Hướng tới một Chính phủ số và nền kinh tế số phát triển ở Việt Nam
Trong những năm qua, nước ta đã có những bước tiến quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử
Lợi thế của mạng 5G với các mạng thế hệ cũ gần nhất là 4G là không thể phủ nhận. Với tốc độ nhanh gấp 50 lần, trả lời tín hiệu nhanh hơn gấp 10 lần và mức tiêu thụ năng lượng cho kết nối mạng thấp hơn so với 4G là những yếu tố cần thiết để phát triển internet với tốc độ rất cao, đáp ứng được hầu hết các nhu cầu về truyền phát video có độ phân giải cao, các loại hình dịch vụ đám mây có nhu cầu lưu trữ lớn và các nội dung thực tế ảo vốn rất nặng nề đối với mạng 4G, đồng thời, mạng 5G sẽ bổ sung thêm kiến trúc mới cho mạng truy nhập vô tuyến đám mây nhờ khả năng tương thích ngược với mạng khác. Tất cả những lợi thế trên sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho tất cả các thiết bị có khả năng kết nối internet, qua đó các đơn vị kinh doanh cũng có thể tận dụng những ưu điểm trên để nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Có thể coi 5G chính là chìa khóa mở ra các cơ hội mới, tạo ra các mô hình vận hành kinh doanh mới có khả năng làm thay đổi nền kinh tế, giúp các nước (trong đó có Việt Nam) bứt phá, phát triển về công nghệ. Ngay khi bước vào những năm đầu của thế kỷ 21, Đảng, Nhà nước ta đã luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm “Ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…”. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu quan trọng làm nền tảng trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. Trong những năm qua, các cơ sở dữ liệu mang tính chất nền tảng thông tin như Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đang được xây dựng và đã dần đi vào vận hành. Nhiều dịch vụ công trực tuyến như đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội… đã được các cơ quan nhà nước cung cấp tới người dân. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã xử lý hồ sơ trên môi trường mạng góp phần rút ngắn được thời gian giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời dần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức. Tuy nhiên, để tối ưu và tiến tới được một Chính phủ điện tử toàn diện hơn nữa và với việc đất nước ta đang xây dựng chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số thì 5G chính là chìa khóa để thúc đẩy quá trình này. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đẩy mạnh đầu tư các yếu tố hạ tầng công nghệ thông tin như mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, cơ sở dữ liệu…, trong đó đặc biệt cần tập trung thúc đẩy sự phát triển của công nghệ 5G tại Việt Nam sẽ giúp cho việc chuyển đổi số của từng ngành, từng lĩnh vực một cách nhanh chóng và bền vững. Trong Chỉ thị số 01/CT-BTTTT về định hướng phát triển ngành TT&TT 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã xác định 5G rõ là hạ tầng rất quan trọng của kinh tế số, xã hội số. Do đó việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam. Tại đây nêu rõ mục tiêu là chuyển dịch hạ tầng viễn thông sang hạ tầng ICT (Information & Communication Technologies, từ này được hiểu là Công nghệ thông tin và Truyền thông), phát triển hạ tầng số đồng bộ hiện đại để thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời xác định, năm 2020, mạng thông tin di động 5G ở Việt Nam được triển khai thương mại cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới, và nước ta sẽ chủ động đi đầu cùng với thế giới về mặt công nghệ cũng như chủ động xây dựng lộ trình và phương án loại bỏ công nghệ di động 2G từ năm 2022. Các nhà doanh nghiệp viễn thông phải đảm nhiệm thêm vai trò và trách nhiệm là nền tảng của hạ tầng số, thanh toán số, mobile money, hạ tầng cho chuyển đổi số, phải làm chủ các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi số như: công nghệ 5G, loT, Big Data, AI... Mạng viễn thông là nền tảng của các nền tảng. Các doanh nghiệp viễn thông mang trong mình sứ mạng của doanh nghiệp nền tảng với trách nhiệm xã hội bảo đảm một nền tảng viễn thông cũng như các nền tảng khác chạy trên mạng viễn thông phải sạch. Đồng thời xây dựng Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm phổ cập phủ sóng 4G, 5G, phổ cập điện thoại thông minh và phổ cập dịch vụ công trực tuyến.
