đời và tự hào thay về đất nước Việt Nam ta. Và cũng từ đó, mơ ước “cha truyền, con nối” trong tôi càng thêm cháy bỏng.

Rồi một ngày giữa thủ đô yêu dấu, tim tôi như vỡ òa khi biết rằng cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km tại Đồng Mô, Sơn Tây một làng văn hóa hội tụ 54 dân tộc đang xây dựng và sẽ hoàn thành trong tương lai trên diện tích 1.544 ha. Với tên gọi “Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam” nơi đây sẽ là một trung tâm hoạt động văn hóa mang tầm cỡ quốc gia, một tổng thể hữu cơ tập trung tái hiện, gìn giữ phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Hàng năm, nơi đây tổ chức lễ hội văn hóa các dân tộc với một không khí sôi động, bà con dân tộc trên mọi miền tổ quốc đã đem những nét văn hóa truyền thống, đặc sắc của dân tộc mình tề tựu tại đây. Mỗi dịp lễ hội diễn ra, công tác chuẩn bị cho ngày hội, bà con đồng bào các dân tộc đã về với làng văn hóa trước đó nhiều ngày, háo hức chuẩn bị dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón khách. Các vật dụng thường ngày như giỏ đựng bắp, ống để gùi nước, những chiếc cung, nỏ, ống nứa để làm cơm lam, những vò rượu cần… đã được bà con kỳ công vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số để bày biện trong ngôi nhà của dân tộc mình. Để hoàn thiện không gian văn hóa truyền thống, họ đã không ngại mang các vật dụng sinh hoạt, đồ trang trí và cả những cây trái đặc trưng của quê mình tới trồng trong khu làng 54 dân tộc…Tiếng thoi đưa lách cách, sự cần mẫn dệt vải của người phụ nữ Gia Rai, dưới chân nhà sàn rộn tiếng chày đôi, chày ba của những chàng trai, cô gái… Được hưởng không khí trong lành, mát dịu của khí trời cũng như sự ấm áp tình người, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi và rồi mơ ước ngôi nhà 54 dân tộc đã chính thức là của chung. 

Tạm biệt không khí của núi rừng, của bản làng tôi trở về với bộn bề công việc thường nhật, rồi nhân một chuyến công tác tôi cùng cô bạn ghé qua với niềm mơ ước ngày nào. Ngôi nhà rông vẫn hiên ngang đứng giữa núi đồi, nếp nhà sàn vẫn thơm mùi gỗ mới, cây cối vẫn tốt tươi, lòng hồ vẫn sáng trong soi bóng của núi rừng bát ngát… nhưng sao vẫn thấy thiếu thiếu và cô quạnh quá! Tiếng chày, tiếng thoi dệt vải, tiếng của cồng chiêng ngày nào chỉ còn là âm hưởng vương vấn nơi đây… Hỏi ra mới biết, chỉ ngày lễ, hội thì bà con dân tộc khắp nơi mới tề tựu nơi đây cùng vui ché rượu nồng say, cùng nhau chia sẻ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình… Còn những ngày thường trong năm thì tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam không khí thật tẻ nhạt. Chợt thấy sót bởi đầu tư là vậy, công phu là vậy mà nay lại thấy sót cho những ước mơ ngôi nhà chung của mình cũng như của biết bao dân tộc anh em đang bị gián đoạn, hoang phí.

Nhật Thăng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 09 - 20

Bình luận: 0