TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 19/09/2024

Đặc sản Vải thiều Thanh Hà vươn ra thế giới

16:05 04/06/2020
Logo header Những năm qua, đặc sản vải thiều Thanh Hà, tỉnh Hải Dương không ngừng khẳng định vị thế, khẳng định thương hiệu và niềm tin đối với khách hàng trên thị trường trong nước và quốc tế với việc tiêu thụ rộng khắp trong nước và xuất khẩu sang các thị trường Singapore, Mỹ, Úc, Nhật Bản…

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Hải Dương cắt băng chuyến trái vải đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Singapore

Ngày 25/5/2020, tại huyện Thanh Hà, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương và UBND huyện Thanh Hà đã tổ chức Chương trình thu hái vải thiều xuất khẩu và cắt băng xuất khẩu lô vải đầu tiên đi Singapore, Mỹ, Úc năm 2020. Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Rồng Đỏ đã xuất container vải đầu tiên đi thị trường Mỹ, Úc và Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam xuất container vải đi Singapore. Ngày 29/5/2020 tại TP Hà Nội, UBND huyện Thanh Hà đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức Khai mạc Phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Nội năm 2020. 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển và các lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương tại vườn

Với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương, vải thiều Thanh Hà đã được tôn vinh và ngày 25/5/2007 Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Công thương đã cấp “Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Thanh Hà” số 0009 cho sản phẩm vải thiều Thanh Hà, quy mô bảo hộ gồm 25 xã của huyện Thanh Hà với diện tích gần 6.800 ha. Ngày 23/8/2007, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 3025/QĐ-UBND giao quyền quản lý, khai thác, sử dụng chỉ dẫn địa lý vải thiều Thanh Hà cho UBND huyện Thanh Hà. Từ năm 2011, toàn bộ sản phẩm vải thiều Thanh Hà được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Đồng thời, hàng năm sản phẩm vải thiều của huyện Thanh Hà không ngừng được người tiêu dùng tin cậy bình chọn trong “Top đầu sản phẩm hàng nông sản tỉnh Hải Dương”, “Top 10 Sản phẩm - Dịch vụ, uy tín, Chất lượng” do Trung ương Hội người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. “Top 10 Thương hiệu nhãn hiệu nổi tiếng” do Liên hiệp khoa học Doanh nhân Việt Nam và Tạp chí Sở hữu trí tuệ & sáng tạo bình chọn. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà được tôn vinh “Tinh hoa đặc sản ba miền” do Trung ương Hội văn nghệ dân gian Việt Nam và Tạp chí văn hóa nghệ thuật ẩm thực bình chọn. Năm 2015, sản phẩm vải thiều Thanh Hà tiếp tục đạt giải thưởng “Thương hiệu vàng - Logo và slogan ấn tượng năm 2015” do Bộ Công thương tổ chức.

Khai mạc Phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Nội năm 2020

Từ năm 2015, vải thiều Thanh Hà được cấp mã số vùng sản xuất vải đảm bảo tiêu chí xuất khẩu vào các thị trường và các nước Mỹ, Úc, Đức, EU…, đặc biệt năm 2020 được cấp thêm mã vùng trồng khi vào thị trường Nhật Bản. Tháng 12/2015, cây “Vải thiều tổ” được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập đạt danh hiệu “Cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam”. Năm 2016, sản phẩm vải thiều Thanh Hà tiếp tục được Hội khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam tôn vinh “Top 1 Thương hiệu thực phẩm an toàn tin dùng năm 2016”. Năm 2018, sản phẩm vải thiều Thanh Hà tiếp tục nằm trong “Top 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng” do Liên hiệp khoa học Doanh nhân Việt Nam và Tạp chí Sở hữu trí tuệ & sáng tạo bình chọn. Vải thiều Thanh Hà đã đăng ký và duy trì tem truy xuất nguồn gốc.

Mùa vải thiều 2020, UBND huyện Thanh Hà đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như mời các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến huyện Thanh Hà tham quan, lựa chọn sản phẩm, thu mua và tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà chính hiệu để sản phẩm vải thiều đến được với người tiêu dùng trong và ngoài nước. UBND huyện Thanh Hà đã cam kết tạo điều kiện tốt nhất để các các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khi tham gia thu mua vải thiều trên địa bàn huyện. Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 03/6/2020, các chuyên gia Nhật Bản sẽ có mặt tại Việt Nam để trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải xuất khẩu đi Nhật Bản.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, Sở Công thương Hải Dương, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp và Lãnh đạo huyện Thanh Hà thăm gian hàng

Bên lề Phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản, thực phẩm an toàn tại Hà Nội năm 2020, phóng viên Tạp chí Tri thức Xanh đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Văn Thiện - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà liên quan đến việc phát triển vải thiều Thanh Hà.

Phóng viện (PV): Xin ông cho biết sự hỗ trợ của huyện đối với Vải thiều Thanh Hà vụ năm 2020?

