TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 23/11/2024

Đảm bảo công tác phòng chống dịch trong lễ hội

16:56 01/04/2021
Logo header Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, gắn với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người dân, được cộng đồng trân trọng, liên tục lưu truyền và chứa đựng những giá trị nhân văn cao cả, tôn vinh người phụ nữ Việt Nam qua hình tượng người Mẹ. Đặc biệt, ngày 01/12/2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với những giá trị độc đáo chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quần thể Di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy là quần thể di tích tâm linh của đạo Mẫu ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định bao gồm 19 điểm di tích đền, phủ, chùa, lăng gắn liền với điển tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một biểu tượng trong “Tứ bất tử” thuộc tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Trong truyền thuyết liên quan tới tín ngưỡng thờ phụng đã đi vào tâm khảm của người Việt Nam, “Tứ bất tử” là một huyền thoại có đôi chút gắn với huyền nhân được nhân dân ta tôn vinh và thờ phụng bao gồm Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Thánh Mẫu Liễu Hạnh có tên thật là Liễu Hạnh được sinh ra vào thời Lê (1557). Liễu Hạnh Công chúa là một trong những vị thần quan trọng nhất của tín ngưỡng Việt Nam. Bà còn được gọi bằng các tên khác nhau như Bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh, Mẫu Liễu Hạnh hoặc ở nhiều nơi thuộc vùng Bắc Bộ bà được gọi ngắn gọn là Thánh Mẫu. Vào tháng 3 âm lịch hàng năm, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ tại nhiều nơi như Phủ Tây Hồ và Đền Sòng Sơn Vọng Từ, phố Tôn Đức Thắng ở thành phố Hà Nội, đền Dâu, đền Quán Cháo Tam Điệp, Ninh Bình, Đền Sòng và đền Phố Cát  tỉnh Thanh Hóa, đền Phủ Giầy TP Hồ Chí Minh, nhưng long trọng nhất, thu hút sự tham gia của đông đảo dân chúng nhất phải kể đến là Lễ hội Phủ Dầy tại Phủ Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Mảnh đất Nam Định là một nơi hội tụ của nhiều tôn giáo, tín ngưỡng như Phật giáo, Nho giáo, Thiên Chúa giáo và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần và tín ngưỡng thờ Thờ Mẫu. Nhân dân ta luôn tự hào với câu ca “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ” (nói về ngày giỗ của hai vị được dân gian thờ cúng: “Cha” là Vua cha Bát hải Động Đình và Trần Hưng Đạo, còn “Mẹ” chính là Mẫu Liễu) trở nên gần gũi thân thương với văn hóa Việt. Vào dịp này, nhân dân và du khách thập phương lại nô nức hành hương về Phủ Dầy để thỏa mãn tâm tưởng tín ngưỡng và dự hội. Lễ hội Phủ Dầy tập hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu và văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc trưng tín ngưỡng bản địa của người Việt. Cùng với quần thể kiến trúc, Lễ hội Phủ Dầy là một kho tàng di sản văn hóa phản ánh về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan góp phần nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của những làng quê Việt Nam.

