TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ hai, 06/05/2024

Lẽ nào trở thành ca sĩ, nhạc sĩ dễ vậy sao?

19:38 27/08/2020
Logo header Đời sống con người, nhất là ở khu vực thành thị được nâng cao nhiều so với trước. Theo đó, nhu cầu giải trí, hưởng thụ về tinh thần cũng gia tăng. Những tụ điểm ca nhạc tại các quán cà phê, nhà hàng; những chương trình ca nhạc trên các sân khấu lớn nhỏ trong nhà cũng như ngoài trời, rồi trên ti-vi, các video, clip…nở rộ như nấm sau mưa. Vì thế mà một đội ngũ biểu diễn, sáng tác ca khúc cũng phát triển theo. Họ tự cho mình là ca sĩ, nhạc sĩ và công chúng cũng dễ dàng công nhận họ như thế.

Ngày trước, để có thể gọi là ca sĩ thì người hát phải trở nên rất quen biết đối với số đông công chúng, được họ ngưỡng mộ, yêu quý. Muốn vậy, ca sĩ phải có giọng hát hay, trình diễn thuyết phục, khiến người nghe rung động. Vậy nên để trở thành ca sĩ là rất khó khăn. Phải học hành bài bản, lại phải khổ luyện, rồi phải hát rất nhiều bài, không ít người từng thất bại mới đến được thành công. Ai không có điều kiện học ở trường lớp, nhạc viện thì cũng phải học người đi trước, các nghệ nhân dân gian hoặc tự học một cách rất công phu. Nhắc đến ca sĩ nào đó, công chúng nhớ ngay đến một vài bài hát gắn với tên tuổi họ. Ví như nhắc đến ca sĩ Thương Huyền, ai cũng nhớ đến những bài Ru con Nam Bộ, Câu hò bên bến Hiền Lương, Biết ơn chị Võ Thị Sáu; nhắc đến Quốc Hương, người ta nhớ đến các bài Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Tiểu đoàn 307, Những ánh sao đêm. Cũng như vậy, Bài ca không quên gắn với ca sĩ Cẩm Vân, Mùa chim én bay gắn với Bảo Yến, Chia tay hoàng hôn gắn với Thanh Lam, Chị tôi gắn với Mỹ Linh, hay là Khánh Ly gắn với những ca khúc của Trịnh Công Sơn…Và rất nhiều ca sĩ khác đều thể hiện được những bài hát mang tính chất “độc quyền” – nghĩa là họ hát gây ấn tượng xuất sắc khiến người khác hát không thể bằng họ, không thể vượt qua được cái bóng của họ. Một số đông hơn có thể không đặc sắc nhưng họ đã lao động nghệ thuật nghiêm túc, phục vụ công chúng hết mình nên cũng được người thưởng thức trân trọng, vẫn xứng đáng với danh hiệu ca sĩ.

Ngày nay, trở thành ca sĩ quá dễ dàng. Dường như danh từ này dành cho bất kỳ ai chỉ cần có hoạt động ca hát, bất kể hay, dở, có được công chúng ghi nhận, ái mộ hay không. Rồi thì với công nghệ “lăng- xê” của những ông bầu, các đạo diễn thì chỉ cần bỏ ra một khoản tiền là có thể trở thành ca sĩ, thậm chí là sao nọ sao kia, dù chỉ là rất mờ mịt trên bầu trời nhấp nhóa đủ các loại sao thật, giả, vàng, thau lẫn lộn. Lại thêm việc tự thu thanh giọng hát của mình rồi tung lên mạng... Trong cái gọi là “công nghệ lăng xê”với những quy trình tuần tự, phải kể đến sự đóng góp đáng kể của một số tờ báo giấy cũng như báo mạng. Chưa kịp được công chúng biết đến qua tài năng, thành tựu biểu diễn thì đã sớm “nổi tiếng” bằng những xì-căng-đan tình ái hoặc mọi sinh hoạt khác. Những ca sĩ loại này khi lên báo chí được hỏi về hoạt động nghệ thuật thì ít – vì chẳng có gì để nói – mà phần nhiều chỉ là những chuyện lăng nhăng khác, hoặc là yêu đương, hoặc về thời trang, sở thích và mọi thứ “tạp pí lù” khác ngoài ca hát, âm nhạc. Không ít người phỏng vấn còn hỏi đến cả chuyện chồng(vợ), con hoặc người tình của “nghệ sĩ”, tạo điều kiện cho họ khoe đủ thứ sinh hoạt riêng tư mà cả người hỏi lẫn người trả lời đều không tự thấy…lố! Thế là tự nhiên, số này gây sự chú ý đối với giới trẻ, nhất là những ai có chút nhan sắc. Và để tô đậm, đẩy nhanh quá trình chóng thành “sao” này, các“ca sĩ” - nhất là nữ - đã tìm đến mọi cách ăn mặc “ấn tượng” nhất bằng sự hở hang, mát mẻ, phô trương những chỗ trên cơ thể lẽ ra phải được giấu kín nhất. Không những nhiều ca sĩ loại này không hề có học hành gì về thanh nhạc, mà có người còn mù nhạc, hát hoàn toàn theo bản năng hoặc bắt chước, rập khuôn người khác.

