TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
chủ nhật, 24/11/2024

Đình Hữu Bằng - Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia

15:37 30/07/2020
Logo header Trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, các hoạt động tín ngưỡng dân gian không chỉ là một sản phẩm về nhận thức thế giới của tư duy con người, mà còn là một phương tiện làm nên sức mạnh giúp nhân dân ta tồn tại và phát triển.

Đình Hữu Bằng (còn gọi là đình Kẻ Nủa) ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội tọa lạc ở trên khu đất cao, cửa đình trông về hướng Tây, phía trước có hồ sen rộng, mùa thu hoa nở đưa nhụy hương thơm ngào ngạt. Nhìn tổng thể khu di tích kiến trúc kiểu “chữ đinh”, gồm Đại bái và Hậu cung. Một điểm rất đặc biệt là 9 thôn của xã chỉ có chung một ngôi đình. Mọi người dân đều trân trọng gìn giữ giá trị thể hiện ngay trong tên làng “Hữu Bằng” (có nghĩa là đáng tin cậy), cùng củng cố, bồi đắp tài đức để làng trường tồn vạn đại.

Theo văn khắc trên câu đầu (dầm ngang chính đặt trên cùng) thì đình được xây dựng năm 1689. Từ ngoài đi vào, phía trước đình là ao sen, tiếp đó là tấm bình phong gồm 4 cột trụ nhỏ, chia thành 3 ô tường, trổ hình chữ và cây, rồi đến tam quan chính với 2 cột trụ lớn và 2 cửa phụ ở hai bên. Đi vào phía trong, hai bên sân gạch rộng là hai dãy tả, hữu vu, mỗi dãy đều gồm 7 gian. Nghệ thuật chạm khắc ở đình Hữu Bằng được đánh giá là rất đặc biệt. Trong đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: Bia đá (ghi tên các vị danh khoa ở làng đỗ đạt trong các kỳ thi), Bản thần tích Thành Hoàng làng có niên đại Vĩnh Hựu 3 năm 1737, bản thần tích thành hoàng làng và tục lệ làng có niên đại Bảo Đại 11 năm 1936, tấm bảng gỗ sơn son, chữ đen, ghi hương ước của làng lập năm Thành Thái 3 năm 1891, 27 đạo sắc phong từ thời Lê Trung Hưng (1533 - 1788) đến thời Nguyễn (1802 - 1945), 5 cỗ kiệu sơn son thếp vàng và các bộ bát bửu, xà mâu, cây đèn, quán tẩy... mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Đình Hữu Bằng thờ ba vị Thành Hoàng là Đệ nhất, Đệ nhị và Đệ tam Nam Hải Đại vương, là ba vị tướng có công phù giúp nhà Lê. Tại đây, du khách được thưởng lãm nhiều di sản Hán Nôm quý giá ca ngợi công đức Thành Hoàng và phong tục tốt đẹp của làng. Bước vào chính điện, thấy hệ thống hoành phi, câu đối làm cho không gian thờ tự thêm vẻ thâm nghiêm, trang trọng. Trên bức cuốn thư lớn, sơn son thếp vàng, tạo lập năm Bảo Đại 7 (Nhâm Thân, 1932), có 4 chữ Hán: “Phổ bác uyên tuyền” (rộng lớn, sâu xa) ca ngợi công đức của thành hoàng. Trên lớp cửa võng thứ nhất là hoành phi chạm khắc 3 chữ: “Tối linh từ” (đền rất thiêng). ở hai bên là đôi câu đối: “Vũ thí vân hành quang vũ trụ/ Càn hoàn khôn chuyển hiển anh linh” (Mưa xuống, mây bay, sáng vũ trụ/ Trời vần, đất chuyển, hiển anh linh). Trên lớp cửa võng thứ hai có 4 chữ: “Dương dương tại thượng” (Ơn trên rộng khắp).

Đặc biệt, có đôi câu đối mà hai vế có hai chữ đối nhau thành tên của làng Hữu Bằng là: “Lịch đại hữu phong chân giản sách/ Bách niên bằng thức thử cung đình” (Các triều nối tiếp sắc phong ghi trong sử sách/ Trăm năm còn chứng cứ ở nơi như cung đình). Về phong tục tốt đẹp của làng Hữu Bằng, bức biển ngạch do vua Tự Đức ban tặng năm Đinh Mão (1867) chạm khắc 4 chữ: “Mỹ tục khả phong” (Tục đẹp, nếp hay). Đây là tấm biển gỗ lớn hơn các biển ngạch cùng thời và do triều đình Huế gửi về, không phải loại biển do cấp tỉnh tổ chức chế tác theo lệnh vua. Điều đó chứng tỏ làng Hữu Bằng đã có những đóng góp lớn cho quốc gia và xứng đáng được triều đình tặng thưởng.

Ngày 5/9/1989, đình Hữu Bằng được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Đình Hữu Bằng chỉ cách Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương khoảng 3km nên hằng năm có tới hàng nghìn du khách về thăm đình. Nếu về thăm làng vào đúng dịp ngày 7 tháng Giêng Âm lịch, du khách sẽ được dự hội làng truyền thống tổ chức tại đình, được thưởng thức những lớp diễn xướng dân ca, nghi thức tế lễ rất độc đáo. Trong không khí lễ hội, du khách sẽ được nghe nhiều giai thoại xung quanh chuyện giữ đình trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân, dũng khí, tài trí và tấm lòng yêu quý di sản văn hóa...

Hầu hết du khách đến thăm đình có chung nhận xét rằng đây một điểm tham quan hấp dẫn, chứa đựng nhiều nét văn hóa xưa. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các cấp, ngành chức năng cần bổ sung thêm các bảng chỉ dẫn đường tới di tích từ các ngả đường, đồng thời cần nghiên cứu phát triển các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn huyện Thạch Thất, trong đó có làng nghề mộc Hữu Bằng, kết nối với những danh thắng, di tích trên địa bàn huyện. Theo anh Phan Văn Tí - cán bộ Văn hóa xã Hữu Bằng cho biết: “Hàng năm tại địa phương có một hội có tên là Hội lão trẻ tuổi 45, nghĩa là 45 tuổi sẽ lên giúp việc làng. Hội này hàng năm sẽ cung tiến một khoản tiền để tu sửa lại di tích”. Từ đó chắc hẳn ai cũng có thể cảm nhận được tinh thần gìn giữ và phát triển di tích lịch sử cũng như bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam của người dân nơi đây. 

Thu Trung

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 21 - 20

Bình luận: 0