TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 03/05/2024

Ngư dân Sầm Sơn thành lập nhiều tổ đoàn kết vươn khơi đêm - Vừa lại hiệu quả kinh tế cao vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương

16:39 30/07/2020
Logo header Là một phường chủ lực về nghề cá của địa phương, những năm gần đây, dù gặp nhiều khó khăn, kể cả nhiều phen bị chèn ép trên biển, nhưng ngư dân phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn - Thanh Hóa đã thành lập các tổ đoàn kết, mạnh dạn đầu tư nâng cao công suất phương tiện, vươn khơi khai thác xa bờ, vừa tăng thu nhập vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngư dân Sầm Sơn thu hoạch cá trích

Nhiều năm trước, nghề cá Quảng Tiến phát triển khá thuận lợi. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác có nghề khai thác thủy hải sản trong cả nước, những năm gần đây nghề cá Quảng Tiến đã trải qua nhiều phen thăng trầm, lận đận, do những khó khăn thách thức như do giá xăng dầu, các loại vật tư đều tăng cao, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thường gây bão tố trên biển, nhưng đặc biệt nhất là do những nguy hiểm luôn rình rập trong mỗi chuyến đi, khi các tàu nước ngoài thường xuất hiện, xua đuổi, uy hiếp, thậm chí đuổi bắt, cướp phương tiện, cướp cá… Nhiều ngư dân Quảng Tiến cảm thấy lo ngại, nản lòng không muốn ra khơi, dẫn đến năng suất đánh bắt giảm thấp, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, nghề cá của địa phương đứng trước khả năng mai một…

Đứng trước tình hình trên, MTTQ phường Quảng Tiến đã phối hợp với các đoàn thể như Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,... cùng với sự chỉ đạo của Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tiến hành vận động ngư dân thành lập các tổ đội đoàn kết để có điều kiện hỗ trợ nhau khi đánh bắt xa bờ. Nhận thấy đây là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với thực tế sản xuất trên biển hiện nay, nhiều chủ phương tiện đã chủ động thành lập các tổ đoàn kết để hỗ trợ nhau về mọi mặt khi đánh bắt trên biển. Toàn phường đã thành lập hàng chục tổ đoàn kết tham gia mô hình này, với tổng số hàng trăm phương tiện khai thác thuỷ hải sản, hàng ngàn lao động trực tiếp trên các tàu đánh bắt hải sản, vững tin, yên tâm bám biển hoạt động dài ngày, nâng cao năng suất đánh bắt. Ngoài ra, toàn phường còn có hàng chục tàu dịch vụ hậu cần, các cơ sở chế biến, kinh doanh xuất khẩu hải sản, hàng chục xe ô tô đông lạnh, hệ thống kho có sức chứa hàng ngàn tấn, thu hút hàng trăm lao động chuyên phục vụ hậu cần nghề cá. Bên cạnh số lao động làm việc thường xuyên, nghề khai thác hải sản còn giải quyết việc làm cho hầu hết số lao động của phường thông qua các hoạt động kinh doanh, chế biến nhỏ lẻ, sản xuất đá lạnh, buôn bán nhiên liệu, ngư cụ phục vụ đánh cá... 

Tại Quảng Tiến, có một ngư dân rất nổi tiếng trong nghề cá, đó là “kình ngư” Phạm Gia Thanh. Ông Thanh từng là chủ của con tàu có công suất lên tới 1.000 CV với trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, được xem là lớn nhất của ngư dân xứ Thanh. Những chuyến đi của ông Thanh luôn đem về đầy ắp cá và là cánh chim đầu đàn cho ngư dân trong vùng noi theo, góp phần làm cho nghề cá của Quảng Tiến ngày càng phát triển... Trong những chuyến đánh bắt xa bờ, để đối phó với những bất trắc trên biển, bà con ngư dân trong các tổ đoàn kết, mỗi lần ra khơi thường đi theo đoàn khoảng vài chục chiếc, khi đến ngư trường, đoàn tàu lại chia ra từ năm đến bảy nhóm, hoạt động cách nhau khoảng vài chục cây số và thường xuyên liên lạc với nhau bằng bộ đàm. Theo các ngư dân, hoạt động theo hình thức tập thể này có nhiều cái lợi, đó là có thể hỗ trợ nhau khi gió bão, sóng lớn, máy móc gặp sự cố bất ngờ, nhất là khi gặp tàu lạ quấy nhiễu. Đã có nhiều trường hợp, ngư dân nước ngoài cậy tàu lớn, tốc độ cao, xông vào khu vực tàu của ta đã thả rạo ( một loại “hang” cho cá vào trú ngụ) để buông lưới, may nhờ đi theo đoàn, ngư dân ta đã tập trung phương tiện, vây quanh mũi tàu lạ, không cho chúng xông vào “túi cá” của mình. Thấy ta tuy tàu nhỏ nhưng đông người, lại quyết tâm cao, tàu nước ngoài đành phải  quay mũi bỏ đi. Đi tập thể còn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước, bởi khi phát hiện luồng cá lớn, các tàu sẽ liên lạc, gọi nhau đến cùng buông lưới.

Để tạo điều kiện cho ngư dân ra khơi bám biển, từ vài năm trở lại đây, Nhà nước đã đầu tư kinh phí, xây dựng cảng cá Lạch Hới và khu âu thuyền cho các phương tiện vào tránh trú bão. Cùng với đó còn có các chính sách hỗ trợ khác như trang bị máy thông tin liên lạc, vốn vay cho các chủ phương tiện... Tuy nhiên, theo bà con ngư dân, điều họ mong muốn nhất là luôn xuất hiện sự có mặt, hỗ trợ của các lực lượng chức năng, nhất là khi hoạt động trên vùng biển giáp ranh, nơi có phương tiện của nhiều nước cùng khai thác. Tâm sự với chúng tôi, một thuyền trưởng bày tỏ: “Mỗi khi đánh bắt dài ngày xa bờ trên biển, nếu thường xuyên được nhìn thấy các tàu tuần tiễu của bộ đội Biên phòng, Hải quân hay tàu thuyền của các ngành chức năng Việt Nam, bà con ngư dân chúng tôi sẽ càng cảm thấy vững lòng, yên tâm bám biển hơn”.

Đào Nguyên Lan

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 21 - 20

Bình luận: 0