Hướng đi đúng của một Thủ đô năng động
Cụm Công nghiệp Thanh Thùy trong thời gian qua đã góp phần cụ thể hóa công tác phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội).
Thật vậy, trong các năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền thành phố đã phát huy tốt hiệu quả vai trò quản lý của mình và đã cụ thể hóa công tác phát triển kinh tế - xã hội với nhiều chủ trương, chính sách đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, thành phần kinh tế, cá nhân đầu tư phát triển. Hà Nội đã đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Thủ đô đang ngày càng thể hiện rõ nét hơn vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế, tạo động lực quan trọng đối với phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đóng góp vào sự phát triển đó, cùng với nhiều lĩnh vực khác, với mức tăng trung bình 8,3%/năm, ngành công nghiệp Thủ đô cũng đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 91%) và duy trì tăng 8,4% hàng năm. Thành tựu này có được là do các chính sách đúng đắn của thành phố trong việc phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, làng nghề đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, giải quyết việc làm, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.
Ngay từ năm 2000, Pháp lệnh số 29/2000/PL-UBTVQH10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ một trong những mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô là phát triển kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, cơ cấu hợp lý. Để thực hiện mục tiêu này, trong nhiều năm qua, việc quy hoạch và xây dựng các cụm công nghiệp luôn được coi là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô được thực hiện trong mối quan hệ hữu cơ với Vùng, với cả nước tạo sự phân công, hợp tác trong cơ cấu thống nhất, phù hợp. Hình thành hệ thống các cụm công nghiệp của Thành phố không chỉ giúp thực hiện định hướng phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường. Việc hình thành được một hệ thống cụm công nghiệp còn giúp phát triển công nghiệp có chọn lọc, chú trọng vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao. Khi hệ thống phát triển, phối hợp với đào tạo ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu lao động sẽ tạo ra sự phân bố dân cư hợp lý, từ đó giảm áp lực về dân số và kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho trung tâm Thủ đô. Trong sự quy hoạch và phát triển đó, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề sản xuất thủ công, mỹ nghệ cũng đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân cả nước. Đặc biệt, Thành phố cũng đã tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thủy lợi - cấp thoát nước, mạng lưới điện, thương mại - dịch vụ, thông tin và hạ tầng các khu, cụm công nghiệp… Không chỉ vậy, trong 5 năm tới, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với năm đô thị vệ tinh và kết nối Thủ đô với các tỉnh, địa phương thuộc vùng thủ đô, thông qua các tuyến đường hướng tâm như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6, Quốc lộ 21; Quốc lộ 21B… từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, giao thương hàng hóa với các địa phương trên cả nước. Việc đào tạo lao động có chất lượng, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại cũng luôn được chú trọng đầu tư. Thông qua những chương trình khuyến công, thành phố đã tổ chức 97 lớp truyền nghề cho 3.395 lao động cùng với đó tổ chức Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ TP. Hà Nội thu hút 3.000 khách thương mại, trong đó có 625 nhà nhập khẩu nước ngoài ký kết 10 hợp đồng với giá trị 300.000 USD. Nhờ sự khuyến khích phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề đến nay đã có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 305 làng nghề được công nhận, thu hút hàng chục nghìn lao động làm việc. Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, ngoài 5 cụm công nghiệp được thành lập từ năm 2018, trên địa bàn thành phố còn 14 cụm công nghiệp được thành lập năm 2019 và 2020. Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030, trên địa bàn thành phố có 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 3.204,31ha. Tính đến tháng 6/2020, đã có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động nằm trên địa bàn 17 quận, huyện, thị xã với khoảng 3.864 cơ sở sản xuất, nộp ngân sách khoảng 1.100 tỷ đồng/năm, tổng số lao động khoảng 60.000 người. Theo quy hoạch, tổng diện tích của 70 cụm công nghiệp là 1.686 ha, trong đó, hiện trạng có 1.392 ha đã đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định. Còn lại khoảng 294 ha cần đầu tư hạ tầng bổ sung, hoặc thực hiện giai đoạn 2. Các cụm công nghiệp có các hạng mục công trình hạ tầng tương đối đồng bộ như các cụm công nghiệp Quất Động mở rộng, Ngọc Hồi, Từ Liêm, thị trấn Phùng,... đã giúp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Huyện Thường Tín là huyện có nhiều cụm công nghiệp hoạt động nhất trong số các quận, huyện, thị xã của Hà Nội, với 10 cụm công nghiệp hoạt động, có hơn 900 doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các cụm công nghiệp này đã giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động địa phương và vùng lân cận.
Để có được kết quả này, trong nhiều năm qua các quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hà Nội luôn bám sát thực hiện nhiều chính sách mà Đảng và Nhà nước đề ra để khuyến khích đầu tư và phát triển cụm công nghiệp như Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016, cùng một số chính sách khuyến khích phát triển các cụm công nghiệp khác của Nhà nước. Nhờ đó, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, Hà Nội đã đưa ra những chính sách cụ thể để có thể khuyến khích giúp các tổ chức tập trung đầu tư có chiều sâu, tăng cường thu hút doanh nghiệp công nghệ cao, mở rộng sản xuất để giữ vững thị trường, tạo việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Mới đây, thành phố đã ban hành Công văn số 6586/VP-KT về triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm phát triển mạnh các cụm công nghiệp thời gian tới. Đối với, các cụm công nghiệp mới thành lập, Thành phố luôn xác định tiêu chí lựa chọn Nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp như ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ mới, hiện đại, thân thiện môi trường. Đồng thời di dời các cơ sở sản xuất, làng nghề tại khu dân cư ra khu vực sản xuất tập trung nhưng phải đảm bảo các tiêu chí trên. Phát triển, đầu tư xây dựng cụm công nghiệp theo định hướng công nghiệp xanh, sạch (tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường, không khí, tiếng ồn), ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao. Song song với đó là việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại (đường giao thông, kho bãi, bãi để xe, cửa hàng xăng dầu, trạm nạp điện...).
Có thể thấy rằng, mặc dù đang chịu ảnh hưởng xấu của tình hình kinh tế thế giới, song thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của Hà Nội vẫn đang có sự tăng trưởng khá. Thành phố đã xác định rõ, trong thời gian tới bên cạnh các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư thì vấn đề đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đóng vai trò quan trọng.
Đức Đông
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 34 - 20
Tin tức liên quan
- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc tổ chức thành công Đại hội Công đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (02:41 03/03/2023)
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 (09:07 13/10/2022)
- ĐẠI HỘI HỘI DOANH NGHIỆP BẾN LỨC KHÓA I, NHIỆM KỲ 2022 - 2027 (05:20 07/08/2022)
- GIẢI PHÁP “TRẺ HÓA” VỚI DẦU GỘI PHỦ BẠC KANAVAL (03:23 04/07/2022)
- Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư (06:44 04/07/2022)