TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 21/11/2024

Lấn lướt

15:52 20/08/2020
Logo header “Ông là người tinh thông trong lĩnh vực ấy. Khán giả chờ đợi ở ông những câu trao đổi sâu sắc, đích đáng, sao lại nói ít vậy? Ông khiêm tốn quá, không cần thiết” - Tôi đã nói với một người bạn thân là nhân vật khá nổi tiếng trong một lĩnh vực văn nghệ nhân vừa xem ông được mời tọa đàm trên ti-vi trong chương trình “Diễn đàn văn học nghệ thuật”… “Tôi chưa có được đức tính quý đó như ông nghĩ đâu. Đơn giản chỉ vì Đài người ta mời những 4 người, mà cậu biên tập viên dẫn chương trình lại nói nhiều quá rồi, còn đâu thời gian nữa. Tôi có nói thì cũng phải luôn nhớ còn 3 vị khách mời nữa, mà vị nào cũng giỏi giang cả, không thể không có tiếng nói”.

Ảnh minh họa

Tôi cũng thường xuyên xem chương trình “Dành cho người hâm mộ” và một vài chương trình khác luôn có sự xuất hiện của những nhân vật được coi là nổi tiếng trong lĩnh vực văn hoá, văn nghệ đều thấy người dẫn chương trình nói nhiều quá. Họ phán xét đủ điều cứ như là một khách mời tầm cỡ vậy, đã lấn lướt, làm lu mờ những người được mời, lẽ ra phải đóng vai trò chính. Xin dẫn chứng: Trong một chương trình gặp gỡ văn nghệ sĩ ở kênh VTV3, người nữ dẫn chương trình đã nói quá nhiều, lại liến thoắng, trong khi người được mời là một nhạc sĩ lão thành, nổi tiếng, nói chậm rãi, đĩnh đạc, sâu sắc. Rất ngược đời là người xem thấy ông có phần còn khiêm tốn hơn cô MC kia. Kỳ khôi hơn là cô ta còn phịa ra một ý mà ông không nói (do cô không hỏi). Đó là cô ta nói: “Như vậy là nhạc sĩ cho rằng chỉ có cảm xúc trẻ mới có thể sáng tạo nên những tác phẩm hay…” (ý nói sự trẻ trung, tươi mới trong cảm xúc của người sáng tác). Điều này thì chẳng có gì đáng bàn vì cô ta nói không sai. Nhưng đáng nói ở chỗ suốt cuộc đối thoại, khán giả theo dõi kỹ thấy vị nhạc sĩ khả kính không đả động gì đến ý này. Cô MC đã tự ý lắp vào miệng nhạc sĩ. Nhưng vì vô hại nên vị nhạc sĩ cũng gật gù “đại”. Có thể nói chương trình này là một trong những chương trình dở, dông dài, vô thưởng vô phạt nhất của Đài THVN về văn nghệ do chuẩn bị sơ sài, cả người thực hiện kịch bản lẫn MC đều tỏ ra ít hiểu biết về âm nhạc, về nhạc sĩ kia - cây đại thụ trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. (Không nắm vững ông có những thành tựu, tác phẩm nào, phong cách sáng tác của ông ra sao và quá trình cống hiến cho nền âm nhạc hiện đại ...)

Xem chương trình trên, một bác có tuổi phàn nàn: “Cái cô này nói nhiều quá, ai nghe! Người ta cần nghe vị nhạc sĩ kia bộc bạch chứ nghe cô này làm gì?”. Một người khác phán một câu: “Chính vì chẳng là cái gì nên mới tranh thủ cơ hội bộc lộ mình”. Người có tài thực sự sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”.

Tôi trộm nghĩ: Khán giả màn ảnh nhỏ luôn quý trọng các MC. Quả là các bạn đã góp phần không nhỏ tạo nên những chương trình truyền hình hấp dẫn, có hiệu quả. Nhưng qua những đối thoại trên đây của khán giả, liệu các MC của những chương trình trên có nên rút kinh nghiệm để điều chỉnh liều lượng nói và cách ứng xử của mình? Các bạn cần thấy MC không phải là Hoạt náo viên, không chỉ dẫn dắt, đưa đẩy câu chuyện với khả năng hoạt ngôn mà phải lưu ý đến văn hóa ứng xử, biết tự tiết chế, biết mình đang ở trước ai, vai trò của mình ra sao. Đặc biệt là cần trau dồi kiến thức, sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực xã hội, nhất là lĩnh vực mình đang dẫn chuyện để tránh hỏi khách những câu ngây ngô, những phát ngôn ngớ ngẩn để lộ sự hạn hẹp về tri thức của mình. Ví như có lần một MC hỏi một nghệ sĩ: “Chị nghĩ sao khi mình đã nhiều tuổi mà vẫn chưa có chồng trong khi phải vào những vai các bà mẹ đã nhiều con?” Câu hỏi quá thiếu tế nhị nếu không muốn nói đã chạm vào nỗi buồn riêng tư của người ta.

Mới hay, nghề MC khó lắm thay. Ở nước ta, thú thực, chưa có ai đạt được trình độ một MC đúng nghĩa, ngang được tầm quốc tế.

Vô Thanh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 24 - 20

Bình luận: 0