Nhạc sỹ nốt và nhạc sỹ chữ
Nhưng đó là chuyện thế giới. Còn ở Việt Nam? Một số người được đào tạo chính quy ở trong hoặc ngoài nước đã viết được nhạc không lời, có những tác phẩm hay, giá trị nhưng còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Bản thân những nhạc sĩ này vẫn phải tìm đến ca khúc. Số ít người có tài năng thực sự trong lĩnh vực sáng tác khí nhạc mà không hề viết ca khúc đã ít được thiên hạ biết tới. Thành thử ở ta, có thể chấp nhận danh từ nhạc sĩ đối với những người chỉ viết ca khúc mà không hề biết viết (hoặc viết không thạo) khí nhạc.
Hiện nay, con số hội viên hội Nhạc sĩ Việt Nam đã lên tới hàng ngàn. Xin phép được tạm thời không nói đến các nhạc sĩ biểu diễn, giảng dạy, đào tạo tuy đội ngũ này cũng có lắm người tài mà chỉ xin nói đến hai đối tượng: Nhạc sĩ sáng tác và nhạc sĩ lý luận. Tôi xin được phân nhạc sĩ nước ta thành hai loại, đúng như tên bài viết này. Vậy thế nào là nhạc sĩ nốt và ra sao thì gọi là nhạc sĩ chữ? Đã là nhạc sĩ thì đương nhiên phải am hiểu tường tận các nốt nhạc. Tình hình hiện nay tỉ lệ nhiều hơn là ngoài các nốt nhạc, nhiều người không biết hoặc ít biết gì hơn nữa - những điều cần phải có đối với một người sáng tác. Đó là những tri thức về văn hoá nói chung, về văn học, nghệ thuật, triết học, ngôn ngữ. Ngoài ra lại còn phải am tường về lịch sử, địa lý, mỹ học và tất thảy mọi kiến thức về các ngành khoa học xã hội. Nhiều người đang được coi là nhạc sĩ ở Việt Nam hôm nay - trong đó có cả những người đã may mắn có một vài bài hát được người nghe biết đến - đã rất hạn hẹp, nếu không nói là ù cạc về những lĩnh vực trên. Họ không phân biệt được những từ, những khái niệm nhiều khi rất sơ đẳng đối với một người hoạt động văn nghệ. Có người không biết gì về thuật ngữ cổ điển, cứ nghĩ từ này đồng nghĩa với cổ hủ, cổ lỗ, cũ kỹ. Một lần tôi nói chuyện với một nhạc sĩ đang nổi (vì đang có một số bài hát được các ca sĩ hát trên các sân khấu hiện nay) rằng: “Tình ca đang bị lạm phát. Ở đâu cũng thấy “anh yêu em”, “em nhớ anh” mà nhạt nhẽo, tầm thường. Chưa có bài nào vượt lên được Tình ca của Hoàng Việt ra đời đã trên 50 năm. Bài hát này xứng đáng là một bài tình ca cổ điển của Việt Nam”. Nhạc sĩ này liền phản ứng: “Xin lỗi ông, bài ấy đến nay vẫn mới mẻ, chẳng một chút cổ điển”. Lần khác, tôi nói với một nhạc sỹ học ở Nhạc viện ra: “Ca khúc hiện nay có khuynh hướng nghèo hình tượng nên nghe nhạt nhoà, luễnh loãng, không như trước đây, các nhạc sĩ bậc thầy sáng tác được nhiều bài hay, giàu hình tượng.” Anh ta cho tôi luôn một “bài học”: “Bài chỉ cần nghe có hay hay không, chứ không thể đòi hỏi có nhân vật ở trong đó. Có phải bài nào cũng có hai nhân vật hát đối như Trước ngày hội bắn và Gửi em ở cuối sông Hồng được đâu. Cũng không phải lúc nào cũng nổi rõ được những hình tượng như anh quân bưu trong Anh quân bưu vui tính, các cô gái trong Cô gái Sài Gòn đi tải đạn hoặc anh thương binh cụt chân trong Vết chân tròn trên cát”. Tôi đã không ngần ngại nói với nhạc sĩ đó: “Vậy là ông chẳng hiểu gì về từ hình tượng tôi dùng. Và ông đã nhầm lẫn nó với nhân vật. Hình tượng tôi nói với ông là hình tượng âm nhạc tức là nằm ngay trong bản thân giai điệu. Ý tôi muốn nói đến tính sinh động đặc sắc, giàu sức biểu hiện, vừa trừu tượng lại vừa cụ thể của giai điệu bài hát.”.
