Đồng lòng dẹp dịch để các hoạt động kinh tế trở lại quỹ đạo
Giao thông trở nên đông đúc hơn khi người dân ra đường sau thời gian giãn cách xã hội.
Thời gian vừa qua, hầu như tất cả người dân trên cả nước đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội. Cùng với hàng loạt các biện pháp quyết liệt khác, dịch bệch đã được kiểm soát một cách tích cực. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 20 và 22/4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định: Cả nước đã chuyển sang giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt. Trong giai đoạn mới, cả nước cần vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân. Trong giai đoạn mới, cả nước cần thực hiện chủ trương ngăn chặn triệt để dịch bệnh từ bên ngoài, dập dịch bên trong. Tiếp tục thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh vào nước ta và người bị nhiễm bệnh,… vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân. Trong khi chưa có vắc xin và thuốc đặc trị Covid - 19, phải thích nghi “chung sống” với dịch bệnh, tạo dần trạng thái bình thường mới trong điều kiện có dịch bệnh. Từ 00h ngày 23/4, các hoạt động xã hội cơ bản trở lại bình thường sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội một cách triệt để ngoại trừ một số huyện của thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Giang và Bắc Ninh.
Sau quyết định nới lỏng giãn cách xã hội, người dân Hà Nội bắt đầu đổ ra đường nhưng vẫn có những sự chuẩn bị để phòng dịch. Hầu hết mọi người ra đường đều trang bị cho mình khẩu trang và thực hiện việc giữ khoảng cách với người khác và tránh tụ tập đông người. Ông Cường, một cán bộ hưu trí ở Hà Nội cho cho biết: “Mấy hôm nay, sau khi hết yêu cầu giãn cách, tôi đã trở lại chạy thể dục vào mỗi buổi sáng bình thường nhưng không quên mang khẩu trang vì không biết tình hình sẽ như thế nào”. Người dân tỏ ra phấn khởi khi được trở lại làm việc, không chỉ sự thoải mái khi được đi ra đường mà còn vì công ăn việc làm. Nhiều người do ảnh hưởng của dịch bệnh không những đã bị giảm thu nhập một cách đáng kể mà có những người còn mất cả việc làm do doanh nghiệp phải đóng cửa. Đối với họ, bây giờ là lúc thích hợp để tìm kiếm nhanh chóng và ổn định công việc mới. Với việc người dân đổ ra đường ngày một tăng, lực lượng chức năng tại Thủ đô cũng thường xuyên nhắc nhở những người có thái độ chủ quan khi không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa. Nhiều văn phòng, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dần hoạt động trở lại. Các quán ăn, café, tiệm cắt tóc, các dịch vụ taxi, xe khách.. sau chuỗi ngày phải đóng cửa, tạm dừng kinh doanh cũng đã quay trở lại phục vụ khách hàng dù còn nhiều hạn chế. Anh Dũng, làm nghề cắt tóc tại phố Đội Cấn, Ba Đình cho biết dù chưa thực sự muốn đi làm do vẫn còn nghi ngại vì dịch bệnh nhưng sợ thời gian nghỉ quá lâu, sợ mất khách nên vẫn phải mở tiệm. Nhiều chủ quán ăn, quán café vẫn không rõ mình có được hoạt động hay không nhưng vì nhiều lý do vẫn phải mở cầm chừng. Lượng khách hàng đến với các địa điểm dịch vụ này cũng không đông như trước khi có dịch bệnh, các khó khăn về kinh tế trong thời gian tới vẫn là điều trăn trở của nhiều người kinh doanh. Nhưng khó khăn với người này lại là cơ hội đối với người khác, những người bán hàng trực tuyến, thời gian giãn cách xã hội thực sự là một giai đoạn bận rộn của họ khi số lượng những đơn hàng của họ liên tiếp tăng cao. Sau vài ngày hết giãn cách xã hội, các cửa hàng, dịch vụ dần mở cửa, số lượng đơn hàng online có giảm nhưng vẫn cao hơn trước khi có dịch.
Ban Chỉ Đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid - 19 đã đề xuất, đối với nhóm các tỉnh thành vẫn có nguy cơ về dịch bệnh như Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh và Bắc Giang, thì chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng chống dịch. Ở Hà Nội, theo Chủ tịch UBND thành phố, từ 00h ngày 23/4, trừ huyện Mê Linh và Thường Tín tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, các nơi còn lại trên địa bàn Thành phố sẽ nới lỏng dần quy định về giãn cách. Các cửa hàng ăn uống, trung tâm thương mại… được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo phòng chống dịch bằng nhiều biện pháp phù hợp như sắp xếp các bàn ăn đảm bảo khoảng cách an toàn, có tấm chắn bằng mi-ca hoặc giấy bóng để tránh lây nhiễm. Các trung tâm thương mại, siêu thị cũng thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách, đo thân nhiệt, có nước sát khuẩn. Còn các dịch vụ không thiết yếu khác như quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử… theo quy định của Chỉ thị 15 vẫn phải đóng cửa ít nhất đến 30/4. Như vậy, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Thủ đô đã dần đi vào ổn định mặc dù còn chậm nhưng phần nào đã giải quyết được công ăn việc làm cho người dân và sự phát triển kinh tế chung.
Hy vọng, với sự đồng lòng của người dân và việc thực thi công tác phòng chống dịch của các cơ quan quản lý nhà nước, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi hoàn toàn, các hoạt động sản xuất kinh doanh đi vào quỹ đạo để người lao động sớm ổn định cuộc sống.
Nguyễn Vũ
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 08 - 20
Tin tức liên quan
- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc tổ chức thành công Đại hội Công đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (02:41 03/03/2023)
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 (09:07 13/10/2022)
- ĐẠI HỘI HỘI DOANH NGHIỆP BẾN LỨC KHÓA I, NHIỆM KỲ 2022 - 2027 (05:20 07/08/2022)
- GIẢI PHÁP “TRẺ HÓA” VỚI DẦU GỘI PHỦ BẠC KANAVAL (03:23 04/07/2022)
- Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư (06:44 04/07/2022)