TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
chủ nhật, 28/04/2024

Đừng coi việc “triệt hạ” cây xanh như là một giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho môi trường sống

17:59 04/06/2020
Logo header Lâu nay, phượng vĩ như một loại cây gắn liền với tuổi học trò bởi khi hoa phượng nở báo hiệu mùa hạ về, mùa thi đến, mùa chia tay thầy cô, bạn bè và mái trường yêu dấu, là mốc ghi dấu một năm học kết thúc khiến ai cũng có cảm giác xốn xang khi nhắc đến. Vậy mà mới đây, sự việc cây phượng già bật gốc gây ra cái chết thương tâm của một nam sinh lớp 6 trường THCS Bạch Đằng thuộc Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh đã khiến nhiều người e ngại về sự tồn tại của nó trong khuôn viên trường học.

Thực tế cho thấy, một số địa phương và trường học đã bắt đầu đốn hạ loài cây này như một giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho cả thầy cô lẫn học trò. Đây được coi là một việc làm có trách nhiệm hay một phản ứng sợ bị gánh trách nhiệm?

Cây phượng vĩ có tên gọi khác nữa là xoan tây, điệp tây, thuộc họ Caesalpiniaceae, có tên khoa học là Delonix regia. Cây có xuất xứ từ Madagasca và được trồng phân bố rộng rãi ở các đất nước có khí hậu nhiệt đới ẩm. Ở Việt Nam, cây phượng được trồng phổ biến ở khắp các tỉnh thành và đặc biệt là ở thành phố lớn, đơn cử như thành phố Hải Phòng được mệnh danh là Thành phố Hoa phượng đỏ. Phưỡng vĩ là loại cây thân gỗ, khi trưởng thành có thể cao lên đến 15 đến 20 mét, thân cây khẳng khiu với lớp vỏ cây màu xám trắng và khá nhẵn, kết cấu tán cây được phân ra nhiều nhánh lớn, nhánh nhỏ lan rộng tạo nên những tán lá rộng và che nắng tốt, chính vì vậy nên cây phượng được ưa chuộng trong các công trình có không gian xanh như cơ quan, trưởng học. Hơn thế, hoa phượng màu đỏ rực rỡ mọc thành từng chùm mỗi khi hè về, trông rất đẹp mắt. Loài phượng vĩ rất dễ trồng, thích hợp với mọi loại đất từ khô cằn đến màu mỡ, phát triển tốt trên mọi địa hình từ đồng bằng đến trung du và núi cao, tuy nhiên nhược điểm của loại cây này là tuổi thọ không cao, trung bình chỉ từ 30 đến 50 năm tùy vào điều kiện chăm sóc và thời tiết. Rễ cây thuộc loại rễ chùm, bám rất nông dưới bề mặt đất, những cây lâu năm thường có rễ to ngoằn nghèo nổi hẳn lên mặt đất nên khi mùa mưa bão thì đất dưới gốc cây sẽ lỏng ra và tán cây rộng chắn gió khiến sức chịu mưa bão của phượng vĩ rất mong nanh…