Trên thực tế, với sự ra đời của các thế hệ mạng tốc độ cao, đặc biệt là mạng 5G, thì thời đại IoT (Internet of Things) đang ngày càng ảnh hưởng trực tiếp tới từng cá nhân trong xã hội với hầu hết các thiết bị thường ngày hiện nay đều có thể kết nối với mạng internet (nhà thông minh, vòng đeo tay thông minh, đồng hồ thông minh, kính thông minh và nhiều vật dụng phổ biến khác đặc trang bị công nghệ hiện đại cho phép cuộc sống con người trở nên tiện lợi hơn) đến các lĩnh vực quan trọng khác như ngân hàng, bệnh viện và đặc biệt trong các công tác quản lý nhà nước. Điều có thể nhận thấy dễ dàng nhất là hầu hết các thiết bị, vật dụng này có điểm chung là khả năng duy trì kết nối và truyền tải dữ liệu dựa trên mạng internet với tốc độ cao. Tuy nhiên, mạng 5G là một công nghệ mới mẻ đối với nhiều quốc gia, các nhà nghiên cứu phát triển mạng 5G của Việt Nam cũng đang trong quá trình tìm cách làm chủ công nghệ, sáng tạo và phát triển trạm phát sóng 5G. Và với việc thử nghiệm thành công mạng 5G của Viettel tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong năm 2019 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên triển khai 5G trên thế giới, dù còn nhiều thành phần cần được điều chỉnh tối ưu hóa như: tần số thử nghiệm, số lượng tần số, thiết bị đầu cuối, tương quan vùng phủ sóng và vị trí phát sóng… Theo kế hoạch, Viettel sẽ đưa mạng di động thế hệ mới có mặt tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc vào năm 2025. Hai nhà mạng còn lại là VinaPhone và MobiFone cũng đều đã được cấp phép thử nghiệm 5G và đang dự kiến triển khai phát sóng ở một số quận tại TP Hồ Chí Minh.
Mới đây, Bộ TT&TT cũng đã vừa cấp giấy phép cho phép Viettel thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G tại Hà Nội, với quy mô không vượt quá 140 vị trí (trạm thu phát sóng BTS). Và Bộ cũng đã đồng ý cấp phép cho MobiFone thử nghiệm thương mại 5G tại TPHCM với số lượng không quá 50 trạm BTS. Việc thử nghiệm thương mại giúp các nhà mạng đánh giá công nghệ và thị trường trước khi chính thức kinh doanh dịch vụ 5G. Đối tượng thử nghiệm là các thuê bao di động của nhà mạng và được kết nối với các mạng viễn thông công cộng; được sử dụng các mã, số viễn thông đã được phân bổ phục vụ việc thử nghiệm. Trường hợp doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô thử nghiệm phải được sự chấp thuận của Bộ TT&TT. Việc thử nghiệm này của các đơn vị phải chấp hành các quy định về quản lý tiêu chuẩn, chất lượng viễn thông, bảo đảm an toàn mạng, an toàn thông tin, hoàn trả tài nguyên viễn thông được cấp thử nghiệm sau khi giấy phép thử nghiệm lần đầu hết hiệu lực (cả hai giấy phép đều có giá trị đến hết ngày 30/6/2021) hoặc khi có yêu cầu từ Bộ TT&TT.
Mạng 5G thực sự sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển đất nước tiến lên văn minh - hiện đại do những lợi ích to lớn của mình. Nhưng, còn tồn tại rất nhiều thách thức trước mắt cần giải quyết nhanh chóng như các rào cản công nghệ điển hình là sự chậm trễ giải phóng và cung cấp phổ tần dành cho dịch vụ 5G. Cùng với đó là các thách thức về an ninh cần phải vượt qua trước khi 5G trở nên phổ biến và người sử dụng ngày càng phụ thuộc hơn vào nó. Nhưng dù sao, sự thành công trong quá trình thử nghiệm của các đơn vị viễn thông trong nước thời gian vừa qua cũng là đã thể hiện được quyết tâm của Việt Nam trong việc tiếp cận, làm chủ công nghệ mới với những bước đi và việc làm hết sức cụ thể để xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam.
Nhật Thăng
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 35-20
Tin tức liên quan
- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc tổ chức thành công Đại hội Công đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (02:41 03/03/2023)
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 (09:07 13/10/2022)
- ĐẠI HỘI HỘI DOANH NGHIỆP BẾN LỨC KHÓA I, NHIỆM KỲ 2022 - 2027 (05:20 07/08/2022)
- GIẢI PHÁP “TRẺ HÓA” VỚI DẦU GỘI PHỦ BẠC KANAVAL (03:23 04/07/2022)
- Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư (06:44 04/07/2022)