TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ tư, 24/04/2024

Mùa Xuân trẩy hội Đền Bà Chúa Kho

03:47 19/03/2021
Logo header Đền thờ Bà Chúa Kho ở làng Cô Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh là một trong những ngôi Đền thờ thần mẫu, linh thiêng. Tương truyền, Bà Chúa Kho quê ở làng Quả Cảm, nhan sắc tuyệt trần, lại khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng Quốc gia trong và sau chiến thắng trên sông Như Nguyệt (1076). Bà còn có công chiêu dân, lập ấp ở vùng Quả Cảm, Cô Mễ, Thượng Đồng, giúp người dân khai khẩn đất đai nông nghiệp. Sau này Bà trở thành Hoàng hậu dưới triều Lý, giúp nhà vua trong việc kinh bang đất nước, giữ gìn kho lương. Bà bị giặc sát hại trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng. Cảm kích tấm lòng bao dung của Bà, nhà vua đã phong Bà là Phúc Thần. Nhân dân Cô Mễ nhớ ơn và lập đền thờ Bà tại vị trí kho lương cũ trên Núi Kho vậy nên Đền có tên gọi là Đền Bà Chúa Kho.

Đền Bà Chúa Kho được lập từ thời Lý, ban đầu vốn là ngôi miếu nhỏ. Vào thời Lê, được trùng tu, mở rộng thành khu đền lớn với nhiều hạng mục công trình. Năm 1989, Đền Bà Chúa Kho đã được Nhà nước xếp Hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia và được tỉnh Bắc Ninh trùng tu tôn tạo, mở rộng với quy mô lớn gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc như: Cổng Tam môn, Tiền tế, cung Đệ tam, cung Đệ nhị, cung Thượng (cung Bà Chúa), tòa Sơn Trang, Lầu Cô, Lầu Cậu, ban thờ “Cửu Trùng Thiên” và một số công trình phụ trợ khác. Phần lớn các hạng mục công trình được khôi phục, tôn tạo mang dáng vẻ truyền thống và làm tôn vinh giá trị của di tích. Ngày 12 tháng Giêng hàng năm, để tưởng niệm ngày giỗ Bà Chúa Kho, dân làng Cô Mễ lại mở hội và khách thập phương trẩy hội, cầu an, cầu lộc, nhưng đa phần theo tín ngưỡng là mọi người đi lễ Đền để “vay vốn” của Bà Chúa Kho cầu mong cho một năm có vốn liếng dồi dào, làm ăn phát đạt... Nghi thức “vay vốn” cũng rất rõ ràng, ghi trong lá sớ là vay bao nhiêu, làm gì, và bao lâu sẽ trả. Với quan niệm đã vay thì phải trả, nên dù có làm ăn tốt hay không, tín đồ tín ngưỡng vẫn giữ đúng lời hứa mà về Đền tạ lễ cuối năm. 

Đền Bà Chúa Kho được Nhà nước xếp Hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia

Mỗi độ xuân về, nhất là vào ngày hội thì Đền Bà Chúa Kho luôn tấp nập du khách. Để phục vụ khách hội, người dân Cô Mễ đã tổ chức đón tiếp khách, phục vụ chu đáo mong làm hài lòng khách hội. Mọi người tới đây, ngoài việc thành tâm dâng lễ, cầu lộc, cầu tài, còn là dịp gặp nhau, cùng nhau vãn cảnh Đền, thăm các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Đình Cô Mễ, Thành cổ Bắc Ninh, Văn Miếu Bắc Ninh và các khu phố cổ, thưởng thức những món ăn đặc sản của người Kinh Bắc. Sau một thời gian tạm đóng cửa phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 08/3, Đền Bà Chúa Kho đã được mở lại để người dân được vào hành lễ trong điều kiện đảm bảo an toàn chống dịch. 

Theo Ban quản lý di tích Đền Bà Chúa Kho cho biết: “Sau khi được mở cửa trở lại, có hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Nhà Đền đã bố trí khu vực khai báo y tế ngay trước cổng Tam Quan cùng nước rửa tay, sát khuẩn. Các khu vực dành cho người dân đến sắp lễ cũng được bố trí hợp lý để đảm bảo khoảng cách an toàn”. Tìm hiểu thêm về tín ngưỡng của người dân địa phương, phóng viên được vợ chồng bà Thanh ông Ngọc ở Quế Võ, Bắc Ninh đi lễ Đền Bà Chúa Kho chia sẻ:“ Thật vui vì dịch bệnh đã giảm, các di tích lịch sử văn hóa, điểm du lịch đã được mở cửa, tôi có thể du xuân, vãn cảnh tại điểm du lịch.  Khi vào di tích tôi phải rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt và khai báo y tế, chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang để đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Các hàng quán mở cửa phục vụ khách hàng năm nay được bố trí thông thoáng và quy củ hơn rất nhiều so với trước đây. Chúng tôi cũng mong cho dịch bệnh qua nhanh để bà con được yên tâm khi đi hành hương”. 

Thời điểm này, tình hình dịch Covid-19 trên cả nước nói chung và Bắc Ninh nói riêng đã cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, không vì thế mà lơ là công tác phòng dịch, nhất là ở những nơi đông người. Tín ngưỡng dân gian thờ những vị có công với cộng đồng, với đất nước nằm trong tín ngưỡng thờ cúng gia tiên nên có ý nghĩa tinh thần rất quan trọng với Nhân dân ta, tín ngưỡng đó như điểm tựa, đảm bảo an ninh tinh thần trong mỗi chúng ta nên cần tiếp tục nêu cao ý thức, trách nhiệm phòng chống dịch bệnh hơn nữa để đảm bảo an toàn cho mọi người mỗi khi xuân về được vãn cảnh, du xuân tại các thắng cảnh, di tích.

Thu Trung

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 53 - 21

Bình luận: 0