TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 29/03/2024

Nhìn lại hệ thống chính sách pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp (Kỳ 1)

17:03 04/03/2022
Logo header Doanh nghiệp vừa và nhỏ có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế mỗi nước, kể cả các nước có trình độ phát triển cao. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay thì các nước đều có những chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) nhằm huy động tối đa các nguồn lực và hỗ trợ cho DN lớn, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Cùng nhìn nhận tổng quan các chính sách của Việt Nam cho nhóm doanh nghiệp này.

Kỳ 1: Đặc điểm và hiệu suất của doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp tại Việt Nam

1. Đóng góp của DNNVV vào nền kinh tế

Doanh nghiệp công nghiệp lớn chiếm tỉ trọng sản xuất cao trong nền kinh tế

Ngành công nghiệp là cơ sở cho sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam trong hai thập kỷ qua. Năm 2016, ngành công nghiệp sử dụng 55% tổng lượng lao động và đóng góp 62% giá trị gia tăng quốc gia, cao hơn nhiều mức trung bình của OECD (lần lượt là 23% và 33%). Trong khi đó, ngành dịch vụ (không bao gồm thương mại bán buôn và bán lẻ) vẫn đóng vai trò hạn chế ở Việt Nam, sử dụng 17% tổng việc làm và đóng góp 13% giá trị gia tăng quốc gia, so với mức 43% và 40% trong khu vực OECD.

Từ góc độ quy mô doanh nghiệp, các DNNVV (sử dụng từ 1 -249 lao động) chiếm 96% trong tổng số các công ty, sử dụng 47% lượng lao động và đóng góp 36% giá trị gia tăng quốc gia, đều thấp hơn đáng kể mức trung bình tương ứng của OECD. Top 1% các công ty lớn nhất sử dụng hơn một nửa tổng số lao động tại Việt Nam (51%), trong khi 10% các công ty hàng đầu tạo ra 83% tổng số việc làm. Trong số 100 doanh nghiệp lớn nhất, có tới 91 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp. Điều này cho thấy các công ty sản xuất lớn đóng vai trò cốt lõi trong nền kinh tế Việt Nam.

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam (TCTK) chỉ phản ánh khu vực kinh tế chính thức; tuy nhiên, khu vực kinh tế phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn ở Việt Nam và chủ yếu bao gồm các hộ kinh doanh gia đình, người lao động tự doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo ước tính của điều tra lực lượng lao động quốc gia, lao động trong khu vực phi chính thức chiếm 57,2% tổng số việc làm (phi nông nghiệp). Ngoài ra, theo tính toán của TCTK, có khoảng nửa triệu doanh nghiệp đã đăng ký so với 5,1 triệu doanh nghiệp chưa đăng ký, là các doanh nghiệp không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mặc dù trong số này có cả các doanh nghiệp không bắt buộc phải có giấy này, chẳng hạn như hộ kinh doanh gia đình.

Năng suất lao động của Việt Nam tiệm cận nhanh chóng mức trung bình của OECD trong 10 năm qua

Kể từ công cuộc Đổi mới năm 1986, với việc khuyến khích nhiều thành phần kinh tế phát triển đồng thời duy trì vai trò quản lý của nhà nước, Việt Nam đã đạt được tăng trưởng năng suất mạnh mẽ với quá trình tiệm cận được đẩy nhanh đáng kể kể từ năm 2010. Trong giai đoạn 2015 -2017, mức tăng năng suất lao động hàng năm đạt trung bình 7%, cao hơn bất kỳ nền kinh tế lớn mới nổi nào khác. Mức năng suất lao động ở Việt Nam không có sự khác biệt đáng kể theo ngành (ví dụ giữa công nghiệp và dịch vụ) và theo quy mô doanh nghiệp, đặc biệt là giữa các doanh nghiệp quy mô vừa (50-249 lao động) và quy mô lớn (trên 250 lao động), trong khi đó, khoảng cách với các doanh nghiệp nhỏ (10-49 nhân viên) lại rõ rệt hơn. Tuy nhiên, ước tính năng suất lao động của Việt Nam ở cấp độ ngành kinh tế và quy mô doanh nghiệp cũng bị thiên lệch do qui mô lớn của khu vực phi chính thức. Điều này ngụ ý rằng tình hình việc làm, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và ở các doanh nghiệp nhỏ, ít được thống kê.

