TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 25/04/2024

Cuốn sách ảnh tạo cho người xem cảm GIÁC như đã chứng kiến cuộc chiến ấy

17:40 13/05/2021
Logo header “Mỗi ánh mắt, mỗi gương mặt của người dân Việt Nam, của những chiến sĩ Việt Nam trong cuộc chiến đấu hiện lên rất rõ ý chí bất diệt về chủ quyền dân tộc như ông cha họ đã minh chứng qua hàng ngàn năm lịch sử …” - Đó là lời của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nêu trong cuốn sách ảnh “Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979” của Nhà báo, Nhà LLPB Trần Mạnh Thường.

Khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng đất nước, thế hệ trẻ đang ra sức phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp để Việt Nam ngày càng phát triển. Nhưng bên cạnh những thành tựu về chính trị, kinh tế - xã hội chúng ta luôn phải cảnh giác, đề phòng những âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, đặc biệt là những thông tin xấu, độc đang tìm cách gieo rắc vào tầm hồn thế hệ trẻ những quan điểm, lập trường sai lệch. Vậy nên, giá trị của những tư liệu lịch sử đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để nhìn nhận đúng mức, khách quan và chân thực về sự khốc liệt của chiến tranh, những trang sử hào hùng trong cuộc chiến chính nghĩa bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc của quân và dân ta, Nhà báo, Nhà lý luận phê bình Trần Mạnh Thường đã cho ra đời Cuốn sách ảnh “Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc 1979”.

Cuốn sách ảnh tác giả tặng Nhà báo, NSNA Vũ Nhật Thăng

Đầu năm 1979, trong những ngày tình hình biên giới phía Bắc diễn ra hết sức căng thẳng, ông quyết định lên tỉnh biên giới Cao Bằng nhằm ghi lại những diễn biến bằng hình ảnh. Cuốn sách được chia làm 3 phần: phần 1 là Tội ác của quân xâm lược. Ghi lại những hình ảnh tàn bạo của kẻ thù. Phần 2 nói về tinh thần đoàn kết chiến đấu anh dũng của quân dân Việt Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt nam, Lệnh Tổng động viên toàn dân của Chủ tịch nước và Quyết định của UB thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt nam với sự giúp đỡ của nhân dân cả nước, quân và dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã vượt qua khó khăn, gian khổ đoàn kết chiến đấu ngoan cường. Phần 3 chia sẻ về thắng lợi vẻ vang. Nhà báo Trần Mạnh Thường chia sẻ: “Ngày 16/2/1979 tôi có mặt tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng thì ngay sáng 17 địch đã nổ súng tiến công trên toàn tuyến biên giới nước ta, trải dài từ Lai Châu cho đến Quảng Ninh. Thời điểm đó áp dụng kiểu đánh vu hồi nên rất ít phóng viên lọt được vào giữa chiến trường như tôi. Đêm đó tại Hòa An vào lúc 5h sáng, súng bắt đầu nổ khắp nơi. Tôi cứ thấy chiếc xe nào bị tiêu diệt là chạy để chụp ngay và chẳng còn cảm giác sợ nữa. Cứ thế giữa chiến địa, cứ nghe tin nổ súng ở đâu là tôi chạy bộ đến đó. Có nơi cách nhau cả mấy chục cây số chả thấy mệt mỏi gì, cứ băng rừng mà đi từ Thông Nông, Trà Lĩnh, Quảng Hòa, Hà Quảng cho đến Nguyên Bình, Trùng Khánh… Đến ngày 8/3 mới về đến hậu cứ Ngân Sơn tỉnh Bắc Kạn. Đến giờ tôi không hiểu tại sao mình lại có thể đi nhiều như vậy dù lúc đó tôi đã 41 tuổi.”

Bức ảnh “Một đường phố thị xã Cao Bằng bị quân giặc phá tan”

Chịu trách nhiệm xuất bản cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn chia sẻ về cuốn sách: “Cho dù những bức ảnh là tĩnh nhưng toàn bộ những bức ảnh trong tập sách này lại tạo nên một sự chuyển động đầy khốc liệt của cuộc chiến tranh, sự hy sinh lớn lao của nhân dân và tinh thần chiến đấu kiên cường vì tổ quốc của người lính Cụ Hồ. Đó là cảnh nhà cửa, trường học, bệnh viện, nhà trẻ, chùa chiền… bị quân bành trướng Trung Quốc tàn phá tan hoang, đó là những hình ảnh những người dân chịu bao mất mát thương đau, đó là những anh bộ đội đã quên mình để bảo vệ tổ quốc, đó là những gì mà kẻ xâm lược ấy phải nhận lấy như hậu quả tất yếu của những kẻ xâm lược, đóng là chủ nghĩa nhân đạo truyền thống của dân tộc Việt Nam đối với những đội quân xâm lược trong suốt chiều dài lịch sử của mình… Thời gian dần dần xóa đi những vết tích đau thương của cuộc chiến tranh, nhưng sự thật về cuộc chiến tranh đó sẽ mãi mãi là bài học không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà cho các dân tộc  nguy cơ bị xâm lược. Lịch sử phải được tôn trọng và được minh chứng. Và nhà báo, nghệ sỹ Trần Mạnh Thường đã góp phần quan trọng vào sự minh chứng ấy”

Chiến tranh đã qua đi, sự hy sinh kiên cường và niềm tự hào trong mỗi người con nước Việt vẫn luôn thấm nhuần tư tưởng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của Tổ quốc. Sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã chứng tỏ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh không gì có thể ngăn cản nổi. Và những nhà báo đã xả thân chỉ bằng chiếc máy ảnh đơn sơ, cuốn sổ tay để lưu lại từng diễn biến lịch sử như nhà báo Trần Mạnh Thường đã giúp cho những thế hệ mai sau tinh thần và ý chí quyết tâm của cha ông ta. 

Tiến Đạt

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 61 -21

Bình luận: 0