TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ bảy, 23/11/2024

Một cuốn sách hữu ích

17:03 01/04/2021
Logo header Hiện nay, đi liền với sự nâng cao về kinh tế, vật chất của toàn xã hội là sự cải thiện đáng kể về đời sống tinh thần của mọi người dân. Con người hôm nay không chỉ có nhu cầu cao về các phương tiện sống mà còn hướng tới sự viên mãn về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật. Bởi vậy mà các ngành luôn tổ chức nhiều kỳ liên hoan, hội diễn văn nghệ ở cả hai khu vực chuyên và không chuyên nghiệp nhằm phát triển phong trào, đáp ứng nhu cầu này của công chúng. Trong đó, ca múa nhạc được coi là chủng loại nghệ thuật mang tính quần chúng rộng rãi nhất, có sức lan tỏa dễ dàng và nhanh chóng bậc nhất trong đời sống cộng đồng.

Ý nghĩa tốt đẹp trên đòi hỏi phải có nhiều chương trình biểu diễn ngoài việc thưởng thức những tác phẩm đơn lẻ một cách tự phát. Muốn vậy, việc tổ chức dàn dựng để hình thành chương trình sao cho khi trình diễn đạt hiệu quả cao nhất trong một khuôn khổ, điều kiện nhất định là việc cần được đặt ra. Không phải đơn vị, đội nghệ thuật nào cũng có thể thực hiện dễ dàng điều này. Sự lúng túng, bất cập của các đơn vị không chuyên hoặc ngay cả một số những đơn vị chuyên nghiệp nhưng chưa có kinh nghiệm đã dẫn tới sự hạn chế hiệu quả trong khi vẫn tốn kém công sức, tiền bạc. Để giải quyết tình trạng này, tác giả Vũ Minh Vỹ đã viết cuốn sách “Từ A đến Z và tổng đạo diễn chương trình ca múa nhạc”. Cái tên cuốn sách hơi dài. Có thể rút ngắn hơn ví dụ như là “Kỹ năng dàn dựng chương trình ca múa nhạc”. Đại để là tác giả có ý định biến cuốn sách của mình như một cẩm nang giành cho những người có ý định làm tổng đạo diễn các chương trình này.

Cuốn sách “Từ A đến Z"

Theo suy nghĩ và cách làm riêng của tác giả, cuốn sách đã đi vào hướng dẫn  tỷ mỉ mọi việc rất cụ thể qua nhiều công đoạn của việc tạo nên một chương trình ca múa nhạc từ khi bắt đầu hình thành ý tưởng đến khi chương trình hoàn thành để có thể trình diễn. Thực ra lâu nay, mọi người đi dàn dựng (mà tác giả dùng từ Tổng đạo diễn) vẫn làm như tác giả nói. Chỉ có điều, ông đã làm một việc như một sự tổng kết để viết nên một cách rất đầy đủ, chi tiết. Ta bắt gặp trong sách mọi công việc cụ thể nhất từ khâu chuẩn bị trước khi bắt tay vào dàn dựng đến khi triển khai trên sân khấu. Rồi ông cũng lưu ý đến cả những việc ngoài nội dung chương trình như quảng cáo thế nào, viết tờ giới thiệu chương trình (programme) ra sao?. Chi tiết hơn, tác giả cũng không quên nói đến các việc như tổ chức tổng duyệt, tổ chức diễn, cả việc kiểm tra mọi thứ trước khi diễn v.v… Rồi thì xử lý ánh sáng, âm thanh, hoạt cảnh, cách hóa trang, chuẩn bị trang phục cho diễn viên… Tóm lại là tuốt tuồn tuột mọi việc từ nhỏ nhất, cụ thể, chi tiết nhất nhưng không kém phần cần thiết. Cuốn sách tuyệt nhiên không có gì gọi là lý luận dài dòng mà nói đến những việc rất cụ thể, thiết thực mà bất cứ người dàn dựng nào cũng không thể bỏ qua. Như vậy, có thể coi đây đúng là một cuốn cầm nang cho những người làm công việc này.

Tác giả cuốn sách - Vũ Minh Vỹ - là nhạc sỹ, nhà giáo ưu tú, thạc sỹ từng có nhiều năm lăn lộn trong phong trào văn nghệ không chuyên, rồi cũng từng dàn dựng nhiều chương trình ca múa nhạc cho các đơn vị đi dự hội diễn toàn quốc cả chuyên lẫn không chuyên nghiệp nên có nhiều kinh nghiệm. Ông cũng từng là diễn viên trước khi làm công tác quản lý đoàn văn công nên tường tận mọi công việc “bếp núc” của nghề nghiệp. Bởi vậy, mọi chi tiết trong cuốn sách đều là sự trải nghiệm từ thực tế bản thân, khiến người đọc trong nghề dễ đồng cảm. Đây là một cuốn sách cần thiết cho những người tổ chức và trực tiếp dàn dựng những chương trình ca múa nhạc, đặc biệt cần cho những người dàn dựng không chuyên. Tất nhiên, có thể có những cách làm khác, mang tính “cẩm nang” khác. Nhưng đây là cuốn sách rất nên được người làm nghề tham khảo.

Vô Thanh

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 55-21

Bình luận: 0