DNNVV thể hiện tiềm năng đổi mới sáng tạo

Dựa trên dữ liệu từ Khảo sát Doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới (World Bank Enterprise Survey), các DNNVV của Việt Nam tương đối sáng tạo về sản phẩm và quy trình, bao gồm cả việc áp dụng tự động hóa. Đồng thời, chi tiêu hạn chế cho R&D (nghiên cứu và phát triển) ở các DNNVV cho thấy rằng hầu hết các đổi mới đều là “đổi mới tiết kiệm” (frugal innovation), chẳng hạn như thực hiện các sửa đổi nhỏ đối với các sản phẩm hiện tại để dễ tiếp cận hơn với khách hàng có thu nhập thấp. Đối với Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), việc sử dụng trang web công ty của các DNNVV Việt Nam tương ứng mức trung bình của ASEAN, trong khi việc áp dụng các chương trình phần mềm như Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning) hoặc Quản lý quan hệ khách hàng (Customer Relationship Management), những phần mềm cần thiết nếu các công ty muốn xuất khẩu hoặc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vẫn còn hiếm.

DNNVV tích cực xuất khẩu, nhưng hầu hết đều có vốn nước ngoài

Việt Nam là nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chiếm 8% tổng số các công ty đăng ký nhưng sử dụng tới 47% lượng lao động quốc gia. Trong ngành công nghiệp, hiện đóng góp 68% giá trị xuất khẩu quốc gia, các công ty xuất khẩu sử dụng 86% tổng lực lượng lao động. Các DNNVV đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu, chiếm 88% số doanh nghiệp xuất khẩu và khoảng một nửa sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, 70% lượng xuất khẩu của DNNVV tại Việt Nam đến từ các DNNVV vốn nước ngoài, chuyển đến Việt Nam để gần hơn với khách hàng lớn là các công ty đa quốc gia (MNE).

Các hãng sản xuất chế tạo cỡ vừa có kĩ năng quản lý tương đối tốt

Dữ liệu từ Điều tra Quản lý Thế giới (World Management Survey) (chỉ thực hiện đối với doanh nghiệp quy mô vừa và lớn trong lĩnh vực sản xuất chế tạo) cho thấy các nhà quản lý của Việt Nam trong các công ty quy mô vừa thuộc lĩnh vực sản xuất chế tạo có trình độ tốt hơn các đồng nghiệp của họ từ các nền kinh tế lớn mới nổi khác (ví dụ như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ). Khoảng cách về kỹ năng quản lý giữa các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn ở Việt Nam cũng nhỏ hơn nhiều so với mức trung bình của OECD, điều này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho quan hệ giữa người mua và nhà cung ứng. Số liệu này cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của nhiều công ty cung ứng nước ngoài tại Việt Nam.

Hoạt động khởi nghiệp và sở hữu doanh nghiệp rất phổ biến

Dựa trên dữ liệu điều tra dân số (của nghiên cứu Chỉ số Khởi nghiệp Toàn cầu Global Entrepreunership Monitor) và số liệu thống kê kinh doanh quốc gia, Việt Nam nổi lên như một nền kinh tế với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Đây là kết quả của sự tăng trưởng nhanh chóng, tạo ra cơ hội kinh doanh cho cả doanh nhân trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam có tỷ lệ khởi nghiệp cao (số liệu điều tra dân số), tỷ lệ khuấy động cao (churn rate - tổng tỷ lệ các công ty được thành lập và ngừng hoạt động), và tỷ lệ cao các doanh nghiệp và công ty tăng trưởng nhanh. Ngoài ra, tỷ lệ tự doanh theo tiêu chuẩn quốc tế là đặc biệt cao (56% tổng số việc làm), mặc dù con số này cũng cho thấy sự thiếu hụt các cơ hội việc làm khác và khả năng hạn chế của các DNNVV hiện có trong việc mở rộng quy mô.

