TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 29/03/2024

Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Thủ đô

17:13 08/10/2020
Logo header Từ xa xưa, Rồng là linh vật tượng trưng cho sự cao quý và uy quyền của bậc vua chúa, gắn liền với các truyền thuyết của Á Châu. Ở Việt Nam, với lòng tự hào nguồn gốc “con Rồng, cháu Tiên” thì hình ảnh Rồng thực sự luôn có một vị trí thiêng liêng trong mỗi người dân.

Màn Múa Trống đặc sắc khai mạc Liên hoan năm nay

Hình ảnh thiêng liêng này gắn chặt với đời sống văn hóa, là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Có thể thấy hình ảnh Rồng ở rất nhiều tác phẩm nghệ thuật như tượng, phù điêu, tranh,… ngoài ra nghệ thuật Múa Rồng của dân tộc ta cũng mang đậm chất văn hóa riêng biệt. Thực vậy, tại nước ta, loại hình nghệ thuật này được cho là có từ thế kỷ thứ 10 trong thời nhà Lý. Dần dần, Múa Rồng đã trở thành một hoạt động dân gian phổ biến và thường xuất hiện trong các dịp lễ hội trên khắp đất nước. Múa Rồng được cho là mang lại may mắn và sự thịnh vượng cho tất cả mọi người, thường được biểu diễn vào các dịp Lễ, Tết cổ truyền. Trong các tiết mục Múa Rồng, thường có rất nhiều người tham gia, tối thiểu là 10 và lớn hơn nữa có thể lên tới 60 người. Số lượng người càng đông thì đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn vào khéo léo càng cao.

Liên hoan là dịp các để các đội Múa Rồng truyền thống đến từ nhiều địa phương trên địa bàn thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm biểu diễn

Khi xưa, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, Nhà vua đã đổi tên thành Đại La thành Thăng Long - có nghĩa là Rồng bay - tượng trưng cho khát vọng xây dựng kinh đô, đất nước hùng cường. Hình tượng Rồng thời Lý tượng trưng cho sự linh thiêng, oai hùng, khí thể mạnh mẽ vươn lên đã trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến - nơi tinh hoa dân tộc hội tụ, lan tỏa trên khắp mọi miền đất nước, phát triển thành biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam. Và đất kinh kỳ cũng là một trong những cái nôi phát triển loại hình múa rồng ở nước ta. Tại Hà Nội, hiện nay nghệ thuật múa rồng vẫn được lưu giữ và phổ biến ở nhiều địa phương như làng Triều Khúc, Thanh Trì, Ngọc Hồi, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, Đại Áng, Vĩnh Quỳnh, Từ Liêm,… Nhiều làng vào các dịp hội hè, lễ Tết còn tổ chức thi múa rồng với các điệu rồng chầu, rồng lượn, rồng bay, rồng uốn khúc… Ngày nay, ở nước ta, theo các nhà nghiên cứu, có ít nhất hơn 30 điệu múa rồng chính thức, xuất hiện ở nhiều địa phương, trong đó tiêu biểu như các điệu: Bàn long, Thủy ba, Phong đằng, Phong chuyển, Phi long, Chồng tháp, Dao bãi, Thanh long xuất trận, Long quá vũ môn, Hoàng long chúc phúc, Kim long xuất động, Hồng long đảo thủy, Uyên ương dạ quang long, Dạ quang long (con Rồng cháu Tiên)... Những màn múa đẹp mắt, hòa quyện nét đẹp tâm linh và võ thuật cổ truyền tạo cho không khí cho lễ hội truyền thống thêm vui tươi, gửi gắm ước mong cho mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà, nhân khang vật thịnh của cư dân nông nghiệp đất Việt. 

Thành phố vì hòa bình với bề dày 1010 năm lịch sử đang trên con đường hội nhập và phát triển, trải qua thăng trầm của thời gian, “Thăng Long” thực sự là tên gọi mang theo niềm tự hào không chỉ của người dân Thủ đô mà còn là của cả dân tộc Việt Nam. Với tinh thần lưu giữ truyền thống đáng tự hào đó của dân tộc, đồng thời là nét đẹp văn hóa đặc sắc, trong những năm gần đây, chương trình Liên hoan nghệ thuật Múa Rồng - Hà Nội thực sự đã trở thành dịp để các nghệ nhân, diễn viên của các đội Múa Rồng truyền thống đến từ nhiều địa phương trên địa bàn thành phố gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm biểu diễn. Vừa qua, vào ngày 03/10/2020, nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, kỷ niệm 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2020) và hướng tới 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Liên hoan Nghệ thuật múa rồng Hà Nội năm 2020 tại vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ. Đây là lần thứ 6, chương trình Liên hoan múa rồng được Hà Nội tổ chức. Tại buổi Liên hoan, thông qua các màn múa Rồng, múa Lân, các đoàn biểu diễn đã tái hiện các sự kiện lịch sử truyền thống vẻ vang của dân tộc, ca ngợi đất nước - con người, ca ngợi Thủ đô văn hiến - Thành phố vì hòa bình với bề dày 1010 năm lịch sử, trên con đường hội nhập và phát triển. Đây là một hoạt động văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa xã hội sâu sắc, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Thủ đô, góp phần kích cầu phát triển kinh tế - xã hội và du lịch, phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, đây là chương trình thiết thực kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII cùng các sự kiện chính trị trọng đại của Thủ đô và đất nước. Liên hoan cũng đã góp phần quảng bá, giới thiệu tới đông đảo quần chúng nhân dân cũng như bạn bè quốc tế về nghệ thuật múa Rồng - một loại hình nghệ thuật đặc sắc mang đậm màu sắc dân gian và nét đẹp văn hóa Thủ đô. Tri thức Xanh xin gửi tới Quý bạn đọc một số hình ảnh đẹp tại Liên hoan Nghệ thuật múa rồng Hà Nội năm 2020.

Một số điệu múa đặc sắc tại Liên hoan

Mạc Văn Nhân

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 31 - 20

Bình luận: 0