Hãy là người thông thái khi lựa chọn mua mỹ phẩm
Những cái giá quá đắt của việc làm đẹp
Những năm gần đây, trào lưu mua mỹ phẩm về làm trắng da siêu tốc đang tăng mạnh, cùng với đó là sự gia tăng các vụ cấp cứu và tử vong do mỹ phẩm trôi nổi đã xảy ra. Như vụ việc cách đây chưa lâu (trước thời điểm đại dịch Covid 19), bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một nạn nhân của mỹ phẩm, đó là chị N.T.T.Tr, 35 tuổi, ở Hưng Yên. Chị vào viện trong tình trạng toàn vùng mặt sưng nề, nổi ban đỏ tấy, trông đáng sợ. Chị Tr. cho biết, trước khi nhập viện, chị thường đến một cơ sở thẩm mỹ chăm sóc da. Chị đã được chủ một cơ sở mời mua mỹ phẩm dạng kem làm trắng da siêu tốc. Theo hướng dẫn của người bán, chị Tr. bôi kem nói trên lên khắp vùng mặt rồi để qua đêm. Thế nhưng sáng hôm sau thức dậy, thấy mặt nổi ban đỏ rực, da bong tróc nên lập tức đến bệnh viện. Các bác sỹ cho biết chị bị dị ứng với loại mỹ phẩm làm trắng da nhanh. Việc điều trị cần tốn nhiều thời gian và chi phí điều trị sẽ rất tốn kém.
Trước đó, hai nạn nhân là anh em ruột N.V.M và N.V.T (23 và 20 tuổi, ở Vĩnh Long) cũng được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa Châu Thành (Đồng Tháp) trong tình trạng phỏng nặng ở tay chân. Theo người nhà nạn nhân, để làm đẹp, hai anh em đã mua kem tẩy tế bào chết về sử dụng. Sau khi thoa mỹ phẩm làm trắng, cả hai bị mệt, buồn nôn, da bắt đầu bị phỏng. Các bác sỹ nhận định, cả hai nạn nhân bị phản ứng và phỏng da độ 1 do hoá chất. Hay như trường hợp chị T.X (36 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM), với mong muốn nhanh chóng có làn da mặt trắng mịn, cộng với lời giới thiệu nghe bùi tai về công dụng làm trắng da mặt rất nhanh của người bán mỹ phẩm, chị T.X đã mua một loại kem trộn không rõ nguồn gốc về dùng. Được hơn 1 tuần, chị phải vào bệnh viện Da liễu Thành phố để giải quyết hậu quả da loang lổ chỗ sạm, chỗ trắng và nổi rất nhiều mụn. Tương tự, chị T.T.T.H (31 tuổi, ở Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng là nạn nhân của mỹ phẩm làm trắng da. Chị H được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng co giật, nôn ói, toàn thân bị nổi mẩn đỏ... Được biết, trước khi nhập viện, chị H đã mua kem làm trắng da ở tiệm tạp hoá gần nhà về sử dụng. Một giờ sau đó, người nhà phát hiện H bị sùi bọt mép, nôn ói, co giật và tím tái nên đã đưa đến bệnh viện cấp cứu. Theo các bác sỹ, bệnh nhân đã bị dị ứng mỹ phẩm tẩy trắng da, bỏng hoá chất 90% diện tích da.
Nghiêm trọng hơn là trường hợp N.N.B (15 tuổi, ở xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), tử vong sau khi dùng mỹ phẩm trắng da. Nạn nhân nhập viện trong tình trạng toàn thân tím tái, lơ mơ, có những cơn co giật. Theo gia đình nạn nhân, trước đó, B đã được tư vấn mua mỹ phẩm từ một hàng bán ở vỉa hè về sử dụng. Sau khi bôi kem khắp người, rồi quấn ni lông kín hết lại để lột da, hơn 1 giờ sau đó em bị biến chứng phát sốt, nôn ói, được đưa vào bệnh viện tỉnh Đồng Tháp. Mặc dù các bác sỹ đã truyền dịch, sử dụng kháng sinh chống nhiễm khuẩn, đặt nội khí quản nhưng bệnh diễn tiến quá nhanh. Sau 15 phút nhập viện, bệnh nhân ngưng thở.
