Giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam cần hướng đi mới
Học sinh, sinh viên đang thực hành nghề tại một trường Cao đẳng nghề tỉnh Bắc Ninh.
Thực trạng thiếu và yếu của đào tạo nghề.
Theo số liệu thống kế của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tính đến 31/12/2021, cả nước tuyển sinh được 1.915.548 người, đạt 85,14% kế hoạch (trình độ cao đẳng, trung cấp: 375.108 người, đạt 65,81%; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.540.440 người, đạt 91,69%). Tốt nghiệp ước đạt 1.658.400, đạt 80% kế hoạch (trình độ cao đẳng, trung cấp: 314.720 người; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.343.680 người). Một số ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt như máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, du lịch…
Nguyên nhân tỷ lệ tuyển sinh không đạt chỉ tiêu do việc tổ chức đào tạo chuyển sang hình thức trực tuyến, việc thực hành, thực tập tại doanh nghiệp khó thực hiện; công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông không thực hiện theo hình thức trực tiếp; việc di chuyển của người học đến các địa phương gặp khó khăn, ngân sách nhà nước đầu tư cho GDNN còn hạn chế, các chương trình mục tiêu quốc gia được phê duyệt muộn.
Năm 2021, cả nước giảm 08 cơ sở GDNN công lập (gồm: 03 trường cao đẳng và 05 trường trung cấp) và tăng 01 trung tâm GDNN, theo đó cả nước có 1.904 cơ sở GDNN (giảm được 07 cơ sở so với năm 2020 và giảm được 11% số lượng cơ sở GDNN công lập); từng bước giảm sự trùng lắp về ngành, nghề đào tạo, giảm đầu mối quản lý để tập trung các nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ sở GDNN.
TS Trương Anh Dũng- Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Được biết Tổng cục Giáo dục và Nghề nghiệp Việt Nam đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mạng lưới các trường được đầu tư trở thành trường chất lượng cao đã từng bước được nâng cao năng lực; đội ngũ giáo viên được nâng cao cả về kỹ năng nghề và sư phạm; cơ sở vật chất được tăng cường, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo theo yêu cầu của thị trường và người sử dụng lao động; năng lực đội ngũ cán bộ quản lý ngày càng được nâng cao; công tác quản trị nhà trường được đổi mới và hiệu quả hơn. Tổng cục cũng tiếp tục rà soát, đánh giá, lựa chọn trường nghề có năng lực đào tạo tốt để hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ theo quy định để đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao.
Theo tiến sĩ Trương Anh Dũng- Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam: Hiện Việt Nam đã có những quy định, chính sách tiên tiến, hướng tới GDNN 4.0 như: “Phát triển hệ thống GDNN mở, linh hoạt, đa dạng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, liên thông giữa các trình độ GDNN và liên thông với các trình độ đào tạo khác số, kỹ năng mềm, khởi nghiệp và ngoại ngữ,... Để thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động, phấn đấu đến năm 2030, GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.
Giải pháp trung và dài hạn cho Giáo dục nghề nghiệp.
Vừa qua Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp và quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đây được coi là kim chỉ nam, định hướng cho giáo dục nghề nghiệp phát triển nhanh theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Đổi mới hoạt động đào tạo nghề bằng cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao tay nghề cho công nhân.
Cũng theo tiến sĩ Trương Anh Dũng: Để có những giải pháp căn cơ và bền vững, Giáo dục nghề nghiệp sắp tới sẽ tập trung vào những vấn đề trọng điểm như: “Chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề; tăng nhanh quy mô đào tạo nghề, nhất là khi mà nhu cầu lao động có kỹ năng tăng cao nhưng những rào cản bởi dịch bệnh và năng lực chuyển đổi, thích ứng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế nên năm nay tuyển sinh đào tạo chỉ đạt 80% kế hoạch đầu năm; ưu tiên ngân sách để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đồng bộ cho 70 trường chất lượng cao, 150 nghề trọng điểm; 20 nghề, kỹ năng tương lai theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó cần chuyển đổi số mạnh mẽ và thay đổi phương thức đào tạo, đây được xem là giải pháp cốt lõi để tăng khả năng thích ứng trong thế giới việc làm đang thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; giúp đổi mới hoạt động dạy và học tại các cơ sở GDNN theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của người học, tăng khả năng tự học, gắn học lý thuyết với thực hành để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo theo xu hướng quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác công, tư; gắn kết GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động.
Phạm Thị Hồng Anh
Trường TC Công nghệ và Du lịch Hà Nội
Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 159 - 03/2022