TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ năm, 21/11/2024

Nghiên cứu mô hình giáo dục nghề nghiệp do ngành dẫn dắt

12:36 30/06/2022
Logo header Điểm đặc trưng của hệ thống GDNN do ngành dẫn dắt là: “ngành” (industry) là trung tâm của hệ thống GDNN, “ngành” giữ vai trò “thông báo” hoặc khởi xướng việc phát triển chương trình đào tạo mới và xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho đào tạo. Đặc điểm này thể hiện rõ nét trong hệ thống GDNN và mô hình HĐKNN của một số quốc gia được giới thiệu sau đây

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Đan Mạch

Hệ thống GDNN cung cấp hơn 100 loại chương trình đào tạo khác nhau trong đó mỗi chương trình được chia theo một số chuyên ngành nhất định. Tất cả các chương trình GDNN đều tạo cơ hội cho người học học lên trình độ cao hơn bao gồm học lên trình độ thuộc giáo dục đại học ở cấp độ 5 và 6 của Khung tham chiếu trình độ châu Âu.

Cấu trúc một chương trình GDNN bao gồm chương trình cơ bản (basic programme) và chương trình chính (main programme). Chương trình cơ bản học năm đầu tiên, kết thúc bằng một kỳ kiểm tra và sau đó là chương trình chính. Chương trình cơ bản là khóa học tại trường học, trong khi chương trình chính được xây dựng theo nguyên tắc kép, là người học học luân phiên giữa trường học và học nghề tại nơi làm việc.

Chương trình cơ bản: Gồm chương trình cơ bản 1 và chương trình cơ bản 2 với tổng thời lượng mỗi chương trình là 20 tuần học. Học sinh tốt nghiệp chương trình phổ thông bắt buộc khi tham gia học nghề sẽ bắt đầu học chương trình cơ bản 1 trong khi người học là người lớn (trên 25 tuổi) bắt đầu chương trình cơ bản .

Chương trình cơ bản 1 cung cấp cho người học kiến thức và năng lực tổng quan về nghề nghiệp, giúp người học đánh giá tổng thể các chương trình khác nhau để lựa chọn chương trình cơ bản 2 phù hợp. Chương trình cơ bản 2 là chương trình mà người học lựa chọn, kết thúc bằng bài kiểm tra trước khi vào chương trình chính

Chương trình chính (main programme): Chương trình chính dựa trên nguyên tắc xen kẽ nội dung đào tạo tại trường và đào tạo tại nơi làm việc. Do đó, người học phải có thỏa thuận đào tạo với một công ty được cho phép đào tạo. Chương trình chính thường kéo dài từ 3-3,5 năm, nhưng có thể ngắn hơn hoặc dài hơn đối với một số chương trình nhất định.

Các chương trình chính được cung cấp ở cấp độ 3 Khung trình độ châu Âu là 1,5 năm, cấp độ 4 là 3 năm và một số chương trình ở cấp 5 là 5 năm. Trong chương trình chính, người học phải làm một số loại bài kiểm tra, tùy thuộc từng ngành, nghề đào tạo; khi kết thúc chương trình người học phải hoàn thành bài kiểm tra chuyên môn cuối kỳ để đánh giá năng lực tại môi trường làm việc thực tế. Bài kiểm tra kết thúc có cấu trúc kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Có những kỳ thi cuối kỳ do các Hội đồng nghề (Trade Committee) tổ chức. Các Hội đồng này đưa ra các quy định liên quan đến thi cuối kỳ.

Chương trình thực tập nghề mới (New Apprenticeship): Người học muốn được đào tạo ở nơi làm việc thực tế hơn là học ở trường lớp có thể đăng ký học tại doanh nghiệp và đăng ký chương trình “Thực tập nghề mới”. Người học tham gia thỏa thuận đào tạo với một doanh nghiệp và trong năm đầu tiên, người học dự kiến sẽ được trang bị kiến thức và trình độ như các học sinh đã theo học chương trình cơ bản tại trường cao đẳng nghề. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt từ phía người học, công ty và trường nghề.

Mô hình quản trị GDNN

(i) Hội đồng tư vấn về đào tạo nghề ban đầu (IVET Council): là một hội đồng có đại diện từ tất cả các bên liên quan trong hệ thống GDNN, gồm 25 thành viên từ các đối tác xã hội, lãnh đạo nhà trường và hiệp hội giáo viên cũng như một số thành viên được chỉ định của Bộ Giáo dục và Trẻ em Đan Mạch. Chủ tịch Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Trẻ em bổ nhiệm. Hội đồng có trách nhiệm:

  • Tư vấn cho Bộ Giáo dục và Trẻ em về các vấn đề chính sách và chất lượng liên quan đến GDNN;
  • Theo dõi các xu hướng của thị trường lao động, trên cơ sở đó đề xuất việc xây dựng các chương trình GDNN/bằng cấp GDNN mới, đề xuất ngừng hoặc tiếp tục các chương trình đào tạo;
  • Chịu trách nhiệm giám sát các chương trình hiện có đưa ra các khuyến nghị về sự phối hợp tốt hơn giữa các chương trình hoặc hợp nhất các chương trình.