Sau sự cố đổ cây phượng làm một học sinh tử vong, nhiều nơi bắt đầu đốn hạ những cây phượng vĩ. Đầu tiên là trường THCS Bạch Đằng (TP. Hồ Chí Minh), ban đầu trong sân trường có 02 cây phượng vĩ, sau khi một cây bị bật gốc thì lập tức cây còn lại cũng được xử lý nốt. Cùng quan điểm với trường Bạch Đằng, nhiều trường học cùng các đơn vị chuyên môn tại TP.HCM đang khẩn trương rà soát tình hình “sức khỏe” cây xanh trong khuôn viên để kịp thời xử lý, tránh những trường hợp không may xảy ra. Kế tiếp là những hình ảnh của một số cơ quan, địa phương đốn hạ cây xanh được cộng đồng mạng xã hội truyền tay nhau như Trường Đại học nông lâm TP. HCM vì sự an toàn của tất cả mọi người nên đã cho đốn hạ sạch sẽ hàng phượng vỹ trồng ở sân trường; hay như UBND thành phố Hải Phòng đã giao Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty cổ phần Công viên cây xanh cùng các Công ty quản lý cây xanh trên địa bàn thực hiện kiểm tra, rà soát, cắt tỉa, xử lý những cây xanh có nguy cơ mất an toàn cao, trong đó có rất nhiều cây phượng. Trước chiến dịch “triệt hạ” loài cây gắn liền với tuổi học trò nói riêng và cây xanh nói chung, nhiều ý kiến cho rằng xử lý cây xanh không an toàn là tốt, nhưng chặt cây vô tội vạ lại là không nên, bởi cây xanh là một phần thiết yếu của trường học. Cây tạo bóng mát, lọc không khí, đem lại cảm giác thoải mái cho con người, đặc biệt còn là không gian học tập, sinh hoạt, là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của học sinh, sinh viên, giáo viên nhiều thế hệ. Một phụ huynh đã nêu lên ý kiến của mình rằng: “Việc chặt bỏ cây xanh ồ ạt ở một số trường học là hơi cực đoan. Cái lo của thầy cô quản lý là có cơ sở, nhưng có rất nhiều giải pháp khác để đảm bảo an toàn chứ giải pháp chặt bỏ cây không phải là duy nhất. Trong các bài học của các con, thầy cô luôn giáo dục học trò phải yêu thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên, vậy nếu cứ chặt bỏ cây thế này sẽ khiến các con xa dần với thiên nhiên, như thế các bài giảng của thầy cô cũng khó mà tác động đến nhận thức của học trò”; Hay một số phụ huynh khác thì phàn nàn: “Không quản lý được cây xanh thì chặt bỏ, như vậy liệu có vô trách nhiệm với xã hội?”.

Quả thực, nếu phải đứng vào tình cảnh của thầy Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng thì mới có thể lý giải được việc tại sao nhiều trường học đồng loạt chặt bỏ cây xanh trong khuôn viên sau khi sự cố thương vong xảy ra. Bởi những Nhà giáo này đã thực sự sợ hãi, sợ phải nhìn thấy những đứa học trò hồn nhiên, ngây thơ của mình tử vong vì cây đổ, đau mà không làm cách nào có thể xoa dịu, ám ảnh trước nỗi tang thương, mất mát của gia đình đứa trẻ mà không cách nào bù đắp được. Vì thế mà họ thà phá bỏ đi những cây xanh, còn hơn là mất đi những đứa trẻ. Nhưng liệu đó có phải là giải pháp? Điều 02 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị quy định: “Cây xanh đô thị là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị...”, theo đó: “Cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị là cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng”. Đối với loại cây xanh này thì: “Các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý; Việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh phải thực hiện theo quy định tại điểm a, đ khoản 7 Điều 14 của Nghị định này…”. Như vậy có nghĩa việc trồng cây xanh trong khuôn viên trường học sẽ thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường. Nhưng như thực tế hiện nay, lãnh đạo các trường học chủ yếu nắm về giáo dục chuyên môn nhiều hơn những gì liên quan đến cây xanh, hay có thể hiểu là những cây xanh trong trường vì đã tồn tại qua nhiều thế hệ, nhiều lớp lãnh đạo như một sự mặc định theo thời gian nên ít khi được ngó ngàng tới. Có thể vì lẽ đó mà tai nạn thương tâm do cây trồng mới xảy ra.

Vậy làm thế nào để quản lý tốt cây xanh trong trường học? Theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP, trước hết, cần hiểu quy định chung về trồng, chăm sóc cây xanh đô thị như: trồng cây đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn…; cây trồng phải được chăm sóc định kỳ, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có các biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây (Điều 11); Đối với cây nguy hiểm trong đô thị thì phải có biện pháp bảo vệ và có kế hoạch chặt hạ, dịch chuyển kịp thời… (Điều 18); Lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đủ năng lực, kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cây xanh đô thị, có trang thiết bị và phương tiện kỹ thuật cần thiết để thực hiện các yêu cầu và nhiệm vụ được giao theo quy định của UBND theo phân cấp quản lý… (Điều 19). Như thế, để nắm vững những quy định về quản lý cây xanh đô thị (cây xanh sử dụng hạn chế), lãnh đạo nhà trường phải coi đây là một trong những vấn đề thiết yếu song song tồn tại với giáo dục chuyên môn, phải trau dồi thêm những kiến thức liên quan đến cây trồng trong khu vực mình quản lý để phối hợp với các tổ chức chuyên môn đưa ra các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo có không gian xanh mà an toàn, tránh những rủi ro không đáng có xảy ra.

Diệu Minh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 13 - 20

Bình luận: 0