Nha Trang - Khánh Hòa: Về Dự án Đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Mỹ Gia (Kỳ 7)
Theo nội dung của văn bản nêu trên, thì C46 đang điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại DAB” theo Quyết định khởi tố vụ án số 66/C46-P10 ngày 09/12/2016.
Gần 800 lô đất liền kề và biệt thự trong khu đất Dự án Đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Mỹ Gia bị kê biên phục vụ điều tra
Trước đó, ngày 15/12/2017, C46 đã có văn bản gửi trực tiếp cho Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa để đề nghị Chủ tịch tỉnh này “Chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh không làm thủ tục mua bán, chuyển nhượng các lô đất thuộc Gói 1 (17, 9 ha gồm 588 ô liền kề và 36 lô biệt thự) và Gói 2 (15.000 m2 gồm 130 lô liền kề) thuộc khu đất Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Mỹ Gia khi chưa có ý kiến của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an”. Theo điều tra của nhóm phóng viên, thì đây là một trong những hệ lụy của việc UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép chuyển nhượng toàn phần/ một phần của Dự án một cách bừa bãi và không tuân thủ các quy định của pháp luật (như đã phân tích ở những bài viết trước). Theo đó, sau khi Công ty cổ phần phát triển đô thị Vĩnh Thái (gọi tắt là Công ty Vĩnh Thái) nhận chuyển nhượng toàn phần Dự án Đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái từ Công ty Đầu tư, Thương mại - Dịch vụ (ISTACO) thuộc Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam theo sự cho phép của UBND tỉnh Khánh Hòa, thì Công ty Vĩnh Thái đã tiếp tục chuyển nhượng một phần của Dự án này cho Công ty TNHH xây dựng và phát triển đô thị Thái An (gọi tắt là Công ty Thái An). Sản phẩm chuyển nhượng là gần 800 lô đất liền kề và biệt thự không tuân thủ pháp luật và các quy định về thực hiện dự án khu đô thị, đồng thời việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tại phần diện tích thuộc 2 gói nêu trên mới chỉ được hoàn thiện 90%. Ấy vậy mà vẫn được sự đồng ý của UBND tỉnh Khánh Hòa là vì sao?
Hợp đồng mua bán nhà tại Gói 2 của Dự án mà chủ đầu tư tự chia
Gần đây, đất tại Dự án tiếp tục được chào bán
Sau khi nhận chuyển nhượng, Công ty Thái An đã đem toàn bộ gần 800 lô liền kề và biệt thự này đi thế chấp tại ngân hàng TMCP Đông Á (DAB). Cơ quan điều tra xác định đây là tài sản liên quan đến hành vi phạm tội của bị can Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc DAB) và các đối tượng trong vụ án. Tuy nhiên tại thời điểm những tài sản này bị kê biên thì đã có nhiều khách hàng thuộc diện người mua đất đã bị ảnh hưởng. Hệ lụy này ai sẽ chịu trách nhiệm giải quyết? Trong khi luật pháp quy định rất rõ về việc lựa chọn đối tượng để cơ quan Nhà nước cho phép được thực hiện dự án. Điều 22 Luật Nhà ở quy định Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và lựa chọn chủ đầu tư dự án như sau: “a, Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; b, Đấu thầu dự án có sử dụng đất; c, Chỉ định chủ đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư có đủ quy định tại Điều 21 của Luật này, có quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 23 của Luật này…”. Theo đó, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được thực hiện qua một trong các hình thức: đấu giá, đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Việc đấu giá quyền sử dụng đất phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đấu giá tài sản. Điều 199 Luật Đất đai năm 2013 quy định thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất như sau: “1a, Đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; b, Đất đã được giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu nhà nước; c, Có phương án đấu giá quyền sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Vì đầu tư dự án khu đô thị mới là hoạt động kinh doanh bất động sản, do đó nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực này phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, ngoài ra còn phải chứng minh đủ điều kiện, năng lực tài chính để