TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 25/04/2024

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế

16:10 01/07/2021
Logo header Sau hơn 7 năm kể từ phiên đàm phán đầu tiên, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã được ký kết vào ngày 15/11/2020. Tương tự như các FTA thế hệ mới đã có hiệu lực (CPTPP, EVFTA), RCEP có thể tạo thêm xung lực cải thiện quy mô thương mại và đầu tư của Việt Nam, đồng thời giúp gắn kết hiệu quả hơn doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi giá trị khu vực.

Ý tưởng về RCEP được hình thành trong bối cảnh cả khu vực Đông Á và rộng hơn là khu vực châu Á – Thái Bình Dương diễn ra quá trình thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư một cách tích cực. Ý tưởng về RCEP đã được giới thiệu lần đầu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 được tổ chức vào tháng 11/2011 tại Bali, Indonesia. Đến tháng 11/2012, lãnh đạo cấp cao đã thông qua khung khổ ASEAN về RCEP, và tuyên bố khởi động đàm phán.Tham gia đàm phán từ ban đầu có 16 thành viên, trong đó có 10 nước thành viên ASEAN và 06 nước đối tác – bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và Niu Di-lân. Tại thời điểm khởi động đàm phán, RCEP nằm trong nhóm 3 hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, bên cạnh TPP và Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP, giữa Mỹ và EU).

Từ tháng 5/2013 đến tháng 9/2019, các nước tham gia đàm phán RCEP đã tiến hành 28 vòng đàm phán, chưa kể một loạt các cuộc họp nhóm, trao đổi các cấp từ cấp chuyên viên đến cấp Bộ trưởng. So với mục tiêu hoàn thành đàm phán vào cuối năm 2015, tiến trình đàm phán RCEP liên tục bị kéo dài qua từng năm. Thực tế tính đến cuối năm 2015 (thời điểm dự kiến kết thúc đàm phán), các nước RCEP mới chỉ thực hiện được 10 vòng đàm phán, tức là chưa bằng một nửa so với số vòng đàm phán tính đến tháng 9/2019. Ngay cả khi chấp nhận cách tiếp cận tương đối linh hoạt gắn với “tiệm tiến” – phù hợp với các FTA của ASEAN – thì các nền kinh tế thành viên RCEP cũng gặp không ít bất đồng trong việc xử lý khác biệt trong lĩnh vực thương mại hàng hóa truyền thống, đặc biệt là mức độ cắt giảm thuế và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng các cuộc thảo luận về RCEP gặp nhiều khó khăn còn do thiếu các thỏa thuận kinh tế toàn diện hiện có giữa một số quốc gia tham gia, khoảng cách lớn về điều kiện kinh tế và chính trị ở các quốc gia tham gia. Trong nửa đầu năm 2019, quan ngại gia tăng về khả năng RCEP tiếp tục kéo dài đàm phán, trong bối cảnh không ít nền kinh tế thành viên (như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia) tiến hành bầu cử. Khi nỗ lực đàm phán trở lại, đến Hội nghị cấp cao Đông Á ở Bangkok ngày 4/11/2019, Lãnh đạo của các quốc gia đàm phán RCEP đã thông báo hoàn tất đàm phán cũng như thỏa thuận về hầu hết các vấn đề tiếp cận thị trường giữa 15 quốc gia. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Ấn Độ đã tuyên bố rút khỏi RCEP. Lo ngại về hiệu ứng đôminô có thể xảy ra - khi một số quốc gia khác có thể cân nhắc rút khỏi Hiệp định – đã được đề cập trong những tháng cuối năm 2019. Bên cạnh đó là lo ngại về việc một RCEP không có Ấn Độ có thể sẽ chịu sự chi phối của Trung Quốc.

Trong năm 2020, các nước thành viên còn lại của RCEP vẫn tiếp tục đàm phán và tích cực trao đổi với phía Ấn Độ về khả năng quay trở lại Hiệp định. Tuy nhiên, khả năng tiếp xúc bên lề các vòng đàm phán đã bị hạn chế, do đại dịch COVID-19 và hạn chế đi lại buộc các thành viên RCEP phải tiến hành họp trực tuyến. Việc Ấn Độ không tham dự các cuộc họp đã góp phần tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình tháo gỡ khác biệt. Ngày 15/11/2020, RCEP đã chính thức được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN được tổ chức tại Việt Nam, với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020.

1. RCEP trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam có 4 điểm mốc quan trọng. Điểm mốc đầu tiên được đánh dấu bởi việc gia nhập ASEAN vào năm 1995 và tham gia AFTA. Theo đó, Việt Nam dần dần hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn ở thị trường khu vực với những cam kết tự do hóa cụ thể trên nhiều lĩnh vực (thương mại, đầu tư, kết nối, v.v.).