Do có nhiều dịp tiếp xúc với các thế hệ nhạc sĩ, tôi thấy một điều: Sự hạn chế về hiểu biết, nghèo nàn về kiến thức văn hoá, văn nghệ, lý luận xảy ra nhiều hơn ở các lứa nhạc sĩ sau này. Ở lớp đàn anh (từ 70 tuổi trở lên, không phải là không có nhạc sĩ hạn chế, nhưng chí ít họ cũng biết được văn hoá phương Đông khác phương Tây ra sao, chủ nghĩa lãng mạn khác chủ nghĩa hiện thực thế nào. Khi nhắc đến những tên tuổi lớn của thế giới như Sếch- Spia, Ban-Zắc, Vích-to Huy-Gô, Đốt-stôi ep-ski, Lep Tôn-stôi, Pút- skin... họ cũng còn biết được là ai, hoạt động ở lĩnh vực nào. Còn lại số nhiều nhất là thế hệ nhạc sĩ từ 60 tuổi trở xuống, hoặc trẻ hơn nữa, vừa mới thành nhạc sĩ ít năm gần đây, hầu như không hiểu gì về những: Chủ nghĩa Phục hưng, Chủ nghĩa Cổ điển, Chủ nghĩa Hiện thực, Chủ nghĩa Hiện sinh, về những trường phái vị lai, đa đa từng xuất hiện. Hãy hỏi họ một câu: “Cho đến lúc này, cuốn tiểu thuyết lớn lao, vĩ đại nhất mọi thờì đại là cuốn gì, của ai, ra đời thời gian nào, giá trị chính?” . Không phải nhạc sĩ nào cũng dễ dàng trả lời. Có lần tôi hỏi một nhạc sĩ được đào tạo ở nhạc viện, cũng không đến nỗi quá vô danh: “Ông thấy Lê-vi-tan thế nào?”Anh ta trả lời: “Trong các sách về lịch sử âm nhạc thế giới không thấy cuốn nào nhắc đến con người này”. Tôi hỏi lại: “Còn Van-gốc?” Anh ta mang máng nhớ ra: “Mình cũng có nghe nói đến cái tên này. Phải hỏi đám lý luận mới rõ được ông ạ. Mình học sáng tác mà.” Anh cứ tưởng tôi chỉ nói đến ngành âm nhạc nên cứ moi mãi trong trí nhớ, mà không biết hai cái tên lừng lững ấy là ngồi ở “chiếu” hội họa. Tệ hơn nữa là với cái mác, cái nhãn của một người sáng tác, một văn nghệ sĩ mà họ rất ít hiểu biết về văn hóa dân tộc. Họ không có khả năng phân biệt được mấy danh nhân họ Nguyễn: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến… khác nhau ra sao, sống ở những giai đoạn lịch sử nào, có những đóng góp gì cho văn hoá đất nước. Có nhạc sĩ nọ (cũng có danh) còn cho rằng Nguyễn Đình Chiểu và Đồ Chiểu là hai người khác nhau, còn truyện Lục Vân Tiên là của Tàu, giống như tích Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài.
Sự thiếu hụt trầm trọng về kiến thức văn hoá nói chung cũng như sự hạn hẹp hiểu biết về các lĩnh vực văn học nghệ thuật, khoa học xã hội khiến nhiều nhạc sĩ chỉ là… nhạc sĩ nốt. Bởi ngoài các nốt nhạc, họ ít biết và cũng ít có nhu cầu biết mọi kiến thức khác. Ngay sáng tác nhạc không lời lại càng cần một bề dày các kiến thức nói trên, bởi tính triết lý, khả năng khái quát của người viết cần thiết hơn bất cứ ở đâu. Sáng tác nhạc không lời cực khó là vì thế, ở nước ta ít làm được - không chỉ bởi nó cần sự học hành công phu đến nơi đến chốn mà còn bởi sự hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực như đã nói. Có lẽ chính vì số nhạc sĩ nốt ở nước ta nhiều nên mới có tình trạng viết ca khúc thì không có giá trị văn học, mà viết khí nhạc thì cũng chẳng tới tầm.
Lẽ đương nhiên, những nhạc sĩ không ở vào trường hợp trên, tức là am tường thông thái nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật - những người có học nhiều, có thể học ở các trường, có thể học ngoài đời, tức là có nhiều chữ thì gọi là nhạc sĩ chữ. Số này ở nước ta quả thực là hiếm hoi. Trong những con người ít ỏi này là cả một kho kiến thức đồ sộ về nhiều lĩnh vực. Không mang nhãn hiệu nhà lý luận nhưng họ nói, viết điều gì đều uyên bác. Chuyện âm nhạc đã đành, họ còn như những nhà nghiên cứu văn học, lịch sử, triết học và đủ thứ khác. Trong giới nhạc sĩ, nhiều người giỏi tiếng Anh và Nga. Đó là thế hệ nhạc sĩ lứa sau. Còn thế hệ lớn tuổi ngày xưa đi học phổ thông thời Pháp hình như chịu đọc nhiều hoặc do một lối dạy thế nào đó mà các vị biết rất rộng, rất sâu nhiều thứ. Câu nói nổi tiếng của một nhà thơ lãng mạn Pháp “De la musique avant toute chose” (Âm nhạc là trên hết) hầu như các nhạc sĩ lớp đàn anh ai cũng biết. Nhưng các nhạc sĩ lớp sau đã không biết.
Vậy nên để trở thành nhạc sĩ, phải đâu chỉ ngồi học ở ghế nhạc viện đã là đủ, tuy công việc này không thể xem thường. Nếu chỉ có chữ mà không có nốt thì đương nhiên không thể là nhạc sĩ mà là học giả. Nhưng nếu chỉ có nốt mà không có chữ thì đó là những người thợ âm nhạc - thợ phối khí, thợ dàn dựng, thợ soạn ca khúc. Còn nhạc sĩ mà nhiều chữ - nhạc sĩ chữ - thì đó đích thực là nhạc sĩ - những nhà sáng tạo thực thụ.
Nguyễn Đình San
Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 30 - 20
Tin tức liên quan
- FAMINUTS HOUSE - THẾ GIỚI CHẠY BỘ CÓ MẶT TẠI KHU ĐÔ THỊ SALA (01:50 09/05/2024)
- Trường Đại học International American cấp bằng Tiến sĩ danh dự cho NTK Quỳnh Paris. (01:53 01/05/2024)
- TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA CỦA PHỤ NỮ, NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ HÒA NHẬP XÃ HỘI TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP LĨNH VỰC LOGISTICS (09:23 01/04/2024)
- “Sài Gòn Chill” đánh dấu sự hợp tác giữa MC Thi Thảo và Nhạc sĩ Đỗ Hoàng Linh (12:40 14/03/2024)
- Nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp quyết liệt thực hiện công tác tư pháp năm 2024 (09:20 26/12/2023)