Doanh nghiệp trước bài toán nhân lực thời công nghiệp 4.0 (kỳ 3)
Kỳ 3: Hợp tác công tư trong đào tạo nguồn nhân lực
Doanh nghiệp thiếu nhân lực chất lượng cao
1. Hợp tác công tư trong đào tạo nhân lực
Cùng với xu thế đẩy nhanh việc thực hiện xã hội hóa, giáo dục đào tạo đang là lĩnh vực rất tiềm năng trong thu hút đầu tư từ tư nhân. Đánh giá về tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục – đào tạo theo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư – PPP, hơn 2/3 doanh nghiệp đánh giá hình thức này là có tiềm năng.
Giữa các nhóm doanh nghiệp khác nhau cũng cho những ý kiến khác nhau khi đánh giá về tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục đào tạo theo hình thức PPP. Theo đó, DN quy mô lớn, DN sản xuất và DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) đánh giá cao hơn về mức độ tiềm năng của các dự án này so với các DNNVV, DN phi sản xuất và DN không tham gia GVC.
Lợi ích của doanh nghiệp khi hợp tác PPP là rất nhiều, nhưng nếu như so sánh với các mô hình hợp tác khác, doanh nghiệp đánh giá cao nhất về khả năng nhận được các chính sách ưu đãi doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 60,2% doanh nghiệp) và cơ hội huy động vốn dễ dàng (chiếm 47,8%). Bên cạnh đó, khoảng 1/3 số doanh nghiệp còn kỳ vọng việc tham gia theo mô hình PPP sẽ đi kèm với các lợi ích khác như có cơ chế chia sẻ phần tăng giảm doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư (33,7%), tiếp cận mặt bằng nhanh và dễ dàng hơn (36,3%).
Tiềm năng cho DN khi tham gia vào lĩnh vực đào tạo theo hình thức PPP
Bên cạnh những lợi ích mang lại của hình thức đầu tư theo Luật PPP, các doanh nghiệp cũng chỉ ra những hạn chế của việc áp dụng luật PPP trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Theo như kết quả khảo sát, có đến gần 60% doanh nghiệp cho rằng quy trình thủ tục áp dụng theo Luật PPP phức tạp chính là hạn chế lớn nhất nếu họ tham gia vào mô hình này. Giới hạn về quy mô vốn là rào cản lớn thứ hai với 47,2% doanh nghiệp. Ngoài ra, việc không còn áp dụng loại hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao cũng là hạn chế khi tham gia mô hình PPP đối với 38,9% doanh nghiệp, khi đây cũng là hình thức được áp dụng khá phổ biến trước đó, và khó xác định phần vốn góp của Nhà nước cũng khiến 31,2% doanh nghiệp gặp khó khăn do việc hoạch toán, định giá phần vốn góp nhà nước tại các cơ sở đào tạo nghề.
Hạn chế của DN khi tham gia theo mô hình hợp tác PPP
2. Mục tiêu của chương trình đào tạo nhân lực giai đoạn 2021- 2030
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, một trong những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội là phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế: phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người.
+ Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
+ Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; giảm tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức.
+ Chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động.
+ Hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động.
+ Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo. Nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa và chế độ thi cử ở các cấp học.
+ Chú trọng đào tạo, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, qua internet, truyền hình, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
+ Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu).
+ Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học bắt buộc. Đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu, chú trọng xây dựng nền tảng kỹ năng nhận thức và hành vi cho học sinh phổ thông.
+ Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Giảm tỷ lệ mù chữ ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sắp xếp lại hệ thống trường học; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách.
+ Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, hoàn thiện chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đào tạo bậc đại học phù hợp với xu thế chung của thế giới, chuyển đổi trường đại học công lập kém hiệu quả sang mô hình hợp tác công - tư.
+ Quy hoạch, sắp xếp lại các trường đại học, cao đẳng; có cơ chế hỗ trợ xây dựng một số trường đại học lớn và đại học sư phạm trở thành những trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và thế giới.
+ Thực hiện cơ chế tự chủ một số trường phổ thông tại các đô thị lớn, các nơi có điều kiện; thí điểm cơ chế cho thuê một số cơ sở giáo dục sẵn có theo nguyên tắc bảo đảm tất cả học sinh được đến trường.
+ Xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Đặc biệt, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học ngoại ngữ, coi trọng dạy, học và sử dụng tiếng Anh. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Phan Sáng
Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 161 - 05/2022
Tin tức liên quan
- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc tổ chức thành công Đại hội Công đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (02:41 03/03/2023)
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 (09:07 13/10/2022)
- ĐẠI HỘI HỘI DOANH NGHIỆP BẾN LỨC KHÓA I, NHIỆM KỲ 2022 - 2027 (05:20 07/08/2022)
- GIẢI PHÁP “TRẺ HÓA” VỚI DẦU GỘI PHỦ BẠC KANAVAL (03:23 04/07/2022)
- Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư (06:44 04/07/2022)