Mốc quan trọng thứ hai của Việt Nam là việc ký kết Hiệp định thương mại song phương với Mỹ (BTA) vào năm 2000. Một mặt, Hiệp định này đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mặt khác, sức ép cải cách và thông lệ tốt trên nhiều lĩnh vực - chẳng hạn như bảo hộ sở hữu trí tuệ, v.v. - cũng góp phần tạo động lực và định hướng cho Việt Nam hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và phương thức điều hành trước khi gia nhập WTO.

Mốc thứ ba trong quá trình HNKTQT của Việt Nam là việc gia nhập WTO vào năm 2007. Với việc gia nhập WTO, Việt Nam được đối xử bình đẳng với các nước thành viên khác trong WTO. Đây cũng có thể coi là thời điểm Việt Nam hoàn thành quá trình hội nhập theo chiều rộng và cũng đặt ra yêu cầu hội nhập sâu sắc, với những bước đi dài hạn trong việc lựa chọn các đối tác chiến lược.

Sau khi gia nhập WTO, quá trình hội nhập của Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới, từ hội nhập theo chiều rộng sang hội nhập theo chiều sâu. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam làm sâu sắc các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, đối tác toàn diện bước đầu thông qua các FTA. Tính đến tháng 11/2020, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực hiện một loạt FTA song phương, đa phương và nhiều bên.

Đặt trong tiến trình ấy, RCEP không phải là một kết quả ngẫu nhiên, mà chỉ có được sau một thời gian nỗ lực không ngừng nghỉ. Cần lưu ý, việc đàm phán song song cả 3 hiệp định FTA có chất lượng cao và/hoặc quy mô lớn vào bậc nhất thế giới đòi hỏi không ít nỗ lực, hoạt động điều phối và cân nhắc của Việt Nam. Ngược lại, nếu giả sử không có các hiệp định khác như TPP/CPTPP và EVFTA, việc chuẩn bị về thể chế của Việt Nam có thể đã khác đi và cân nhắc về nội dung, tiến trình RCEP của Việt Nam có thể đi theo những kịch bản khác. Trên thực tế, những hàm ý lớn nhất về kinh tế và thể chế dường như lại gắn với hai hiệp định TPP/CPTPP và EVFTA. Đạt được đồng thuận đối với những Hiệp định này cũng làm tăng khả năng chấp nhận RCEP - ngay cả khi RCEP nhận được nhiều ý kiến trái chiều hơn so với CPTPP và EVFTA.

2. Những nội dung chính của RCEP

Ngoài phần Giới thiệu, Hiệp định RCEP gồm có 20 Chương và các phụ lục. Ngoài các nội dung tương đối truyền thống như thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, SPS và TBT, RCEP còn đưa vào một số nội dung mới hơn như thương mại điện tử, cạnh tranh, v.v. Dù vậy, một số ý kiến cho rằng nội dung của RCEP còn thực sự thiếu những lĩnh vực quan trọng như môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, v.v. Điều này khiến RCEP có phạm vi hẹp hơn so với CPTPP và EVFTA.

Bảng 1: Cấu trúc của Hiệp định RCEP

1. Điều khoản ban đầu và Định nghĩa chung

7. Phòng vệ thương mại

12.      Thương     mại điện tử

18.      Các    điều khoản thể chế

2. Thương mại hàng hóa

8. Thương mại Dịch vụ

-Dịch vụ tài chính

-Dịch vụ viễn thông

-Dịch vụ chuyên nghiệp

13. Cạnh tranh

19. Giải quyết tranh chấp

3. Quy tắc xuất xứ

14. Doanh nghiệp nhỏ và vừa

20. Các điều khoản cuối cùng

4. Thủ tục Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại

9. Di chuyển thể nhân

15. Hợp tác kinh tế và kỹ thuật

 

5. Các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS)

10. Đầu tư

16. Mua sắm chính phủ

6. Tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp

11. Sở hữu trí tuệ

17. Các điều khoản chung và Ngoại lệ

Nguồn: Bộ Công Thương (2020).

