Để những chính sách tốt đẹp của Nhà nước đến với người dân
Cơ sở hạ tầng ở các tỉnh miền núi đang tiếp tục được hoàn thiện dù còn gặp nhiều khó khăn.
Trong 7 năm đầu thực hiện (1998 - 2005), bộ mặt cơ sở hạ tầng các địa phương miền núi và vùng sâu, vùng xa dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng cũng đã có những thay đổi rõ rệt, với trên 20.000 công trình hạ tầng được xây dựng và hoàn thành, 300 trung tâm cụm, xã đã được đưa vào sử dụng. Đồng thời trên 50.000 km đường các loại đã được hoàn thành, 96% số xã ở các địa phương vùng sâu, vùng xa đã có đường ô tô đến trung tâm. Nhiều hợp phần được đầu tư mạnh như xây dựng cơ sở cụm xã, nông nghiệp, tập huấn cán bộ xã, định canh, định cư... Trong đó, có 56% số xã đã có đủ 7 loại công trình, bảo đảm đủ điều kiện thoát nghèo về kết cấu hạ tầng để chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển. Tiếp nối thành công của giai đoạn đầu, Chương trình 135 trong những năm sau đó được thực hiện trên địa bàn 50 tỉnh, 354/567 huyện với tổng số 1.946 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và 3.274 thôn bản ĐBKK của 1.140 xã khu vực II. Trong giai đoạn này, việc nâng cao đời sống người dân được quan tâm, chú trọng hơn nữa và cũng đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong việc rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, giữa thành thị với nông thôn, giữa miền núi với đồng bằng. Nhưng vẫn còn đó những khó khăn cần phải sớm vượt qua. Kết cấu cơ sở hạ tầng ở các địa phương triển khai, Chương trình 135 dù được quan tâm xây dựng, đường giao thông đến thôn bản cũng chỉ đạt được 54,3%, hệ thống tưới tiêu quy mô nhỏ đạt 53,7%. Nhưng hệ thống bưu điện văn hóa xã cũng đã có những bước tiến đáng ghi nhận khi đạt được 85,3%. Và mặc dù số xã có điện lưới quốc gia 84,6% song tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện chỉ có trên 60%. Cơ sở hạ tầng giáo dục được xây dựng kiên cố đạt 69%, tỷ lệ học sinh tiểu học trong độ tuổi đi học 77,46%. Sản xuất địa phương chủ yếu theo quy mô hộ gia đình và còn nhỏ lẻ, phân tán, tập quán sản xuất lạc hậu. Đời sống xã hội còn nhiều khó khăn, bức xúc, trong đó có tới 29.718 hộ còn du canh du cư và trên 300.000 hộ định cư nhưng còn du canh; trên 375.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống đặc biệt khó khăn.
Vì vậy, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình, ngày 31/10/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 2086/QĐ - TTg, với mục tiêu hỗ trợ cho bà con dân tộc thiểu số rất ít người, hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cộng đồng cho cán bộ thôn xã. Thực hiện theo những chương trình này, một số tỉnh thành đã thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả tạo đà phát triển vượt bậc trong những năm qua. Điển hình như ở tỉnh Sơn La, với nguồn vốn hỗ trợ từ Quyết định 2086 và nguồn vốn tín dụng ưu đãi của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến hết năm 2019 đã có trên 40.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, 6.046 lượt hộ được vay vốn đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, 8.514 lượt hộ được vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn, 2.563 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay ưu đãi nhằm giúp người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhà ở, hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tham gia học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trường nghề. Có thể khẳng định rằng trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Sơn La đã tổ chức thực hiện tốt các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn, biên giới của tỉnh có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cùng với đó là công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào ngày càng tốt hơn, bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm đã tạo cho đồng bào các dân tộc phấn khởi, hăng say lao động sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Những kết quả to lớn đó đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với sự thành công của tỉnh Sơn La thì còn có các tỉnh như, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hòa Bình, Tuyên Quang… Tuy nhiên, cũng có những địa phương chưa tận dụng được những hết ưu điểm của Chương trình đối với bà con. Việc áp dụng chưa phù hợp với người dân, khi áp dụng vào thực tế đến từng bà con chưa đúng, chưa đủ với chủ trương, dẫn tới hiệu quả của Chương trình không được như kỳ vọng.
Vườn ươm cây quế giống
Để tiếp tục đưa các chính sách, chương trình tốt đẹp của Đảng và Nhà nước tới được từng người dân một cách hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận TQVN và đoàn thể các cấp tại các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong những năm tiếp theo. Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc phải triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của trung ương mà trọng tâm là Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết 12/NQ-CP của Chính phủ.
Lê Dũng
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 35-20
Tin tức liên quan
- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc tổ chức thành công Đại hội Công đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (02:41 03/03/2023)
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 (09:07 13/10/2022)
- ĐẠI HỘI HỘI DOANH NGHIỆP BẾN LỨC KHÓA I, NHIỆM KỲ 2022 - 2027 (05:20 07/08/2022)
- GIẢI PHÁP “TRẺ HÓA” VỚI DẦU GỘI PHỦ BẠC KANAVAL (03:23 04/07/2022)
- Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư (06:44 04/07/2022)