Krông Ana: Huyền thoại một chuyện tình
Dòng Krông Ana ngoằn ngoèo, uốn lượn, bồi đắp phù sa cho cả vùng cao nguyên màu mỡ
Đi dọc ven sông vào mùa này, hoa lục bình kết thành từng bè, từng mảng, dập dềnh, hoa tím ngan ngát. Bên bờ, những cây cổ thụ già nua buông chùm hoa đỏ ối rủ dài xuống mặt sông như một bức tranh vẽ. Thi thoảng, lại điểm thêm rặng lau sậy phớt phơ trước gió, trên trời, những đàn có trắng bảng lảng bay về tổ.
Những chiếc thuyền độc mộc của dân chài ở nơi đây vừa là phương tiện di chuyển, vừa là miếng cơm, kế sinh nhai từ những sản vật, cá tôm của dòng sông Krông Ana. Sông Krông Ana luôn tự hào vì được thiên nhiên ban tặng cho rất nhiều loài thủy sản. Buổi sớm tinh mơ, những chợ đầu mối chạy suốt dọc bên sông luôn đông vui tấp nhận. Họ tập trung để trao đổi, buôn bán những loại cá tôm tươi ngon nhất vừa đánh bắt được trong đêm. Nào là cá chép, cá rô, cá lóc, tôm, tép, lươn, cua, ốc, cá thái lát, và có cả cá mớ lăng - một loài cá nổi tiếng và quý, khi chế biến thì ngon hết chê! Cuộc sống tươi vui nhộn nhịp của người M’Nông, người Ê Đê, người Kinh ở thung lũng sông Krông Ana luôn gắn liền với dòng sông. Họ quây quần hai bên bờ, cấy cày và chài lưới, và tạo nên một nét văn hóa rất riêng của mảnh đất cao nguyên này. Các bô lão ở Cư Kuin (Đắc Lắc) kể rằng, sông Krông Ana quanh co chảy qua thảo nguyên Ma Đ’răk, băng qua những cánh rừng đại ngàn xa mờ trong màu lam sương khói. Theo truyền thuyết của người Ê Đê, ngày xưa, có một cô gái yêu chàng trai sống ở bên kia sông. Nhà cô gái nghèo, không có chiêng ché, trâu bò để “bắt” chàng trai về làm chồng. Hai bên gia đình do có hiềm khích nên cũng ngăn cấm không cho hai người thương nhau. Đau khổ, tuyệt vọng, cả hai cùng gieo mình xuống sông tự vẫn. Cô gái hóa thành dòng Krông Ana, chàng trai hóa thành dòng Krông Nô. Còn dòng sông Sêrêpôk chính là sự hòa quyện vĩnh hằng của hai người, như lời ngợi ca một tình yêu thủy chung, bất diệt.
Nhiều đoạn, dòng sông ẩm ương, gầm gừ, cuộn mình tung bọt trắng xóa.
Krông Ana, theo tiếng Ê Đê có nghĩa là sông Cái, cũng có thể hiểu đó là sông Mẹ, sông Con gái. Đồng hành cùng Krông Ana còn có Krông Nô, cũng được hiểu là sông Đực hay là sông Cha, sông Con trai. Hai con sông hợp lại thành dòng sông Sêrêpôk hùng vĩ, cuồn cuộn chảy trên cao nguyên Đắc Lắc. Tuy nhiên, với người dân nơi đây, họ vẫn ưu ái đặt cho dòng Krông Ana cái tên là sông Mẹ, bởi sông đã sinh ra bao cánh đồng màu mỡ, cùng với những buôn làng, xóm, thôn trù phú dọc đôi bờ, tạo nên sức sống mãnh liệt cho vùng đất này.
Đứng trên cây cầu bắc qua sông, ngắm đôi bờ hoang sơ với những bè lục bình dập dềnh nở hoa tím ngát, dòng sông uốn lượn như dải lụa mềm quanh co giữa cánh đồng bát ngát. Hai bên bờ, lau lách nở hoa trắng xoá mỗi độ thu về phất phơ theo gió. Điểm xuyết trên sông, những chiếc thuyền độc mộc đang lững lờ xuôi dòng thả lưới, người vạn chài vừa cất lên những khúc ca mộc mạc, chân tình về sự tích của một vùng sông nước cao nguyên. Trong buổi chiều vàng, gió mênh mang từ dòng sông Krông Ana thổi lên, một không gian hoài cổ với bao cảm xúc tràn về đầy ắp.
Đăng Minh
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 18 - 20
Tin tức liên quan
- FAMINUTS HOUSE - THẾ GIỚI CHẠY BỘ CÓ MẶT TẠI KHU ĐÔ THỊ SALA (01:50 09/05/2024)
- Trường Đại học International American cấp bằng Tiến sĩ danh dự cho NTK Quỳnh Paris. (01:53 01/05/2024)
- TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA CỦA PHỤ NỮ, NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ HÒA NHẬP XÃ HỘI TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP LĨNH VỰC LOGISTICS (09:23 01/04/2024)
- “Sài Gòn Chill” đánh dấu sự hợp tác giữa MC Thi Thảo và Nhạc sĩ Đỗ Hoàng Linh (12:40 14/03/2024)
- Nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quyết liệt thực hiện công tác tư pháp năm 2024 (09:20 26/12/2023)