Đền Bạch Mã - Đông Trấn kinh kỳ
“Tứ trấn Hà Nội” ra đời từ rất sớm, gắn với việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý những năm 1010, đó là nơi thờ bốn vị thần trấn giữ bốn phương huyết mạch trên mảnh đất Thăng Long mà theo quan niệm của người dân kinh kỳ Thăng Long xưa nay thì đây là nơi thờ tự các vị thần linh để ngày đêm bảo vệ cho kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn được yên bình. Đó là đền Bạch Mã trấn ở phía Đông, thờ thần Long Đỗ; đền Voi Phục trấn ở phía Tây, thờ thần Linh Lang Đại Vương; đền Kim Liên trấn ở phía Nam, thờ thần Cao Sơn Đại Vương và đền Quán Thánh trấn ở phía Bắc, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Tứ trấn được coi là bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất chốn kinh kì chính bởi lịch sử hình thành và vẻ đẹp văn hóa trong tín ngưỡng của người Việt Nam. Nét độc đáo về truyền thuyết Thăng Long là biểu tượng vẻ đẹp văn hóa tín ngưỡng dân gian của người Việt, là nơi ta có quyền tự hào về lịch sử giũ nước của cha ông ta.
Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỉ thứ 9, có lịch sử xây dựng sớm nhất trong Tứ trấn. Tương truyền khi vua Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La vào năm Canh Tuất 1010 định xây thành mới, nhưng lần nào thành cũng bị lở, vua bèn sai người đến cầu đảo thì thấy có một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, ngựa trắng đi đến đâu để lại vết chân đến đó, sau đó thì quay trở lại vào trong đền. Thấy vậy, vua liền cho xây thành đắp đê theo đúng dấu chân ấy và thành công, do đó đền mới lấy tên là Đền Bạch Mã (đền ngựa trắng) và tôn thờ thần Long Đỗ làm Thành Hoàng phía Đông của kinh thành Thăng Long. Ngày 02/10/2020 tại buổi tọa đàm khoa học “Giá trị di sản văn hóa đền Bạch Mã”, các nhà khoa học khẳng định, Lịch sử đền Bạch Mã có từ thời Bắc thuộc. Sau khi Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra xây thành Thăng Long vào năm 1010, đền được xây dựng lại. Trong Tứ trấn Thăng Long, đền Bạch Mã có niên đại sớm nhất. Hiện tại, đền còn bảo quản nhiều di vật quý: 18 bia đá cổ, 17 đạo sắc phong của Triều đình nhà Nguyễn, nhiều đồ thờ tự quý khác và nhiều thư tịch có liên quan được lưu giữ tại Viện Hán - Nôm; tượng Thần chủ Long Đỗ bằng đồng hiện đặt tại khám thờ ở Hậu cung, có từ thời nhà Lê, thế kỷ 17. Các nhà khoa học cũng đề xuất một số biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị đền Bạch Mã, nhất là làm rõ giá trị nổi bật của Lễ hội Nghênh xuân, tiến tới khôi phục Lễ hội này. Đồng thời, với những ý nghĩa và giá trị nổi bật của Di tích đền Bạch Mã, các nhà khoa học đề xuất chuẩn bị xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Trải qua bao lần tôn tạo, ngôi đền tuy đã có sự thay đổi nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc vốn có của nó. Hình ảnh ngựa trắng được thờ bên trong đền từ lâu đã trở thành biểu tượng rất linh thiêng của ngôi đền, được dân chúng bao đời suy tôn, kính phục. Bên trong đền còn là nơi lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị cùng nhiều kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đặc biệt là hình ảnh 15 tấm văn bia ghi lại những điển tích, thần thoại trong việc xây dựng đền, những nghi lễ cúng thần và các lần trùng tu tôn tạo lại đền rất chi tiết. Đền Bạch Mã không chỉ là ngôi đền thờ vị thần trấn giữ phía Đông kinh thành Thăng Long mà còn là nơi ghi dấu lại nét đặc trưng của phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn với quy mô kiến trúc khá lớn, quay theo hướng Nam, được bố trí hết sức hài hòa với nghi môn, phương đình, đại bái, cung cấm, thiêu hương, nhà hội đồng ở phía sau đền. Trong không gian linh thiêng ấy, giữa những nhộn nhịp của đất Hà Thành, dường như đền Bạch Mã đã trở thành vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt vốn có của phố cổ, trở thành điểm đặc sắc chỉ riêng ở phố cổ ta mới thấy. Đó không chỉ là nơi con người tìm về với vẻ đẹp yên bình mà còn hiểu biết thêm về những huyền thoại xưa, nơi giao thoa của nhiều nguồn văn hóa, nét văn hóa dân tộc, hội tụ nhiều nét đặc trưng riêng biệt. Hàng năm, đền thường tổ chức Lễ hội vào ngày 12 và 13 tháng hai âm lịch và Lễ hội có tổ chức nghi lễ rước kiệu truyền thống với những đội tế, đội kiệu..., vận trang phục truyền thống lộng lẫy mang bản sác văn hóa thuần Việt. Lễ hội của đền được tổ chức với ý nghĩa tiễn mùa đông qua và đón mùa xuân mới, mong sao cho mùa màng bội thu, nhân dân được sống ấm no, hạnh phúc.
Ông Nguyễn Hải Đường, thành viên của Ban Quản lý di tích cho biết: “Nơi đây còn lưu giữ được rất nhiều cổ vật nguyên bản từ thời xưa như như: bia đá, sắc phong, chuông đồng, kiệu rước, hương án, hạc thờ, độc bình, đôi phỗng v.v.. Nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chiếc giếng thiêng gọi là giếng Ngọc của đền đã được tìm thấy và phục hồi. Trước đây, giếng đã bị che đi do các hộ dân sử dụng. Trước kia giếng đầy nước, sau khi tu bổ xây bờ, lát sân, giếng bỗng cạn khô không lý do. Rồi một đêm, giếng bỗng đầy nước như chưa bao giờ cạn và nước trong vắt cho đến tận bây giờ.Phần thành giếng mới được làm bằng đá xanh và nước rất trong. Trong đền có rất nhiều bia đá được khắc công đức của người dân có tâm trong việc xây dựng và tu bổ đền.”
Vẻ đẹp nguy nga, tôn kính của đền Bạch Mã - Đông Trấn dường như đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu ở phố cổ Hà Nội, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử nhưng ngôi đền ấy vẫn đứng vững, hiên ngang như đang bảo vệ vững chắc cho kinh thành Thăng Long - Hà Nội.
Thu Trung - Tiến Đạt
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 52 - 21
Tin tức liên quan
- FAMINUTS HOUSE - THẾ GIỚI CHẠY BỘ CÓ MẶT TẠI KHU ĐÔ THỊ SALA (01:50 09/05/2024)
- Trường Đại học International American cấp bằng Tiến sĩ danh dự cho NTK Quỳnh Paris. (01:53 01/05/2024)
- TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA CỦA PHỤ NỮ, NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ HÒA NHẬP XÃ HỘI TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP LĨNH VỰC LOGISTICS (09:23 01/04/2024)
- “Sài Gòn Chill” đánh dấu sự hợp tác giữa MC Thi Thảo và Nhạc sĩ Đỗ Hoàng Linh (12:40 14/03/2024)
- Nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quyết liệt thực hiện công tác tư pháp năm 2024 (09:20 26/12/2023)