Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021
1. Tăng trưởng kinh tế
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý II các năm 2018 và 2019.
GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,61%; khu vực dịch vụ chiếm 41,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,11% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là: 14,16%; 33,51%; 41,99%; 10,34%).
Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 5,67%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 24,05%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 22,76%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng đạt khá, đặc biệt là lúa đông xuân đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay ở mức 68,3 tạ/ha; chăn nuôi lợn phục hồi và chăn nuôi gia cầm phát triển tốt, tổng đàn lợn và gia cầm thời điểm cuối tháng Sáu ước tăng lần lượt 11,6% và 5,4% so với cùng thời điểm năm trước. Xuất khẩu thủy sản có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại các thị trường nước ngoài tăng trở lại, sản lượng tôm thẻ chân trắng 6 tháng đầu năm tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp: Sản xuất công nghiệp trong quý II/2021 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 11,45% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,91%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,06% của cùng kỳ năm 2020. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,45%).
Hoạt động của doanh nghiệp: Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2%. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2021 vẫn ghi nhận đánh giá tích cực khi có 68,2% số doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2021 so với quý I/2021 tốt lên và giữ ổn định.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp: Trong tháng 6/2021, cả nước có 11,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 164,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 71,9 nghìn người, giảm 2,5% về số doanh nghiệp, tăng 9,1% về vốn đăng ký và giảm 0,4% về số lao động so với tháng 05/202116. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14,5 tỷ đồng, tăng 11,9% so với tháng trước và tăng 43,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 67,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 942,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 484,3 nghìn lao động, tăng 8,1% về số doanh nghiệp, tăng 34,3% về vốn đăng ký và giảm 4,5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước..
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%, trong đó có 8.883 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 34,2%; 105 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 2,8%.
Hoạt động dịch vụ: Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 1,1%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Sáu ước tính đạt 381,9 nghìn tỷ đồng, giảm 2% so với tháng trước và giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý II/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.177,6 nghìn tỷ đồng, giảm 8,4% so với quý trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 956,8 nghìn tỷ đồng, giảm 7% và tăng 6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 101,1 nghìn tỷ đồng, giảm 17,8% và giảm 1,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, giảm 55,4% và giảm 5,7%; doanh thu dịch vụ khác đạt 118,3 nghìn tỷ đồng, giảm 10,1% và tăng 4,2%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.463,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 3,55% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,77%).
Vận tải và viễn thông: Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, vận chuyển hành khách giảm 0,7%, luân chuyển hành khách giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa được duy trì khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh nỗ lực thực hiện để đạt “mục tiêu kép” của Chính phủ. So với cùng kỳ năm trước, vận tải hàng hóa tháng Sáu tăng 8,6% về sản lượng vận chuyển và tăng 9,4% về sản lượng luân chuyển; tính chung 6 tháng đầu năm, vận chuyển hàng hóa tăng 11,5%, luân chuyển hàng hóa tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.
Khách quốc tế đến Việt Nam: Khách quốc tế đến nước ta trong quý II/2021 đạt 40,1 nghìn lượt người, giảm 30,4% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước.
2. Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán: Hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế từng bước được phục hồi, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân có xu hướng tăng khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các đợt giảm lãi suất trong năm 2020. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 21/6/2021 đạt 5,47% so với cuối năm 2020. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng tích cực, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2021 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; thị trường chứng khoán tăng mạnh với tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế tăng 68%.
Đầu tư phát triển: Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020. Mức tăng này phản ánh kết quả của các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như xu thế đón đầu dòng vốn FDI đang chuyển dịch vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được kiểm soát.
Thu, chi ngân sách Nhà nước: Tiến độ thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 đạt khá trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ước tính đạt 57,7% dự toán năm. Chi ngân sách được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, ưu tiên chi cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 775 nghìn tỷ đồng, bằng 57,7% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 633,1 nghìn tỷ đồng, bằng 55,9%; thu từ dầu thô 18,5 nghìn tỷ đồng, bằng 79,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 122,8 nghìn tỷ đồng, bằng 68,8%. nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước bằng 52,9% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) bằng 57,1%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước bằng 58,7%. Tổng chi ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 501 nghìn tỷ đồng, bằng 48,3%; chi đầu tư phát triển 133,9 nghìn tỷ đồng, bằng 28,1%; chi trả nợ lãi 56,8 nghìn tỷ đồng, bằng 51,6%.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ: kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 6 giảm nhẹ so với tháng trước, tuy nhiên vẫn đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2021 ước tính đạt 54 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%29. Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD.
Trong quý II/2021, kim ngạch nhập khẩu đạt 83,5 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,4% so với quý I năm nay. Trong quý II có 18 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 76,1% tổng trị giá nhập khẩu, trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt giá trị cao nhất với 16,8 tỷ USD (chiếm 20,1% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu), tăng 25,6% so với quý cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12,1 tỷ USD, tăng 43,4%; vải đạt 4,3 tỷ USD, tăng 50,4%; điện thoại và linh kiện đạt 4,1 tỷ USD, tăng 51,1%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,9 tỷ USD, tăng 30,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,2 tỷ USD, tăng 39,5%
Chỉ số giá: Giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 6 tháng tăng 0,87%.
Tính chung quý II/2021, CPI tăng 0,45% so với quý trước và tăng 2,67% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó giao thông tăng 18,12% so với cùng kỳ năm trước; giáo dục tăng 4,09%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,24%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,63%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,98%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,55%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,17%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,15%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,7%. Có 2 nhóm có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ năm trước là bưu chính viễn thông giảm 0,82%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,58%.
Chỉ số giá sản xuất: Tỷ giá thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm giảm 0,99% so với cùng kỳ năm 2020 phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,23% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp tăng 5,63%; lâm nghiệp tăng 0,3%; thủy sản tăng 0,48%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó dịch vụ vận tải, kho bãi tăng 0,21%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 0,66%; thông tin và truyền thông giảm 0,59%; giáo dục và đào tạo tăng 3,23%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 0,33%; nghệ thuật vui chơi, giải trí tăng 0,48%.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số giá nguyên nhiên vâṭ liêụ dùng cho sản xuất tăng 4,79% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,83%; dùng cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,97%; dùng cho xây dựng tăng 3,91%.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 2,24% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó chỉ số giá của nhóm nông sản, thực phẩm tăng 2,33%; nhóm nhiên liệu tăng 20,95%; nhóm hàng hóa chế biến, chế tạo khác tăng 1,4%. Chỉ số giá nhập khẩu 6 tháng của một số mặt hàng: Xăng dầu các loại tăng 25,11%; khí đốt hóa lỏng tăng 21,35%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 8,71%; cao su nguyên liệu tăng 8,69%; sắt thép tăng 7,65%; hóa chất tăng 5,18%; linh kiện, phụ tùng ô tô giảm 2,88%; sản phẩm từ cao su giảm 2,51%; ô tô nguyên chiếc các loại giảm 2,37%.
Hồng Đức
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 72 - 21
Tin tức liên quan
- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc tổ chức thành công Đại hội Công đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (02:41 03/03/2023)
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 (09:07 13/10/2022)
- ĐẠI HỘI HỘI DOANH NGHIỆP BẾN LỨC KHÓA I, NHIỆM KỲ 2022 - 2027 (05:20 07/08/2022)
- GIẢI PHÁP “TRẺ HÓA” VỚI DẦU GỘI PHỦ BẠC KANAVAL (03:23 04/07/2022)
- Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư (06:44 04/07/2022)