Ông Trịnh Văn Thiện (PBT): Ngoài việc tổ chức Phiên chợ quảng bá, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội chúng tôi còn tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Trên địa bàn Hà Nội thì ngoài Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp chúng tôi còn tổ chức quảng bá, tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Big C. Ngoài ra, ngay tại huyện Thanh Hà chúng tôi phối hợp với Công ty cổ phần Ameii là một đơn vị chuyên bảo quản, đóng gói hàng xuất khẩu hàng nông sản nói chung trong đó đặc biệt là vải đi các thị trường và hiện tại hôm 20/5 vừa qua đã tổ chức chuyến lô hàng xuất khẩu vải đầu tiên đi Singapore. Hiện tại trên địa bàn huyện Thanh Hà có khoảng trên 300 tổ chức, doanh nghiệp kể cả người nước ngoài và chủ yếu các thương lái người Trung Quốc về thu mua vải đóng gói tại chỗ xuất khẩu đi Trung Quốc, đi thị trường các nước châu Âu, Singapore và đi các nơi trong thị trường trong nước.

Ông Trịnh Văn Thiện - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà trao đổi với phóng viên

PV: Hiện nay thị trường xuất khẩu chính của Vải thiều Thanh Hà là những nước nào thưa ông?

PBT: Nhiều năm gần đây, đặc biệt là 3 năm trở lại đây thì vải thiều Thanh Hà chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng bắt đầu từ năm 2018 chúng tôi có mở rộng sang thị trường EU, thị trường Mỹ, thị trường Nhật Bản và đặc biệt năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên trước mắt thị trường Nhật Bản còn một số thủ tục khó khăn như các chuyên gia Nhật Bản chưa sang Việt Nam kịp. Chúng tôi cũng hy vọng hôm 20/5 vừa qua có lô hàng đầu tiên đi Singapore, qua đó cũng mong muốn quả vải Thanh Hà sẽ đưa vào thị trường Nhật Bản sớm nhất.

PV: Thưa ông dự kiến vụ vải năm 2020 tổng sản lượng thu hoạch là bao nhiêu và dự kiến lãi suất là bao nhiêu?

PBT: Dự kiến thu hoạch của mùa vụ vải Thanh Hà năm 2020 là một trong những mùa được mùa, được giá, nhưng được mùa nhất là mùa vụ năm 2018 toàn huyện Thanh Hà đạt tổng sản lượng là 40.000 tấn vải. Năm nay, tổng sản lượng vải dự kiến là 35.000 tấn, giá cả bán đầu vụ dao động từ 50.000 - 60.000 đ/kg, thời điểm này giá giá dao động từ 35.000 - 40.000 đ/kg. Lãi trừ công chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật, quá trình tiêu thụ, các dịch gia tăng ví dụ như để quả vải xuất khẩu hoặc thị trường trong nước cần bao bì, thùng xốp, đá bảo quản kéo theo các dịch vụ gia tăng thêm thu nhập của người lao đồng nếu tính theo hecta thì lãi khoảng 200 triệu/hecta. Bình quân các năm 2016, 2017, 2018 nếu được mùa sản lượng khoảng trên 40.000 tấn/năm thì tổng doanh thu từ 600 đến 700 tỷ/năm. Tổng diện tích vải thiều trên toàn huyện là hơn 3.600 hecta bao gồm cả vải sớm và vải chính vụ.

PV: Thưa ông thời gian tới huyện có kế hoạch, chiến lược gì để đưa văn hóa thưởng thức và thương hiệu vải thiều Thanh Hà lên tầm cao mới?

PBT: Đây cũng là trăn trở của lãnh đạo huyện nói chung, tôi đánh giá bạn hỏi chuẩn xác. Ngay từ thời điểm 01/4/1997 là thời điểm tái lập huyện Thanh Hà mà trước đây huyện Thanh Hà sáp nhập với huyện Nam Sách của tỉnh Hải Dương thành huyện Nam Thanh. Sau khi tái lập từ 01/4/1997 thì huyện trở về với tên gọi cũ Thanh Hà. Chúng tôi xác định cây vải là đặc sản chính và nổi tiếng, chúng tôi xây dựng, đầu tư tập trung trồng vải. Năm 2017, vải thiều Thanh Hà được Cục Sở hữu trí tuệ cấp “Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Thanh Hà”. Đặc biệt giai đoạn 2016 - 2019 chúng tôi đầu tư bảo tồn “Cây vải tổ”. Cây vải được Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam ghi nhận là “Cây vải thiều lâu năm nhất Việt Nam”, gọi là “Cây vải tổ” và chúng tôi đang làm thủ tục công nhận là “Cây di sản” để bảo tồn giống, bảo tồn nguồn gen quý của “Cây vải tổ”. Hiện nay, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hải Dương và UBND huyện Thanh Hà thực hiện một đề tài riêng về bảo tồn nguồn gen quý “Cây vải tổ” Thanh Hà.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Xuân Kiên

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 13 - 20

Bình luận: 0