Sau một số cuộc tổ chức thi thố lựa chọn tài năng ca hát quả là cũng kiếm tìm được một số “ca sĩ” có giọng hát, có triển vọng. Nhưng sau đó, tài năng chưa kịp phát triển, người trúng giải chưa kịp gặt hái được gì đáng kể trong sự nghiệp ca hát đã sớm tàn, hoặc bởi sự hấp tấp vội vã muốn thành “sao”, sự ngộ nhận, nôn nóng mình đã “nổi tiếng”. Thật đáng tiếc những trường hợp này, nếu cứ từ tốn, thầm lặng lao động sáng tạo, nếu cứ hết mình tận tâm phục vụ công chúng và tiếp tục khiêm tốn học hỏi, tu luyện nghề nghiệp, chắc chắn sẽ trở thành những ca sĩ thực thụ, những ngôi sao chói sáng trên bầu trời thanh nhạc Việt Nam như các bậc tiền bối. Ngày trước, để trở thành nổi tiếng, được mọi tầng lớp công chúng rộng rãi ái mộ, ca sĩ phải đến độ tuổi gần 30. Nay thì mới 18, 20 đã nôn nóng thành “sao” nên tìm cách “đi tắt”. Ép cho trái chín khi hãy còn non, làm sao có thể ngon ngọt khiến người ăn chấp nhận?

Gắn với ca sĩ loại trên là một đối tượng chuyên sản sinh ra những bài hát cho họ hát. Đương nhiên, số này được gọi là “nhạc sĩ” vì có sáng tác thực sự. Nhưng họ là những ai? Rất ít người trong số họ được học hành bài bản về sáng tác trong các trường âm nhạc chính quy mà phần lớn là nhạc công, viết nghiệp dư, thậm chí nhiều ca sĩ cũng sáng tác rồi tự hát bài của mình. Do không có chút hiểu biết gì về kiến thức, kỹ năng sáng tác nên bài của họ trở thành đầu Ngô, mình Sở, chắp vá, không giống Tàu, cũng lai Tây hoặc na ná bài của một nhạc sĩ nổi tiếng nào đó. Nhưng họ lại có giọng, lại biết cách thu hút khán giả bằng những chiêu như đã nói - chủ yếu là trang phục mát mẻ để khoe cơ thể bốc lửa mà người nghe không còn để ý đến bài hát. Họ đã xem chứ không phải là nghe ca nhạc. Mà đã xem thì cứ mãn nhãn là thích rồi.

Đã là nhạc sĩ thực thụ - như rất nhiều nhạc sĩ tiếng tăm gắn với những bài hát hay được tất thảy mọi người ưa thích trong suốt mấy chục năm qua là phải có sự rèn luyện, học hành rất công phu, lại phải lao tâm khổ tứ khi sáng tác. Có khi một năm chỉ viết được một vài bài. Không ít người cả đời mới chỉ có được 1 đến 2 bài nổi tiếng. Thế đã là quý lắm, bởi nghệ thuật “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Còn “nhạc sĩ” hiện nay nhan nhản. Ai viết được một bài hát cũng được gọi là nhạc sĩ, bất kể ra sao, có được người nghe biết đến hay không. Viết một bài hát quá dễ dãi với giai điệu thoát ly âm nhạc truyền thống, với những ca từ sáo rỗng, hời hợt, theo một phong cách biểu diễn nào đó của ca sĩ rồi để ca sĩ ấy thể hiện. Vài ba lần như vậy đã có thể yên tâm trở thành nhạc sĩ. Bây giờ, bất cứ ai cũng có thể trở thành nhạc sỹ theo một quy trình như sau: Sau khi hoàn thành ca khúc (thực ra chưa thành đâu nhưng cứ hát, nhất lại hát hay thì vẫn đánh lừa được khá nhiều người). Rồi thuê người phối khí và ca sĩ chuyên nghiệp - nổi tiếng thì càng tốt - thể hiện. Xong, tự hoặc thuê người làm clip rồi tung lên mạng. Thế là có thể tự phong cho mình danh hiệu “nhạc sĩ”. Tôi vẫn thường xuyên bắt gặp những người như thế khi vào mạng internet. Có người có điều kiện tài chính còn làm cả một “gala” ca khúc của mình, thuê toàn ca sĩ “xịn” hát. Cũng tung lên mạng. Lại thuê cả nhạc sĩ thực thụ có tiếng viết phần giới thiệu. Vậy là nghiễm nhiên trở thành nhạc sĩ mặc dù bài hát chưa sạch nước cản, cứ như âm điệu hóa những khẩu ngữ với lời lẽ rất thô sơ, dông dài hoặc giống nhiều bài của các nhạc sĩ nổi tiếng khác. Lại còn hiện tượng có cả ca sĩ cũng sáng tác ca khúc. Bài của họ nghe thấy từa tựa bài nọ, bài kia ở đâu đó. Những bài của họ, ngoài một số bạn trẻ nào đó để ý còn thì chẳng ai có thể nhớ, vì hầu như không có giá trị gì về cả nhạc lẫn lời ca. Nhưng số bài hát này, số ca sĩ và nhạc sĩ này đang chiếm một thời lượng đáng kể trên các kênh truyền hình khắp các đài từ trung ương đến địa phương. Không biết cứ tình hình này thì đời sống âm nhạc Việt Nam sẽ đi tới đâu? Lẽ nào đó lại là tiêu biểu cho đời sống âm nhạc của người Việt Nam hôm nay như có một số người từng nhận định? Và lẽ nào trở thành ca sĩ, nhạc sĩ dễ dàng như vậy sao?

Nguyễn Đình San

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 25 - 20

Bình luận: 0