(ii) Bộ Giáo dục và Trẻ em: Nghị viện đặt ra khung pháp lý tổng thể cho đào tạo nghề và Bộ Giáo dục và Trẻ em là cơ quan quản lý nhà nước về GDNN ở Đan Mạch. Trách nhiệm của Bộ gồm:

  • Chịu trách nhiệm chung trước Nghị viện về tài chính và trách nhiệm về GDNN, đưa ra các mục tiêu tổng thể của các chương trình và cung cấp khung pháp lý liên quan
  • Phê duyệt các chương trình/văn bằng trình độ GDNN (VET qualifications) mới trên cơ sở đề xuất của Hội đồng Tư vấn về GDNN ban đầu, và phê duyệt danh sách các trường cao đẳng đào tạo chương trình GDNN cơ bản và chương trình chính.
  • Quy định quy tắc tổng thể cho GDNN trong hợp tác với Hội đồng Tư vấn về GDNN ban đầu và đưa ra các quy định cho từng chương trình GDNN cá nhân trên cơ sở hợp tác với các Hội đồng nghề (quốc gia).
  • Đảm bảo chất lượng và đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
  • Xác định khuôn khổ, thể chế cho việc quản lý giáo dục, kinh tế và pháp lý của các cơ sở GDNN và cấp kinh phí cho phần đào tạo tại cơ sở GDNN (chương trình cơ bản và phần đào tạo tại cơ sở GDNN trong chương trình chính).

(iii) Hội đồng nghề (quốc gia) (The Trade Committees) là “xương sống” của hệ thống

 GDNN Đan Mạch. Khoảng 50 hội đồng nghề chịu trách nhiệm cho hơn 100 chương trình đào tạo.Trách nhiệm của Hội đồng nghề như sau:

  • Chịu trách nhiệm về các chương trình đào tạo chính (main programe), chuyên ngành, thời lượng, cấu trúc, kỳ thi, trình độ năng lực đầu vào các chương trình chính, v.v; về sự thích ứng và phát triển liên tục của các chương trình VET; giám sát phát triển kỹ năng trên thị trường lao động và trên cơ sở đó, đề xuất những thay đổi đối với các chương trình hiện có. Hội đồng cũng có thể khuyến nghị các chương trình GDNN mới hoặc ngừng chương trình đã lạc hậu.
  • Hội đồng cũng có thể khuyến nghị các chương trình GDNN mới hoặc ngừng chương trình đã lạc hậu.
  • Phê duyệt các địa điểm đào tạo
  • Kiểm tra quá trình đào tạo và cấp chứng chỉ cho các học viên (đào tạo kỹ thuật).

(iv) Các Hội đồng đào tạo địa phương: Hội đồng đảm bảo liên hệ chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo, cộng đồng địa phương và nhu cầu cụ thể của thị trường lao động địa phương.

Hội đồng đào tạo địa phương đóng vai trò cố vấn cho trường trong tất cả các vấn đề liên quan đến các chương trình GDNN trong phạm vi quyền hạn của họ và thúc đẩy hợp tác giữa trường cao đẳng và thị trường lao động địa phương đối với một ngành cụ thể.

(v) Các cơ sở GDNN: Mỗi cơ sở có hội đồng quản trị chịu trách nhiệm chung về quản lý hành chính, tài chính của cơ sở đào tạo và các hoạt động đào tạo theo quy định. Họ đảm nhận các trách nhiệm hàng ngày về giảng dạy và kiểm tra. Các trường cao đẳng là các tổ chức công lập, độc lập với hội đồng quản trị của riêng họ với đa số thành viên đại diện các lĩnh vực đào tạo của trường. Các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động trong Hội đồng quản trị của trường phải được đại diện với số lượng bằng nhau và phải đại diện cho khu vực địa lý hoặc các lĩnh vực ngành đào tạo của trường. Ngoài ra, hội đồng còn có đại diện giáo viên và học viên của trường. Các trường cao đẳng có quyền tự chủ tương đối về ngân sách, chiến lược tổ chức và sư phạm…

Các trường cao đẳng chịu trách nhiệm về việc lập kế hoạch đào tạo và hợp tác của các hội đồng đào tạo địa phương. Nội dung đào tạo được xây dựng trong kế hoạch đào tạo, tuân thủ các quy định và hướng dẫn chung theo từng trình độ GDNN. Kế hoạch phải bao gồm mô tả về các nguyên tắc sư phạm, phương pháp luận cho việc đào tạo, mô tả về trình độ giáo viên, thiết bị kỹ thuật, sự hợp tác giữa trường cao đẳng, người học và doanh nghiệp, kế hoạch giáo dục cá nhân và nhật ký, v.v.

