TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 26/04/2024

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế

16:27 15/07/2021
Logo header Ký kết thành công RCEP là kết quả sau một thời gian nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam. Đặc biệt, việc đàm phán RCEP song song với 2 hiệp định FTA có chất lượng cao và/hoặc quy mô lớn vào bậc nhất thế giới - CPTPP và EVFTA - đòi hỏi không ít nỗ lực, hoạt động điều phối và cân nhắc. Tham gia vào RCEP, Việt Nam hướng nhiều hơn đến tác động "tạo thương mại" của hiệp định này, thay vì lo ngại về cạnh tranh chiến lược của Hiệp định này với các sáng kiến khác như TPP/CPTPP

Kỳ 2: RCEP với các hoạt động thương mại của Việt Nam

1. Những cơ hội mở ra cho thương mại Việt Nam

RCEP mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu

Bao phủ các quốc gia có dân số tới 2,2 tỷ dân, tương đương 30% dân số toàn cầu, hiệp định RCEP tạo ra một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu. Đây là khu vực có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, mức sống cao nên nhu cầu tiêu dùng cũng rất lớn. Một số quốc gia yêu cầu không quá cao về chất lượng sản phẩm – điều đang gặp phải trong CPTPP, EVFTA, v.v. và do đó phù hợp với trình độ của phần lớn doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, hành vi tiêu dùng của khu vực RCEP vẫn đang tích cực nhờ sự tương tác giữa các yếu tố như: (i) sự gia tăng của tầng lớp thu nhập trung bình; (ii) sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, vừa có tính thử nghiệm và tính thích ứng cao (như thương mại điện tử); và (iii) đà tăng trưởng kinh tế nhìn chung tương đối năng động. Do đó, hiệp định RCEP mở ra thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu và mở rộng thị trường đặc biệt là các loại mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, v.v.

Gia tăng đầu vào từ nhập khẩu có chất lượng cho tiêu dùng và sản xuất xuất khẩu

Ngay cả với nhập khẩu, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ việc gia tăng chất lượng hàng nhập khẩu cho tiêu dùng. Như đã thể hiện ở Bảng 13, tỷ trọng của hàng có hàm lượng công nghệ cao trong nhập khẩu từ một số thị trường RCEP của Việt Nam có xu hướng tăng. Nếu thiếu định hướng về chất lượng hàng hóa, chi phí nhập khẩu có thể giảm giá do thuế nhập khẩu giảm. Nếu Việt Nam thực thi nghiêm ngặt các quy định theo hướng nâng chuẩn chất lượng hàng hóa, chi phí nhập khẩu có thể không giảm, song chất lượng hàng nhập khẩu từ RCEP có thể gia tăng, qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và/hoặc tiêu dùng ở trong nước.

Hiệp định RCEP mở ra cơ hội cho Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đa dạng cả về loại hình và giá cả của các nước đối tác. Các quy định về xóa bỏ và cắt giảm thuế quan sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc từ các nước có trình độ khoa học kỹ thuật cao, với mức giá thấp hơn. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất. Chất lượng sản phẩm cao hơn với chi phí thấp hơn góp phần tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong bối cảnh tự do hóa thương mại, xuất khẩu sẽ có xu hướng gia tăng, từ đó, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào để phục vụ sản xuất cũng sẽ tăng. Chẳng hạn, khi gia tăng xuất khẩu hàng may mặc, các doanh nghiệp cần phải gia tăng nhập khẩu vải và các nguyên liệu khác làm đầu vào phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Các nước trong nhóm RCEP chiếm hơn 69% giá trị nhập khẩu nguyên liệu của Việt Nam, do đó, nếu thuế nhập khẩu được giảm dần về 0% sẽ tiết giảm đáng kể chi phí nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất dệt may.

Trong bối cảnh thu nhập và chất lượng sống của người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện, yêu cầu về chất lượng hàng hóa của người tiêu dùng ngày tăng cao. Trong khi đó, do nhiều yếu tố như dây chuyền và công nghệ sản xuất của Việt Nam còn lạc hậu, các sản phẩm nội địa không thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu khi tham gia RCEP sẽ giúp người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận với nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm chất lượng cao hơn với mức giá rẻ hơn, đặc biệt là các sản phẩm mà Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh.