thực hiện dự án. Nghị định 153/2007/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản quy định điều kiện năng lực tài chính đối với chủ đầu tư dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp như sau: “1, Chủ đầu tư dự án khu đô thị mới và dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp phải có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án theo quy định: a, Đối với dự án khu đô thị mới và dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp thì không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt; b, Đối với dự án khu nhà ở thì không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên đã được phê duyệt; … 3, Vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư là vốn thực có của chủ đầu tư tính đến năm trước liền kề với năm chủ đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp được thể hiện trong báo cáo tài chính của chủ đầu tư và phải được kiểm toán độc lập xác nhận. Trường hợp chủ đầu tư là doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập thì phải có văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Chủ đầu tư có trách nhiệm chứng minh năng lực tài chính của mình để thực hiện dự án thông qua việc lập danh mục các dự án đang thực hiện đầu tư, trong đó nêu rõ tổng vốn đầu tư của từng dự án”. Như vậy, với những căn cứ pháp luật nêu trên, cho thấy nhiều biểu hiện sai phạm như: Không có hồ sơ pháp lý đối với dự án khu đô thị; Dự án không được giao cho chủ đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu dự án; Chưa hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị; Năng lực của chủ đầu tư dự án không được thẩm định, kiểm chứng. Vậy nhưng không hiểu sao, UBND tỉnh Khánh Hòa cùng các cấp có thẩm quyền thuộc tỉnh vẫn làm ngơ cho sai phạm tồn tại, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng?(!)
Nói về việc thẩm định năng lực tài chính của các công ty có liên quan đến Dự án nêu trên thì có thể thấy rằng UBND tỉnh Khánh Hòa đã bỏ qua công đoạn này. Từ việc giao Dự án Đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Vĩnh Thái cho ISTACO để rồi sau đó nhiều năm liền Dự án vẫn không thể triển khai hoàn thiện thủ tục dẫn đến việc phải bán dự án cho Công ty Vĩnh Thái cho thấy biểu hiện yếu kém về năng lực của chủ đầu tư này. Tiếp đến là chủ đầu tư Vĩnh Thái, sau khi nhận chuyển nhượng Dự án đã lập tức biến tướng quy mô, mục đích thực hiện Dự án, đồng thời chia nhỏ thành các gói dự án, để bán cho nhiều công ty khác nhau; Các công ty F1 này không những không thực hiện Dự án mà một số đã phân lô bán đất nền thu lợi, trong khi một số khác thì thế chấp đất để lấy tiền, thu lợi bất chính. Trong khi đó, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Vĩnh Thái (thay đổi lần thứ 11 ngày 17/08/2017) thì vốn điều lệ của Công ty này lên đến 597 tỷ đồng; còn như Công ty TNHH Đầu tư nhà An Khánh thì vốn điều lệ cũng tận 400 tỷ đồng (tính đến ngày 29/05/2018). Vậy câu hỏi được đặt ra là: Liệu số vốn điều lệ vài trăm tỷ như được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các công ty này có đúng thực chất với năng lực của doanh nghiệp không? Nếu có nguồn vốn mạnh như vậy thì sao các doanh nghiệp này lại không thể thực hiện Dự án hoàn chỉnh mà phải “sang tay” thu lợi bất chính như vậy? Tri thức Xanh sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp có thẩm quyền để làm rõ và phản ánh khách quan tới bạn đọc.
Thu Trung và nhóm PVĐT
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số: 08 - 20
Tin tức liên quan
- Đan Phượng (Hà Nội): Tích cực khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (11:26 11/09/2024)
- Phát triển kinh tế biển gắn với bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu (09:46 29/06/2022)
- Đa dạng sinh học ở Việt Nam dưới tác động của các hoạt động kinh tế (Kỳ 1) (11:48 18/06/2022)
- An ninh môi trường Việt Nam những con số đáng báo động (Kỳ 1) (06:31 07/06/2022)
- Quy định bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong Luật BVMT và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (02:29 06/06/2022)