(vi) Các doanh nghiệp ở Đan Mạch:

Doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống GDNN Đan Mạch, với 2/3 các chương trình GDNN được triển khai trong doanh nghiệp. Tất cả các doanh nghiệp được Hội đồng nghề chấp thuận đều có thể tuyển dụng nhân viên học việc. Các doanh nghiệp có thể nhận được sự hỗ trợ từ hội đồng đào tạo địa phương và trường cao đẳng về các vấn đề như quy trình tuyển dụng, xử lý các khía cạnh pháp lý và quá trình để đưa các tiêu chuẩn nghề vào đào tạo.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Úc

Khung trình độ quốc gia của Úc có 10 bậc với 14 loại văn bằng, chứng chỉ, trong đó có 7 bậc với 8 loại văn bằng, chứng chỉ GDNN, trong số đó:

  • 6 bậc ở dưới trình độ đại học (chứng chỉ từ bậc 1 đến bậc 4 (Certificate 1-4) học từ 0,5 đến 2 năm) và Diploma (bậc 5), Advanced Diploma (bậc 6) học từ 1,5-2 năm)
  • 1 bậc trình độ trên đại học (bậc 8) là Graduate Certificate (05 năm - 1 năm); Graduate Diploma (1- 2 năm).

Người học có thể lựa chọn trong 1.450 chương trình đào tạo (qualifications) (được xây dựng căn cứ gói đào tạo (training package)) và các khoá học được công nhận. Hiện có 68 gói đào tạo (gồm 17.000 đơn vị năng lực, 1.450 chương trình và 1.300 bộ kỹ năng) và 750 khóa học được công nhận bao gồm hơn 3.550 đơn vị năng lực và mô-đun.

Gói đào tạo: mô tả các kỹ năng và kiến thức mà các cá nhân cần thực hiện một cách hiệu quả tại nơi làm việc. Gói đào tạo được phát triển thông qua một quá trình tham vấn quốc gia với ngành, doanh nghiệp và bao gồm các bằng cấp được công nhận trên toàn quốc cần thiết cho nghề nghiệp cụ thể. Các gói đào tạo gồm các thành phần sau:

Quản trị GDNN: Bộ trưởng liên bang (Federal Minister) chịu trách nhiệm về GDNN là Bộ Giáo dục, Kỹ năng và Việc làm Úc.

Các bộ trưởng kỹ năng (Skills Minister): bao gồm các bộ trưởng bang, vùng lãnh thổ và liên bang chịu trách nhiệm về GDNN/kỹ năng, chịu trách nhiệm chung về tầm nhìn của hệ thống GDNN Úc và là cấp quản trị GDNN cao nhất đối với hệ thống GDNN.

Hệ thống được quản lý ở cấp độ quốc gia. Mọi khóa học và mọi tổ chức đào tạo được một trong những cơ quan luật định độc lập - cũng được gọi là cơ quan quản lý GDNN – đánh giá rủi ro dựa trên tiêu chuẩn chất lượng được phê duyệt trên toàn quốc gồm:

  • Cơ quan Chất lượng Kỹ năng Úc (ASQA): ASQA là cơ quan quản lý quốc gia cho hệ thống GDNN của Úc, quản lý 90% RTO và 69% các khóa học được công nhận. ASQA được thành lập năm 2011, là cơ quan quản lý GDNN ở các bang và vùng lãnh thổ gồm: Lãnh thổ thủ đô Úc, New South Wales, Lãnh thổ phía Bắc, Queensland, Nam Úc, Tasmania;
  • Cơ quan Đăng ký và Bằng cấp của Victoria (VRQA) (quản lý 5% RTO và 19% các khóa học được công nhận), VRQA quản lý GDNN ở bang Victoria);
  • Hội đồng Công nhận Đào tạo (TAC) Western (quản lý 5% RTOs và 12% các khóa học được công nhận), quản lý GDNN ở vùng Tây Úc.

Cơ sở đào tạo (RTO): Để trở thành cơ sở đào tạo, một tổ chức phải đáp ứng một loạt các yêu cầu bắt buộc để đảm bảo đào tạo và đánh giá đạt chuẩn chất lượng GDNN. Tiêu chuẩn áp dụng sẽ phụ thuộc vào tiểu bang hoặc lãnh thổ mà RTO hoạt động. 03 cơ quan quản lý nêu trên có trách nhiệm quản lý RTO so với các tiêu chuẩn chất lượng.