Tham gia vào chuỗi giá trị

Tham gia vào một thị trường rộng lớn như RCEP, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực. Thông qua các hoạt động hợp tác kỹ thuật và xuất nhập khẩu hàng trung gian, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận và nhận chuyển giao khoa học, công nghệ; nâng cao năng lực sản xuất và quản lý; và theo đó, được tham gia vào các công đoạn sản xuất quan trọng hơn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hơn. Quá trình này giúp doanh nghiệp không ngừng cải thiện và nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh và tăng cường vị thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Nhiều chuyên gia chia sẻ nhận định rằng hiệp định RCEP sẽ đem lại nhiều cơ hội, trong đó bao gồm tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam, dù lượng hóa tác động này hầu như không thể thực hiện được trong các khung khổ mô hình hiện có. Cụ thể, RCEP sẽ giảm các rào cản thương mại và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ, thu hút các công ty nước ngoài tham gia vào một thị trường ASEAN hội nhập hơn. Các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là từ các nước phát triển, sẽ đem lại các tác động lan tỏa tích cực, bao gồm chuyển giao công nghệ, bí quyết kinh doanh, kỹ năng quản lý và cơ hội tiếp cận thị trường, vốn là những yếu tố doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Theo đó, doanh nghiệp sẽ dần phát triển và tăng cường năng lực tham gia vào chuỗi giá trị ở mức cao hơn, có giá trị gia tăng cao hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài ra, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp lớn còn đem đến nhiều lợi ích khác cho doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ vậy, các doanh nghiệp khi được tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là khi được liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, sẽ có động lực cũng như áp lực phải không ngừng thay đổi và cải thiện để đáp ứng yêu cầu của đối tác.

Nâng cao năng lực thể chế

Đây là một nội dung liên quan đến RCEP sẽ còn gây tranh cãi. Quan sát cho thấy song song với quá trình đàm phán và tham gia RCEP, Việt Nam đã có những nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế ở Việt Nam, cụ thể: (i) tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý; (ii) củng cố năng lực của bộ máy tổ chức; và (iii) tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ theo hướng đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và Chính phủ chỉ can thiệp khi cần khắc phục những thất bại của thị trường. Dù vậy, rất khó để phủ nhận rằng RCEP không có tác động thúc đẩy cải cách thể chế. Cần lưu ý, lo ngại về cạnh tranh trong RCEP có thể buộc Chính phủ và các Bộ, ngành phải cân nhắc, nội luật hóa những thông lệ quốc tế tốt gắn với những Hiệp định tiêu chuẩn cao hơn như CPTPP và EVFTA. Bên cạnh đó, việc phải thực hiện hài hòa hơn quy tắc xuất xứ trong RCEP với quy tắc xuất xứ trong các FTA khác (ASEAN+1) cũng đòi hỏi phải tổ chức thực hiện hiệu quả hơn từ việc ban hành quy định hướng dẫn liên quan, đến thông tin về mạng lưới nhà cung ứng ở các nước trong khu vực RCEP để có thể “cộng gộp”, và các biện pháp chính sách liên quan nhằm kết nối hiệu quả doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu trong nước với các doanh nghiệp FDI lớn trong chuỗi giá trị.

Xét về chi tiết, RCEP được đánh giá kém tham vọng hơn so với CPTPP hay EVFTA khi chủ yếu liên quan tới thương mại, không có những nội dung như lao động, môi trường và doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, quy định về cạnh tranh và hàng rào kỹ thuật dường như cũng không ngặt nghèo như CPTPP. Tuy nhiên, RCEP vẫn có một số nỗ lực tiến tới cải cách thể chế. Một nội dung mới ở RCEP là việc chia sẻ thông tin về cộng đồng DNNVV, theo đó có thể gây sức ép buộc phải có những cải cách và chính sách hỗ trợ DNNVV phù hợp hơn, ít nhất theo hướng mở rộng không gian kinh tế cho nhóm doanh nghiệp này trong hoạt động thương mại. RCEP cũng có nỗ lực đưa vào một số lĩnh vực tương đối mới hơn như cạnh tranh, mua sắm công, thương mại điện tử, v.v. Bên cạnh đó, cần lưu ý là RCEP vẫn để ngỏ không ít lĩnh vực (như ISDS) cho cách tiếp cận tiệm tiến. Nói cách khác, khả năng thúc đẩy các nội dung ràng buộc hơn nhằm thúc đẩy cải cách thể chế - ngay cả khi các cải cách này gắn nhiều hơn với CPTPP và EVFTA - không thể được loại trừ.

2. Nhiều thách thức phải đối mặt

Bảo đảm khả năng tận dụng FTA nói chung và RCEP nói riêng

Theo Bộ Công Thương, thuế suất trung bình trong các cam kết FTA của Việt Nam chỉ từ 0 - 5%, thấp hơn rất nhiều mức thuế suất trung bình từ 5 - 25% giữa các nước là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi thuế quan của các FTA, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng được các quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho mỗi FTA. Quy tắc xuất xứ nhằm xác định sự hợp lệ của hàng nhập khẩu để được hưởng mức thuế ưu đãi.

