TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 19/04/2024

Những bất cập trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

16:05 15/04/2021
Logo header Việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may đau ốm hay có vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) vẫn chưa đáp ứng nguyện vọng KCB của người dân.

Mỗi lần chỉ được khám một chuyên khoa! (?)

BHYT là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia, để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người khi chẳng may ốm đau, tai nạn, nhằm đảm bảo an sinh xã hội. BHYT chi trả phần lớn chi phí khám bệnh, xét nghiệm, thuốc men và chăm sóc cho người có thẻ khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định. Thực hiện KCB bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau. Từ lợi ích mà BHYT mang lại, nhu cầu KCB của người dân ngày càng cao. Tuy nhiên, theo nhiều người dân (có BHYT) cho biết, tại một số phòng khám đa khoa, bệnh viện, người dân bị hạn chế trong việc đăng ký KCB, như mỗi lượt khám chỉ được khám 1 chuyên khoa. Chị Lê Thị Thu, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, cho biết: “Tôi bị đau đầu, chóng mặt và tức ngực khó thở, hay bị tụt huyết áp. Khi tôi đi khám bệnh tại phòng khám Đa khoa mà được ghi trên thẻ bảo hiểm, nhân viên tại quầy tư vấn của phòng khám tôi có nói lý do tôi muốn khám là khám về tình trạng đầu bị đau, điện tim, nhân viên nói nếu khám vấn đề tức ngực “điện tim” thì phòng khám cho giấy giới thiệu lên Bệnh viện Bưu điện để khám chứ phòng khám không có máy móc, tôi có đề xuất là cho khám cả tình trạng đau đầu thì được nhân viên tư vấn bảo là một ngày chỉ được giới thiệu lên một chuyên khoa, nếu muốn khám chuyên khoa khác thì ngày hôm sau đến làm thủ tục để xin giấy chuyển tuyến tiếp. Tôi thì đang đi làm xin nghỉ được để đi khám mà đến phòng khám làm thủ tục để xin được giấy chuyển tuyến đã mất bao nhiêu thời gian lên bệnh viện còn xếp hàng lấy số để được khám chạy đi, chạy lại như vậy là mất một ngày mà khám được có một chuyên khoa, vậy muốn khám tổng quát thì phải đi bao nhiêu ngày, trong lúc đó mình đang còn phải đi làm, sao mà xin nghỉ nhiều như vậy được, tôi thấy việc khám như thế này rất là bất tiện. Nếu có quy định như vậy trong việc KCB cho người bệnh có BHYT, sẽ rất bất lợi cho người dân chúng tôi”. Tương tự, như trường hợp chị Thu, tại Phòng khám Đa khoa quận Cầu Giấy chị Lê Thị Bích Hồng (ở quận Cầu Giấy), khi được hỏi về nhu cầu muốn khám đồng thời xương khớp và phụ khoa, nhân viên tại quầy tư vấn của phòng khám cũng cho biết, chỉ khám được 1 chuyên khoa. Nếu muốn khám chuyên khoa khác phải đến vào hôm sau mới tiến hành khám theo BHYT được. Chị Hồng chia sẻ: “Mỗi lần đi khám bệnh, tôi phải sắp xếp công việc nhà lại để đi. Bởi mỗi lần khám phải mất nửa ngày, có khi cả ngày (tùy vào từng loại xét nghiệm) mới xong. Thế nhưng, nhiều khi tôi muốn kết hợp khám thêm các bệnh khác lại không được. Hoặc, trong năm tôi cũng muốn kiểm tra sức khỏe định kỳ (khám tổng thể) nhưng BHYT lại không chi trả cho việc này”. Theo Luật BHYT hiện nay không có điều khoản nào quy định mỗi lần khám BHYT chỉ được khám một chuyên khoa. Trong Thông tư 39/2018/TT-BYT ban hành ngày 30-11-2018 của Bộ Y tế về việc Quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp: Tại khoản 3, Điều số 5 quy định: “Trong cùng một lần đến khám bệnh tại cùng một cơ sở y tế, người bệnh sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa khác thì từ lần khám thứ 2 trở đi chỉ tính 30% mức giá của 1 lần khám bệnh và mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh của người đó không quá 2 lần mức giá của 1 lần khám bệnh”. Phải chăng, chính quy định này khiến không ít cơ sở KCB đã “tư vấn” cho bệnh nhân có thẻ BHYT “mỗi lần chỉ được khám một chuyên khoa”. Theo tìm hiểu của phóng viên thì BHYT chỉ chi trả cho đối tượng là người bệnh (khi đã bị ốm, đau), chưa chi trả việc khám dự phòng phát hiện sớm (kiểm tra sức khỏe). Để hạn chế việc lạm dụng quỹ BHYT, hàng năm các bệnh viện được Nhà nước giao dự toán kinh phí KCB. Điều này khiến các bệnh viện cũng gặp khó khăn trong việc thanh toán chi phí KCB cho bệnh nhân. Để điều chỉnh, cân đối việc KCB BHYT của người dân, tại một số bệnh viện xảy ra tình trạng tách đợt điều trị ngoại trú của bệnh nhân không đúng quy định, như: Bệnh nhân tiểu đường, huyết áp, theo quy định cấp thuốc 1 lần/1 tháng, nhưng nhiều cơ sở KCB cấp thuốc 2 lần/1 tháng, làm tăng số lượt bệnh nhân để giảm chi phí bình quân đơn; tư vấn bệnh nhân mua thuốc ngoài chi trả BHYT...

