Kinh tế - xã hội ổn định và đạt được những kết quả tích cực
Sáng ngày 29/3/2021, Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2021. Theo đó, tiếp đà phục hồi và tăng trưởng tích cực từ quý IV năm 2020, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định. Kết quả này cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp thực hiện hiệu quả mục tiêu kép. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp 55,96%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%, đóng góp 35,70%.
Cụ thể khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Những hình thái thời tiết cực đoan như rét đậm, rét hại, hạn hán và xâm nhập mặn không diễn ra gay gắt như cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa, sản lượng cây lâu năm đạt khá, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, tính đến nay, dịch tả lợn châu Phi chỉ còn ở 19 địa phương. Chăn nuôi lợn tiếp tục đà hồi phục trên cả nước. Ước tính tổng số lợn của cả nước đến thời điểm cuối tháng 3 năm 2021 tăng 11,6% so với cùng thời điểm năm 2020; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I ước tính đạt 1.018,8 nghìn tấn, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển do hộ chăn nuôi mở rộng quy mô, khu vực doanh nghiệp phát triển tốt... Sản xuất thủy sản khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước, giá cá tra và tôm thương phẩm có xu hướng tăng đồng thời thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,19%, chỉ thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011 - 2021, làm tăng 0,29 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,78%; ngành thủy sản tăng 2,90%, cao hơn mức tăng 2,79% của cùng kỳ năm trước.
Xét trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I/2021 đã tăng được 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I/2020, góp 2,2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Theo công dụng sản phẩm công nghiệp, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất) quý I/2021 tăng 8% so với năm trước; sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 3,8%. Chỉ số sản xuất quý I/2021 một số ngành trọng điểm thuộc các ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I/2021 cũng tăng cao như: Thép cán tăng 54%; linh kiện điện thoại tăng 47,9%; tivi các loại tăng 30,9%; ô tô tăng 17,7%... Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 5,17%, cao hơn mức tăng 4,37% của quý I/2020, đóng góp 0,32 điểm phần trăm. Chỉ có ngành khai khoáng tăng trưởng âm 8,24%, do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh (sản lượng dầu thô khai thác giảm 11% và khí đốt tự nhiên giảm 16,1%).
Trong năm 2020, khu vực dịch vụ đạt mức tăng thấp nhất của các năm 2011 - 2020 do diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Nhưng với việc dịch bệnh Covid - 19 được kiểm soát chặt chẽ, các doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết thì khu vực dịch vụ trong quý I/2021 đã có nhiều tăng trưởng tích cực. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I như: Bán buôn và bán lẻ tăng 6,45%, đây là ngành dịch vụ có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 0,67 điểm phần trăm. Tính chung quý I/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.291,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,42%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa quý I năm nay ước tính đạt 1.033,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 80,1% tổng mức và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,35%. Ngành vận tải, kho bãi giảm 2,17%, do các lệnh giãn cách xã hội ngay từ đầu năm tại nhiều tỉnh thành trong cả nước vận tải hành khách tháng 3 ước tính đạt 323,8 triệu lượt khách vận chuyển đã giảm 1,5% so với tháng trước và luân chuyển 12,9 tỷ lượt khách.km, giảm 5,8%. Nhưng cũng chính nhờ một phần từ các lệnh cấm nên vận tải hàng hóa tháng 3 ước tính đã đạt 153,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 5,3% so với tháng trước và luân chuyển 28,2 tỷ tấn.km, tăng 7,7%. Tính chung quý I/2021, vận tải hàng hóa đạt 472,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 tăng 1,1%) và luân chuyển 86,1 tỷ tấn.km, tăng 4,4% (cùng kỳ năm trước tăng 0,1%). Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 4,49% cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19 đã khiến hoạt động này chịu thiệt hại nặng nề cả đối với các doanh nghiệp lớn và các cơ sở lưu trú, ăn uống nhỏ. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay đã có 289 doanh nghiệp hoạt động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống phải giải thể. Ngoài ra, một tác nhân khách quan ảnh hưởng đến sự hoạt động của ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống là do hiện Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19, chưa mở cửa du lịch quốc tế do đó lượng khách quốc tế đến nước ta tháng 3/2021 chỉ đạt 19,4 nghìn lượt người giảm 95,7% so với cùng kỳ năm trước
Bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý II, kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Dịch Covid - 19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân sẽ là nguồn lực to lớn giúp thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.
Đức Đông
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 55-21
Tin tức liên quan
- Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc tổ chức thành công Đại hội Công đoàn lần thứ II, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (02:41 03/03/2023)
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022 (09:07 13/10/2022)
- ĐẠI HỘI HỘI DOANH NGHIỆP BẾN LỨC KHÓA I, NHIỆM KỲ 2022 - 2027 (05:20 07/08/2022)
- GIẢI PHÁP “TRẺ HÓA” VỚI DẦU GỘI PHỦ BẠC KANAVAL (03:23 04/07/2022)
- Mục tiêu nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức Đầu tư (06:44 04/07/2022)