Bảng 2: Nội dung của RCEP so với các FTA khác của Việt Nam

 

RCEP

EVFTA

CPTPP

AFTA

ACFTA

AKFTA

AJCEP

AIFTA

AANZFTA

AHKFTA

Xóa bỏ thuế quan

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

Quy tắc xuất xứ

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

Dệt may

x

x

x

 

 

 

 

 

x

 

Hải quan và tạo thuận lợi thương mại

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

Phòng vệ thương mại

x

x

x

 

x

x

x

x

x

 

SPS

x

x

x

x

 

 

x

 

x

x

TBT

x

x

x

x

 

 

 

 

x

x

Dịch vụ

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

Dịch vụ tài chính

x

x

x

x

 

x

 

 

x

 

Đầu tư

x

x

x

x

x

x

x

x

x

 

Cơ chế ISDS

 

 

x

x

x

x

 

x

x

 

Nhập cảnh tạm thời cho khách kinh doanh

x

x

x

x

 

 

 

 

x

 

Viễn thông

x

x

x

 

 

 

 

 

x

 

Thương mại điện tử

x

x

x

 

 

 

 

 

x

 

Mua sắm công

x

x

x

 

 

 

 

 

 

 

Chính sách cạnh tranh

x

x

x

 

 

 

 

 

x

 

Doanh nghiệp nhà nước

 

x

x

 

 

 

 

 

 

 

Sở hữu trí tuệ

x

x

x

 

 

 

 

 

x

 

Lao động

 

x

x

 

 

 

 

 

 

 

Môi trường

 

x

x

 

 

 

 

 

 

 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa

x

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hợp tác và nâng cao năng lực

x

x

x

x

x

 

x

 

x

x

Giải quyết tranh chấp

x

x

x

x

x

x

x

x

x

x

Nguồn: Cập nhật của nhóm tác giả dựa trên tổng hợp của VCCI (2019).

Theo quy tắc xuất xứ của Hiệp định RCEP, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu đáp ứng một trong ba trường hợp sau: (i) hàng hóa có xuất xứ thuần túy tại một nước thành viên; hàng hóa được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ từ một hay nhiều nước thành viên; hàng hóa sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ nhưng đáp ứng quy định tại Quy tắc cụ thể mặt hàng. Trong Quy tắc cụ thể mặt hàng, ngoài việc áp dụng quy tắc hàm lượng giá trị giá khu vực (RVC) hoặc quy tắc chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC), một số dòng hàng hóa chất thuộc các Chương 29 và 38 được áp dụng Quy tắc phản ứng hóa học tương đương với quy tắc RVC hoặc CTC.

Đối với Quy trình cấp và kiểm tra chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa bao gồm Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), chứng từ tự khai báo xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu đủ điều kiện, chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa của nhà xuất khẩu. Việt Nam cùng với các nước thành viên RCEP (trừ Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma) bắt đầu triển khai thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của nhà xuất khẩu không quá 10 năm sau ngày thực thi Hiệp định. Trường hợp chưa thể triển khai thực hiện trong 10 năm này, các nước được phép gia hạn tối đa 10 năm nữa để thực hiện cơ chế này.

Chương Thương mại dịch vụ được xây dựng đồng thời theo hai phương thức tiếp cận “chọn cho” và “chọn bỏ”. Việt Nam lựa chọn phương thức tiếp cận “chọn cho”, với mức độ mở cửa thị trường về cơ bản tương đương với mức cam kết trong khuôn khổ ASEAN và không cao hơn pháp luật hiện hành. Việt Nam lựa chọn 6 phân ngành đã tự do hóa hoàn toàn để áp dụng nguyên tắc MFN tự động và nguyên tắc đơn phương tự do hóa. Hiệp định có quy định quá trình chuyển đổi từ biểu cam kết “chọn cho” sang “chọn bỏ” không yêu cầu cải thiện mức cam kết (bao gồm cả số lượng phân ngành áp dụng nguyên tắc MFN tự động).

Chương Đầu tư của Hiệp định RCEP bao gồm đầy đủ 4 yếu tố của một hiệp định đầu tư, gồm tự do hóa, xúc tiến, tạo thuận lợi cho đầu tư và bảo hộ đầu tư. Chương Đầu tư bao gồm các cam kết về đối xử đầu tư, đối xử quốc gia, MFN, yêu cầu thực hiện (PPR), quản lý cấp cao và hội đồng quản trị (SMBD), chuyển tiền, tước quyền sở hữu, v.v. Chương Đầu tư của Hiệp định RCEP có một số cam kết cao hơn so với các hiệp định FTA ASEAN Cộng đã ký kết, như bổ sung nghĩa vụ ngoài các nghĩa vụ quy định tại Hiệp định về các Biện pháp Đầu tư liên quan đến Thương mại (TRIMs) của WTO; cam kết về MFN tự động; cam kết nghĩa vụ đơn phương tự do hóa chỉ tiến không lùi (Ratchet) đối với Danh mục A tại Danh mục bảo lưu và các biện pháp không tương thích của các nước. Tuy nhiên, nghĩa vụ Ratchet chỉ áp dụng đối với các nước sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, Chương Đầu tư của Hiệp định RCEP đã bổ sung cơ chế xem xét, hỗ trợ giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư tại một nước RCEP phù hợp với pháp luật của nước đó.