Các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới một lần giới thiệu lên tuyến trên để khám chỉ được khám một chuyên khoa trong một ngày

Quyền lợi của người bệnh bị thu hẹp

Việc giao mức trần chi phí KCB BHYT cho các cơ sở y tế nhằm hạn chế tình trạng trục lợi từ BHYT, tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một số quyền lợi của người bệnh bị hạn chế. Việc giao mức trần dự toán BHYT gây khó khăn cho các cơ sở KCB, người dân cũng chịu thiệt thòi. Vật tư, thuốc điều trị theo BHYT chủ yếu là thuốc nội, nhiều bệnh nhân có nhu cầu sử dụng vật tư, thuốc tốt hơn vượt quá chi trả của BHYT, buộc phải mua ngoài... vì vậy, KCB BHYT mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên phần nào vẫn chưa đáp ứng nguyện vọng KCB của người dân. Anh Nguyễn Công Mỹ , phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Mẹ tôi nằm viện điều trị sau phẫu thuật xương cột sống. Do có BHYT nên phần lớn chi phí phẫu thuật và điều trị đã được BHYT chi trả. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, để được dùng thuốc tốt hơn, gia đình tôi còn phải mua thêm thuốc ngoài danh mục BHYT chi trả (theo đơn thuốc của bác sĩ)”. Về vấn đề này, bác sĩ Đoàn Văn Trung nguyên cán bộ bệnh viện Nhiệt Đới Trung Ương cho biết: “Nhiều trường hợp, để tìm ra nguyên nhân bệnh phải tiến hành làm nhiều xét nghiệm có liên quan. Tuy nhiên, BHYT lại cho rằng bác sĩ chỉ định không phù hợp với tình trạng bệnh và từ chối thanh toán... điều này cũng gây khó khăn cho các bác sĩ khi chỉ định KCB và ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh”. Thực tế hiện nay, mệnh giá BHYT còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu KCB, trong khi đó, nhiều bệnh nhân điều trị bệnh với chi phí BHYT cao (phẫu thuật, lọc thận...). Có nhiều bệnh nhân được quỹ BHYT thanh toán chi phí cho 1 đợt điều trị lớn. Mặc dù tỷ lệ tham gia BHYT rất là cao tuy nhiên, đối tượng tham gia chưa cân đối: Người cao tuổi, người có công, người nghèo, dân tộc thiểu số được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, thường xuyên đau ốm, chiếm tỷ lệ cao. Đối tượng người khỏe mạnh như: Học sinh, sinh viên, lao động ở các doanh nghiệp... lại ít tham gia bảo hiểm. Điều này cũng là nguyên nhân khiến quỹ BHYT còn hạn hẹp và thường xuyên bị vượt chi. Để đảm bảo chi phí KCB trong dự toán được phê duyệt, các cơ sở KCB phải tự điều chỉnh, đây cũng là cái khó trong công tác KCB và quyền lợi của người bệnh bị thu hẹp. Hiện nay, Bộ Y tế đang đề xuất tăng mức đóng BHYT. Với nhu cầu KCB ngày càng cao, việc tăng mức đóng BHYT sẽ giúp người bệnh được chăm sóc tốt hơn, đáp ứng được nguyện vọng KCB của người dân.

Mong rằng các cơ quan quản lý nhà nước có những chính sách phù hợp cho những người tham gia BHYT khám chữa bệnh được thuận tiện và quyền lợi người dân được nâng lên, các bác sĩ chỉ định không bị hạn chế về mặt chỉ định KCB và tránh được tình trạng trục lợi từ BHYT.

Dũng Lê

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 57-21

Bình luận: 0