Bảng1 thể hiện tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo các hiệp định thương mại của Việt Nam qua các năm, cụ thể là tỷ lệ được nhận ưu đãi/tổng giá trị.

Bảng 1: Tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi theo các hiệp định thương mại của Việt Nam qua các năm

 

Hiệp định

Kim ngạch XK sử dụng C/O ưu đãi (tỷ USD)

Tổng kim ngạch XK (tỷ USD)

Tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA (%)

2017

2018

2019

2017

2018

2019

2017

2018

2019

ASEAN (Mẫu D)

6,54

8,50

8,87

21,68

24,74

25,21

30

34

35,2

ACFTA (Mẫu E)

9,17

12,04

13,08

35,46

41,27

41,41

26

29

31,6

AKFTA (Mẫu AK) VKFTA (Mẫu VK)

7,62

6,36

9,82

14,82

18,20

19,72

51

35

AK: 24,22

VK: 25,65

AANZFTA (Mẫu AANZ)

1,23

1,51

1,54

3,76

4,47

4,04

33

34

38,16

AJCEP (Mẫu AJ) VJEPA (Mẫu VJ)

5,83

5,65

7,78

16,84

18,85

20,41

35

30

AJ: 30,27

VJ: 7,86

VCFTA (Mẫu VC)

0,69

0,52

0,64

0,999

0,78

0,94

69

67

67,72

AIFTA (Mẫu AI)

1,81

4,735

4,35

3,76

6,54

6,67

48

72

65,13

VN – EAEU FTA (Mẫu EAV)

0,48

0,68

0,83

2,17

2,45

2,67

22

28

31

Lào (Mẫu S)

0,05

0,06

0,07

0,52

0,60

0,7

10

10

9,59

Campuchia (Mẫu X)

0,0026

0,009

0,23

2,78

3,741

4,36

0

0,02

0,01

CPTPP

(Mẫu CPTPP)

 

 

0,57

 

 

34,39

 

 

1,67

Tổng cộng

33,42

46,18

47,55

99,49

117,3

127,81

34

39

37,2

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan.

Có thể thấy, mặc dù khả năng tận dụng ưu đãi từ các hiệp định FTA của doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với kỳ vọng. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi năm 2019 ở mức 37,2%, điều này có nghĩa là phần lớn hàng hóa xuất khẩu có Việt Nam sang các nước chưa được hưởng mức thuế ưu đãi theo các hiệp định FTA.

Một số nghiên cứu cho rằng khả năng tận dụng ưu đãi của Hiệp định ASEAN và các đối tác có cải thiện nhưng chưa cao (Verico 2017; Tambunan và Chandra 2014; Hayakawa 2009). Do đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định RCEP. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp chưa nắm rõ các tiêu chí và điều kiện để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi. Cụ thể, để được hưởng ưu đãi theo các Hiệp định FTA, các mặt hàng xuất khẩu phải đảm bảo quy tắc xuất xứ, thông qua các giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không chứng minh được tỷ lệ xuất xứ theo quy định do chưa thu thập đầy đủ giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ trong quá trình mua đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, và do đó không được hưởng mức thuế ưu đãi.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh thực sự thân thiện với quy tắc xuất xứ trong FTA nói chung và trong ASEAN+ nói riêng. Không nhiều doanh nghiệp có thói quen quan tâm đến việc Việt Nam đang tham gia đàm phán các FTA, kể cả các FTA được đánh giá là tương đối dễ khai thác của ASEAN. Ở một chừng mực khác, doanh nghiệp cho rằng các điều khoản FTA phức tạp, nhưng trên thực tế, lý do chủ yếu là chưa quan tâm đúng mức. Cuối cùng, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tìm mạng lưới cung ứng ở nước ngoài, đặc biệt là những nhà cung ứng có thể bổ sung phần “xuất xứ” còn thiếu theo công thức xuất xứ gộp.