2. Môi trường kinh doanh cho DNNVV của Việt Nam

Tấc độ tăng trưởng kinh tế cao

Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong 20 năm qua nhờ chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, trong đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một cấu phần chính. Chính sách tiền tệ được sử dụng phục vụ chiến lược này là neo tỷ giá hối đoái cố định, điều chỉnh dần với đồng đô la Mỹ nhằm giữ cho hàng xuất khẩu trong nước có tính cạnh tranh. Nhờ tăng trưởng bền vững, thị trường lao động cũng đặc biệt sôi động: tỷ lệ gia nhập thị trường cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Phụ nữ rất tích cực tham gia thị trường lao động. Đây là kết quả của các chính sách của chính phủ nhằm tạo cơ hội tiếp cận giáo dục và việc làm bình đẳng cho phụ nữ.

Thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ

Kể từ sau công cuộc Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã nhanh chóng mở cửa nền kinh tế, giao thương với nước ngoài và tiếp nhận FDI. Năm 2019, dòng chảy thương mại (tức là tổng giá trị xuất nhập khẩu) so với GDP đạt 210%, con số cao nhất toàn cầu đối với các quốc gia có dân số ít nhất 50 triệu người. Mặt hàng xuất khẩu cũng thay đổi theo thời gian, chuyển từ các sản phẩm nông nghiệp cơ bản như thủy sản, sang dệt may và da giày và ngày nay là điện tử.

Thu hút FDI là một cấu phần quan trọng của chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu này: năm 2018, các công ty vốn nước ngoài đóng góp 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Dựa trên thông tin từ Chỉ số Hạn chế Quy định FDI của OECD (OECD FDI Regulatory Restrictiveness Index), Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất đối với FDI trong khu vực ASEAN và đang nhanh chóng tiệm cận các tiêu chuẩn của OECD. Mặc dù Việt Nam đã thành công trong việc thu hút FDI, mối liên kết giữa các công ty đa quốc gia (MNE) và các DNNVV vẫn cần được tăng cường. Ví dụ, sản phẩm nhập khẩu vẫn chiếm khoảng 80% tổng đầu vào của hàng hóa xuất khẩu cuối cùng của Việt Nam.

Quy định về kinh doanh đã được đơn giản hoá

Việt Nam đã nới lỏng các quy định kinh doanh thông qua một số cải cách chính sách, chẳng hạn như Đề án 30, giúp giảm chi phí tuân thủ quy định kể từ năm 2010, hoặc Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trong đó xếp hạng các chính quyền địa phương về việc thực thi các quy định quốc gia và hiệu quả quy định của địa phương. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 70 trong cuộc khảo sát Môi trường Kinh doanh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (World Bank Doing Business - WBDB), tăng 30 bậc so với năm 2014. Các lĩnh vực mà theo WBDB Việt Nam vẫn cần cải thiện là giải quyết vỡ nợ và thu thuế. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đóng góp tới 40% GDP, hiện đang cản trở cạnh tranh trên nhiều thị trường trong nước. Chính phủ đã lên kế hoạch cổ phần hoá một số DNNN trong số đó, nhưng tiến độ diễn ra rất chậm. Bên cạnh cổ phần hoá, điều quan trọng là phải tăng cường tính minh bạch và cải thiện quản trị doanh nghiệp tổng thể trong các DNNN.

Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi

Phần lớn nguồn thu từ thuế của Việt Nam là từ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế giá trị gia tăng (VAT), trong khi tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức cao và dân số có thu nhập thấp đồng nghĩa với việc đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) tạo ra ít tiền thuế. Từ năm 2004 đến năm 2017, Việt Nam đã giảm thuế suất thuế TNDN theo luật định từ mức 32% xuống mức 20% như hiện nay (thấp hơn mức trung bình của OECD và ASEAN) với mục tiêu tiếp tục thu hút FDI và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, do thuế TNDN là nguồn thu chính của thuế, điều này cũng có nghĩa là thu từ thuế so với GDP đã giảm kể từ năm 2010, dẫn đến hạn chế khả năng chi tiêu của Chính phủ cho các chính sách công.

Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2018 lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về chế độ ưu đãi thuế dành cho DNNVV. Tuy nhiên, quy định này của luật vẫn đang chờ Quốc hội thông qua và đến giữa năm 2020 vẫn chưa có hiệu lực. Chế độ ưu đãi thuế DNNVV dự kiến của Việt Nam được thiết kế tốt, trong đó khác biệt nhỏ giữa thuế suất thuế TNDN theo luật định và thuế suất ưu đãi DNNVV (từ 3 đến 5 điểm phần trăm) sẽ không gây ra “hiệu ứng ngưỡng” (threshold effect) lớn làm cản trở tăng trưởng của doanh nghiệp. Mặt khác, điều khoản của luật trong đó miễn thuế TNDN hai năm cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp đăng ký chính thức dường như chưa đủ để khuyến khích được các đối tượng. Một chế độ thuế khoán riêng biệt, cực kì đơn giản, theo mô hình thuế Doanh nhân vi mô cá nhân của Brazil, có thể sẽ phù hợp hơn trong việc khuyến khích các hộ kinh doanh gia đình và người lao động tự doanh vốn từ lâu đã quen hoạt động bán chính thức hoặc phi chính thức nay chuyển sang hoạt động chính thức.

Ngân hàng quốc doanh là nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho DNNVV tại Việt Nam

Cho vay DNNVV chiếm 22% tổng các khoản cho vay của ngân hàng tại Việt Nam. Mặc dù không có số liệu thống kê quốc tế đầy đủ và so sánh được về tín dụng DNNVV, nhưng số liệu trên có vẻ phù hợp với con số này ở nhiều nước OECD. Ngân hàng quốc doanh là một nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho DNNVV ở Việt Nam, chiếm khoảng một nửa tổng các khoản cho vay DNNVV. Trong tương lai, sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường tín dụng - chẳng hạn bằng việc khuyến khích sự phát triển của các tổ chức cho vay thay thế như hợp tác xã tín dụng (credit co-operative) - và việc bảo lãnh rộng rãi hơn các khoản vay có thể giúp tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận tài chính của các DNNVV.

Giáo dục phổ thông tại Việt Nam có chất lượng tốt nhưng có dấu hiệu cho thấy chưa đáp ứng được thị trường lao động

Giáo dục phổ thông của Việt Nam có chất lượng tốt, thể hiện qua việc kết quả PISA (Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế của OECD) của Việt Nam tương đương mức trung bình của OECD. Tuy nhiên, chưa đầy một phần ba số học sinh trung học phổ thông hoàn thành bậc phổ thông và học lên đại học, điều này cho thấy sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học.

Cũng có những dấu hiệu cho thấy giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng của thị trường lao động, cụ thể là 43% lao động trẻ ở Việt Nam đang làm những công việc không phù hợp với bằng cấp của họ. Hệ thống giáo dục và đào tạo nghề (TVET) có thể giúp giải quyết tình trạng vênh về kỹ năng hiện nay, nhưng hiện vẫn chưa đạt được mục tiêu này. Hợp tác giữa đơn vị sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo hầu hết chỉ dừng lại ở các hình thức cơ bản như chương trình thực tập cho sinh viên, trong khi đó, phối hợp cùng xây dựng chương trình đào tạo lại rất ít.

Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam mới phát triển ở giai đoạn đầu

Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia vẫn đang ở giai đoạn đầu, phản ánh thực tế của Việt Nam là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Chi tiêu cho R&D của doanh nghiệp so với GDP đã tăng 8 lần trong giai đoạn 2011 -2017 nhưng vẫn chỉ ở mức 0,4%, thấp hơn so với các nước ASEAN khác như Malaysia và Thái Lan (mức trung bình của OECD là 1,6%). Mối liên kết đổi mới cũng rất yếu, thể hiện ở mức độ hợp tác thấp giữa trường đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu. Tình hình phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đưa ra một bức tranh mơ hồ hơn. Những năm 2000, Việt Nam không giữ được vị trí trong Chỉ số Phát triển CNTT-TT quốc tế nhưng lại ghi nhận mức tăng vọt về thuê bao internet và điện thoại di động. Việt Nam đã ban hành một số luật liên quan đến đổi mới sáng tạo để thúc đẩy hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, chẳng hạn như Luật Sở hữu trí tuệ và quy định về Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, tuy nhiên, cần thực thi hiệu quả hoặc điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Lê Thạch

Theo Tạp chí Tri thức Xanh số 158-02/2022

Bình luận: 0