Những nguy hại của mỹ phẩm không rõ nguồn gốc
Cảnh báo về tác hại của việc dùng bừa bãi mỹ phẩm không nguồn gốc xuất xứ, bác sỹ Huỳnh Huy Hoàng - Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết: “ Nguy hiểm của các loại mỹ phẩm, kem trộn không rõ nguồn gốc được quảng bá làm trắng da cấp tốc là hầu hết đều có chứa chất corticoid. Khi bôi loại kem này, từ 3 đến 7 ngày đầu sẽ cho kết quả da trắng và đẹp rất nhanh. Thế nhưng, sau đó vùng da bôi kem bắt đầu căng mỏng, mạch máu giãn nở, nổi gân máu lên, mặt ửng đỏ, gây ngứa ngáy khó chịu; mặt nổi nhiều mụn, mọc nhiều lông; da sạm, nám, teo da... Việc điều trị rất khó khăn, tốn kém và lâu dài, nhưng nhiều trường hợp sau điều trị vẫn không thể đưa làn da trở về như trước được nữa. Đó là những tác hại đáng sợ do corticoid gây ra, khiến nhiều chị em tiếc nuối và mất tự tin sau khi gặp phải biến chứng do mỹ phẩm dỏm”.
Còn theo bác sỹ Lê Thái Thanh - Bộ môn da liễu, Đại học Y Dược TPHCM, nếu mỹ phẩm có hoạt chất hydroquinone dùng quá độ sẽ bị tai biến, gây nên bệnh da xám nâu - Đây là bệnh do lắng đọng sắc tố xanh đen, không hồi phục được. Kết quả vùng da thoa thuốc sẽ bị xám, xanh, đen. Bác sỹ Võ Thị Bạch Sương - giảng viên bộ môn Da liễu, Trường ĐH Y Dược TPHCM cho biết, tình trạng dùng kem tẩy trắng da cấp tốc, không nhãn mác rất nguy hiểm. Cần lưu ý, khi bôi kem trên diện tích da rộng thì các hóa chất trong kem “tẩy trắng” sẽ gây ra các tác dụng phụ với mức tương đương với đường uống, hay đường tiêm chích. Đối với các loại kem trộn trên thị trường nếu được trộn từ 2 chất trở lên có nguy cơ tương kỵ rất lớn có tác hại khác nhau, như dị ứng, lột da, phỏng da, độc cho máu, thậm chí tử vong.
Các bác sỹ cũng lưu ý thêm với người sử dụng mỹ phẩm là: Không chỉ mỹ phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng gây nguy hại, mà ngay cả mỹ phẩm có nguồn gốc cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe, nếu như nhà sản xuất cố tình cho vào sản phẩm một hay nhiều hơn các thành phần bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm để nâng hiệu quả sử dụng của mỹ phẩm.
Trước tình trạng sử dụng mỹ phẩm trôi nổi ngày càng diễn biến nghiêm trọng này, các bác sỹ khuyến cáo, để làm đẹp một cách an toàn và không xảy ra tai biến, chị em phải tìm hiểu kỹ trước khi mua và sử dụng mỹ phẩm. Phải tránh các mỹ phẩm không rõ xuất xứ, không rõ thành phần và nhất thiết phải thử trước khi sử dụng. Việc thử trên da theo 2 cách sau đây: Thử phản ứng (thoa một ít mỹ phẩm ở mặt trong cánh tay, theo dõi sau 24 đến 48 giờ) và xác định phản ứng chậm: Thoa mỹ phẩm lên mặt trong cánh tay, 2 lần/ngày/2 tuần với diện tích rộng khoảng 5cm2 để xác định có phản ứng hay không.
Nghĩa Huy
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 06 - 20
Tin tức liên quan
- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc tổ chức thành công Đại hội Công đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (02:41 03/03/2023)
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 (09:07 13/10/2022)
- ĐẠI HỘI HỘI DOANH NGHIỆP BẾN LỨC KHÓA I, NHIỆM KỲ 2022 - 2027 (05:20 07/08/2022)
- GIẢI PHÁP “TRẺ HÓA” VỚI DẦU GỘI PHỦ BẠC KANAVAL (03:23 04/07/2022)
- Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư (06:44 04/07/2022)