Về tổ chức HĐKNN: có 2 cấp gồm (i) cấp Hội đồng Kỹ năng và Công nghiệp Úc (AISC) (tổ chức “ô”), (ii) cấp các hội đồng tham chiếu theo từng ngành (IRC) giúp việc cho AISC. IRC có tổ chức dịch vụ kỹ năng ngành (SSO) hỗ trợ. Chỉ có một số tiểu bang có HĐKNN cấp tiểu bang nhưng không thuộc cấu trúc của liên bang.

Nhiệm vụ của AISC và IRC mang tính chất tư vấn, với nhiệm vụ chủ yếu là tư vấn gói đào tạo, không có trách nhiệm pháp lý như Hội đồng nghề quốc gia của Đan Mạch (Hội đồng nghề của Đan Mạch phê duyệt doanh nghiệp tham gia đào tạo, quy định và triển khai kiểm tra cuối kỳ).

Thành viên AISC là đôi bên gồm doanh nghiệp và thành viên Chính phủ trong đó 1 thành viên luân phiên từ doanh nghiệp trọng điểm. Thành viên của IRC là đa bên, gồm các nhà lãnh đạo trong ngành từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ, cơ quan cấp cao nhất cho đến công đoàn.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Đức

Hơn 1/3 số học sinh tốt nghiệp trung học ở Đức tham gia chương trình đào tạo nghề, trong đó 1/3 tiếp tục học chương trình đào tạo nghề toàn phần tại trường học (school-based VET) và 2/3 theo học chương trình kép (Dual VET) (1/3 thời lượng ở trường, 2/3 còn lại đào tạo tại doanh nghiệp)

Trường đào tạo nghề (đào tạo nghề toàn thời gian tại trường): tổng số 1.493cơ sở trong đó trường tư có 195 cơ sở (chiếm 13%). Các trường nghề hợp tác với khoảng 430.000 doanh nghiệp và hơn 80% doanh nghiệp lớn có tuyển sinh người học nghề.

Chương trình đào tạo GDNN

Chương trình đào tạo gồm chương trình cấp trung học phổ thông và cấp sau trung học và đại học. Chương trình cấp trung học phổ thông gồm 2 loại chương trình là chương trình toàn phần tại trường (school-based training) và chương trình đào tạo kép (chú trọng vào học tại nơi làm việc) trong đó đào tạo kép được coi như trụ cột chính của GDNN Đức. Ngoài ra có các chương trình đào tạo bổ sung (additional qualifications) cho phép người học và sinh viên tốt nghiệp đáp ứng theo nhu cầu thay đổi của thị trường lao động.

Các chương trình đào tạo toàn phần tại trường

Yêu cầu đầu vào là tốt nghiệp lớp 9 hoặc lớp 10, đầu ra là bậc 4 Khung tham chiếu trình độ châu Âu (EQF), thời lượng từ một đến ba năm tùy thuộc lĩnh vực nghề và trình độ, được cung cấp toàn thời gian tại các trường dạy nghề (Berufsfachschule). Học tập dựa trên công việc (work-based learning) triển khai trực tiếp tại các trường học hoặc/và dưới hình thức thực tập sinh (traineeship). Chương trình học toàn phần tại trường do chính quyền bang quyết định.

Đào tạo kép (dual VET) (apprenticeship)

Yêu cầu đầu vào là hoàn thành giáo dục bắt buộc, nếu không có chứng chỉ hoàn thành giáo dục bắt buộc (9 năm hoặc 10 năm ở 5 bang) thì người học khó tìm kiếm được doanh nghiệp để đăng ký học (trong năm 2018, chỉ có 3,5% số người học việc mới không có giấy tốt nghiệp phổ thông). Các chương trình học nghề (bậc 3-4 khung tham chiếu trình độ châu Âu (EQF), thời gian từ hai đến ba năm rưỡi. Đào tạo kép là trụ cột chính của hệ thống GDNN của Đức. Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có thể giảm thời gian đào tạo đến khoảng 12 tháng - điều này làm cho mô hình đào tạo này trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho giáo dục đại học. Chương trình học tại ít nhất hai địa điểm học tập: doanh nghiệp và trường dạy nghề. Nội dung đào tạo tại doanh nghiệp theo quy định đào tạo tại doanh nghiệp và nội dung đào tạo tại trường theo chính quyền các bang quyết định. Nội dung chương trình đào tạo tại doanh nghiệp và trường nghề đảm bảo phù hợp, bổ sung lẫn nhau.

Hoàng Hường

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 161 - 05/2022

Bình luận: 0