Bảo đảm năng lực cạnh tranh xuất khẩu

Một thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam là RCEP có thể tạo ra nguy cơ chuyển hướng thương mại, cụ thể hơn là gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam đang có ưu thế cạnh tranh một cách tương đối so với Trung Quốc nhờ Hiệp định Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), và các Hiệp định ASEAN+1. Với RCEP, Trung Quốc có thêm ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào các thị trường này và sẽ gia tăng cạnh tranh hơn nữa với Việt Nam và các nước ASEAN. Chẳng hạn, hiện nay theo Hiệp định, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản với mức thuế ưu đãi là khoảng 10%. Trong khi đó, mức thuế áp cho hàng dệt may Trung Quốc là 15 - 20%. Một ví dụ khác, Nhật Bản áp mức thuế dưới 5% cho sản phẩm da giày của Việt Nam, và 30% cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Với RCEP, Trung Quốc có thể được hưởng ưu đãi thuế và do đó làm mất lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

So với các thành viên trong khối, các doanh nghiệp Việt Nam yếu kém về quy mô vốn, về năng lực thiết bị, trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý và lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may, sẽ ở thế bất lợi hơn nhiều trong việc chiếm lĩnh thị trường các nước so với Trung Quốc, bởi các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất hàng loạt, giao hàng hàng loạt, giá thành rẻ hơn, mẫu mã đẹp hơn.

Bên cạnh đó là những lo ngại về khả năng ngành nông thủy sản trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi RCEP. Trên thực tế, Trung Quốc, Australia và New Zealand xuất khẩu nhiều sản phẩm nông sản trong khi các nước ASEAN lại có sức cạnh tranh trong lĩnh vực thủy sản. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức chuyển hướng thương mại của Nhật Bản và Hàn Quốc khi các nước này mở cửa thị trường của mình cho Trung Quốc. Nếu tác động chuyển hướng thương mại lớn hơn so với tác động thúc đẩy tăng thương mại thì xét tổng thể sẽ đem lại kết quả tiêu cực với Việt Nam.

Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đối với một số sản phẩm nông thủy sản và công nghiệp, tuy nhiên chủ yếu vẫn là sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp, chất lượng chưa cao. Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu 2 ngành này của Việt Nam lại tương đồng với các nước khác trong ASEAN, Trung Quốc, mức độ tương đồng xuất khẩu với Hàn Quốc và Ấn Độ cũng ngày càng tăng. Điều này tạo áp lực cạnh tranh tăng giữa Việt Nam với các nước trong khối. Cũng như các nước Lào, Campuchia và Myanmar, Việt Nam sẽ phải đương đầu với sức ép cạnh tranh lớn từ Trung Quốc, một mặt, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phần lớn đều giống các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc; mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam yếu kém về quy mô vốn, về năng lực thiết bị, trình độ công nghệ, kỹ năng quản lý và lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp dệt may, sẽ ở thế bất lợi hơn nhiều trong việc chiếm lĩnh thị trường các nước so với Trung Quốc, bởi các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất hàng loạt, giao hàng hàng loạt, giá thành rẻ hơn, mẫu mã đẹp hơn.

Gia tăng nhập siêu

Ngành sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn nhất là hàng hóa từ các nước khác có thể đưa vào Việt Nam với mức thuế suất thấp hơn. Nếu doanh nghiệp từ các đối tác trong RCEP không điều chỉnh giá trước thuế nhập khẩu, thì hàng của họ vẫn sẽ cạnh tranh hơn về giá khi vào Việt Nam và có thể gây áp lực đối với nhập siêu. Trong một kịch bản khác, doanh nghiệp ở các nước RCEP dùng phần chi phí tiết kiệm được từ thuế nhập khẩu để gia tăng đầu tư cho công nghệ, chất lượng sản phẩm thì phần giá trước thuế có thể không thay đổi, nhưng lượng nhập khẩu lớn hơn. Khi đó, hệ lụy đối với nhập siêu của Việt Nam sẽ còn lớn hơn. Thực tế nhập siêu giai đoạn trước 2020 với các nước RCEP ít nhiều đã phản ánh lo ngại này.

Hàm ý của gia tăng nhập siêu từ khu vực RCEP đối với mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam còn đáng lưu tâm hơn. Một mặt, gia tăng nhập siêu có thể gây áp lực đối với cán cân thanh toán và thị trường ngoại hối, qua đó ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô và dư địa chính sách tiền tệ ở Việt Nam – điều luôn được quan tâm trong những thập niên gần đây. Mặt khác, ngay cả khi gia tăng nhập siêu từ RCEP có thể được bù đắp bởi thặng dư thương mại từ các thị trường khác, rủi ro hàng xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra lẩn tránh thuế vẫn hiện hữu, qua đó ảnh hưởng đến lựa chọn điều hành xuất khẩu ở cả cấp chính sách và cấp doanh nghiệp.

Võ Huyền

(Tổng hợp từ báo cáo của Hội thảo Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam)

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 70 - 21

Bình luận: 0