Phủ Tiên Hương là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Hằng năm, Lễ hội Phủ Dầy diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch với nhiều hoạt động truyền thống như: Liên hoan nghệ thuật hát Chầu văn, biểu diễn văn hoá nghệ thuật, tổ chức các hoạt động văn hoá dân gian. Đặc biệt, lễ hội hàng năm thường tổ chức lễ rước Mẫu thỉnh kinh từ Phủ Vân Cát về chùa Linh Sơn Tư, Lễ rước đuốc tại Phủ Tiên Hương, xếp chữ, kéo hoa trượng hội... là những nghi lễ, nghi thức văn hoá đặc trưng riêng được lưu giữ, phục dựng. Trong Lễ hội Phủ Dầy thì Nghi lễ Chầu văn, Hội hoa trượng và Lễ rước thỉnh kinh là những đặc trưng tiêu biểu nhất. Nghi lễ Chầu văn (hát văn hầu đồng) được diễn ra hầu hết các đền, phủ trong quần thể di tích Phủ Dầy. Các quy trình thực hành nghi lễ chầu văn gồm 4 bước: Mời Thánh nhập thế, kể về sự tích và công đức của Thánh, xin Thánh phù hộ và đưa tiễn. Nhạc cụ chính sử dụng trong nghi lễ chầu văn gồm: đàn nguyệt, trống ban, phách, cảnh, thanh la...Về làn điệu thì trong nghi lễ chầu văn tại Phủ Dầy thường sử dụng 6 nhóm làn điệu chính: nhóm bỉ, nhóm dọc, nhóm cờn, nhóm phú, nhóm xá, nhóm nhịp một. Ngày 21/02/1975, Bộ Văn hóa công nhận quần thể di tích Phủ Dầy là Di tích lịch sử - văn hóa Cấp Quốc gia. Từ những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học của Lễ hội Phủ Dầy, ngày 9/9/2013 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 3084/QĐ - BVHTTDL đưa Lễ hội Phủ Dầy vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cộng đồng nhân dân và chính quyền địa phương góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, ngày 01/12/2016, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với những giá trị độc đáo chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt với những giá trị độc đáo chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, ở nước ta dịch bệnh đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mỗi người dân nên năm nay UBND huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã quyết định không tổ chức buổi khai mạc Lễ hội Phủ Dầy năm 2021, không tổ chức Lễ rước đuốc, Thỉnh kinh và một số trò chơi tập trung đông người. Theo Lãnh đạo huyện, Lễ hội Phủ Dầy là một trong những lễ hội lớn tại tỉnh Nam Định, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách cả nước. Do đó, dù lễ khai mạc không được tổ chức nhưng dự kiến sẽ có rất nhiều du khách ở các tỉnh, thành phố về các Đền, Phủ trong dịp này để thực hành tín ngưỡng tâm linh. Bởi vậy, ngày 24/3/2021 UBND huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định đã xây dựng phương án phòng, chống dịch trong mọi tình huống đồng thời yêu cầu các địa phương, đơn vị nghiêm túc thực hiện. UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo UBND xã Kim Thái đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, du khách cũng như các cơ sở thờ tự trên địa bàn thực hiện nghiêm Thông điệp 5K (Khẩu Trang - Khử Khuẩn - Khoảng Cách - Không Tụ Tập - Khai Báo Y Tế). Huyện cũng chỉ đạo thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các Đền, Phủ. Chùa, Lăng không bày bán hàng trong khuôn viên di tích, không tụ tập đông người, không để xảy ra tình trạng đổi tiền, tệ nạn ăn xin trong khu vực di tích. Theo thông tin từ UBND xã Kim Thái, để chủ động phòng, chống dịch Covid-19, xã đã in hơn 500 pano để tuyên truyền về công tác phòng dịch đặt xung quanh các khu vực có khả năng tập trung đông người trên địa bàn. Ngoài ra xã cũng thành lập 21 chốt kiểm soát tại các khu vực vào Đền, Phủ để nhắc nhở người dân, du khách thực hiện việc đeo khẩu trang, giãn cách theo quy định, nhất là xử lý hiện tượng mê tín dị đoan trong mùa lễ hội.

Thời điểm này, tình hình dịch Covid-19 trên cả nước nói chung và Nam Định nói riêng đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, không vì thế mà lơ là công tác phòng dịch, nhất là ở những nơi đông người. Tín ngưỡng dân gian thờ những vị có công với cộng đồng, với đất nước nằm trong tín ngưỡng thờ cúng gia tiên nên có ý nghĩa tinh thần rất quan trọng với Nhân dân ta, tín ngưỡng đó như điểm tựa, đảm bảo an ninh tinh thần trong mỗi chúng ta nên cần tiếp tục nêu cao ý thức, trách nhiệm phòng chống dịch bệnh hơn nữa để đảm bảo an toàn cho mọi người mỗi khi xuân về được vãn cảnh, du xuân tại hội Phủ Dầy nói riêng và các thắng cảnh, di tích trên cả nước nói chung.

Hiền Anh - Tiến Đạt

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 55-21

Bình luận: 0