TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 21/11/2024

Đại thắng mùa xuân năm 1975 – trang sử hào hùng của dân tộc

15:03 28/04/2022
Logo header Đại thắng mùa xuân năm 1975 là thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 30/04/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đại thắng mùa xuân năm 1975 chính là thắng lợi của khát vọng hòa bình, độc lập, đây cũng là khởi đầu của khát vọng vươn lên của đất nước Việt Nam.

1. Lịch sử ngày 30/4/1975
Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là một trong những cuộc kháng chiến kéo dài nhất, oanh liệt nhất và đã chiến thắng vẻ vang trọn vẹn. Đây là bước phát triển ở quy mô cao nhất của toàn bộ tiến trình cách mạng ở miền Nam Việt Nam.
Vào cuối năm 1974 đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên (từ 4 tháng 3 đến 24 tháng 3) và chiến dịch Huế-Đà Nẵng (từ 21 tháng 3 đến 29 tháng 3), Bộ Chính trị đã nhận định: “thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông. 
Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, với tốc độ tiến công “một ngày bằng hai mươi năm”, quân ta đã nổ súng, vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. Đến 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, đập tan hơn 1 triệu quân Ngụy, lật đổ chế độ Ngụy quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam, buộc Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ chiến thắng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập - Phủ Tổng thống của chính quyền Sài Gòn. Sự kiện này báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nói riêng và cuộc đấu tranh giải phóng niềm Nam thống nhất đất nước nói chung, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, đưa đất nước cùng cả dân tộc hân hoan bước vào những ngày hòa bình độc lập, thống nhất hai miền Bắc Nam, nong sông thu về một mối.
2. Ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa Xuân năm 1975


 
Ảnh tư liệu

Thứ nhất, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và thống nhất hoàn toàn đất nước.
Đại thắng mùa Xuân 1975 là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc, nó không chỉ kết thúc cuộc kháng chiến oanh liệt chống Mỹ cứu nước suốt 21 năm, mà còn kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị của đế quốc Pháp - Mỹ và chế độ phong kiến đồng thời chấm dứt việc các cường quốc thế giới can thiệp trực tiếp bằng quân sự vào Việt Nam trong suốt 117 năm (từ 1858 tới 1975). Đó là thắng lợi vẻ vang của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh bại những thế lực thực dân, phát xít, đế quốc hùng mạnh nhất trong thế kỷ XX, lật đổ chế độ đế quốc và tay sai, mở đường cho sự hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp cách mạng dân chủ nhân dân, xóa bỏ giai cấp phong kiến và tư sản ở miền Nam, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà và tiến lên chủ nghĩa xã hội. 
Thứ hai, đại thắng mùa xuân năm 1975 thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng quyết tâm chiến thắng của cả dân tộc ta
Đại thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn là sự hội tụ sức mạnh của quân và dân cả nước, sức mạnh của toàn dân tộc. Đó là sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thần kỳ với sự lãnh đạo của Đảng, hy sinh to lớn của đồng bào chiến sĩ miền Nam trên tiền tuyến lớn và sự chi viện hết lòng của hậu phương lớn miền Bắc với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” và “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Sự đoàn kết và đồng lòng của cả dân tộc đã tạo nên một sức mạnh phi thường trong chiến dịch mùa xuân năm 1975. Đó là kết quả của khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đồng thời cũng tỏ rõ sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, của sự kết hợp mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.
Thứ ba, đại thắng mùa xuân năm 1975 có tầm ảnh hưởng quốc tế, được thế giới ghi nhận
Có thể nói, Đại thắng mùa Xuân 1975 đã tạo nên một cơn "địa chấn" toàn cầu. Như nhận định của Đảng ta thì đây là một sự kiện quan trọng có tầm quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc, làm nức lòng bạn bè và nhân dân tiến bộ khắp năm châu bốn biển. Bởi, lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức của chính mình. Chính vì thế mà một ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 1/5/1975, hãng tin Pháp AFP có viết: "Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30/4 của Việt Nam, "dư chấn" rung động địa cầu". Báo New York Times này 1/5/1975 có bài viết gọi ngày 30/4 là ngày "lịch sử của thế giới". Phụ trương báo Tin nhanh của Peru, số ra ngày 4/5/1975 có bài viết khẳng định: "Cuộc chiến tranh của con người Việt Nam đã chứng minh cho toàn thế giới rằng, trong thời đại ngày nay, một dân tộc dù nhỏ bé bao nhiêu, dù sống trên lãnh thổ nhỏ hẹp bao nhiêu… có thể đánh bại những kẻ xâm lược mạnh hơn gấp nhiều lần, kể cả tên trùm đế quốc là đế quốc Mỹ"… Đại thắng mùa Xuân năm 1975 không chỉ là thắng lợi riêng của dân tộc Việt Nam mà còn là thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, góp phần tăng cường sức mạnh cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
3. Những giá trị mang tính thời đại hôm nay
Trong bối cảnh mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, hào khí dân tộc càng đang rất cần được khơi dậy và phát huy để toàn dân tộc chung sức, đồng lòng, cộng trí, cộng lực để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Hơn 45 năm kể từ thắng lợi vẻ vang đó, đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử, giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước. Với mỗi con người Việt Nam, ngày 30/04/1975 là một ngày lịch sử trọng đại của cả dân tộc, có ý nghĩa lớn lao.
Trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1975), Đảng ta đã khẳng định: "Năm tháng rồi sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sẽ mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trong những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam. Một sự kiện có tầm vóc quan trọng quốc tế lớn lao và có tính thời đại sâu sắc”. 
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, bước vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước thời kỳ mới, chúng ta đứng trước thời cơ chiến lược mới với những thách thức mới, nghiêm trọng và phức tạp. Quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng đã mang lại cho sự nghiệp phát triển bền vững đất nước những nguồn lực mới và vận hội mới, đưa đất nước ta hội nhập và vươn xa đến toàn cầu. Đứng trước những cơ hội mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta cũng đã tranh thủ thời cơ, tham gia ngày càng tích cực và có trách nhiệm trong các công việc mang tầm thế giới và khu vực, uy tín quốc gia ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp mới cũng mở ra cơ hội vô cùng to lớn cho các nước “đi sau” như Việt Nam có thể thực hiện thành công chiến lược phát triển “rút ngắn” để thoát khỏi tình trạng tụt hậu, gia nhập vào hàng ngũ những quốc gia tiên tiến nhất. Song, kèm theo đó, nguy cơ mà cuộc cách mạng này đưa lại cũng rất lớn: đó có thể là sự lệ thuộc lâu dài và vĩnh viễn về công nghệ và sự kiểm soát vô giới hạn của những tập đoàn công nghệ toàn cầu đối với mọi lĩnh vực của đời sống dân tộc.
Việc tranh thủ nắm bắt thời cơ, vận dụng sáng tạo từ tình hình thực tiễn cũng như khắc phục những khó khăn để bước vào công cuộc hội nhập phát triển, dưới sư lãnh đạo của Đảng, sự nhất trí đồng lòng của dân tộc ta, đất nước ta sẽ từng bước vượt qua thách thức và giành những thắng lợi vẻ vang.

Hoàng Hường

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 160 - 04/2022

Bình luận: 0