TẠP CHÍ TRI THỨC XANH - CƠ QUAN LÝ LUẬN CỦA VIỆN KHOA HỌC MÔI TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI

E-mail:info@ttxonline.vn -  Hotline: 0948565689
thứ sáu, 03/05/2024

Những tín hiệu khả quan cho sản xuất công nghiệp của Việt Nam

15:27 24/09/2020
Logo header Tình hình khó khăn chung khiến tốc độ tăng trưởng của nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế nước ta bị ảnh hưởng tương đối nặng nề. Không ngoại lệ, sản xuất công nghiệp của Việt Nam cũng là một trong những lĩnh vực đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua. Tính chung 8 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

Chủ động nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước đang là một trong những giải pháp quan trọng để tránh tình trạng bị động nguồn cung.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong 8 tháng năm 2020, chỉ số IIP của ngành chế biến, chế tạo tăng 3,7% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,6%), đóng góp 3 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm. Các ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Riêng trong tháng 8/2020, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 3,5% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,2%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua (tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng trong 05 năm gần nhất từ 2015-2019 lần lượt là: 9,8%; 7,2%; 8,2%; 10,8%; 9,5%). Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu làm chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn, đồng thời bùng phát trở lại ở một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 7/2020 là nguyên nhân dẫn đến sự phục hồi khó khăn của sản xuất công nghiệp. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử như các hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 23,3%, sản xuất xe có động cơ giảm 14%, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,4%, sản xuất mô tô, xe máy giảm 9,5%,… Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 26,2%, khai thác quặng kim loại tăng 14,4%, sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,3% (sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 10,8%),… có chỉ số sản xuất 8 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước. 

Tại thời điểm đầu tháng 8, việc các doanh nghiệp công nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh đã dẫn đến việc sử dụng lao động giảm 2,9% so với cùng thời điểm năm trước nhưng tăng 1,2% so với tháng trước. Trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,7%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 3,5%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,8%. Cũng tại thời điểm này, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,9% so với cùng thời điểm năm trước, ngành chế biến, chế tạo giảm 3,1%, sản xuất và phân phối điện tăng 0,6%, các ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải giảm 1,1%. Nhưng điều đáng mừng là chỉ số IIP của Việt Nam trong tháng 8 theo ước tính đã tăng 3,5% so với tháng trước và chỉ giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành khai khoáng giảm 5,1%, ngành chế biến, chế tạo giảm 0,1%, ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,7%, ngành cung cấp nước và hoạt động quản lý, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,2%. Sự vượt khó này phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, cùng với đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Để đảm bảo sản xuất công nghiệp có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2020, trong thời gian qua, Bộ Công thương đã ban hành và tập trung tổ chức triển khai quyết liệt việc ứng phó với dịch Covid-19 trên tinh thần rất chủ động, quyết liệt đồng bộ cả trong công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo chung của Ban Chỉ đạo quốc gia và trong công tác triển khai các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ngay từ đầu tháng 6, Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại trong giai đoạn mới chống dịch Covid-19 kèm theo Quyết định số 1457/QĐ-BCT để triển khai thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Đồng thời, trong các tháng cuối năm, Bộ tiếp tục hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng của sản xuất công nghiệp sẽ được triển khai. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong phạm vi thẩm quyền để thúc đẩy tiến độ các dự án ngành điện, điển hình như các dự án Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2. Đồng thời, kiên quyết xử lý đối với các dự án có tiến độ triển khai rất chậm, trì trệ, làm ảnh hưởng đến cung ứng điện, đã xử lý chuyển chủ đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện đảm bảo tiến độ và hiệu quả. Đối với các địa phương, sẽ thực hiện phối hợp phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước, đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Và đặc biệt, để thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, với trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ việc tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường là việc làm cấp thiết và rất quan trọng. Cũng theo đánh giá của Bộ Công thương, việc kiểm soát dịch bệnh thành công của nước ta được coi là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn FDI vào Việt Nam giai đoạn hậu đại dịch. Mở rộng thị trường cũng là nhiệm vụ được xác định là rất cần thiết cho việc tăng cường sự phát triển của sản xuất công nghiệp. Việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8 vừa qua đã mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu các sản phẩm từ sản xuất công nghiệp trong nước. 

Đầu tháng 8, ảnh hưởng do dịch bệnh đã dẫn đến việc sử dụng lao động giảm trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp giảm 2,9% so với cùng thời điểm năm trước nhưng tăng 1,2% so với tháng trước.

Với việc dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 7/2020 vừa qua tại Đà Nẵng và lây lan sang một số địa phương trên cả nước đã gây thêm nhiều khó khăn trong nỗ lực đạt các mục tiêu về kinh tế - xã hội của nước ta. Nhưng trong hoàn cảnh đó, với nhiều biện pháp chủ động, tích cực của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước đã nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì được các hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều này được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao. Và đây được xem động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Từ đó, tạo đà cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ngành tăng trưởng mạnh hơn thời gian tới, nêu cao tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là chống dịch như đánh trận, quyết liệt nhưng phải bình tĩnh, vừa tổ chức phòng, chống dịch bệnh vừa phải bảo đảm phát triển kinh tế.

Nhật Thăng

Theo Tạp chí Tri thức Xanh - Số 29 - 20

Bình luận: 0