So với các FTA ASEAN+ mà Việt Nam đã ký kết tại thời điểm kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP, Chương Đầu tư không có cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư (ISDS) và vấn đề tước quyền sở hữu liên quan đến thuế. Nội dung này sẽ tiếp tục được thảo luận sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực. Ngoài ra, Việt Nam bảo lưu được quy định không áp dụng Điều khoản MFN tự động trong lĩnh vực đầu tư với Việt Nam. Đối với các nghĩa vụ như đối xử quốc gia, hội đồng quản trị, yêu cầu hoạt động, các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định RCEP không vượt quá mức cam kết của ta trong các hiệp định FTA đã ký như CPTPP, EVFTA.

Nội dung thương mại điện tử trong Hiệp định RCEP chỉ gồm các cam kết ở về hợp tác, khuyến khích các nước thành viên cải thiện quy trình và quản lý thương mại bằng cách tạo môi trường thúc đẩy sử dụng các phương tiện điện tử. Tranh chấp (nếu có) phát sinh từ Chương này chỉ dừng ở các bước tham vấn và hòa giải. Cấu trúc các trong Chương Thương mại điện tử trong Hiệp định RCEP cũng tương tự trong Hiệp định CPTPP nhưng có nội dung cam kết ở mức thấp hơn. Đặc biệt, đối với việc quản lý thông tin nhằm mục đích thương mại qua biên giới, hay việc đặt trang thiết bị máy tính (máy chủ) như là điều kiện để kinh doanh trên lãnh thổ quốc gia của một nước, Hiệp định RCEP vẫn cho phép các bên được ban hành hay duy trì bất cứ biện pháp nào nếu thấy cần thiết để bảo vệ an toàn, an ninh môi trường mạng thiết yếu của mình, phù hợp với yêu cầu của Luật An ninh mạng của Việt Nam.

Chương Cạnh tranh bao gồm nghĩa vụ: thông qua hoặc duy trì các luật và quy định nhằm ngăn cấm các hoạt động chống cạnh tranh và thiết lập hoặc duy trì các cơ quan có thẩm quyền để thực thi luật cạnh tranh của mình; công nhận quyền chủ quyền của nhau trong việc xây dựng và thực thi luật cạnh tranh và chính sách của mình. áp dụng hoặc duy trì luật và quy định trong nước để ngăn chặn các hành vi gian lận, gây hiểu lầm, các diễn tả sai trong thương mại; nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận các cơ chế giải quyết vấn đề của người tiêu dùng; hợp tác trong bảo vệ người tiêu dùng. Cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định RCEP sẽ không áp dụng đối với Chương này. Ngoài ra, Chương Cạnh tranh không đề cập đến vấn đề doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.

Chương về Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) yêu cầu các nước thành viên thúc đẩy việc chia sẻ thông tin về Hiệp định RCEP liên quan đến doanh nghiệp DNNVV, bao gồm toàn văn của Hiệp định, các luật và quy định liên quan đến thương mại và đầu tư và các thông tin liên quan đến kinh doanh hữu ích khác nhằm tăng khả năng tận dụng và hưởng lợi của các DNNVV từ các cơ hội do Hiệp định RCEP tạo ra.

Về hợp tác kinh tế và kỹ thuật, các nước sẽ tìm hiểu và thực hiện các hoạt động hợp tác kinh tế và kỹ thuật tập trung vào các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, DNNVV và các vấn đề khác theo thỏa thuận giữa các nước. Trong đó, ưu tiên sẽ dành cho các hoạt động nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật cho nước thành viên là nước đang phát triển và nước kém phát triển nhất.

Chương Mua sắm của Chính phủ có mức độ cam kết thấp hơn nhiều so với Hiệp định CPTPP và EVFTA, chỉ gồm các nghĩa vụ tăng cường tính minh bạch, hợp tác và trao đổi thông tin giữa các bên về chính sách mua sắm công và không bao gồm cam kết mở cửa thị trường. Đồng thời, cơ chế giải quyết tranh chấp trong Hiệp định RCEP không áp dụng đối với Chương Mua sắm của Chính phủ. 

TS.Nguyễn Lê Thạch

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 68 -21

Bình luận: 0